Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao hoạt động mục vụ chăm sóc người di cư và người tị nạn như một phương tiện thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người phù hợp với Học thuyết xã hội của Giáo hội, trong thông điệp của ngài gửi tới Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế.
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới các thành viên của Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (ICMC) nhân dịp Hội đồng Toàn thể của họ bắt đầu cùng ngày.
Đức Thánh Cha đã nắm bắt cơ hội để nhấn mạnh một số điểm nhằm hướng dẫn sự phân định của họ, khi ủy ban này gặp gỡ nhau để thực hiện ba nhiệm vụ quan trọng: lựa chọn ủy ban điều hành mới của Ủy ban, phê duyệt các quy chế mới, và xác định các hướng dẫn hoạt động của nó trong những năm tới.
Được thiết lập để chăm sóc những người di cư và những người tị nạn
Suy tư về lý do tồn tại của Ủy ban, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Ủy ban được Đức Giáo hoàng Piô XII thành lập vào năm 1951 nhằm “hình thành một mạng lưới giữa các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới để hỗ trợ họ trong công việc chăm sóc mục vụ của họ đối với những người di cư và tị nạn”, và là một biểu hiện về hoạt động mục vụ của các Giám mục, những người chia sẻ, hiệp thông với Đức Giáo hoàng, sự bận tâm đối với Giáo hội hoàn vũ “trong mối dây liên kết của hòa bình, tình yêu và sự hiệp nhất”.
Ủy ban, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, được phân biệt với các tổ chức khác hoạt động trong xã hội dân sự và trong Giáo hội vì bản chất và sứ mạng Giáo hội của nó. Chính vì lý do này, Ủy ban này được kể đến trong Tông Hiến “Predicate Evangelium” như là một trong những nhiệm vụ của Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện.
Do đó, Hội đồng Toàn thể đại diện cho các Hội đồng Giám mục khác nhau trực thuộc Ủy ban và sự sẵn sàng hợp tác của họ để “chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hòa nhập người di cư và người tị nạn”.
Thực hiện sứ mạng ‘ad intra’ và ‘ad extra’
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân biệt hai khía cạnh với sứ mạng của Ủy ban: Ad extra, hướng về thế giới – và Ad intra, hướng về lòng Giáo Hội.
Đức Thánh Cha cho biết rằng trong khi Ủy ban chủ yếu được kêu gọi để cung cấp sự hỗ trợ cho các Hội đồng Giám mục và các Giáo phận trong việc đối phó với những thách thức của vấn đề di cư, Ủy ban này cũng nỗ lực “thúc đẩy việc triển khai và thực hiện các dự án chăm sóc mục vụ cho người di cư và việc đào tạo chuyên ngành cho các nhân viên mục vụ trong lĩnh vực di cư” để phục vụ trong các Giáo hội cụ thể.
Ở cấp độ Ad extra, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Ủy ban được kêu gọi để ứng phó với những thách thức toàn cầu và các trường hợp khẩn cấp về di cư trong sự hiệp thông với Giáo hội địa phương. Hơn thế nữa, Ủy ban này tham gia vào việc vận động với tư cách là một tổ chức xã hội dân sự ở cấp độ quốc tế, và thể hiện cam kết của Giáo hội đối với nhận thức quốc tế rộng rãi hơn về các vấn đề di cư.
Theo cách thức này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “nó thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền và thúc đẩy phẩm giá con người phù hợp với Học thuyết xã hội của Giáo hội”.
70 năm phục vụ
Sau đó, Đức Thánh Cha cảm ơn Ủy ban vì công việc của họ trong suốt 70 năm qua, đặc biệt đã giúp các Giáo hội ứng phó với những thách thức của việc di dời người dân do chiến tranh ở Ukraine gây ra.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh “hàng triệu người xin tị nạn, người tị nạn và những người phải di tản ở các nơi khác trên thế giới, những người rất cần được chào đón, bảo vệ và yêu thương”.
“Với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi mong muốn phục vụ tất cả mọi người và nỗ lực làm việc nhằm xây dựng một tương lai hòa bình. Anh chị em có cơ hội đại diện cho hoạt động từ thiện bác ái của Giáo hội thay mặt họ!”.
Kết thúc thông điệp của mình với lời đề nghị cầu nguyện cho chính mình, Đức Thánh Cha đã gửi lời cầu chúc tốt đẹp đến kết quả của công việc của Ủy ban và hứa sẽ luôn nhớ đến các thành viên trong lời cầu nguyện của mình.
Thiên Ân (theo Vatican News)