Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Viếng thăm những người đau yếu bệnh tật là một sự đòi buộc của Kitô giáo’

Đức Thánh Cha thăm một bệnh nhân trong thời gian ngài đang được điều trị tại bệnh viện Gemelli

Đức Thánh Cha thăm một bệnh nhân trong thời gian ngài đang được điều trị tại bệnh viện Gemelli

Trong một Sứ điệp trước Ngày Thế giới Bệnh nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu Công giáo rằng việc chăm sóc những người đau yếu bệnh tật không phải là lời mời gọi của một số ít, mà là một phần trong sứ mạng thể hiện lòng thương xót của mỗi người Kitô hữu.

“Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng việc gần gũi với những người đau yếu bệnh tật và chăm sóc mục vụ cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên được chỉ định cụ thể; việc thăm viếng các bệnh nhân là một lời mời gọi mà Đức Kitô đưa ra với tất cả các môn đệ của Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Có biết bao nhiêu người già yếu đang sống ở nhà và chờ được người ta đến thăm”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm. “Mục vụ an ủi là một nhiệm vụ đối với mỗi người đã được rửa tội, hãy lưu tâm đến những lời của Chúa Giêsu: ‘Ta đau yếu và các ngươi đã viếng thăm’”.

Giáo hội Công giáo sẽ đánh dấu Ngày Thế giới Bệnh nhân hàng năm lần thứ 30 vào ngày 11 tháng 2, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức ở Tây Nam nước Pháp gắn liền với các bệnh nhân vì sự hiện diện của một dòng suối kỳ diệu mà từ đó nhiều người đã được chữa lành về thể lý.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Thế giới Bệnh nhân vào năm 1992 như một cách thức “để khuyến khích Dân Chúa, các tổ chức y tế Công giáo và xã hội dân sự ngày càng chú ý đến các bệnh nhân và những người chăm sóc họ”.

Trong Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào Lòng thương xót theo chủ đề của năm nay: “‘Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ’ (Lc 6:36): Kề vai sát cánh với những người đau khổ trên con đường bác ái”.

Lòng thương xót của Thiên Chúa “kết hợp sức mạnh và sự dịu dàng”, Đức Thánh Cha nói, và “bằng chứng tuyệt đỉnh về tình yêu thương xót của Chúa Cha dành cho các bệnh nhân là Con một của Ngài”.

377368AA-86E8-495A-BFFF-08D734C67CDE
Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã phải nằm viện 10 ngày vào tháng 7 năm ngoái sau khi phẫu thuật ruột kết, đã chỉ ra mối bận tâm lớn lao của Chúa Giêsu đối với những người bệnh tật và đau khổ trong sứ vụ trần thế của Ngài. Chúa Giêsu đã gặp gỡ nhiều người đau khổ vì bệnh tật và Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ chữa lành.

Quả là ý tưởng hay khi chúng ta tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra bận tâm đến như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời lưu ý rằng một lý do có thể là sự cô đơn mà người ta có thể cảm thấy khi họ lâm cảnh bệnh tật hoặc đau đớn.

Trích lời nhà triết học người Pháp thế kỷ 20 Emmanuel Lévinas, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sự đau đớn cô lập người ta một cách tuyệt đối, và sự cô lập tuyệt đối làm nảy sinh nhu cầu kêu gọi sự giúp đỡ và cảm thông của người khác, kêu cầu người khác”.

Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, mời gọi tất cả mọi người – từ các bác sĩ và y tá cho đến các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên hỗ trợ và những người chăm sóc khác – bày tỏ lòng thương xót đối với những người đau yếu.

Trong khi chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì những tiến bộ tuyệt vời trong khoa học và công nghệ y tế, chúng ta không bao giờ được quên “tính độc nhất của mỗi bệnh nhân, phẩm giá và sự yếu đuối của họ”, Đức Thánh Cha thúc giục.

“Các bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh tật của họ, và chính vì lý do này, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn cản việc lắng nghe bệnh nhân, lắng nghe những câu chuyện, sự lo lắng và sợ hãi của các bệnh nhân”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và duy trì các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công giáo.

“Sự hiện diện của họ đã làm nổi bật lịch sử của Giáo hội, cho thấy sự gần gũi của Giáo hội với các bệnh nhân và những người nghèo khổ, cũng như những tình huống bị người khác coi thường”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Vào tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết một quỹ hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện Công giáo gặp khó khăn. Quỹ này, được biết đến trong tiếng Ý là Fondazione per la Sanità Cattolica, được thành lập để đáp ứng yêu cầu “can thiệp trực tiếp” của Vatican để giúp các cơ sở Công giáo.

Vào ngày 24 tháng 12, đã có thông báo rằng tổ chức mới của Vatican đã kết hợp với Quỹ Leonardo Del Vecchio để giải cứu và tái khởi động Bệnh viện Fatebenefratelli mang tính lịch sử của Rôma, vốn đã gặp khó khăn về tài chính kể từ năm 2013.

Bệnh viện Công giáo gần như phá sản trên Đảo Tiber của Rôma được điều hành bởi Dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Công giáo rất quan trọng ở cả các quốc gia nghèo, nơi người dân không được chăm sóc đầy đủ và ở các quốc gia phát triển nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, nơi, “ngoài việc chăm sóc thân thể bằng tất cả các kiến thức chuyên môn cần thiết, họ luôn có thể cung cấp món quà bác ái, vốn tập trung vào chính bệnh nhân và gia đình của họ”.

“Vào thời đại khi mà văn hóa thải loại đang thịnh hành và sự sống không phải lúc nào cũng được thừa nhận là đáng được hoan nghênh và đáng sống, những công trình kiến trúc này, giống như ‘những ngôi nhà của lòng thương xót’, có thể trở thành mẫu mực trong việc bảo vệ và chăm sóc mọi sự sống, ngay cả những sự sống mong manh dễ vỡ, kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc một cách tự nhiên”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Sứ điệp của mình bằng cách trao phó tất cả các bệnh nhân và gia đình của họ cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, với tước hiệu là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn.

“Kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng gánh chịu mọi đau khổ của thế giới, chớ gì họ tìm thấy ý nghĩa, sự an ủi và sự tin tưởng phó thác. Tôi cầu nguyện cho các nhân viên y tế ở khắp mọi nơi, để, dạt dào lòng thương xót, họ có thể cung cấp cho các bệnh nhân, cùng với sự chăm sóc thích hợp, sự gần gũi huynh đệ của họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết