Liên quan đến phiên tòa của Đức Hồng y Zen, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Trung Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Paul Haring / CNS)

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Paul Haring / CNS)

Trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng khi nói đến Trung Quốc và các vấn đề như vụ xét xử hiện tại đối với Đức Hồng y Joseph Zen, Giáo hội đang chơi nước cờ lâu dài của sự kiên nhẫn và đối thoại.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về vấn đề luân lý của việc gửi vũ khí đến Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga, công bố kế hoạch đến thăm Bahrain, và đáp trả những lời chỉ trích từ một vị Giám mục ở Kazakhstan, người cho rằng Đại hội liên tôn cấp cao mà ngài tham dự đã phủ nhận vai trò của Giáo hội Công giáo như là con đường cứu rỗi đích thực.

Khi được Crux hỏi liệu phiên tòa xét xử Đức Hồng y Zen, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, có cấu thành hành vi phạm tự do tôn giáo hay không, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không trả lời trực tiếp, nhưng nói với các nhà báo trên chuyến bay Giáo hoàng: “Để hiểu được Trung Quốc cần một thế kỷ, và chúng ta sẽ không mường tượng được một thế kỷ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Vatican News)

“Não trạng của người Trung Quốc là một não trạng phong phú, và khi nó trở nên yếu đi một chút, nó sẽ mất đi sự phong phú”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cho biết rằng Vatican, trong nỗ lực hiểu rõ hơn về người Trung Quốc, đã “chọn cách đối thoại”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến một ủy ban song phương được giao nhiệm vụ tiến hành cuộc đối thoại này giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đồng thời cũng cho biết rằng quá trình này diễn ra chậm chạp “bởi vì nhịp điệu của Trung Quốc luôn là chầm chậm”, nhưng các bước đang được thực hiện.

“Quả không dễ để hiểu được não trạng của người Trung Quốc, nhưng nó phải được tôn trọng. Tôi luôn tôn trọng điều đó, và ở đây ở Vatican đã có một ủy ban đối thoại đang hoạt động hiệu quả”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cho biết ngài không “định nghĩa” Trung Quốc là dân chủ hay phi dân chủ.

“Tôi không thích điều đó, bởi vì đây là một quốc gia phức tạp. Đó là thực tế, có những điều chúng ta không thấy là dân chủ, và quả đúng như vậy”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cho biết thêm rằng Đức Hồng y Zen” là một vị cao niên … đã nói những điều ngài nghĩ”.

“Chúng ta nhận thấy rằng có những hạn chế ở đó”, Đức Thánh Cha nói, và nhắc lại tầm quan trọng của đối thoại, đồng thời cũng cho biết rằng khi đường lối này được chọn, “nhiều điều được làm sáng tỏ, không chỉ những vấn đề của Giáo hội, mà còn những vấn đề thuộc các lĩnh vực khác”.

Trung Quốc là “một gã khổng lồ”, và để hiểu Trung Quốc “là một thứ gì đó khổng lồ, cần rất nhiều sự kiên nhẫn, nhưng chúng ta phải tiến tới đối thoại”.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y Zen, 94 tuổi, bị bắt giữ cùng với 5 người khác vào tháng 5 với tội danh âm mưu lật đổ vì không đăng ký hợp lệ tổ chức nhân đạo 612, tổ chức ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do việc thực thi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt ở Hồng Kông vào năm 2020 cấm các hành vi được mô tả là khủng bố, âm mưu lật đổ và cấu kết với các lực lượng nước ngoài.

Sau khi bị bắt, Đức Hồng y Zen – một nhà phê bình nổi tiếng về cách tiếp cận của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Trung Quốc và thỏa thuận gây tranh cãi của Vatican với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục – đã được tại ngoại. Phiên tòa của Đức Hồng y Zen sẽ bắt đầu vào ngày 19 tháng 9.

Sau vụ bắt giữ Đức Hồng Zen, Vatican cho biết họ đã hay tin về việc bắt giữ ngài và hiện đang theo dõi tình hình, điều này đã thúc đẩy thêm mối quan ngại về tình trạng dân chủ ở Hồng Kông và vấn đề tự do tôn giáo ở Trung Quốc nói chung.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có mặt tại Kazakhstan từ ngày 13 đến 15 tháng 9 để tham dự Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống lần VII. Trong thời gian tại đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có chuyến viếng thăm cấp nhà nước, dừng chân tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan hôm thứ Tư.

Khi được hỏi liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có gặp gỡ Chủ tịch Cận Bình trong khi cả hai đều có mặt tại thành phố này hay không, Đức Thánh Cha cho biết rằng ngài đã biết về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, nhưng họ đã không gặp nhau.

Trong cuộc họp báo kéo dài 45 phút, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về tính luân lý của việc gửi vũ khí đến Ukraine, ngài nói: “Đây là một quyết định chính trị, có thể được chấp nhận về mặt luân lý nếu nó được thực hiện với các điều kiện phù hợp với luân lý”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cho biết quyết định này cũng có thể là trái với luân lý nếu “nó được thực hiện với ý định kích động chiến tranh thêm nữa hoặc bán vũ khí hoặc vứt bỏ những vũ khí không còn được sử dụng”.

