Hơn tám mươi ngày trôi qua, kể từ ngày đầu tiên xuất hiện cá chết – ngày khởi đầu cho một thảm hoạ môi trường kinh hoàng trên biển Miền Trung VN – mọi sự vẫn rơi vào yên lặng! Một sự yên lặng khó hiểu diễn tả sự bối rối của nhà chức trách, sự vô cảm của không ít những người vô trách nhiệm, và đặc biệt là sự ấm ức, bức bách của những người bị bịt miệng không được nói, hoặc là lương tâm thôi thúc mạnh mẽ phải lên tiếng, nhưng thật khó để gọi tên, để lý giải vấn đề cách mạch lạc cho tiếng nói công lý đang vang dội trong lòng.
Có lẽ đã đến lúc mọi người phải đặt lại vấn đề cho đúng tầm mức của nó: thảm hoạ cá chết, biển chết ở Miền Trung, đó không phải là một “tai nạn môi trường”, càng không phải là một vấn đề chính trị “tế nhị”, “nhạy cảm”, nhưng là vấn đề về thái độ sống của con người hôm nay, vấn đề về quyền và trách nhiệm của cá nhân cũng như của nhà nước trong việc tham gia xây dựng và phát triển xã hội.
Hơn tám mươi ngày dài, biết bao ý kiến và phương án đã được đưa ra: phải tìm ra sự thật khách quan; phải lên tiếng đồng loạt để tạo sức ép, buộc nhà chức trách phải thực hiện trách nhiệm đúng với chức năng và vai trò của mình; phải hỗ trợ ngư dân đang rơi vào cảnh bế tắc khốn đốn; phải biểu lộ sự quan tâm cho đúng nghĩa con người; phải…; phải…; và phải… Đúng lắm! Nhưng vì sao lại phải???
Cái “phải” trước hết, chạm tới môi trường là chạm đến ngôi nhà chung của nhân loại, chạm đến Mẹ Thiên Nhiên – nguồn sống còn của con người và tất cả những sinh vật chứa trong đó – và đồng nghĩa với việc chạm đến PHẨM GIÁ và những QUYỀN cơ bản của con người: quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được lao động, quyền được hưởng tài sản mang tính phổ quát ( nước, không khí, tài nguyên…).
Chạm đến môi trường là chạm đến CÔNG ÍCH – CÔNG THIỆN của toàn xã hội – nó được hiểu là toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Cụ thể, công ích bao gồm sự dấn thân xây dựng hoà bình; tổ chức các cơ quan quyền lực của quốc gia; xây dựng một hệ thống tư pháp lành mạnh; bảo vệ môi trường và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hết mọi người, mà một trong số đó cũng là các quyền lợi của con người: lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục và tiếp cận văn hoá, chăm sóc sức khoẻ… Bởi đó, công ích – công thiện liên quan đến mọi thành phần trong xã hội, và chạm đến hầu hết các nhu cầu sống của con người. Nên đòi hỏi hướng đến công ích là đáp ứng bản năng cao nhất của con người – nghĩa là những đòi hỏi vốn mang tính tự nhiên, không lệ thuộc vào một sự áp đặt tư tưởng hay ý thức hệ nào cả. Đó là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi con người. Nên không ai được nghĩ rằng mình được miễn trừ trách nhiệm hoặc có thể để người khác làm thay phần cộng tác vào việc thực hiện và phát huy thiện ích chung.
Vậy, thế thì vì sao người ta lại bị chất vấn, bị cản trở khi quan tâm đến các vấn đề xã hội và tham gia vào việc xây dựng công ích? Vì sao lại có bắt bớ, đánh đập, có máu và nước mắt khi người dân thể hiện sự quan tâm đến thảm hoạ môi trường đang xảy ra – một sự kiện không thề xem là nhỏ, khi nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc?
Rõ ràng, trách nhiệm đạt tới công ích không những thuộc về các cá nhân, mà còn là trách nhiệm của nhà chức trách, vì công ích chính là lý do khiến quyền hành chính trị tồn tại.
Cũng không được quên rằng, mỗi quốc gia phải có bổn phận hướng đến sự hợp tác toàn cầu để góp phần xây dựng công ích của toàn thể nhân loại, và đặc biệt là của cả các thế hệ tương lai. Thế nên, chúng ta lo lắng cho vấn đề môi trường hôm nay, là lo cho ngôi nhà chung của cả nhân loại, và lo cho các thế hệ con cháu mai sau. Điều đó phải được trân trọng như một trách nhiệm đối với lịch sử.
Xã hội đòi hỏi sự ra tay của nhà chức trách, đó là một đòi hỏi chính đáng. Bởi mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ – tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển về mặt kinh tế, cơ chế hay pháp lý – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Đó là nguyên tắc BỔ TRỢ để phát triển xã hội.
Một xã hội mà không xây dựng trên nguyên tắc bổ trợ, những cơ cấu thuộc trật tự cao hơn mà không thấy trách nhiệm phải hỗ trợ cho những cơ cấu thuộc trật tự thấp hơn, thì điều ấy là tiền đề cho nạn hạch sách, quan liêu, cửa quyền, và hậu quả tồi tệ là nạn tham nhũng. Đó có phải là tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội VN?
Nguyên tắc bổ trợ cũng phản đối việc nhà nước làm bất cứ điều gì mà thật sự hạn chế không gian sống của các đơn vị xã hội căn bản. Trong ý nghĩa đó, không ai được phế bỏ sáng kiến, tự do và trách nhiệm của các đơn vị căn bản này. Một sự can thiệp quá sâu vào các đơn vị cấp dưới sẽ làm cho các đơn vị ấy tê liệt, non yểu, không thể phát triển. Kiểu như đứa con nhỏ bị cản trở khi tập làm việc vì tất cả “đã có cha mẹ lo”, hay kiểu người ta thường nói: nhân dân không cần tham gia, không cần quan tâm, vì tất cả đã có “đảng và nhà nước lo”! Nếu nghĩ rằng một cá nhân, một tổ chức nào đó không cần THAM GIA vào việc quản lý và phát triển xã hội, vì đã có người khác, tổ chức khác lo, thì đó là cách nghĩ ấu trĩ, không trưởng thành – hoặc đang che đậy, lấp liếm những chuyện khuất tất phía sau.
Sau hết, lên tiếng trước thảm hoạ môi trường biển Miền Trung là thể hiện tính LIÊN ĐỚI xã hội. Bởi không ai có thể sống độc lập mà không có những tương tác với tha nhân và môi trường cả về chiều kích không gian lẫn thời gian . Không ai có thể không khoác lên người, hay không ăn vào những thứ từ bàn tay lao động của người khác. Cũng không ai có thể trưởng thành mà không cần đón nhận những sản phẩm trí tuệ, văn hoá.., đã được để lại từ bao đời trước. Vì thế không thể nói rằng việc của bạn không liên quan gì đến tôi, việc của Miền Trung không liên quan gì đến Miền Nam, Miền Bắc, hay chuyện của thế hệ này chẳng liên quan đến thế hệ sau. Vì thế, liên đới không chỉ là một nguyên tắc xã hội để xây dựng và phát triển cách lành mạnh, mà nó còn là một nguyên tắc luân lý để con người sống xứng hợp với phẩm giá con người. Bởi con vật còn biết quan tâm đến đồng loại, lẽ nào con người lại không rung cảm trước nỗi đau của nhau? Mà đã là nhân đức luân lý, thì không phải vốn sinh ra đã có, nhưng phải được rèn luyện, tu dưỡng.
Chúng ta đang cư xử thế nào với nhau? Lẽ nào chúng ta vẫn an nhiên tự tại vì dường như tất cả đã lắng xuống? Cá không còn chết, hay không còn cá để chết? Cơn nóng sốt đã qua đi và người dân bắt đầu ăn cá trở lại, bất kể nguồn cá đó xuất phát từ đâu và tiềm ẩn nguy cơ chết người nào. Và chừng hai tháng nữa thôi, là có thể xuất xưởng “nước mắm Vũng Áng” được làm từ nguồn cá chết. Biết đâu hằng ngày, bữa cơm của chúng ta đang được nêm nếm bởi nguồn muối từ nước biển độc? Những thai phụ biết chọn gì để ăn? Hãi hùng không khi trẻ thơ trên đất nước này đang được bú mớm, được nuôi dưỡng bởi toàn độc tố! Cá chết, biển chết, kéo theo bao nhiêu cái chết của các nghành nghề liên quan. Người dân VN – dẫu lên tiếng hay an thân nín lặng – cũng chạy đâu cho thoát hiểm hoạ diệt vong?
Chúng ta đang đối diện với một thứ văn hoá ích kỷ, một thứ “văn hoá xả rác” một cách vô trách nhiệm – bao nhiêu thứ rác rưởi đáng kinh tởm và đáng xấu hổ đang đổ dồn lên đầu con cháu đời sau! Chúng ta cũng đang chứng kiến một thứ văn hoá tham lam bất chấp sự an nguy của người khác – kể cả khi sự tham lam đó đang quay lại “gậy ông đập lưng ông”. Càng quyền lực, càng “thế thần”, thì sự ích kỷ, sự xả rác, sự tham càng hung tợn.
Chúng ta đang đối xử tàn tệ với môi trường sống bằng nhiều phương cách. Và chúng ta đang chịu nhiều lệch lạc, mù tối trong hiểu biết và trong đường lối xây dựng xã hội. Nếu không nhìn nhận và không sửa chữa lối sống của mình, e rằng đất nước này không còn kịp nữa!!!
Tịnh Khê