Những lời lẽ đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với Thánh Tôma đang hoài nghi nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không mong đợi chúng ta trở thành “những Kitô hữu hoàn hảo”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót ngày 24 tháng 4.
Thay vào đó, Chúa Giêsu muốn chúng ta “tìm kiếm Ngài, kêu cầu Ngài, hoặc thậm chí, giống như Tôma, phản kháng đòi hỏi một dấu chứng, dâng lên Ngài những nhu cầu và sự ngờ vực của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói.
Trong những suy tư của mình trước khi nguyện kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với một đám đông lớn tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót về tường thuật Phúc Âm về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với Tôma trong Phòng Tiệc Ly.
Tôma, người không có mặt trong lần đầu tiên Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông đồ, “đại diện cho tất cả chúng ta”, Đức Thánh Cha nói.
“Đôi khi chúng tôi cũng phải vật lộn như người môn đệ đó: Làm sao chúng ta có thể tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, làm sao chúng ta có thể tin rằng Người đồng hành cùng với chúng ta và là Chúa tể của cuộc đời của chúng ta nhưng không nhìn thấy Người, không chạm vào Người?”.
“Làm sao người ta có thể tin vào điều này? Tại sao Thiên Chúa không cho chúng ta một dấu chỉ rõ ràng hơn về sự hiện diện và tình yêu của Ngài? Một số dấu chỉ mà tôi có thể nhìn thấy rõ ràng hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Ở đây, chúng ta cũng giống như Tôma, với cùng những nghi ngờ, cùng một lý do”, Đức Thánh Cha tiếp tục.
“Nhưng chúng ta không cần phải xấu hổ về điều này. Trên thực tế, khi kể cho chúng ta câu chuyện về Tôma, Phúc Âm cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo. Thiên Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo ”.
Đức Thánh Cha tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ chống lại thái độ tự cho mình là công chính và sự kiêu ngạo.
“Tôi nói với anh chị em: Tôi ngần ngại khi nhìn thấy một Kitô hữu, một số hiệp hội của người Kitô hữu tin rằng mình là hoàn hảo. Thiên Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo; Thiên Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu không bao giờ nghi ngờ và luôn phô trương một đức tin vững vàng. Khi một người Kitô hữu trở nên như vậy, có điều gì đó không ổn”, Đức Thánh Cha nhận xét.
“Không, cuộc hành trình phiêu lưu của đức tin, đối với Tôma, có cả ánh sáng lẫn bóng tối. Nếu không, đó sẽ là kiểu đức tin thế nào? Đức tin đó có những lúc an yên, sốt sắng và nhiệt tình, nhưng cũng có lúc mệt mỏi, bối rối, nghi ngờ và tăm tối”.
“Tin Mừng cho chúng ta thấy ‘sự khủng hoảng’ của Thánh Tôma để nói với chúng ta rằng chúng ta không nên sợ những sự khủng hoảng trong đời sống và đức tin”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục. “Khủng hoảng không phải là điều tội lỗi, chúng là một phần của cuộc hành trình, chúng ta không nên sợ hãi. Nhiều lần, những sự khủng hoảng đó khiến chúng ta phải nhún nhường vì chúng tước đi ý nghĩ rằng chúng ta ổn, rằng chúng ta tốt hơn những người khác”.
Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, thà có một đức tin không hoàn hảo nhưng khiêm nhường luôn quy hướng về Chúa Giêsu, còn hơn một đức tin mạnh mẽ nhưng tự phụ khiến chúng ta kiêu căng và ngạo mạn. Khốn cho những người như vậy, thật khốn cho họ!”.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh sự kiện rằng, sau khi hiện ra với các Tông đồ trong khi Tôma không có mặt, Ngài đã quay trở lại lần thứ hai.
“Chúa Giêsu không bỏ cuộc, Ngài không mệt mỏi với chúng ta, Ngài không ngần ngại những khủng hoảng, những yếu đuối của chúng ta. Chúa Giêsu luôn quay trở lại: Khi những cánh cửa đóng kín, Chúa Giêsu đã quay trở lại; khi chúng ta ngờ vực, Ngài cũng quay lại; Khi, giống như Tôma, chúng ta cần gặp Ngài và chạm vào Ngài thật gần, Ngài sẽ quay trở lại”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Chúa Giêsu luôn luôn quay trở lại, luôn luôn gõ cửa, và Ngài không quay trở lại với những dấu chỉ quyền năng có thể khiến chúng ta cảm thấy nhỏ bé và thiếu thốn, thậm chí xấu hổ, nhưng với những vết thương của Người; Chúa Giêsu quay trở lại để tỏ cho chúng ta thấy những vết thương của Người, những dấu chỉ của tình yêu của Người vốn đã đón nhận sự yếu đuối của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Chúa Giêsu là Thiên Chúa của ‘những cơ hội khác’: Ngài luôn ban cho chúng ta một cơ hội khác, luôn luôn như vậy. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ về lần gần đây nhất – hãy thử nhớ lại đôi chút – rằng, trong một thời điểm khó khăn hoặc một giai đoạn khủng hoảng, chúng ta đã tự thu mình lại, tự khiến bản thân bị mắc kẹt trong những vấn đề của mình và đuổi Chúa Giêsu ra khỏi nhà của chúng ta”.
“Và chúng ta hãy tự hứa với chính mình, lần sau, trong giây phút mệt mỏi chán chường, sẽ tìm kiếm Chúa Giêsu, quay trở về với Ngài, với sự tha thứ của Ngài – Ngài luôn luôn tha thứ, luôn luôn như vậy! – để quay trở lại với những vết thương đã chữa lành cho chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Bằng cách này”, Đức Thánh Cha thúc giục, “chúng ta cũng sẽ trở nên biết động lòng trắc ẩn, tiếp cận vết thương của người khác mà không có sự cứng nhắc và không có thành kiến”.
Trong những lời bình luận sau những suy tư của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng ngày Chúa nhật ngày 24 tháng 4 đánh dấu hai tháng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, bắt đầu với cuộc xâm lược của Nga vào đất nước này vào ngày 24 tháng 2.
“Hôm nay (ngày 24 tháng 4), nhiều Giáo hội Đông phương, Công giáo và Chính thống giáo, và một số cộng đồng Latinh, cử hành Lễ Phục Sinh theo lịch Julian. Chúng ta đã mừng Lễ Phục Sinh vào Chúa nhật tuần trước, theo lịch Gregory. Tôi muốn gửi đến họ những lời cầu chúc nồng nhiệt nhất của tôi: Chúa Kitô đã phục sinh, Người đã sống lại thật! Chớ gì Ngài lấp đầy những mong đợi tốt đẹp của muôn tâm hồn với niềm hy vọng. Chớ gì Ngài sẽ ban cho chúng ta hòa bình, bị xúc phạm bởi sự man rợ của chiến tranh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Hôm nay đánh dấu hai tháng kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu: Thay vì dừng lại, cuộc chiến đã trở nên tồi tệ hơn. Thật đáng buồn là trong những ngày linh thiêng và long trọng nhất đối với tất cả các Kitô hữu, người ta nghe thấy tiếng gầm rú chết chóc của vũ khí lấn át tiếng chuông loan báo về sự Phục sinh; và thật đáng buồn là vũ khí đang ngày càng thay thế lời nói”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục.
“Tôi nhắc lại lời kêu gọi đình chiến vào dịp lễ Phục sinh, một dấu hiệu tối thiểu và hữu hình của khát vọng hòa bình. Cuộc tấn công phải được dừng lại, để đáp lại sự đau khổ của dân chúng đang kiệt quệ; cuộc chiến phải được dừng lại, để tuân theo lời của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã lặp lại với các môn đệ vào Ngày Lễ Phục Sinh: ‘Bình an cho anh em!’ (Lc 24:36; Ga 20: 19.21)”, Đức Thánh Cha nói.
“Tôi mời gọi mọi người gia tăng những lời cầu nguyện cho hòa bình và có đủ can đảm để nói, để chứng tỏ rằng hòa bình là điều khả thi”, Đức Thánh Cha kết luận. “Hỡi các nhà lãnh đạo chính trị, xin hãy lắng nghe tiếng nói của người dân, những người mong muốn hòa bình, chứ không phải leo thang xung đột”.
Minh Tuệ (theo CNA)