Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo hãy tự nhiên bày tỏ sự phản kháng với Thiên Chúa khi đối mặt với sự đau khổ và bất công.
Suy tư về Sách Gióp trong bài chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư ngày 18 tháng 5, Đức Thánh Cha cho biết rằng “Thiên Chúa không ngại lời cầu nguyện chất chứa sự phản kháng của chúng ta”.
“Đôi khi tôi gặp những người đến với tôi và nói: ‘Thưa cha, con đã phản kháng với Chúa vì con gặp phải vấn đề này, vấn đề kia …’. Nhưng anh chị em thân mến, anh chị em biết đấy, sự phản kháng đó cũng là một cách cầu nguyện, khi nó được thực hiện như thế”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Khi đứa con phản kháng cha mẹ chúng, đó là một cách để thu hút sự chú ý và xin cha mẹ quan tâm đến chúng”.
“Nếu anh chị em có những vết thương trong lòng, những nỗi đau và anh chị em cảm thấy muốn phản kháng, ngay cả phản kháng đối với Chúa. Thiên Chúa sẽ lắng nghe anh chị em. Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa không ngại lời cầu nguyện chất chứa sự phản kháng của chúng ta. Thiên Chúa hiểu điều đó. Nhưng hãy tự do, tự nhiên trong lời cầu nguyện của anh chị em, đừng giam hãm lời cầu nguyện của anh chị em trong những khuôn mẫu định sẵn”.
Bài chia sẻ Giáo lý được phát trực tiếp hôm thứ Tư ngày 18 tháng 5 là bài chia sẻ thứ 10 trong loạt bài suy tư về tuổi cao niên mà vị Giáo hoàng 85 tuổi đã bắt đầu vào tháng Hai. Đức Thánh Cha Phanxicô tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô trên một chiếc xe jeep màu trắng, và dừng lại để mời một nhóm trẻ em đội mũ đỏ bước lên xe cùng với ngài băng qua những hàng người hành hương hiện diện.
Sau khi rảo quanh một vòng Quảng trường, chiếc xe jeep tấp vào phía sau một bục nâng phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha Phanxicô, người bị đau đầu gối, đã được trợ giúp để bước xuống xe và bước đi chậm rãi tiến đến chiếc ghế màu trắng để bắt đầu bài chia sẻ.
Đức Thánh Cha đã mô tả Sách Gióp là “một tác phẩm văn học cổ điển phổ quát” và suy ngẫm về việc tiên tri Gióp đã mất tất cả nhưng vẫn giữ được đức tin vào sự công bằng của Thiên Chúa, mặc dù bị vây quanh bởi những người bạn thiếu hiểu biết về tâm linh của mình.
Đức Thánh Cha nói: “Trong hành trình của những bài chia sẻ Giáo lý về tuổi cao niên, chúng ta gặp ông Gióp như một nhân chứng cho đức tin không chấp nhận một ‘hình ảnh biếm họa’ về Thiên Chúa, nhưng gào lên sự phản kháng của ông khi đối mặt với sự dữ, cho đến khi Thiên Chúa đáp lại và mạc khải dung mạo của Người”.
“Và cuối cùng, Thiên Chúa đã đáp lời ông, một cách đáng kinh ngạc như thường lệ: Người cho Gióp thấy vinh quang của Người nhưng không đè bẹp ông, ngược lại, với sự dịu dàng trổi vượt, như Thiên Chúa vẫn luôn làm”.
“Cần phải đọc kỹ tất cả mọi trang sách trong cuốn sách này, không định kiến và khuôn mẫu, để nắm bắt được sức mạnh của tiếng kêu gào của Gióp. Quả thực tốt đẹp biết bao nếu chúng ta đặt mình nơi cảnh ngộ của ông Gióp để có thể vượt qua cám dỗ của chủ nghĩa duy đạo đức khi đối diện với sự bực tức và chua xót vì nỗi đau mất tất cả mọi thứ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Gióp đã đạt đến một bước ngoặt ở đỉnh cao của sự “trút giận” của ông, khi ông tuyên bố: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất” (Gióp 19: 25-27).
“Đoạn văn này quả thực hết sức tuyệt vời”, Đức Thánh Cha nhận xét. Nó khiến tôi liên tưởng đến phần cuối bản nhạc ‘Đấng Mêsia’ hùng hồn của Handel, sau cao trào Allelujah, bè cao từ từ hát: ‘Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi đang sống’, một cách thanh thoát”.
“Và như thế, sau tất cả mọi trải nghiệm của sự đau khổ và niềm vui của Gióp, thì tiếng nói của Thiên Chúa là một điều gì đó khác. ‘Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi đang sống’: đó là một điều hết sức tuyệt vời. Chúng ta có thể giải thích câu ở trên thế này: ‘Lạy Chúa, con biết rằng Ngài không phải là Kẻ ngược đãi. Thiên Chúa của con sẽ đến và thực thi công lý cho con’”.
“Đó là đức tin đơn sơ vào sự phục sinh của Thiên Chúa, đức tin đơn sơ vào Chúa Giêsu Kitô, đức tin đơn sơ rằng Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta và Ngài sẽ hiển trị”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng bi kịch của ông Gióp ngày nay diễn ra khi “những thử thách thực sự nặng nề đổ xuống một người, một gia đình, một dân tộc”. Đức Thánh Cha đề cập đến cha mẹ của những đứa trẻ bị khuyết tật nghiêm trọng và những người mắc những căn bệnh mãn tính.
“Những tình huống này thường trở nên trầm trọng hơn do sự khan hiếm của các nguồn lực kinh tế. Tại một số thời điểm nhất định trong lịch sử, những gánh nặng quá mức này dường như xuất hiện dồn dập. Đây là những gì đã xảy ra trong những năm gần đây với đại dịch Covid-19 và những gì đang xảy ra hiện nay với cuộc chiến ở Ukraine”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể biện minh cho những ‘điều quá sức’ này như một sự hiểu biết cao siêu về tự nhiên và lịch sử? Liệu chúng ta có thể chúc lành về mặt tôn giáo cho những điều đó như thể chúng là hậu quả do tội lỗi của các nạn nhân, như thể họ đáng phải chịu? Không, chúng ta không thể làm như vậy”.
“Có một loại quyền để các nạn nhân phải phản kháng khi đối diện với sự dữ, đó là quyền Thiên Chúa ban cho bất cứ ai mà quả nhiên do chính Người khơi lên”.
Kết thúc bài chia sẻ của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng nhiều người cao tuổi đã đi trên con đường tương tự như Gióp, trải qua nhiều đau khổ nhưng vẫn tiếp tục chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói: “Họ đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong cuộc sống, họ đã học được rất nhiều điều trong cuộc sống, họ đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm, nhưng cuối cùng, họ có được sự bình an này, một sự bình an mà tôi có thể nói rằng đó gần như là một điều huyền nhiệm, tức là sự bình an từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đến mức họ có thể thốt lên: ‘Con đã biết Chúa qua những lời người ta nói, nhưng bây giờ chính mắt con đã nhìn thấy Chúa’ (Gióp 42: 5)“.
“Những người cao tuổi này giống như sự bình an của Con Thiên Chúa trên Thánh giá, Đấng phó mình cho Chúa Cha”.
Sau bài chia sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha, một bản tóm tắt bài chia sẻ đó đã được đọc bằng bảy thứ tiếng.
Phát biểu trước những người Công giáo nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói: “Tôi chào mừng những người hành hương nói tiếng Anh và du khách tham dự buổi tiếp kiến chung ngày hôm nay, đặc biệt là những người đến từ Vương quốc Anh, Đan Mạch, Israel và Trung Đông, Canada và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
“Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi kêu cầu lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!”.
Sau khi phát biểu với những người hành hương người Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cuối cùng, như thường lệ, mọi suy nghĩ của tôi hướng đến những người lớn tuổi, các bệnh nhân, những người trẻ và các cặp vợ chồng mới kết hôn”.
“Các bạn trẻ thân mến, các con đừng ngại cống hiến sức mình để phụng sự Tin Mừng, với lòng nhiệt thành đặc trưng của lứa tuổi của các con; và anh chị em, những người lớn tuổi và các bệnh nhân thân mến, hãy ý thức rằng anh chị em cống hiến một phần đóng góp có giá trị cho xã hội nhờ vào sự khôn ngoan của anh chị em; và các con, các cặp vợ chồng mới kết hôn thân mến, hãy để cho gia đình của các con được triển nở như một nơi mà các con học cách kính mến Thiên Chúa và yêu người lân cận trong sự thanh thản và tinh thần vui tươi”.
Minh Tuệ (theo CNA)