JUBA – Vào ngày cuối cùng tại Nam Sudan, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo của đất nước đừng nhượng bộ trước sự hận thù và bạo lực đang hoành hành đất nước, nhưng hãy vượt qua những cám dỗ này bằng ánh sáng đức tin.
Phát biểu trước đám đông ước tính khoảng 100.000 người tại Lăng mộ John Garang ở Juba, Đức Thánh Cha nói rằng thông điệp Chúa Giêsu đưa ra về cơ bản là “một thông điệp hy vọng. Chúa Giêsu hiểu rõ nỗi thống khổ của anh chị em và niềm hy vọng anh chị em mang trong lòng, niềm vui và sự phấn đấu đánh dấu cuộc đời anh chị em… Chúa Giêsu hiểu thấu mọi sự và Ngài yêu thương anh chị em”.
“Nếu chúng ta ở lại trong Người, chúng ta không bao giờ phải sợ hãi, bởi vì đối với chúng ta, mọi thập giá sẽ trở thành sự phục sinh, mọi nỗi buồn sẽ trở thành hy vọng, và mọi lời than vãn sẽ trở thành những điệu nhảy múa”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện chuyến viếng thăm từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2 đến châu Phi, dừng chân ở cả hai quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá là Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Tại Nam Sudan, Đức Thánh Cha đã tham gia cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby, và Người điều hành Giáo hội Scotland, Mục sư Iain Greenshields, trong một chuyến viếng thăm đại kết.
Cả Đức Tổng Giám mục Welby lẫn Mục sư Greenshields đều đi cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay trở về Rôma.
Nam Sudan là quốc gia có đa số là người Kitô hữu, nơi 60% cư dân theo một số hình thức Kitô giáo, trong đó các tín hữu Công giáo và Anh giáo là đông nhất. Bản thân người Công giáo chiếm khoảng 7,2 triệu trong tổng dân số 11 triệu người của đất nước.
Sau khi thúc giục chính quyền quốc gia về sự chậm trễ trong tiến trình hòa bình đang diễn ra của đất nước và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Giáo hội Nam Sudan, cũng như một nhóm những người phải di tản trong nước do chiến tranh ở Nam Sudan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cho cộng đồng Công giáo vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm trước khi ra sân bay trở về Rôma.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào đoạn Kinh Thánh trong đó Chúa Giêsu nói: “Chính anh em là muối cho đời… chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.
Chúa Giêsu nói điều này ngay sau khi trình bày Bát phúc, nghĩa là chính các Mối phúc “là muối của đời sống Kitô hữu, vì chúng mang sự khôn ngoan từ trời xuống cho trần gian. Các Mối phúc cách mạng hóa các tiêu chuẩn của thế giới này và cách suy nghĩ thông thường của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Các Mối Phúc, Đức Thánh Cha cho biết, nói với các Kitô hữu rằng để có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn, “chúng ta không được nhắm đến việc trở nên mạnh mẽ, giàu có và quyền lực, nhưng khiêm nhường, hiền lành và thương xót; không làm điều gian ác đối với ai, nhưng là người kiến tạo hòa bình cho tất cả mọi người”.
“Nếu chúng ta thực hành các Mối phúc, nếu chúng ta là hiện thân của sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ mang lại hương vị không chỉ cho cuộc sống của chính chúng ta, mà còn cho cuộc sống của xã hội và của đất nước chúng ta đang sống”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời lưu ý rằng nhiều người có thể cảm thấy nhỏ bé và bất lực trước nhiều vấn đề của đất nước.
Bị cản trở bởi một cuộc chiến nội bộ đã khiến hàng triệu người chết và phải di tản, đồng thời buộc nhiều người dân rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực, với số người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo tiếp tục gia tăng, Nam Sudan hiện đứng thứ tư trong danh sách các cuộc khủng hoảng di cư bị lãng quên nhất thế giới, đồng thời cũng là đại diện cho cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Phi.
“Nhân danh Chúa Giêsu và các Mối phúc của Người, chúng ta hãy hạ bỏ vũ khí của sự thù hận và toan tính trả thù, để sử dụng vũ khí của cầu nguyện và bác ái”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Chúng ta hãy vượt qua những điều không ưa thích và những ác cảm mà theo thời gian đã trở thành thâm căn cố đế và có nguy cơ khiến các bộ lạc và các nhóm sắc tộc chống lại nhau. Chúng ta hãy học cách bôi muối của sự tha thứ lên các vết thương của chúng ta; muối ăn mòn phá hủy nhưng nó cũng có thể chữa lành”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời kêu gọi các tín hữu “từ chối, cuối cùng, lấy ác báo ác”.
Với tư cách là những người môn đệ theo Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, các Kitô hữu “được kêu gọi tỏa sáng như một thành phố đặt trên ngọn đồi, như một ngọn đèn không thể dập tắt được”.
“Xin cho các cộng đồng Kitô hữu của anh chị em tỏa sáng rạng ngời, để giống như những thành phố được xây dựng trên một ngọn đồi, họ sẽ tỏa chiếu ánh sáng của sự tốt lành cho tất cả mọi người và cho thấy rằng điều đó quả thực tốt đẹp biết bao và có thể sống quảng đại và tự hiến, để có được hy vọng và cùng nhau xây dựng một tương lai hòa giải”, Đức Thánh Cha nói.
Ngay sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn các tín hữu đọc Kinh Truyền Tin, lời kinh truyền thống kính Đức Mẹ, dành một chút thời gian sau đó để cảm ơn tất cả những người trong chuyến viếng thăm của ngài đã đến gặp gỡ ngài, có lúc chờ đợi hàng giờ dưới cái nắng như thiêu như đốt trong nhiệt độ lên tới đỉnh điểm đến 96 độ F.
“Nam Sudan có một Giáo hội can đảm”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời đề cập đến Thánh Josephine Bakhita người Nam Sudan, người đã bị bắt cóc và trở thành nô lệ khi còn thơ ấu, và sau đó được đưa đến Châu Âu để làm giúp việc. Bakhita cuối cùng đã được trả lại tự do và trở thành một Nữ tu, cống hiến cuộc đời mình cho công việc phục vụ bác ái cho người khác.
“Hy vọng là từ mà tôi muốn để lại cho mỗi người trong số anh chị em, như một món quà để chia sẻ, một hạt giống để đơm hoa kết trái”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cho biết mẫu gương của Thánh Bakhita là một dấu chỉ cho thấy “phụ nữ, đặc biệt ở đây, là một dấu chỉ của hy vọng”. Đức Thánh Cha ban phép lành đặc biệt cho tất cả mọi phụ nữ trong nước.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảm ơn cả Đức Tổng Giám mục Welby và Mục sư Greenshields vì sự hiện diện của họ, đồng thời nói với người dân Nam Sudan rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với anh chị em và nỗ lực làm tất cả những gì có thể để biến chúng thành những bước đi của hòa bình, những bước đi tiến đến hòa bình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng khi ngài quay trở lại Rôma, “Anh chị em sẽ luôn vẫn ở trong trái tim tôi, anh chị em ở trong trái tim của chúng tôi, anh chị em ở trong trái tim của các Kitô hữu trên toàn thế giới! Đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Và đừng để vụt mất cơ hội xây dựng hòa bình”.
Minh Tuệ (theo Crux)