R. Buttiglione phê bình những "người khôn ngoan" không hiểu Amoris Laetitia

Gần hai tháng kể từ cuộc trả lời phỏng vấn của Vatican Insider, triết gia Công giáo trở lại đề tài này để trả lời sự phản đối của một số nhà thần học đối với Tông huấn của Đức Thánh Cha

Rocco Buttiglior

Rocco Buttiglior

Vào ngày 30 tháng Năm, triết gia Công giáo Rocco Buttiglione, trong một cuộc phỏng vấn với Vatican Insider, đã giải thích lý do tại sao Tông huấn Amoris Laetitia về hôn nhân và gia đình, bao gồm cả những bước có thể có trên tiến trình cho những người ly dị tái hôn rước lễ – sau sự phân định cẩn thận chứ không có một chút gì là tự động – không phải là một sự đoạn tục với truyền thống trước đây, mà là một sự tiến triển. Bây giờ, gần hai tháng kể từ lần đầu tiên nêu lập trường ấy, giáo sư Buttiglione quay trở lại với đề tài này, sau khi cuộc tranh luận về Tông huấn đã tiến triển hơn nhiều. Ông trình bày quan điểm trên một tờ báo của Vatican, với một bài phát biểu có chữ ký của ông.

“Tôi nhớ đã xem, từ rất lâu – triết gia bắt đầu – một phim hoạt hình của một tờ báo tiếng Pháp, tôi nghĩ là “L’Aube”. Một số lượng lớn các nhà thần học, mỗi người trên ngọn đồi của mình, hướng tầm nhìn về đường chân trời trong cuộc tìm kiếm Đức Kitô. Tuy nhiên, ở thung lũng thấp, các trẻ em của Chúa Giêsu tìm thấy Người. Người nắm tay chúng và họ đi bộ với nhau giữa các nhà thần học, những người không nhận ra Người. Các nhà thần học phóng tầm nhìn thật xa, nhưng Người thì đang ở gần bên, ở giữa họ.”

“Bộ phim thần học từ nhiều năm trước đã lại trở về trong tâm trí tôi khi tôi đọc một số bài bình luận về Amoris Laetitia và, nói chung, về chức vụ giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Fidei sensus của dân Kitô giáo ngay lập tức nhận ra ngài và đi theo ngài. Một số học giả, tuy nhiên, đang gặp khó khăn để hiểu ngài, họ chỉ trích ngài, họ đặt ngài đối nghịch với truyền thống của Giáo Hội và đặc biệt là với người tiền nhiệm vĩ đại của ngài, Thánh Gioan Phaolô II. Họ có vẻ bối rối vì sự kiện là họ không đọc thấy trong bản văn của ngài sự xác nhận lý thuyết của họ và họ không muốn ra khỏi các lược đồ tư duy của họ để lắng nghe sự mới lạ tuyệt vời của thông điệp của ngài. Tin Mừng thì luôn luôn mới và luôn luôn cũ. Chính vì lý do đó, nó không bao giờ lạc hậu.”

“Chúng ta sẽ cố gắng đọc – Buttiglione tiếp tục – phần gây tranh cãi nhất của Amoris Laetitia, với con mắt của một đứa trẻ. Phần gây tranh cãi nhất là phần trong đó Đức Giáo Hoàng nói rằng, với một số điều kiện và trong một số trường hợp, một số người ly dị tái hôn có thể rước lễ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi học giáo lý rước lễ lần đầu. Đó là giáo lý của một Đức Giáo Hoàng chắc chắn chống lại chủ nghĩa hiện đại: Thánh Piô X. Tôi nhớ ngài đã giải thích rằng để được rước lễ, linh hồn phải sạch tội trọng. Ngài cũng giải thích tội trọng là gì. Để là một tội trọng, cần có ba điều kiện. Phải có một hành động xấu, trái nghịch nghiêm trọng với luật luân lý: một chất liệu nghiêm trọng. Các quan hệ tình dục ngoài hôn nhân chắc chắn là trái với luật luân lý một cách nghiêm trọng. Đó là trước Amoris Laetitia, nay vẫn tiếp tục như vậy trong Amoris Laetitia và tất nhiên cả sau Amoris Laetitia nữa. Đức Giáo Hoàng không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội.

