Ngày bỏ phiếu bầu cử Quốc hội 14 đang tới gần, với những diễn biến bi – hài của nó. Dù sao, đây cũng là một sinh hoạt chính trị quan trọng ảnh hưởng tới tương lai của đất nước, ảnh hưởng tới đời sống của mọi người dân nói chung cũng như tín đồ của các tôn giáo nói riêng.
Lần này, cũng như các kỳ bầu cử trước đây, theo cơ cấu được phân bổ từ phía chính quyền, mỗi tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo được “chia một số ghế” để bảo đảm tính “thành phần”. Cụ thể, Giáo hội Công giáo sẽ có 2 đại biểu Quốc hội được chọn trong số ba linh mục ứng cử viên được phân bổ theo vùng miền. Việc linh mục nào sẽ ra ứng cử hay được chọn làm đại biểu Quốc hội sẽ được chính quyền định trước.
Nghe đâu, trong lần bầu cử này, phía chính quyền đã thực sự khó khăn trong việc thuyết phục các Đức Giám mục đồng ý để một số linh mục tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Lẽ dĩ nhiên, chính quyền cũng sẽ tìm được một vài vị sẵn sàng chấp thuận tham gia.
Bài viết này chỉ xin đưa ra một cái nhìn sơ lược, theo Giáo huấn của Hội Thánh, về trách nhiệm và bổn phận của người giáo dân – công dân trong kỳ bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.
Trước hết, Công đồng Vaticanô 2, trong Hiến Chế Mục Vụ, số 74 viết: “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó, chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi công ích. Họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng phải tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng”.
Ở đây, nên lưu ý, Công đồng nhấn mạnh, nếu có tôn trọng thì “tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên và luật Tin Mừng”, chứ không phải luật do chính quyền thiết định dù cho đó là luật do Quốc hội ban hành, nếu luật đó đi ngược lại hoặc tước đoạt những quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền được tham gia quản lý xã hội, nhất là quyền tự do bầu cử và tự ứng cử.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 1915 viết: “Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội. Các phương thức tham gia có thể thay đổi tuỳ từng nước, từng nền văn hoá. Phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia càng đông càng tốt vào việc nước trong sự tự do đích thực”.
“Cũng như mọi bổn phận luân lý khác, việc mọi người tham gia vào công trình công ích, cũng đòi hỏi các thành viên của xã hội hoán cải không ngừng. Phải kết án nghiêm khắc những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình. Cần chăm lo phát triển những định chế nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người”.
Giáo lý Công giáo, số 2242 khi nói về trách nhiệm của người giáo dân – công dân còn khẳng định mạnh mẽ hơn:
“Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với lương tâm ngay thẳng, Kitô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).
Như vậy, theo Giáo lý của Hội thánh Công giáo, một người giáo dân – công dân đích thực phải “tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội” và khi tham gia vào đời sống xã hội, “họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền”. Họ phải “nghiêm khắc phê bình những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình”. Họ phải sống theo lương tâm mình, “không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi của luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng”.
Kỳ bầu cử Quốc hội mà chính quyền Việt Nam đang tiến hành hiện nay – với những diễn biến đang diễn ra cho tới thời điểm hiện tại, không những không bảo đảm cho công dân, trong đó có các giáo dân, được quyền tham gia đời sống xã hội một cách dân chủ, tự do mà còn tước đoạt các quyền lợi hợp pháp mà một công dân được hưởng như luật pháp qui định.
Những gì đang thực sự diễn ra trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này, từ việc chính quyền cho người ném mắm tôm vào người ủng hộ các ứng cử viên tự do cho đến việc tổ chức đấu tố cách công khai những ứng viên tự do sáng giá nhằm loại họ khỏi danh sách, cho thấy việc tổ chức bầu cử và những hội nghị hiệp thương trá hình dân chủ, không khác gì một hội diễn với mục tiêu lừa dối công dân.
Trong bối cảnh như thế, có lẽ cần phải khước từ tham gia vào màn kịch giả hình, bởi vì nó đi ngược lại với “các đòi hỏi của luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người”, nhất là “đi ngược với giáo huấn của Tin mừng”.
Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.