Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay Giáo hoàng: "Tôi luôn sẵn sàng đến Trung Quốc"

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trên chuyến bay Giáo hoàng đến Kazakhstan, ngày 13 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Rudolf Gehrig / CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trên chuyến bay Giáo hoàng đến Kazakhstan, ngày 13 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Rudolf Gehrig / CNA)

Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với các nhà báo trên chuyến bay Giáo hoàng rằng ngài đã sẵn sàng cho chuyến Tông du đầu tiên tới Trung Quốc.

Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên trên chuyến bay từ Rôma đến Kazakhstan vào ngày 13 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi luôn sẵn sàng đến Trung Quốc”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9, giữa chuyến Tông du kéo dài ba ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia Trung Á. Reuters đưa tin rằng Đức Thánh Cha nói rằng ngài “không có bất kỳ tin tức nào” về suy đoán rằng ngài có thể gặp ông Tập trong chuyến đi này.

Các chuyến viếng thăm trùng hợp của Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra khi Tòa Thánh và Trung Quốc đến kỳ gia hạn thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám mục ở Trung Quốc, và việc Đức Hồng y Zen, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, đang chuẩn bị hầu tòa ở Hồng Kông vì vai trò của ngài trong một quỹ pháp lý ủng hộ dân chủ.

Một nguồn tin trong Quốc hội Kazakhstan phát biểu với CNA vào tuần trước rằng việc Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch Trung Quốc có thể gặp nhau trong chuyến đi “về mặt lý thuyết là điều khả thi”. Nhưng một cuộc gặp gỡ như vậy là điều chưa từng xảy ra.

Các quốc gia láng giềng Kazakhstan và Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với các khoản đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia Trung Á thông qua Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’. Ông Tập đã công bố kế hoạch về một “con đường tơ lụa mới” ở thủ đô Kazakhstan vào năm 2013.

Đáng chú ý, Kazakhstan giáp với khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi cao ủy Liên hợp quốc đã phát hiện ra rằng chính phủ Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Theo báo cáo ngày 1 tháng 9 của Liên Hợp Quốc, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc đã phải đối mặt với việc bị tra tấn, bị giam giữ và bị bạo lực tình dục, cho thấy rằng cuộc đàn áp đối với nhóm thiểu số tôn giáo có thể bị coi là “tội ác chống lại loài người”.

Mặc dù vậy, Kazakhstan đã không cấp quyền tị nạn chính trị cho những người tị nạn Tân Cương.

Hàng nghìn người Kazakhstan có mối quan hệ rang buộc gia đình với Tân Cương, và hơn 200.000 người Duy Ngô Nhĩ sống ở Kazakhstan. Trong khi Kazakhstan là quê hương của một số nhà phê bình lên tiếng đầu tiên làm chứng về sự đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ vào năm 2017, những người ủng hộ nhân quyền đã coi Kazakhstan là “nơi thù địch đối với các nạn nhân Tân Cương”.

Năm ngoái, Kazakhstan đã cấm Gene Bunin, người sáng lập Cơ sở dữ liệu nạn nhân Tân Cương (Xinjiang Victims Database) vào quốc gia này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảm ơn chính phủ Kazakhstan vì đã “sự cảm thông và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc” ở Tân Cương vào năm 2019.

Trong chuyến viếng thăm tới Nur-Sultan, ông Tập sẽ gặp gỡ Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev vào ngày 15 tháng 9, một ngày sau buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Dinh Tổng thống.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin tại Uzbekistan vào cuối tuần này trong chuyến công du đầu tiên của ông Tập bên ngoài Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết