Sáng 1 tháng Năm ở Sài Gòn, sát nhà nhờ Đức Bà, trong thì lễ, ngoài thì nhễ nhại mồ hôi đi tuần hành nhắc nhau bảo vệ môi trường.
Nhà nước cho nhân viên công lực đeo bám đoàn tuần hành.
Dân thì vừa đi vừa hô to “Laudato Si’, “Không cần sắt, Cần môi trường”, “Cần tôn trọng con người và thiên nhiên…”, “Trả biển cho dân”, “Dân cần công lý”, “ Nhà nước cần minh bạch”,…
Trong dòng người cuồn cuộn ấy, tôi trông thấy một nữ tu. Chị cũng hô to lắm, hô khản cả cổ. Nội dung hô cũng là để nhắc nhau bảo vệ môi trường. Khi chị hô, có ai đó giơ cao tờ giấy Laudato Si’.
Như vậy, trong lòng của cuộc tuần hành, có những trái tim và lương tri Kitô giáo. Vui thay, có cả một bà sơ đi với kẻ lương người giáo, đi cùng ông già và trẻ nhỏ, đi cùng bố với con, đi cùng người thanh niên Việt.
Vì mải hô to và đồng hành với nhân dân, sơ đã không quay mặt cúi chào tượng Đức Mẹ trước nhà thờ. (Lẽ ra mấy bà sơ thường cung kính trang nghiêm lắm đấy).
Chúng tôi đi xuống phố, sơ theo xuống phố.
Chúng tôi đi ngang phố chợ, sơ cũng băng qua phố chợ.
Chúng tôi bị nhân viên công lực xô đẩy, sơ cũng bị đẩy xô.
Ôi, bà sơ lăn lóc giữa chợ đời và trên con đường Việt Nam, chỉ vì theo dân xuống phố. Lẽ ra sơ được ở trong bốn bức tường tu viện với vườn hoa tươi mát, với nguyện đường tĩnh lặng và tiếng chuông thánh thót giáo đường, trên nóc nhà thờ có tiếng chim hót véo von và trên không có những đám mây bàng bạc.
Mồ hôi nhễ nhại, bàn chân phỏng rộp, sơ không than thở, lại còn an ủi chúng tôi: “Chúng ta cố sống tinh thần của Laudato Si’ chăm sóc ngôi nhà chung do Đức Phanxicô viết năm 2015”.
Có lúc mệt quá phải tạm dừng lại. Sau khi đã lấy lại sức, sơ lại đuổi theo đoàn tuần hành, lúc này đang bị hàng trăm nhân viên công lực gây áp lực phải thôi tuần hành.
Thay vì được được nghe tiếng cầu kinh, thì tai sơ lại phải nghe tới 4 cái loa công an phát hết công suất như thét vào mặt: “Hãy ra về”, “vi phạm pháp luật”, “làm mất cuộc sống yên bình thành phố”…
Ôi chao, bà sơ cũng “phạm luật”! Bà sơ cũng “phá hại cuộc sống thành phố bình yên”.
Không biết khi về lại bốn bức tường tu viện, sơ có bị sao không nhỉ? Có bị viết kiểm điểm không?
Và phương đó (nơi tu viện), sơ có quên giáo dân chúng tôi không, cái buổi sáng Sài gòn, cái thời khắc xúc động gặp gỡ tu sĩ – giáo dân – lương dân giữa lòng thành phố.
Và những lúc nguyện cầu riêng tư hoặc cộng đoàn, sơ có còn nhớ đoàn dân Việt lao đao đi trên đường nóng rát có công an cảnh sát trùng trùng, hằm hằm đeo bám kèm sát nút?
Sơ ơi, lòng chúng con căm giận đủ điều. Giận ông công lực, giận kẻ tham tiền, giận quân xâm lược, giận kẻ đê hèn, giận nhà lãnh đạo.
Sơ ơi, chúng con thấy máu của người biểu tình, lập tức máu nóng động vật của chúng con cũng sôi lên. Xin sơ trong chốn tu trì, hãy nói với cộng đoàn cầu cho những kẻ ngoài đời hãy tự kiềm chế khi bị đánh. Lúc chúng con nóng giận, chúng con phải nhớ tới Thánh Gandi, tới ông Nelson Mandela, tới ông Havel, tới mục sư Luther King… và nhất là phải nhớ tới Đức Giêsu thành Nazaret. Hãy cầu cho kẻ bắt bớ đánh đập các người! Hãy tha thứ tới bảy mươi lần bảy!
Khó quá, nhưng cũng phải nghe thôi. Nhưng sơ cũng cầu cho chúng con đừng chán nản đấu tranh: Chúng con tiếp tục xuống đường bất bạo động, tiếp tục viết facebook, blog, web, trong thông điệp viết lẫn thông điệp miệng để trình bày cho nhà nước tấm lòng của nhân dân Việt Nam là bất khuất, không nô lệ, ghét độc tài, yêu môi trường thiên nhiên và sinh thái con người, không chấp nhận “gia tài của Mẹ để lại cho con là nước Việt buồn” như ca từ trong một bản nhạc của người nhạc sĩ được đặt tên cho “con đường lãng mạn và đẹp nhất thủ đô”.
Đến đây, con không khỏi nhớ đến một quyển sách đã trở nên như kim chỉ nam cho chúng con. Những người đi tu mà yêu nước thương nòi, phục vụ xã hội thì sẽ trở nên “một sự nhắc nhở cho mọi người về những giá trị thánh thiện và tinh thần phục vụ quảng đại cho đồng loại mình. Tự hiến mình hoàn toàn cho việc phục vụ mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại và thế giới, các tu sĩ như thể tham dự trước và minh chứng bằng chính đời sống của mình một số nét đặc trưng của nhân loại mới mà học thuyết xã hội này ra sức khích lệ. Trong tinh thần khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, những người được thánh hiến dấn thân phục vụ với lòng bác ái mục vụ, đặc biệt qua kinh nguyện, và cũng nhờ kinh nguyện, họ chiêm ngưỡng kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới và cầu xin Chúa mở lòng cho hết mọi người biết đón nhận vào trong chính bản thân mình ân huệ làm nên nhân loại mới, mà Đức Kitô trả giá bằng việc hy tế chính mình” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 540).
Nguyễn Ân