Việc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã “xong” cách đây một tuần. Hội đồng bầu cử Quốc gia hoan hỉ thông báo, cuộc bầu cử đã diễn ra đúng tiến độ, thành công.
Tuy nhiên…
Thông tin xấu lấp ló đó đây
Bên cạnh những con số đẹp đẽ Hội đồng bầu cử quốc gia đưa ra mà báo chính thống nào cũng phải đăng, đây đó có rất nhiều thông tin không mấy khả quan được tiết lộ.

Một khẩu hiệu lan truyền trong dân trước ngày bầu cử.
Báo Tuổi trẻ đưa tin hôm 24/5, nhiều khả năng không bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, VietNamNet cũng đưa tin, Ủy ban Bầu cử của thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, có công văn gửi Hội đồng bầu cử quốc gia xin bầu bổ sung đại biểu Quốc hội, với lý do số lượng các đại biểu đạt tỷ lệ quá bán không đủ số lượng đã được cơ cấu.
Thông tin vỉa hè cho biết, các vị phát ngôn những thông tin trên sau đó “lẩn như chạch”. Họ đã bị “quạt” cho một trận vì phát ngôn không đúng định hướng.
Tại Hà Nội, mặc dù không phải bầu bổ sung đại biểu Quốc hội, nhưng có 81 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải bầu cử thêm (1,8%). Số đại biểu phải bầu thêm là 123 đại biểu. Đây là một con số không hề nhỏ.
Ngoài hiện tượng một số địa phương phải xin bầu bổ sung đại biểu, trong kỳ bầu cử lần này, tại một số đơn vị bầu cử thuộc tỉnh Nam Định, Bình Dương, số lượng cử tri tham gia bầu cử chưa tới 50%.
Tại một số địa phương khác, như Quảng Nam, có 300 phiếu bầu trong đó cử tri gạch hết toàn bộ các ứng viên, chỉ để lại duy nhất một người.
Đó là chưa kể trên thực tế, tại Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều xứ đạo, toàn bộ giáo dân trong xứ đã không tham gia bầu cử, hoặc nếu có tham gia thì cũng gạch toàn bộ các ứng viên. Tại một số nơi, người dân còn ghi tên các tù nhân lương tâm vào phiếu bầu đại biểu Quốc hội.
Tại Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng không chỉ đưa ra một danh sách gợi ý các đại biểu đã được “đảng và nhà nước” cơ cấu làm đại biểu để cử tri bầu, mà còn chỉ đạo sửa kết quả bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội và HĐND một cách thô thiển, sau khi nhận thấy những khuôn mặt được “chấm từ trước” đã không trúng cử.
Chắc chắn, đây là một kết quả ngoài sự trù liệu và mong muốn của nhà cầm quyền. Mặc dù, qua cái gọi là “Hội đồng Bầu cử Quốc gia” hay “Ủy ban Bầu cử” của các tỉnh – trước, trong và sau khi bỏ phiếu, đã dùng nhiều mánh lới, nhiều thủ thuật để bảo đảm đạt được số lượng đại biểu như đã được cơ cấu từ trước: từ việc dùng các “hội nghị hiệp thương” để loại các ứng viên tự do, cho tới việc không phát phiếu cử tri để nhân viên ủy ban bầu thay hay lập các bàn ‘gạch phiếu hộ”, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.
Ý thức về quyền công dân ngày càng lớn mạnh
Nhiều người, khi quan sát phong trào tẩy chay bầu cử được công bố công khai trên mạng xã hội trước ngày bầu cử, và khi kết quả bầu cử được nhà cầm quyền công bố, đã nhận định: đây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử dưới chế độ cộng sản ‘ý đảng đã không hợp lòng dân” và người dân đã không còn sợ hãi, nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh của đảng như trước đây.
Quả thật, đây là một hiện tượng xã hội đáng mừng, cho thấy không chỉ lòng dân bây giờ đã không còn tin đảng, không còn sợ hãi, sẵn sàng chấp nhận những gì rủi ro có thể xảy ra vì đã tẩy chay bầu cử, mà còn cho thấy ý thức về quyền công dân đang dần lớn mạnh trong lòng dân chúng.
Có được kết quả này, trước hết phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của truyền thông. Chính mạng xã hội, với những phong trào “tẩy chay bầu cử giả hiệu”, phần nào đã đem tới cho người dân sự tự tin rằng họ không hề đơn độc khi công khai tẩy chay bầu cử.
Các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có những thành viên sẵn sàng công khai danh tính, mạnh mẽ khẳng định sẽ tẩy chay bầu cử mà không cho thấy bất cứ dấu hiệu của sự sợ hãi nào, cũng góp phần làm cho người dân an tâm hơn.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, chính cách hành xử lúng túng, che giấu sự thật nguyên nhân gây nên thảm họa môi trường ở các tỉnh duyên hải miền Trung, sẵn sàng đàn áp bất cứ ai dù ôn hòa biểu lộ mong muốn một môi trường biển sạch và một xã hội minh bạch của nhà cầm quyền, đã làm cho người dân tỉnh thức, nhận rõ hơn bộ mặt gian dối, cách quản lý xã hội yếu kém của cả hệ thống chính trị hiện nay.
Qua kỳ bầu cử lần này, đã tới lúc, nhà cầm quyền cần phải hiểu rằng, họ không thể cứ tiếp tục gian dối, coi thường người dân, áp đặt lên người dân ý chí chủ quan của đảng thông qua các thứ nghị quyết, các khoản luật vi hiến; trái lại, đã tới lúc họ cần phải thay đổi, cải cách thể chế chính trị một cách sâu rộng như đề nghị của rất nhiều nhà tri thức tâm huyết, của các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trong lá thư “Nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992” thời gian qua.
Đối với người dân, một khi ý thức công dân trỗi dậy, với sự đoàn kết, họ có thể làm được bất cứ điều gì ngay cả thay đổi thể chế chính trị, mà kết quả của kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND vừa qua là một minh chứng.
28/5/2016
Gioan Nguyễn Thạch Hà