“Thánh Piô X, tuy nhiên, nói với chúng ta nhiều hơn thế. Để là một tội trọng – giáo sư lưu ý – cần hai điều kiện khác nữa, ngoài chất liệu nghiêm trọng. Cần thiết phải có nhận thức đầy đủ về sự gian ác của hành vi được thực hiện. Nhận thức đầy đủ có nghĩa là chủ thể phải được thuyết phục trong lương tâm về sự gian ác của hành vi. Nếu người đó được thuyết phục trong lương tâm rằng hành vi không phải là gian ác (một cách nghiêm trọng), thì hành vi sẽ là xấu về mặt chất liệu nhưng sẽ không thể được quy là một tội trọng. Ngoài ra, chủ thể phải thực hiện hành vi gian ác đó với sự đồng ý có tự do của mình. Điều này có nghĩa rằng tội nhân được tự do hành động hoặc không hành động: người ấy được tự do hành động theo cách này hay cách khác, và không phải là ở trong tình trạng sợ hãi hay lo sợ rằng anh ta bị buộc phải làm điều gì đó mà anh ta không muốn làm.”

“Chúng ta có thể tưởng tượng các tình huống trong đó một người đã ly dị tái hôn phải sống một tình huống lỗi nghiêm trọng mà không nhận thức đầy đủ và không cố tình không? Một người đã được rửa tội nhưng chưa bao giờ thực sự được Tin Mừng hóa, người ấy kết hôn một cách hời hợt, sau đó bị bỏ rơi. Rồi người ấy làm đám cưới với một người đã giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn, đã yêu mình chân thành, đã trở thành một người cha tốt hay một người mẹ tốt cho những đứa con từ cuộc hôn nhân đầu tiên của mình.”

“Có thể đề nghị người đó sống chung với người phối ngẫu như anh trai và em gái – Buttiglione viết tiếp – nhưng người đó sẽ phải làm gì nếu người kia không đồng ý? Tại một số thời điểm trong cuộc sống khó khăn của mình, người đó gặp được vẻ quyến rũ của đức tin, lần đầu tiên được Tin Mừng hóa đích thực. Có lẽ cuộc hôn nhân đầu tiên là không thực sự tốt, nhưng không có khả năng tiếp cận một tòa án giáo hội hoặc cung cấp những bằng chứng về tình trạng vô hiệu. Chúng ta không tiếp tục hơn nữa với các ví dụ bởi vì chúng ta không muốn đi vào một chuỗi vô hạn các nố xuất hiện trong thực tế.”

Amoris Laetitia nói gì với chúng ta trong các trường hợp như vậy? Có lẽ sẽ rất tốt nếu bắt đầu với những gì Tông huấn không nói. Tông huấn không nói rằng những người ly dị tái hôn có thể rước lễ một cách thoải mái. Đức Thánh Cha mời gọi những người ly dị tái hôn bắt đầu (hoặc tiếp tục) một hành trình hoán cải. Ngài mời gọi họ chất vấn lương tâm của họ và làm điều đó với sự hỗ trợ của một vị hướng dẫn tâm linh. Ngài mời gọi họ đi xưng tội để trình bày tình trạng của họ. Ngài mời các hối nhân và các cha giải tội bắt đầu một tiến trình phân định tâm linh. Tông huấn không nói đến mức độ nào trong tiến trình đó, họ sẽ nhận được ơn xá giải và được rước lễ. Tông huấn không nói điều đó bởi vì các tình huống và hoàn cảnh của con người là quá bao la.”

Con đường mà Đức Giáo Hoàng đưa ra cho những người ly dị tái hôn – Buttiglione ghi nhận – “chính xác cũng là con đường mà Giáo Hội đề nghị cho tất cả những người tội lỗi: anh hãy đi xưng tội và cha giải tội của anh, sau khi đánh giá tất cả các trường hợp, sẽ quyết định xem có nên ban ơn xá giải cho anh và cho phép anh rước lễ hay không. Việc hối nhân sống trong một tình trạng tội trọng khách quan, trừ trường hợp cuộc hôn nhân vô hiệu, là chắc chắn. Nhưng việc anh ta mangg trách nhiệm chủ quan về tội, thì cần phải xem xét. Vì thế, anh ta đi xưng tội.

Một số người cho rằng khi nói những điều ấy, Buttiglione nhắc nhớ, “Đức Giáo Hoàng mâu thuẫn với cuộc chiến đấu vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II chống lại chủ nghĩa duy chủ quan trong đạo đức. Thông điệp Veritatis Splendor được dành riêng cho trận chiến này. Chủ nghĩa duy chủ quan trong đạo đức nói rằng sự tốt lành hay sự gian ác của các hành vi con người phụ thuộc vào ý định của người thực hiện các hành vi đó. Điều duy nhất trên thế giới là tốt trong chính nó, đối với chủ nghĩa duy chủ quan trong đạo đức, chính là thiện chí. Để đánh giá một hành động, do đó, chúng ta phải xem xét các hậu quả mà những người thực hiện nó mong muốn. Mỗi hành động có thể là tốt hay xấu, theo quan điểm đạo đức này, là tùy vào những hoàn cảnh xung quanh nó. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sự hòa hợp hoàn hảo với vị tiền nhiệm vĩ đại của mình, nói cho chúng ta biết rằng một số hành động tự thân là xấu (ví dụ, ngoại tình), bất kể những hoàn cảnh xung quanh, và cũng bất kể những ý định của người thực hiện.”

“Tuy nhiên, Thánh Gioan Phaolô II – nhà triết học cho biết trong bài phát biểu của ông trên tờ L’Osservatore Romano – không bao giờ nghi ngờ rằng những tình huống ảnh hưởng trên sự thẩm định luân lý của người thực hiện một hành động, sẽ làm cho hành động khách quan là xấu mà người đó thực hiện, trở nên tội lỗi nhiều hơn hay ít đi. Không có hoàn cảnh nào có thể làm thành ra tốt lành một hành động tự bản chất là xấu xa, nhưng hoàn cảnh có thể làm tăng hoặc giảm trách nhiệm đạo đức của người thực hiện hành động đó. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với chúng ta điều đó trong Amoris Laetitia. Vậy, trong Amoris Laetitia không có chút gì là luân lý tùy hoàn cảnh, nhưng là sự quân bình Tô-mít cổ điển, vốn phân biệt phán đoán về sự kiện với phán đoán về người thực hiện, trong đó, các hoàn cảnh giảm khinh hay miễn trách nhiệm, được lượng giá.”

“Các nhà phê bình khác – Buttiglione viết – trực tiếp đặt Familiaris Consortio (số 84) đối nghịch với Amoris Laetitia (số 305, với cước chú nổi tiếng 351). Thánh Gioan Phaolô II nói rằng những người ly dị tái hôn không thể rước lễ, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng điều đó có thể được trong một số trường hợp. Vậy đây không phải là một mâu thuẫn! Nhưng chúng ta cố gắng đọc văn bản cách sâu sắc hơn. Ngày xưa những người ly dị tái hôn bị vạ tuyệt thông và bị loại trừ ra khỏi đời sống của Giáo Hội. Với Bộ Giáo luật mới và với Familiaris Consortio, vạ tuyệt thông được gỡ bỏ và họ được khuyến khích tham gia vào đời sống của Giáo Hội và giáo dục con cái của họ theo đường lối Kitô giáo. Đó đã là một quyết định cực kỳ dũng cảm, cắt đứt với một truyền thống nhiều thế kỷ. Familiaris Consortio, tuy nhiên, nói với chúng ta rằng những người ly dị tái hôn không thể lãnh nhận các bí tích. Lý do là họ sống trong một điều kiện tội lỗi công khai và chúng ta phải tránh gây cớ vấp phạm. Những lý do ấy rất mạnh mẽ, đến nỗi có vẻ là vô ích việc minh xác bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào.”

“Bây giờ Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta – triết gia ghi nhận – rằng việc minh xác đó là đáng được thực hiện. Tất cả sự khác biệt giữa Familiaris ConsortioAmoris Laetitia là ở đây. Không nghi ngờ gì sự kiện những người ly dị tái hôn đang ở, một cách khách quan, trong điều kiện tội trọng; Đức Thánh Cha Phanxicô không cho phép họ rước lễ, nhưng giống như tất cả những người tội lỗi, ngài cho phép họ đến tòa xưng tội. Ở đó, họ sẽ trình bày những hoàn cảnh có thể giảm khinh và họ sẽ được nghe nói cho biết liệu họ có được lãnh nhận ơn xá giải hay không và với những điều kiện gì.

“Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn đã không nói y như nhau nhưng cũng không mâu thuẫn nhau về thần học hôn nhân. Trái lại, các ngài sử dụng, theo nhiều cách khác nhau và trong các tình huống khác nhau, quyền bính ràng buộc và tháo cởi mà Thiên Chúa đã trao phó cho người kế vị Thánh Phêrô. Để hiểu rõ hơn về điểm này, chúng ta hãy tự hỏi mình như sau: có hay không sự mâu thuẫn giữa các Đức Giáo Hoàng đã rút phép thông những người ly dị tái hôn, và Thánh Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã gỡ bỏ vạ tuyệt thông đó?”.

Các Đức Giáo Hoàng trước kia – Buttiglione nói – “vẫn luôn biết rằng một số người ly dị tái hôn có thể ở trong ân sủng của Thiên Chúa vì những hoàn cảnh giảm nhẹ khác nhau. Các ngài biết rõ rằng vị thẩm phán tối hậu chỉ là một mình Thiên Chúa. Nhưng các ngài khăng khăng đòi vạ tuyệt thông là để tăng cường trong lương tâm của dân chúng về sự thật bất khả phân ly của hôn nhân. Đó là một chiến lược mục vụ hợp pháp trong một xã hội thuần nhất như của các thế kỷ trước kia. Việc ly hôn khi ấy là một sự kiện ngoại thường, những người ly dị tái hôn là số ít, và người ta đã loại trừ một cách đau đớn khỏi bí tích Thánh Thể ngay cả những người trong thực tế vẫn có thể rước lễ nếu đức tin của dân chúng được bảo vệ.”

Tuy nhiên, ngày nay, ly hôn là một hiện tượng đại chúng và “đe dọa kéo theo với nó một đống những hệ lụy nếu trong thực tế những người ly dị tái hôn rời Giáo Hội và không còn cung cấp cho con cái của họ một nền giáo dục Kitô giáo nữa. Xã hội không còn đồng nhất, nó đã trở thành một khối chất lỏng. Số người đã ly hôn là rất lớn và rõ ràng là càng ngày càng có nhiều người ở vào một tình trạng “bất thường” mà có thể vẫn được ở trong ân sủng của Thiên Chúa về phương diện chủ quan. Cần triển khai một chiến lược mục vụ mới. Vì thế, các Đức Giáo Hoàng đã thay đổi không phải luật của Thiên Chúa, nhưng là những luật lệ của con người đi kèm với luật ấy, vì Giáo Hội là một cơ cấu của con người và hữu hình.

“Quy định mới gây vấn đề và có những rủi ro?” – nhà triết học, bạn hữu và cộng tác viên của Thánh Gioan Phaolô II, tự hỏi. “Chắc chắn rồi – ông trả lời. Há không có nguy cơ là một số người, theo một cách thức phạm thánh, rước lễ mà không ở trong tình trạng ân sủng, sao? Nếu họ làm điều đó, họ sẽ ăn và uống án phạt họ. Nhưng các quy tắc cũ há cũng lại không kéo theo rủi ro ư? Há không có nguy cơ một số (hoặc nhiều) người bị hư mất vì không có một sự hỗ trợ bí tích mà họ đáng được hưởng? Trách nhiệm của hội đồng giám mục ở từng quốc gia, của mỗi giám mục và cuối cùng của mỗi cá nhân tín hữu, là làm sao có các biện pháp thích hợp để tối đa hóa lợi ích của hướng mục vụ này và giảm thiểu các rủi ro liên quan. Dụ ngôn những nén bạc dạy chúng ta phải chấp nhận rủi ro vì tin tưởng vào lòng thương xót“.

Andrea Tornielli (Vatican Insider)

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube