"Amoris Laetitia": Thay đổi cách nhìn để thấy ân sủng trong sự bất toàn

Tông huấn mới của Đức Phanxicô: một sự thay đổi tận căn để nhìn thấy ân sủng trong sự bất toàn mà không sợ nhầm lẫn về đạo đức.

amoris 1

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các giáo sĩ Công giáo trên thế giới hãy để cho cuộc sống của họ trở nên “tuyệt vời phong phú” bằng cách chấp nhận ân sủng của Thiên Chúa hoạt động, trong các tình huống khó khăn và đôi khi không theo quy ước, mà các gia đình và các cuộc hôn nhân phải đối mặt – thậm chí có nguy cơ bị các quy tắc đạo lý che khuất.

Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi các giám mục và các linh mục trên toàn cầu đừng vội lo ngại về rủi ro nhầm lẫn đạo đức, khi nói rằng họ phải tránh xu hướng của một “nền luân lý quan liêu lạnh lùng” và tránh đánh giá tình trạng đạo đức của người ta dựa trên các quy tắc cứng nhắc.

Trong một tài liệu đáng lưu tâm và có lẽ sẽ được tranh luận sôi nổi, liên quan đến giáo huấn của Hội thánh về cuộc sống gia đình, Đức Phanxicô nói rằng các giám mục và các linh mục Công giáo không còn có thể đưa ra những quyết định luân lý bao quát về cái gọi là những tình huống “bất thường” như ly dị và tái hôn.

Viết trong Tông huấn mới mang tên Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu), Đức Thánh Cha mạnh mẽ ủng hộ các giá trị của hôn nhân Kitô giáo truyền thống, suốt đời chung thủy, nhưng ngài cũng trân trọng đề cập gần như tất cả các mô hình của cuộc sống gia đình.

Ngài cũng liên tục yêu cầu các mục tử trong Hội thánh thay đổi từ các mô hình giáo huấn tập trung vào sự lặp đi lặp lại giáo lý, đến chỗ đề cao lòng từ bi thương xót và sự hiểu biết về những cuộc chiến đấu mà anh chị em giáo dân phải đối diện hằng ngày, và phải làm thế nào để họ có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa trong sâu thẳm lương tâm của mình.

“Đó … có thể là không còn được nói cách đơn giản rằng bất cứ ai ở trong bất kỳ tình huống “bất hợp luật” nào, cũng đều đang sống trong tình trạng tội trọng và đang bị mất ơn thánh”, tuyên bố của Đức Giáo hoàng trong Tông huấn, phát hành ở Vatican thứ Sáu vừa qua.

“Thật là hời hợt đơn giản hóa quá đáng, khi chỉ xét hành động của một cá nhân xem có tương ứng hay không với một luật hoặc quy tắc chung, bởi vì điều ấy không đủ để nhận biết và đảm bảo sự trung thực đầy đủ với Thiên Chúa trong đời sống cụ thể của một con người,” Đức Giáo Hoàng viết tiếp.

“Sự biện phân phải giúp tìm ra những cách lối khả dĩ ứng đáp với Thiên Chúa và tiến triển ở giữa các giới hạn”, Đức Thánh Cha nói. “Bằng cách suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ là đen và trắng rạch ròi, đôi khi chúng ta đóng kín con đường của ân sủng và tăng trưởng, và ngăn cản đường đi của ơn thánh hóa, vốn là thực tại đem lại vinh quang cho Thiên Chúa.”

Trước đó, vẫn trong Tông huấn, Đức Thánh Cha thừa nhận rằng cách Giáo hội trình bày, trong quá khứ, giáo huấn của mình về đời sống gia đình, đã không dành đủ chỗ cho các cá nhân có thể đưa ra quyết định phù hợp về cuộc sống riêng của họ.

“Từ lâu chúng ta vẫn nghĩ rằng chỉ đơn giản nhấn mạnh các vấn đề giáo lý, đạo đức sinh học và luân lý, chứ không phải là khuyến khích sự cởi mở với ân sủng, là chúng ta đã cung cấp đầy đủ sự hỗ trợ cho các gia đình, tăng cường sự liên kết hôn nhân và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống hôn nhân,” Đức Phanxicô viết.

“Chúng ta gặp khó khăn khi trình bày hôn nhân là một con đường năng động để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn là một gánh nặng phải mang suốt đời,” Đức Thánh Cha tiếp tục.

“Chúng ta cũng cảm thấy khó nhường chỗ cho lương tâm của các tín hữu, thường là thực tại giúp họ đáp ứng một cách tốt nhất có thể đối với Tin Mừng trong những giới hạn của họ, và có khả năng thực hiện sự biện phân trong các tình huống phức tạp,” Đức Giáo hoàng nói. “Chúng ta đã được kêu gọi để đào tạo các lương tâm, chứ không phải để thay thế chúng.”

Đó là kiểu nói tràn ngập trong Tông huấn dài hơn 260 trang, công khai tái lượng giá những cách thức Hội thánh tiếp cận và xem xét các gia đình trên toàn thế giới.

Bắt đầu với việc chú giải sống động và sâu sắc cả Cựu Ước lẫn Tân Ước liên quan đến cuộc sống gia đình, Tông huấn tiếp tục bằng việc bàn về một loạt các vấn đề, trước hết là nói về các cuộc đấu tranh mà các gia đình trên toàn thế giới phải đối mặt, và sau đó đề nghị các ứng đáp mục vụ.

Đức Phanxicô hiếm khi cung cấp hướng dẫn rõ ràng về cách các giáo sĩ nên làm để đáp ứng với những tình huống cụ thể, thay vào đó, là những suy tư hoặc những lời khuyên tổng quát và cho phép các cá nhân xác định những gì có thể thích hợp.

Đức Thánh Cha nói rằng Giáo hội cần phải “khiêm tốn và thực tế, thừa nhận rằng đôi khi cách chúng ta trình bày niềm tin Kitô giáo và đối xử với người khác, đã góp phần tạo nên tình trạng có vấn đề của ngày hôm nay.”

“Chúng ta cần một liều thuốc tự phê bình lành mạnh”, Đức Giáo hoàng tuyên bố. “Thỉnh thoảng chúng ta cũng đã đề xuất một lý tưởng thần học quá trừu tượng và gần như giả tạo về hôn nhân, xa khỏi những tình huống cụ thể và khả năng thực tế của các gia đình thực sự.

“Sự lý tưởng hóa quá mức đó, đặc biệt là khi chúng ta thất bại trong việc truyền tải lòng tin vào ân sủng của Thiên Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân trở nên hấp dẫn hơn và đáng mong ước hơn, mà hoàn toàn ngược lại,” ngài tiếp tục.

“Chúng ta đã thường xuyên ở vào thế phòng thủ, lãng phí năng lượng mục vụ vào việc tố cáo một thế giới suy đồi mà không chủ động trong việc đề xuất những cách tìm kiếm hạnh phúc thật sự,” Đức Phanxicô nói tiếp.

“Nhiều người cảm thấy thông điệp của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình không phản ánh rõ ràng lời rao giảng và thái độ của Chúa Giêsu, Đấng đưa ra một yêu cầu lý tưởng chưa bao giờ thất bại trong việc thể hiện lòng từ bi và sự gần gũi cho sự yếu đuối của các cá nhân,” ngài tiếp tục.

Amoris Laetitia, được chờ đợi từ nhiều tháng, là Tông huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đúc kết hai Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình, họp tại Vatican năm 2014 và 2015. Tông huấn đã trích dẫn nhiều đề nghị của hai Thượng hội đồng đó, kèm thêm những suy tư và cân nhắc riêng của Đức Giáo hoàng.

Tông huấn gồm 325 số chia thành 9 chương, trích dẫn rộng rãi các Đức Giáo hoàng tiền nhiệm, các tài liệu Công đồng Vatican II, các Hội đồng Giám mục địa phương, Thánh Tôma Aquinô nhà thần học thế kỷ thứ 13, và thậm chí cả mục sư Tin Lành Martin Luther King, Jr.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là tác giả được trích dẫn nhiều nhất, với hơn 40 trích dẫn; Thánh Tôma Aquinô được trích dẫn ít là 12 lần.

‘Lòng thương xót Mục vụ’ dành cho những người ly dị và tái hôn

Đức Phanxicô dành toàn bộ chương 8 của Tông huấn để suy tư về việc Giáo hội cần phải đối xử như thế nào đối với những người Công giáo đã ly dị và tái hôn, mà không cần hủy bỏ hôn ước đầu tiên. Với cách thực hành của Hội thánh trong quá khứ, những người đó bị cấm rước lễ.

Đức Giáo Hoàng không đặc biệt ban hành một luật mới hoặc quy định cho phép người Công Giáo tái hôn có thể rước Thánh Thể, nhưng ngài đã thay đổi đáng kể lập trường của Giáo hội đối với họ. Giống như tài liệu chung kết Thượng Hội Đồng 2015, Đức Thánh Cha kêu gọi “sự biện phân mục vụ” theo các tình huống cá nhân.

Ngài cũng đề xuất điều mà ngài gọi là “logic của lòng thương xót mục vụ” trong việc mục vụ với người tái hôn.

Trích dẫn Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô đề cao khái niệm “tính tiệm tiến”, tức là những người Công giáo đôi khi có thể tăng trưởng tiệm tiến trong việc tuân thủ hoặc hiểu biết về giáo lý Hội Thánh trải dài suốt cuộc đời của họ.

“Đây không phải là một “sự tiệm tiến của luật” mà là một sự tiệm tiến trong sự thực hành thận trọng của các hành vi tự do liên quan đến các đối tượng không ở một vị thế đủ để hiểu biết, tôn trọng, hoặc thực hiện đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật”, Đức Giáo Hoàng xác định. “Vì luật chính là một món quà của Thiên Chúa đưa ra các cách hành động, một món quà cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ.”

“Không ai có thể bị kết án mãi mãi, vì đó không phải là logic của Tin Mừng!” Đức Thánh Cha nói. “Ở đây tôi không chỉ nói về ly dị và tái hôn, nhưng về tất cả mọi người, trong bất cứ tình huống nào của họ.”

Sau đó Đức Phanxicô phân biệt giữa những người tái hôn người đã ở trong mối quan hệ mới một thời gian dài với những người mới ly dị.

“Người ly dị đã bước vào một kết hợp mới chẳng hạn, có thể ở trong những hoàn cảnh rất khác nhau. Không nên đóng khung họ hay gán ghép họ vào trong những cách phân loại cứng nhắc, không có chỗ cho sự biện phân cá nhân và mục vụ thích hợp”, ngài nói.

Đề cập đến các tình huống khác nhau mà người tái hôn có thể rơi vào, Đức Phanxicô bàn về “các yếu tố giảm nhẹ” mà giáo sĩ nên xem xét trong sự biện phân mục vụ của họ khi làm việc với người tái hôn.

“Giáo Hội có một kho tàng chắc chắn trong việc suy tư liên quan đến các yếu tố và các tình huống giảm nhẹ,” ngài nói. “Do đó không thể còn được nói cách đơn giản rằng bất cứ ai ở trong bất kỳ tình huống “bất hợp luật” nào, cũng đều đang sống trong tình trạng tội trọng và đang bị mất ơn thánh”,

Trích dẫn trước hết là Thánh Aquinô và sau đó là Giáo lý của Giáo hội Công giáo, Đức Phanxicô nói: “Một phán đoán tiêu cực về một tình huống khách quan thì không bao hàm một phán đoán về tính có thể bị quy trách hoặc tính có thể bị kết án của người có liên quan.”

Nói cách khác, Đức Thánh Cha nói người ta không thể phán đoán về một người dựa trên sự tương ứng hay không của các tình huống của họ đối với bất kỳ tiêu chuẩn chung nào.

Đoạn ngài chuẩn nhận lời kêu gọi của tài liệu Thượng Hội đồng năm 2015, rằng “sự biện phân mục vụ, trong sự tôn trọng lương tâm được đào tạo đúng đắn của một người, phải chịu trách nhiệm đối với những tình huống này.”

Sau đó, Đức Thánh Cha giải thích giáo huấn Công giáo về lương tâm, nói rằng “lương tâm cá nhân cần phải được gắn kết càng nhiều càng tốt vào thực hành của Giáo hội trong một số tình huống không diễn tả, cách khách quan, sự hiểu biết của chúng ta về hôn nhân.”

“Lương tâm có thể làm nhiều hơn là việc nhận ra rằng một tình huống nhất định không tương ứng khách quan với các đòi hỏi chung của Tin Mừng,” Đức Phanxicô viết.

“Nó cũng có thể nhận ra, với sự chân thành và trung thực, những gì là lời đáp trả quảng đại nhất có thể được trao dâng cho Thiên Chúa lúc này, và đi đến chỗ nhận ra, với một sự chắc chắn luân lý nhất định nào đó, rằng đâu là những điều Thiên Chúa đang yêu cầu, trong bối cảnh cụ thể phức tạp của những giới hạn của một người, cho dù chưa hoàn toàn phù hợp với lý tưởng khách quan”, ngài nói.

“Chúng ta hãy nhớ rằng sự biện phân này là năng động”, Đức Giáo hoàng viết. “Nó phải luôn luôn mở ra cho giai đoạn mới của sự phát triển và cho các quyết định mới có thể cho phép các lý tưởng được thực hiện đầy đủ hơn.”

Trích dẫn Thánh Aquino, Đức Phanxicô nói rằng ngài muốn “tha thiết yêu cầu chúng ta luôn luôn nhớ lại” một trong những lời dạy của thánh nhân trong Summa Theologiae. “Mặc dù các nguyên tắc chung là cần thiết, chúng ta càng đi xuống các vấn đề cụ thể, thì sẽ càng thường xuyên gặp phải các khuyết tật,” Đức Giáo Hoàng trích lời vị thánh.

Đức Phanxicô, sau đó, nói thẳng thừng hơn: “Một mục tử không thể cảm thấy việc áp dụng đơn giản luật luân lý cho những người sống trong các tình huống “bất hợp luật” là đã đủ rồi, bởi nếu thế họ chỉ là những hòn đá ném vào cuộc sống của người ta.”

“Đó có thể được coi là bằng chứng về môt trái tim khép kín của một người ẩn mình đằng sau những giáo huấn của Giáo hội, “ngồi trên tòa Môsê xét xử, đôi khi với thái độ kẻ cả và giả nhân giả nghĩa, những trường hợp khó khăn và những gia đình bị tổn thương”, ngài nói tiếp.

Đề nghị “logic của lòng thương xót mục vụ”, Đức Giáo hoàng nói rằng trong khi “Giáo hội không thể ngừng đề cao lý tưởng đầy đủ về hôn nhân, thì cũng vẫn có đó nhu cầu về sự đồng hành, trong lòng thương xót và sự kiên nhẫn, với những giai đoạn cuối cùng của sự tăng trưởng như chúng đang tiệm tiến xuất hiện”.

“Tôi hiểu những người thích đường lối chăm sóc mục vụ nghiêm ngặt hơn, chính là những người không muốn dành chỗ cho sự nhầm lẫn,” Đức Phanxicô nói.

“Nhưng tôi thực sự tin rằng Chúa Giêsu muốn một Giáo hội quan tâm đến sự tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo rắc vào giữa sự yếu đuối của con người, một Giáo hội như một người Mẹ, trong khi diễn đạt minh bạch giáo huấn khách quan của mình, vẫn luôn luôn làm những gì tốt mà Bà có thể làm, thậm chí nếu trong quá trình đó, giày của Bà có bị vấy bẩn bởi bùn lầy của đường phố”, Đức Giáo hoàng nói tiếp.

“Đôi khi chúng ta thấy khó nhường chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong hoạt động mục vụ của chúng ta”, Đức Thánh Cha viết.

“Chúng ta đặt rất nhiều điều kiện về lòng thương xót đến nỗi chúng ta làm mất đi ý nghĩa cụ thể và thực sự của nó”, ngài nói. “Đó là cách tồi tệ nhất để nói về Tin Mừng. Sự thật là, ví dụ, lòng thương xót không loại trừ công lý và chân lý, nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải nói lòng thương xót là sự viên mãn của công lý và sự biểu hiện rạng rỡ nhất của chân lý của Thiên Chúa.”

Hôn nhân đồng tính, tránh thai, hệ tư tưởng về giới

Đức Phanxicô đề cập một số vấn đề khác, đôi khi gây tranh cãi, trong Tông huấn, bao gồm cả kết hôn đồng tính, ngừa thai và phá thai.

Mặc dù Đức Giáo hoàng biết các giá trị mà ngài trình bày cũng có thể áp dụng vào trường hợp mối quan hệ đồng tính, nhưng ngài vẫn minh bạch tách việc bàn về các mối quan hệ đồng tính khỏi việc nói về các mối quan hệ khác giới. Ngài cũng kiên quyết khẳng định giáo huấn của Đức Giáo hoàng PhaolôVI đối với việc sử dụng biện pháp tránh thai của người Công giáo và mạnh mẽ lên tiếng chống lại việc phá thai.

“Chúng ta cần phải thừa nhận rằng sự đa dạng về các hoàn cảnh gia đình có thể cung cấp một sự ổn định nhất định, nhưng các kết hợp ‘de facto’ hoặc đồng tính, ví dụ, không thể đơn giản được coi là ngang hàng với hôn nhân”, Đức Giáo hoàng viết. “Không có một mối liên kết tạm bợ hoặc đóng kín đối với truyền sinh nào lại có thể đảm bảo tương lai của xã hội.”

Sau đó, trích dẫn tài liệu Thượng Hội đồng 2015, Đức Thánh Cha viết: “Đối với các đề nghị đặt sự liên kết giữa những người đồng giới vào mức độ tương tự như hôn nhân, phải nói là tuyệt đối không có bất cứ căn cứ nào để coi các kết hợp đồng giới, trong bất cứ cách thức nào, là tương đương hoặc ít là tương tự cách ít ỏi với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình.”

Về ngừa thai, Đức Phanxicô nói: “Ngay từ đầu, tình yêu từ chối tất cả các xung lực đóng kín vào chính  mình, nó mở ra cho một hoa trái vượt ra ngoài bản thân nó. Do đó không có hành động tình dục nào của vợ chồng lại có thể từ chối ý nghĩa này, ngay cả khi vì các lý do khác nhau, hành động ấy có thể không luôn luôn tạo nên một sự sống mới trong thực tế.”

Tuy nhiên, sau này, trong Tông huấn, Đức Thánh Cha cũng khẳng định và lặp lại một đoạn trong tài liệu Thượng Hội đồng 2015, đặt sự lựa chọn sử dụng biện pháp tránh thai trong phạm vi của các quyết định bởi lương tâm của mỗi người.

“Các quyết định liên quan đến trách nhiệm làm cha làm mẹ giả định sự đào tạo lương tâm, vốn là “nơi chỗ bí mật nhất và là thánh điện kín ẩn nhất của một con người. Mỗi người hiện diện một mình ở đó với Thiên Chúa, là Đấng mà tiếng nói của Người vang lên trong nơi sâu thẳm của trái tim”, Đức Thánh Cha viết.

Về phá thai, Đức Phanxicô nói: “Thật tuyệt vời giá trị của sự sống con người, và do đó không thể tước đi quyền sống của một đứa trẻ vô tội đang phát triển trong tử cung của người mẹ, đến nỗi không một quyền được quy gán nào, dù là cho bất cứ ai, mà lại có thể biện minh cho cái quyết định chấm dứt sự sống đó, vốn là thực tại có giá trị nơi chính nó và không bao giờ có thể bị coi như thể là một thứ “tài sản” của bất cứ ai khác trong nhân loại”.

Nhưng Đức Giáo hoàng cũng mạnh mẽ lên tiếng chống lại bạo lực hay sự áp bức đối với phụ nữ. Ngài viết: “Tôi muốn nhấn mạnh một thực tế rằng, mặc dù những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong việc công nhận các quyền của phụ nữ và sự tham gia của họ trong đời sống công cộng, ở một số nước vẫn còn nhiều việc phải thực hiện để thúc đẩy các quyền này.”

“Sự bình đẳng nam nữ làm chúng ta vui mừng thấy các hình thức cũ của tội kỳ thị đã biến mất, và trong gia đình sự hỗ tương đang gia tăng”, Đức Giáo hoàng viết.

“Nếu một số hình thức của chủ nghĩa nữ quyền cần chúng ta phải xem xét đầy đủ, thì chúng ta vẫn phải nhìn thấy trong phong trào phụ nữ, công việc của Chúa Thánh Linh công nhận ngày càng rõ ràng hơn phẩm giá và các quyền của phụ nữ,” Đức Thánh Cha tiếp tục.

Đức Phanxicô cũng nói rõ ràng giáo huấn về những điều ngài gọi là “ý thức hệ giới tính”. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta đừng sa chước cám dỗ pham tội đòi thay chỗ Đấng Tạo Hóa! Chúng ta là những loài thụ tạo, và không toàn năng. Tạo thành có trước chúng ta và phải được nhận như một món quà.”

Nhưng sau đó, ngài cũng có vẻ thừa nhận rằng giới tính tồn tại trên một cái gì đó tương tự như một quang phổ.

“Sự thật là chúng ta không thể tách rời nam tính và nữ tính khỏi công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, là thực tại có trước tất cả các quyết định và kinh nghiệm của chúng ta, và là nơi các yếu tố sinh học tồn tại không thể phủ nhận,” Đức Giáo hoàng viết. “Nhưng cũng đúng là nam tính và nữ tính không phải là những phạm trù cứng nhắc.”

“Chớ gì chúng ta không bao giờ đánh mất trái tim”

Gia dinhĐức Phanxicô dành chương 4 của Tông huấn cho một suy tư rất sống động và sâu sắc của Thánh Phaolô, và trích dẫn những lời dạy của thánh nhân về tình yêu như sự kiên nhẫn, lòng tốt, sự chịu đựng tất cả và sự tin tưởng tất cả.

Đọc kỹ từng từ Hy Lạp mà Thánh Phaolô sử dụng, Đức Giáo hoàng đặt các từ vào bối cảnh ngôn ngữ và văn hóa của chúng để giải thích rõ hơn quan điểm Kitô giáo về tình yêu.

Thánh Phaolô nói rằng tình yêu “chịu đựng tất cả”, ví dụ, Đức Giáo Hoàng viết: “Cặp vợ chồng gắn bó với nhau bởi tình yêu thì luôn nói tốt về nhau; họ cố gắng thể hiện mặt tốt của người phối ngẫu của họ, chứ không phải sự yếu đuối và tội lỗi”. Liên quan đến sự “tin tưởng tất cả”, Đức Thánh Cha nói: “Tình yêu tin tưởng, nó luôn nhưng không, nó không cố gắng kiểm soát, sở hữu và thống trị mọi thứ.”

Sau đó, vẫn trong chương này, Đức Phanxicô trực tiếp ngỏ lời với những người đang chuẩn bị hoặc mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân, đưa ra cho họ những lời khuyên tốt lành và thẳng thắn về việc xây dựng và bảo vệ mối tương quan lâu bền suốt đời.

Đức Thánh Cha khuyên hãy nói chuyện với bạn đời của mình. Ngài nói: “Đàn ông và đàn bà, giới trẻ và người lớn, mỗi loại người có cách giao tiếp khác nhau. Họ nói các ngôn ngữ khác nhau và họ hành động theo các cách thức khác nhau.”

“Hãy dành thời gian, thời gian chất lượng”, Đức Giáo hoàng đề nghị. “Điều này có nghĩa là sẵn sàng kiên nhẫn lắng nghe và chăm chú đến tất cả những gì người khác muốn nói. Nó đòi hỏi sự tự giác im lặng cho đến đúng lúc cần nói.”

“Hãy phát triển thói quen coi người khác là quan trọng thực sự”, ngài khuyên. “Điều này có nghĩa là đánh giá cao họ và công nhận quyền tồn tại của họ, để suy nghĩ như họ và để được hạnh phúc. Không bao giờ đánh giá thấp những gì họ nói hay nghĩ, ngay cả khi bạn cần phải thể hiện quan điểm riêng của bạn.”

“Hãy luôn cởi mở,” Đức Phanxicô nói. “Đừng bị sa lầy vào những ý tưởng và ý kiến hạn chế của riêng bạn, nhưng được chuẩn bị để thay đổi hoặc mở rộng chúng. Sự kết hợp của hai cách suy nghĩ khác nhau có thể dẫn đến một sự tổng hợp làm phong phú cả hai.”

Đức Thánh Cha kết luận Tông huấn với một chương về linh đạo hôn nhân, dựa theo sự nhấn mạnh của Công đồng Vatican II về linh đạo trong cuộc sống gia đình.

“Cũng giống như Thiên Chúa ngự trong những lời khen ngợi của người dân Người, cũng vậy, Ngài ngự sâu trong tình yêu hôn nhân, là thực tại tôn vinh Ngài”, Đức Phanxicô nói.

“Sự hiện diện của Chúa trong gia đình thì rất chân thực và cụ thể, với tất cả những rắc rối, những cuộc đấu tranh, những niềm vui và hy vọng của họ hàng ngày,” Đức Giáo hoàng tiếp tục.

“Linh đạo tình yêu gia đình được tạo thành từ hàng ngàn cử chỉ nhỏ nhưng chân thực”, Đức Thánh Cha nói. “Trong nhiều quà tặng và những cuộc gặp gỡ làm sâu sắc thêm sự hiệp thông đó, Thiên Chúa có chỗ cư ngụ của Người.”

“Cuộc sống vợ chồng là một sự chia sẻ hàng ngày công việc sáng tạo của Thiên Chúa, và mỗi người là vận may Chúa Thánh Thần dành cho người kia”, Đức Phanxicô suy tư. “Hai người là sự phản chiếu cho nhau của tình yêu thần linh được diễn tả trong công việc, ánh nhìn, bàn tay giúp đỡ, vuốt ve, hay một cái ôm.”

“Tất cả chúng ta đều được mời gọi tiếp tục phấn đấu hướng tới cái gì lớn hơn bản thân và gia đình của chúng ta, và mỗi gia đình phải cảm thấy cái xung lực liên tục này,” Đức Giáo Hoàng kết luận. “Chúng ta hãy thực hiện cuộc hành trình trần gian này trong tư thế là một gia đình, chúng ta hãy tiếp tục đi chung với nhau.”

“Những gì đã được hứa hẹn cho chúng ta thì lớn hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng”, ngài nói. “Chớ gì chúng ta không bao giờ đánh mất trái tim vì những hạn chế của chúng ta, cũng đừng bao giờ ngừng tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và sự hiệp thông mà Thiên Chúa đã ban trước cho chúng ta.”

Joshua J. McElwee 

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ (từ ncronline.org)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube