Phát biểu trước một nhóm thẩm phán, luật sư và chính trị gia người Ý hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng việc thực thi công lý đòi hỏi phải thừa nhận tính thiêng liêng của phẩm giá con người.
“Trong suốt lịch sử, có những cách thức khác nhau mà qua đó việc thực thi công lý đã thiết lập “điều đáng được hưởng”: tùy theo công trạng, tùy theo sự cần thiết, tùy theo khả năng, tùy theo tính hữu dụng của nó”, Đức Thánh Cha phát biểu tại Hội trường Phaolô VI của Vatican hôm 8 tháng Tư.
“Đối với truyền thống Kinh Thánh, nhiệm vụ là phải thừa nhận phẩm giá con người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, Đức Thánh Cha nhận xét.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với các thành viên của Hội đồng tư pháp cấp cao, cơ quan tự quản chịu trách nhiệm về quy định của ngành tư pháp ở Ý, cùng với gia đình của họ.
Đức Thánh Cha đã nói về khái niệm công lý như nó được thể hiện trong nghệ thuật cổ điển: một phụ nữ bị bịt mắt tay cầm chiếc cân.
“Do đó, thể hiện một cách ngụ ý sự bình đẳng, tỷ lệ công bằng, sự không thiên vị cần thiết trong việc thực thi công lý”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Theo Kinh Thánh”, Đức Thánh Cha cho biết thêm, “ngoài ra, cũng cần phải thực thi công lý với lòng nhân từ”.
“Nhưng không có sự cải cách chính trị nào đối với công lý có thể thay đổi cuộc sống của những người thực thi nó, nếu trước tiên người ta không lựa chọn, trước lương tâm của mình, ‘cho ai,’ ‘bằng cách nào’ và ‘tại sao’ phải thực thi công lý”, Đức Thánh Cha tiếp tục. “Đó chính là quyết định của lương tâm một người. Đây là điều mà Thánh Catarina Siena đã dạy khi Ngài nói rằng để cải cách, trước tiên người ta phải canh tân chính mình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập mẫu gương của Chân Phước Rosario Livatino, một thẩm phán Công giáo đã bị mafia giết hại dã man ở Sicily vào năm 1990.
Trích lời của Chân Phước Livatino, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi chúng ta chết, sẽ không ai đến hỏi chúng ta rằng chúng ta đã từng là người tin như thế nào, nhưng có thể đáng tin bao nhiêu”.
“Chân Phước Livatino”, Đức Thánh Cha lưu ý, “bị sát hại ở tuổi 38, để lại cho chúng ta sức mạnh về lời chứng đáng tin cậy của Ngài, cũng như sự rõ ràng về ý tưởng về một cơ quan tư pháp cần phải nỗ lực phấn đấu”.
“Chớ gì Chân Phước Rosario Livatino, vị thẩm phán đầu tiên được tôn phong Chân Phước trong lịch sử của Giáo hội, trợ giúp và an ủi anh chị em”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo CNA)