“Tự vệ không chỉ là quyền mà còn là hành động yêu quê hương đất nước. Nếu ai đó không bảo vệ điều gì đó, họ sẽ không yêu thích điều đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng nhắc lại lời khẳng định trong quá khứ rằng cần phải suy ngẫm thêm về chủ đề chiến tranh chính nghĩa.

Khi nói đến những người khởi sự chiến tranh, “đó luôn luôn là điều gì đó khó hiểu”, Đức Thánh Cha nói, và trong khi cố gắng không đề cập cụ thể đến Nga trong cuộc xung đột Ukraine, ngài nói: “Có vẻ như bước đầu tiên đã được thực hiện ở đó”.

“Chúng ta phải trao cơ hội đối thoại cho tất cả mọi người, tất cả mọi người, bởi vì luôn có cơ hội rằng với đối thoại, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi, quan điểm khác, lập trường khác sẽ được đưa ra, nhưng tôi không loại trừ việc đối thoại với bất kỳ quốc gia nào đang trong cảnh chiến tranh, thậm chí với kẻ xâm lược”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về các kế hoạch cho các chuyến sắp tới, bao gồm việc lên lịch lại chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, ban đầu dự kiến vào tháng 7 nhưng đã bị hoãn lại do tình trạng viêm xương khớp liên tục của Đức Thánh Cha, điều thường khiến ngài bị hạn chế đi lại và phải ngồi xe lăn, và điều này gây khó khăn cho các chuyến viếng thăm quốc tế.

Chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mong muốn thực hiện trong nhiều năm, là một chuyến viếng thăm đại kết được thực hiện cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Giáo hội Scotland, cả hai nhà lãnh đạo đều đã trì hoãn chuyến viếng thăm của mình khi Đức Thánh Cha bỏ lỡ chuyến đi.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo rằng gần đây ngài đã trò chuyện với cả hai nhà lãnh đạo đó qua Zoom để thảo luận về một ngày giờ tiềm năng để lên lịch lại chuyến viếng thăm rất được mong đợi, và họ hiện đang xem xét một ngày giờ khác “vào tháng Hai”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một chuyến viếng thăm mà ngài sẽ thực hiện vào tháng 11, mà phát ngôn viên của Vatican, ông Matteo Bruni, sau đó cho biết là một chuyến đi “đang được nghiên cứu”, tới Bahrain.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phản ứng lại trước những lời chỉ trích đối với đại hội liên tôn mà ngài tham dự được ban hành bởi Đức Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Astana ở Kazakhstan, Đức Cha Athanasius Schneider.

Là một nhà phê bình Giáo hoàng được nhiều người biết đến, người đã đặt vấn đề với một số quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô – bao gồm việc hạn chế Thánh lễ Latinh Truyền thống, việc ngài tỏ ra thận trọng đối với việc cho một số cặp đã ly hôn và tái hôn rước lễ, và những nhận xét của vị Giám chức dường như ủng hộ sựkết hợp dân sự đồng tính – Đức Giám mục Schneider đã mô tả đại hội là “một siêu thị của các tôn giáo” và “một buổi biểu diễn” đánh đồng Công giáo với các truyền thống tôn giáo khác và do đó phủ nhận việc Giáo hội là “con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Nur-Sultan, Kazakhstan, trở về Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Vatican News)

Khi được hỏi về cách thức truyền giáo ở Kazakhstan, nơi 70% dân số theo Hồi giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài rất vui khi chứng kiến sự vui mừng và tinh thần nhiệt huyết của những người Công giáo Kazakhstan, và đồng thời cũng cho biết rằng “việc chung sống với người Hồi giáo là điều họ đang nỗ lực rất nhiều”.

 Đề cập đến đại hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài đã được cho biết rằng “ai đó đã chỉ trích nó” với lý do rằng nó “kích động chủ nghĩa tương đối”.

 “Nhưng không có thuyết tương đối”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cho biết mỗi đại biểu tại đại hội “đã nói về vấn đề của họ, họ tôn trọng quan điểm của những người khác, và họ đối thoại với tư cách là những người huynh đệ”. Nếu không có đối thoại, Đức Thánh Cha nói, “hoặc là sẽ dẫn đến sự thiếu hiểu biết hoặc chiến tranh”.

 “Nhiều lần, những ‘cuộc chiến tranh’ giữa các tôn giáo là do thiếu sự nhận thức”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cũng nhấn mạnh rằng “Đây không phải là thuyết tương đối; tôi không từ bỏ đức tin của mình nếu tôi nói với đức tin của người khác, đúng hơn, tôi làm cho đức tin của mình được người ta biết đến bởi vì tôi trò chuyện với người khác và tôi lắng nghe họ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết