Chia sẻ hôm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc cử hành Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi “không phải là một thực hành quá mang tính thần học, mà là một cuộc cách mạng trong cách sống của chúng ta”.
“Thiên Chúa, trong đó mỗi ngôi vị sống vì ngôi vị kia trong một mối tương quan hệ liên tục, trong sự hòa hợp liên tục, chứ không phải cho chính mình, thúc giục chúng ta sống với và sống cho tha nhân”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Trong bài chia sẻ trước giờ nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật trích từ Chương 16 của Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trong bài đọc, Chúa Giêsu đang nói với các Tông đồ về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.
Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.
“Chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần nói, nhưng không nói về chính mình: Ngài loan báo Chúa Giêsu và mặc khải về Chúa Cha”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ hàng ngàn người hành hương đang tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật ngày 12 tháng Sáu.
“Và chúng ta cũng nhận thấy rằng Chúa Cha, Đấng sở hữu mọi sự vì Ngài là ngọn nguồn của mọi sự, ban cho Chúa Con tất cả mọi thứ mà Ngài có: Ngài không giữ gì cho riêng mình và Ngài trao ban cách trọn vẹn cho Chúa Con”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng “Chúa Thánh Thần không nói về chính mình; Ngài nói về Chúa Giêsu, Ngài nói về các ngôi vị khác. Và Chúa Cha không trao ban chính mình, Ngài trao ban Chúa Con. Đó là sự quảng đại rộng mở, ngôi vị này mở ra với ngôi vị kia”.
Sau đó, Đức Thánh Cha mời gọi đám đông tự đánh giá bản thân.
“Khi chúng ta nói, chúng ta luôn muốn nói điều gì đó tốt về bản thân, và thường thì chúng ta chỉ nói về bản thân và những gì chúng ta đã làm”, Đức Thánh Cha nói. “Rất thường xuyên như vậy!”
Đưa ra một số ví dụ, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng mọi người thường nói “Tôi đã làm điều này điều kia” và “Tôi đã gặp vấn đề này”.
“Chúng ta luôn nói như vậy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Điều này thật khác với Chúa Thánh Thần, Đấng nói bằng cách loan báo về các ngôi vị khác, Chúa Cha và Chúa Con! Và, chúng ta thật đố kị biết bao về những gì chúng ta sở hữu. Thật khó biết bao khi chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có với người khác, ngay cả những người thiếu thốn những nhu cầu cơ bản! Nói thì dễ nhưng thực hành thì khó biết mấy”.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích đám đông đặt câu hỏi rằng liệu “đời sống của chúng ta có phản ánh Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng hay không”.
Dẫn dắt đám đông tự đánh giá bản thân, Đức Thánh Cha hỏi: “Tôi, người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, có thực sự tin rằng tôi cần người khác để sống, tôi cần hiến mình cho người khác, tôi cần phục vụ người khác không? Tôi khẳng định điều này bằng lời nói, hay tôi khẳng định nó bằng chính cuộc sống của mình?”.
Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất phải được thể hiện bằng hành động chứ không phải lời nói, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Thiên Chúa, Đấng là tác giả của sự sống, không được truyền tụng quá nhiều qua sách vở cho bằng qua nhân chứng của cuộc sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Ngài, như Thánh sử Gioan viết, ‘là tình yêu’ (1 Ga 4:16), tự tỏ lộ mình qua tình yêu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích đám đông nghĩ về những người “tốt bụng, rộng lượng, hòa nhã” mà họ đã gặp gỡ và suy tư về cách suy nghĩ và hành động của họ.
Khi làm như vậy, “chúng ta có thể có được một suy tư khiêm tốn về Thiên Chúa – Tình yêu”, Đức Thánh Cha nói. “Và điều đó có nghĩa là gì khi yêu? Không chỉ cầu chúc họ những điều tốt đẹp và đối xử tốt với họ, mà trước hết, cơ bản nhất, chào đón người khác, cởi mở với người khác, tạo không gian cho người khác, nhường chỗ cho người khác. Đây là ý nghĩa của tình yêu, tận gốc rễ”.
Để hiểu rõ hơn về Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha khuyến khích đám đông xem xét từng danh xưng của ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi “mà chúng ta tuyên xưng mỗi khi làm dấu Thánh giá: Mỗi ngôi vị đều chứa đựng sự hiện diện của ngôi vị kia”.
“Chẳng hạn, Cha sẽ không là Cha nếu không có Con; cũng vậy, Con không thể đứng một mình, nhưng luôn luôn là Con của Cha. Và đến lượt mình, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Nói tóm lại”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm, “Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng không bao giờ có thể có Đấng này mà không có Đấng kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: mở ra, cần người khác và cần sự giúp đỡ của người khác”.
Sau giờ nguyện Kinh Truyền Tin vào buổi trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một tràng pháo tay cho việc tuyên phong Chân Phước gần đây cho Nữ tu Paschalis Jahn và chín Nữ tu tử đạo thuộc Dòng các Nữ tu Thánh Elizabeth, những người đã bị giết hại vào cuối Thế chiến thứ hai bởi những người lính thuộc Hồng quân.
Các Nữ tu đã được tuyên phong lên bậc Chân Phước hôm thứ Bảy tại Wroclaw, Ba Lan.
Mặc dù các Nữ tu nhận thức được mối nguy hiểm mà họ đang tự đặt mình vào trong việc chăm sóc những người già yếu và bệnh tật, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô nói, họ vẫn làm điều đó vì đức tin Kitô giáo của họ.
“Chớ gì mẫu gương đức tin của họ đối với Đức Kitô giúp tất cả chúng ta, đặc biệt là những Kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, can đảm làm chứng cho Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về vị tân Chân Phước.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về “sự hối tiếc lớn lao” mà ngài cảm nhận khi phải hoãn chuyến viếng thăm dự kiến vào đầu tháng Bảy tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan do các vấn đề mà ngài đang gặp phải với chân của mình.
“Tôi thực sự cảm thấy rất buồn vì đã phải hoãn chuyến viếng thăm này, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi”, Đức Thánh Cha nói. “Tôi xin lỗi vì điều này. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để, với sự trợ giúp của Thiên Chúa và sự chăm sóc y tế, tôi sẽ có thể đến với anh chị em sớm nhất có thể. Chúng ta hãy hy vọng!”.
Phát biểu về Ngày Thế giới chống Lao động trẻ em, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả mọi người cùng cộng tác làm việc để “loại bỏ tai họa này” để không trẻ em nào bị tước đoạt các quyền cơ bản của mình và bị ép buộc hoặc bị cưỡng bức phải lao động”.
Đức Thánh Cha cũng cho biết rằng người dân Ukraine vẫn “in sâu trong trái tim tôi” khi nói về cuộc chiến Nga-Ukraine.
“Hãy để thời gian trôi qua không làm dịu bớt sự buồn phiền và lo lắng của chúng ta đối với những người dân đang lầm than đau khổ đó”, Đức Thánh Cha nói. “Xin đừng để chúng ta trở nên dần quen với hoàn cảnh bi đát này! Chúng ta hãy luôn khắc sâu nó trong tim. Chúng ta hãy cầu nguyện và nỗ lực phấn đấu vì hòa bình ”.
Minh Tuệ (theo CNA)