Sau vụ bắt giữ Đức Hồng y Zen, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho ‘sự tự do và yên bình’ của các tín hữu Công giáo Trung Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 18 tháng 5 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 18 tháng 5 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Hôm Chúa nhật ngày 22 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới cùng hiệp ý cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để 12 triệu tín hữu Công giáo nơi đây có thể sống “trong sự tự do và yên bình” và “hiệp thông hữu hiệu với Giáo hội hoàn vũ”.

“Tôi hết sức chú tâm và tích cực theo dõi cuộc sống và các tình huống thường phức tạp của các tín hữu và các Mục tử, và tôi cầu nguyện cho họ mỗi ngày”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một thông điệp nhân dịp Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu được cử hành vào ngày 24 tháng 5.

Đề cập đến dịp Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Đức Thánh Cha nói, “Dịp lễ vui mừng này cho tôi cơ hội để một lần nữa đảm bảo với họ về sự gần gũi thiêng liêng của tôi” với các tín hữu tại Trung Quốc”.

Đức Mẹ Xà Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc

Đức Mẹ Xà Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc

Dịp lễ này đặc biệt được người Công giáo Trung Quốc yêu mến và thường được biết đến với tên gọi là Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan), người thường được gọi là “Đấng bảo vệ Trung Quốc”. Một bức tượng Đức Mẹ nổi tiếng được đặt trên đỉnh nhà thờ tại Đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn, nằm ở ngoại ô Thượng Hải. Bức tượng cho thấy Đức Mẹ đang ôm Chúa Giêsu Hài Đồng trên đầu để cả thế giới có thể chiêm ngắm. Kể từ năm 1873, khi lần đầu tiên bức tượng Đức Mẹ Xà Sơn được đặt ở đó, bức tượng đã thu hút hàng triệu khách hành hương từ khắp Trung Quốc, đặc biệt là trong tháng Năm.

Trong một nỗ lực nhằm hợp nhất Giáo hội hoàn vũ chặt chẽ hơn với Giáo hội ở Trung Quốc, trong Thư gửi các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc năm 2007, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã đưa ra sắc lệnh quy định rằng ngày 24 tháng 5 sẽ được cử hành trên toàn thế giới là “ngày cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tích cực tìm cách ngăn cản các tín hữu Công giáo ở đại lục tham gia các cuộc hành hương đến Xà Sơn và cử hành dịp lễ này công khai ở những nơi khác.

Phát biểu trước 25.000 tín hữu Rôma và những người hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô vào trưa hôm Chúa nhật ngày 22 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi các Kitô hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc.

“Tôi mời gọi tất cả anh chị em cùng hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện này để Giáo hội ở Trung Quốc, trong sự tự do và bình ổn, có thể sống trong sự hiệp thông hữu hiệu với Giáo hội hoàn vũ, và có thể thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người, và do đó mang lại một sự đóng góp tích cực cho sự tiến bộ tinh thần và vật chất của xã hội”.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến “cuộc sống và các tình huống thường phức tạp của các tín hữu và các Mục tử” và lời kêu gọi cầu nguyện để các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc có thể sống trong “sự tự do và bình ổn” và “trong sự hiệp thông hữu hiệu với Giáo hội hoàn vũ” đã được lựa chọn một cách cẩn trọng, vì một số yếu tố làm cho tình hình của Giáo hội ở Trung Quốc ngày nay trở nên khó khăn. Các Giám mục và Linh mục ở Trung Quốc không thể tự do đi lại di chuyển đến Rôma hoặc đến các quốc gia khác để gặp gỡ các huynh đệ Giám mục Công giáo của họ hoặc Đức Giáo hoàng, hoặc tham gia các hội nghị quốc tế. Các tín hữu Công giáo Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế do chính phủ áp đặt đối với việc thực hành đức tin, và các Giám mục như Đức Giám mục Giuse Trương Duy Trụ (Joseph Zhang Weizhu) của Giáo phận Tân Hương đã bị chính quyền Trung Quốc sách nhiễu và đôi khi bị giam giữ. Cuộc đàn áp gần đây đã mở rộng đến Hồng Kông với vụ bắt giữ Đức Hồng y Joseph Zen vào đầu tháng này, người đã bị giam giữ trong vài giờ nhưng sau đó đã được tại ngoại.

Cuộc đàn áp tôn giáo này trái ngược với những hy vọng và kỳ vọng trước đó, tại Vatican và trong Giáo hội ở Trung Quốc, về những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa chính quyền cộng sản và Giáo hội ở Trung Quốc khi Đức Thánh Cha Phanxicô nỗ lực tiếp cận với chính quyền ở Bắc Kinh sau khi đắc cử Giáo hoàng vào năm 2013. Tuy nhiên, các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực hành đức tin của họ do cuộc đàn áp tôn giáo được thực hiện dưới chế độ cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tất cả những điều này, bất chấp thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám mục mà Vatican đã ký với Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2018, kéo dài cho đến tháng 10 năm sau.

Cuộc đàn áp bao gồm việc thực thi nghiêm ngặt các quy định ở một số khu vực của đại lục cấm bất kỳ ai dưới 18 tuổi đến nhà thờ hoặc tham dự các dịch vụ tôn giáo khác, tiếp nhận giáo dục tôn giáo hoặc tham gia các lớp Giáo lý, hoặc tham dự bất kỳ hình thức sự kiện tôn giáo nào. Các quy định áp dụng hình phạt nặng cho bất kỳ ai không tuân thủ. Điều này có nghĩa là các bậc cha mẹ đưa con cái đến nhà thờ hoặc đến các lớp học tôn giáo hoặc đến bất kỳ sự kiện liên quan đến tôn giáo nào khác sẽ bị xử phạt, cũng như những người trẻ tuổi tham dự bất kỳ sự kiện tôn giáo nào.

Sự cấm đoán cụ thể này ảnh hưởng đến tương lai của Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô giáo khác, cũng như các tôn giáo khác. Đó là một vấn đề hết sức bận tâm đối với các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc đại lục, những người coi đây là một nỗ lực của chính quyền cộng sản nhằm ngăn cản những người trẻ tuổi được giáo dục hoặc trưởng thành trong đức tin. Đây cũng là một vấn đề được quan tâm một cách đặc biệt đối với Vatican, vốn đã nêu vấn đề này với các nhà chức trách Trung Quốc.
Lời kêu gọi cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc và thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các tín hữu Công giáo Trung Quốc nhân dịp lễ Đức Mẹ Xà Sơn có thể được hiểu trong bối cảnh rộng lớn này.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết