
Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành Giáng sinh ‘Urbi et Orbi’ vào ngày 25 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Khi ban phép lành Giáng sinh truyền thống “Urbi et Orbi” hôm thứ Bảy ngày 25 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo cởi mở đối thoại để giải quyết “các cuộc xung đột, khủng hoảng và bất đồng” trên thế giới.
Phát biểu từ ban công trung tâm nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô mưa rơi vào ngày 25 tháng 12, Đức Thánh Cha cho biết rằng mọi người đã trở nên quá quen thuộc với các cuộc tranh chấp đến nỗi “giờ đây chúng ta thậm chí còn khó nhận ra chúng”.
Nhắc đến Hài nhi Giêsu, Đức Thánh Cha nói: “Trong cái lạnh giá của đêm đông, Người dang rộng đôi tay bé nhỏ của mình về phía chúng ta: Người đang cần mọi thứ, nhưng Người lại đến để ban cho chúng ta tất cả mọi thứ. Chúng ta hãy cầu xin Người ban sức mạnh để chúng ta trở nên cởi mở đối thoại”.
“Vào dịp lễ này, chúng ta hãy cầu xin ngài khơi dậy trong tâm hồn của mọi người niềm khao khát đối với tinh thần hòa giải và tình huynh đệ”.
Vào dịp lễ Giáng sinh năm ngoái, đại dịch coronavirus đã buộc Đức Thánh Cha phải hủy bỏ phong tục và ban Phép lành Giáng sinh “Cho Thành Rôma và Thế giới” bên trong Điện Benediction của Vatican. Nhưng năm nay, Đức Thánh Cha đã trở lại hành lang Phép lành (Loggia of the Blessings), với tầm nhìn hướng ra quảng trường lộng gió được bao bọc bởi những cánh tay chào đón của hàng cột của Bernini.
Buổi lễ được phát trực tiếp bắt đầu với phần đệm âm nhạc của Ban nhạc Carabinieri của Ý.
Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã tổ chức sinh nhật lần thứ 85 vào tuần trước, đã cử hành Thánh lễ Nửa đêm tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào tối hôm thứ Sáu.
Trong bài giảng Thánh lễ Giáng sinh của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các Kitô hữu suy ngẫm rằng Thiên Chúa không chọn đến thế gian trong sự cao sang quyền quý, nhưng như một trẻ thơ khiêm hạ được sinh ra trong cảnh nghèo khó.
Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu bài diễn văn “Urbi et Orbi” bằng một bài suy niệm về Chúa Hài đồng.
“Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để đối thoại với chúng ta. Thiên Chúa không muốn thực hiện một cuộc độc thoại, nhưng một cuộc đối thoại. Vì chính Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, là đối thoại, là sự hiệp thông vĩnh cửu và vô hạn của tình yêu và sự sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Khi đến thế gian, trong Ngôi Vị Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường của sự gặp gỡ và đối thoại. Thật vậy, chính Người đã thể hiện con đường này nơi chính mình, để chúng ta có thể nhận biết và bước theo Lời với niềm tin tưởng và hy vọng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng đại dịch đã làm căng thẳng các mối quan hệ xã hội, cô lập mọi người với nhau.
“Ở cấp độ quốc tế, có nguy cơ của việc né tránh đối thoại, nguy cơ của cuộc cuộc khủng hoảng phức tạp này dẫn đến việc đi tắt đón đầu thay vì đặt ra con đường đối thoại lâu dài hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét.
“Tuy nhiên, chỉ những con đường đó mới có thể dẫn đến việc giải quyết các cuộc xung đột và mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả mọi người”.
Đức Thánh Cha cho biết sự cam chịu ngày càng gia tăng có nghĩa là “những bi kịch to lớn hiện đang bị phớt lờ trong sự im lặng”.
Phép lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” – đề cập đến hai vai trò của Đức Giáo hoàng là vị Giám mục Rôma và người đứng đầu Giáo hội Công giáo toàn cầu – được dành cho những dịp long trọng nhất, chẳng hạn như Lễ Phục sinh, Lễ Giáng sinh và lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng của một vị tân Giáo hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện đặc biệt với phép lành “Urbi et Orbi” vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, khi virus coronavirus càn quét thế giới.
Trong bài diễn văn “Urbi et Orbi” vào dịp Giáng sinh năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh các cuộc xung đột cụ thể trên khắp thế giới, bắt đầu từ Syria, nơi đã chứng kiến hơn 10 năm chiến tranh, dẫn đến việc khoảng nửa triệu người thiệt mạng.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến Iraq, nơi ngài đã thực hiện chuyến viếng thăm mang tính lịch sử vào tháng 3, đồng thời lưu ý rằng nước này “vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau một cuộc xung đột kéo dài”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Yemen, quốc gia tiếp giáp với Ả Rập Xê-út và Oman, là “một thảm kịch nghiêm trọng, bị mọi người bỏ qua”.
Đức Thánh Cha cho biết rằng căng thẳng giữa người Israel và người Palestine “kéo dài mà không có cách giải quyết, với những hậu quả chính trị và xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn”.
“Chúng ta cũng không được bỏ quên Bethlehem, nơi chào đời của Chúa Giêsu, vốn cũng đang trải qua khó khăn cũng do hậu quả kinh tế của đại dịch, ngăn cản những người hành hương đến thăm Thánh địa và đồng thời ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhấn mạnh “cuộc khủng hoảng chưa từng có” ở Lebanon, nơi mà ngài đã tìm cách thu hút sự chú ý của thế giới bằng một ngày cầu nguyện vào tháng Bảy.
Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự ra đời của Chúa Giêsu mang lại niềm hy vọng.
Trích lời nhà thơ Ý Dante Alighieri, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Hôm nay, ‘Tình yêu làm dịch chuyển mặt trời và các vì sao khác’, như Dante nói, đã trở nên xác phàm. Người đã đến trong hình thể con người, chia sẻ hoàn cảnh của chúng ta và phá vỡ bức tường của sự thờ ơ của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện: “Lạy Hài Nhi Giêsu, xin ban hòa bình và sự hòa hợp cho Trung Đông và toàn thế giới. Xin nâng đỡ những người dấn thân hỗ trợ nhân đạo cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ; an ủi người dân Afghanistan, những người trong hơn 40 năm đã bị thử thách nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột khiến nhiều người phải rời bỏ đất nước”.
“Lạy Vua muôn dân, xin hãy giúp các nhà chức trách chính trị mang lại hòa bình cho các xã hội đang bị khuấy động bởi sự căng thẳng và các cuộc xung đột”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cầu xin Chúa Hài đồng giúp đỡ người dân Miến Điện, quốc gia Đông Nam Á có tên gọi chính thức là Myanmar đã hứng chịu một cuộc đảo chính quân sự vào tháng Hai. Đức Thánh Cha lưu ý rằng các Kitô hữu đã bị cuốn vào cuộc đàn áp sau đó.
“Xin nâng đỡ người dân Myanmar, nơi mà sự bất khoan dung và bạo lực thường ảnh hưởng đến cộng đồng Kitô giáo và những nơi thờ tự, đồng thời che khuất khuôn mặt hòa bình của dân tộc đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nó trong chuyến viếng thăm Miến Điện vào năm 2017.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cầu nguyện để Hài Nhi Giêsu sẽ “ngăn chặn sự bùng phát mới của một cuộc xung đột đang kéo dài” ở Ukraine, và đồng thời giúp Ethiopia “một lần nữa tìm thấy con đường hòa giải và hòa bình thông qua một cuộc gặp gỡ thẳng thắn đặt nhu cầu của người dân lên trên hết”.
Đức Thánh Cha cầu xin sự can thiệp của Thiên Chúa cho các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Sahel của châu Phi, những người phải chịu đựng tình trạng thất nghiệp và nghèo đói ở Bắc Phi, và các nạn nhân xung đột ở Sudan và Nam Sudan.
“Chớ gì, thông qua đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và giá trị văn hóa của mỗi con người, các giá trị liên đới, hòa giải và chung sống hòa bình luôn tồn tại trong trái tim các dân tộc ở lục địa Châu Mỹ”.
Kế đến, Đức Thánh Cha đã phó thác các nhóm người khác nhau cho Thiên Chúa, bao gồm các nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình, vốn đã bùng phát trong đại dịch, những người trẻ tuổi bị bắt nạt và bị ngược đãi, những người già cô đơn và các gia đình bị chia rẽ.
Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện để những người có nhu cầu sẽ được chăm sóc y tế, đặc biệt là vắc-xin, và các tù nhân chiến tranh và lương tâm được phép trở về nhà.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người di cư và tị nạn, những người mà ngài đã nhấn mạnh hoàn cảnh của họ trong chuyến viếng thăm hòn đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày 5 tháng 12.
“Xin đừng để chúng con thờ ơ trước tình cảnh bi thảm của những người di cư, những người bị buộc phải di tản và những người tị nạn”, Đức Thánh Cha nói. “Đôi mắt của họ cầu xin chúng con đừng quay sang hướng khác, phớt lờ tính nhân loại chung của chúng con, mà thay vào đó hãy biến câu chuyện của họ thành câu chuyện của riêng chúng con và lưu tâm đến hoàn cảnh của họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô ban Phép lành Giáng sinh ‘Urbi et Orbi’ vào ngày 25 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Sau khi đưa ra thông điệp của mình, Đức Thánh Cha đã xướng Kinh Truyền Tin. Khoác dây Stola thêu màu đỏ sậm, Đức Thánh Cha kế đến ban Phép lành Toàn Xá, không chỉ cho những người hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô mà còn cho những người “ngoan đạo theo dõi” buổi lễ từ xa.
Ơn Toàn Xá tha tất cả các hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra. Chúng phải được đi kèm với việc hoàn toàn tránh xa tội lỗi, cũng như xưng tội, Rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng một khi có khả năng làm được như vậy.
Kết thúc bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, giữa muôn vàn khó khăn của thời đại chúng ta, niềm hy vọng vẫn chiếm ưu thế, ‘một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta’ (Is 9: 6)”.
“Người là Lời của Thiên Chúa và trở thành một trẻ sơ sinh, chỉ có khả năng khóc và cần mọi thứ. Người muốn học nói, giống như mọi đứa trẻ, để chúng ta có thể học cách lắng nghe Thiên Chúa, Cha của chúng ta, lắng nghe nhau và đối thoại như anh chị em”.
“Lạy Chúa Kitô, đã sinh ra cho chúng con, xin dạy chúng con bước đi với Ngài trên những con đường bình an. Cầu chúc mọi người Giáng sinh an lành!”.
Minh Tuệ (theo CNA)