Tại Châu Phi, ĐTC Phanxicô ca ngợi sự hiệp nhất Kitô giáo như là sức mạnh cho hòa bình và liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa bộ lạc

Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby, Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Người điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland Iain Greenshields tại Dinh Tổng thống Juba (Ảnh: Gregorio Borgia/AP)

Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby, Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Người điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland Iain Greenshields tại Dinh Tổng thống Juba (Ảnh: Gregorio Borgia/AP)

JUBA – Trong một trong những sự kiện sau cùng của mình ở Nam Sudan trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự một buổi cầu nguyện đại kết với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác vào thứ Bảy, nhấn mạnh đến việc hợp lực trong việc thúc đẩy hòa bình cũng như các giải pháp cho các vấn đề gây ra sự tê liệt khác của đất nước.

Trò chuyện với các tín hữu đến từ các giáo phái Kitô giáo khác nhau, Đức Thánh Cha nói rằng: “Từ vùng đất thân yêu này, bị tàn phá bởi bạo lực, nhiều lời cầu nguyện giờ đây đã được dâng lên thiên đàng”.

“Nhiều tiếng nói khác nhau đã hợp nhất để tạo thành một tiếng nói duy nhất. Cùng với nhau, với tư cách là dân thánh của Thiên Chúa, chúng ta đã cầu nguyện cho dân tộc này và những đau khổ của nó”, Đức Thánh Cha nói.

Chuyến viếng thăm Juba của Đức Thánh Cha Phanxicô là chặng cuối trong cuộc hành trình gồm hai giai đoạn vốn cũng đã đưa ngài đến Cộng hòa Dân chủ Congo trong nỗ lực an ủi và khuyến khích hai quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

Điểm dừng chân của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Nam Sudan là một chuyến viếng thăm đại kết cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby, và Người điều hành Giáo hội Scotland, Mục sư Iain Greenshields, cả hai đều đã cùng với Đức Thánh Cha gặp gỡ những người di tản trước đó vào hôm thứ Bảy.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã cùng nhau tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu thuộc các Giáo hội Công giáo, Anh giáo và Trưởng lão tại Lăng mộ John Garang của Juba, được đặt theo tên của một chính trị gia người Sudan đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng vào năm 2005, và là người tích cực trong phong trào dẫn đến việc cuối cùng thành lập Nam Sudan với tư cách là một quốc gia cộng hòa độc lập.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện khi nhấn mạnh rằng với tư cách là Kitô hữu, “Cầu nguyện là điều đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta được kêu gọi làm để làm việc thiện và tìm thấy sức mạnh cần thiết để bền bỉ kiên trì trên cuộc hành trình của mình”.

“Cầu nguyện cho chúng ta sức mạnh để tiến tới, để vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta, để thoáng thấy, ngay cả trong bóng tối, ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang chuẩn bị ngay bây giờ. Hơn nữa, lời cầu nguyện mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với mọi người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đặc biệt các nhà lãnh đạo Kitô giáo được kêu gọi không chỉ cùng nhau cầu nguyện, mà còn cầu nguyện thay cho người dân của họ, giống như Môsê đã làm khi ông chạy trốn khỏi quân đội Ai Cập, Đức Thánh Cha nói.

Tại Nam Sudan, lời cầu nguyện này là để Thiên Chúa “can thiệp vào những nơi đàn ông và phụ nữ bất lực trong việc mang lại hòa bình: một lời cầu nguyện kiên trì và liên lỉ”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời kêu gọi các tín hữu hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực cầu nguyện của họ.

“Trong sự đa dạng của các tôn giáo tín ngưỡng của chúng ta, chúng ta hãy cảm thấy được hiệp nhất với nhau, như một gia đình, có trách nhiệm cầu nguyện cho mọi người”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời yêu cầu mọi người cầu nguyện một cách cụ thể để “các điều khoản công bằng sẽ được thực hiện để sử dụng sự phong phú và đất đai màu mỡ, và để đất nước này sẽ được tán thưởng với nền hòa bình đã được hứa hẹn, điều đáng buồn là vẫn chưa xuất hiện”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không chỉ cầu nguyện mà còn cùng nhau hành động vì hòa bình, đồng thời nhấn mạnh rằng Thiên Chúa muốn các Kitô hữu “không chỉ trở thành những dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa mà còn là sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại”.

“Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nỗ lực làm việc không mệt mỏi vì hòa bình mà Thần Khí của Chúa Giêsu và Chúa Cha thúc giục chúng ta xây dựng: một nền hòa bình hội nhập sự đa dạng và thúc đẩy sự hiệp nhất trong sự đa dạng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Hòa bình đích thực, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “hòa hợp những khác biệt, trong khi tinh thần thù địch với Thiên Chúa và nhân loại lợi dụng sự đa dạng như một phương tiện gây ra sự chia rẽ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các Kitô hữu về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh rằng “những người tự gọi mình là Kitô hữu phải chọn đứng về phía nào”.

“Những ai chọn Chúa Kitô, luôn luôn chọn hòa bình; những người gây ra chiến tranh và bạo lực phản bội Thiên Chúa và phủ nhận Tin Mừng của Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Điều Chúa Giêsu dạy chúng ta quả thực hết sức rõ ràng: chúng ta phải yêu thương hết thảy mọi người, vì tất cả mọi người đều được yêu thương như con cái của Cha chung của chúng ta trên trời”.

Tình yêu Kitô giáo phải mở rộng không chỉ cho bạn bè và những người thân thiết, mà còn cho cả kẻ thù của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và đồng thời cũng nhấn mạnh rằng điều này càng đúng hơn đối với “những người là thành viên của cùng một dân tộc, bất chấp việc thuộc về các nhóm sắc tộc khác nhau”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn các cộng đồng Kitô hữu khác nhau đã tham gia vào tiến trình hòa bình và hòa giải, ngài nói: “Trước bất kỳ sự chia rẽ lịch sử nào, vẫn có một sự thật không thay đổi, đó là chúng ta là Kitô hữu; chúng ta thuộc về Chúa Kitô”.

“Thật là một điều tuyệt vời, giữa những tình huống xung đột nghiêm trọng, những người tuyên xưng đức tin Kitô giáo chưa bao giờ chia rẽ dân tộc mà đã, đang và tiếp tục là một nhân tố của sự hiệp nhất”, Đức Thánh Cha nói.

Lịch sử về sự hợp tác giữa các cộng đồng Kitô giáo của Nam Sudan là một ví dụ cho sự tiến bộ của sự hiệp nhất Kitô giáo, Đức Thánh Cha nói, cũng như một phương thuốc cho chủ nghĩa bộ lạc.

“Sự chia rẽ trong Giáo hội của các thế kỷ trước không nên có bất kỳ tác động nào đối với những người đang được truyền bá Phúc Âm, và việc truyền bá Tin Mừng phải góp phần vào sự phát triển của sự hiệp nhất lớn hơn”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời yêu cầu rằng “chủ nghĩa bộ lạc và tinh thần đảng phái vốn thúc đẩy các hành vi bạo lực ở đất nước này không làm suy yếu mối quan hệ giữa các giáo phái đức tin khác nhau”.

“Ngược lại, ước gì chứng tá về sự hiệp nhất giữa các tín hữu tràn ngập toàn thể dân chúng nói chung”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau nỗ lực làm việc vì người nghèo, những người chiếm phần lớn dân số khoảng 11 triệu người của Nam Sudan, khi nói rằng, “chúng ta tiến tới sự hiệp nhất khi tình yêu phải là điều gì đó cụ thể, khi chúng ta tham gia giúp đỡ những người bị ruồng bỏ, những người bị tổn thương và những người bị tước quyền”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi những đóng góp của các cộng đồng Kitô giáo khác nhau của đất nước đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hoạt động từ thiện bác ái.

“Chúng ta hãy lên đường mỗi ngày bằng cách cầu nguyện cho nhau, cùng nhau trở thành những chứng nhân và trung gian cho sự bình an của Chúa Giêsu, và bằng cách kiên trì trên cùng một cuộc hành trình bằng những hành động bác ái và hiệp nhất thiết thực của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết