
Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng một tham dự viên tham gia Ngày Thế giới Người nghèo ở Rôma, ngày 16 tháng 11 năm 2017 (Ảnh: L’Osservatore Romano)
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng không một Kitô hữu nào được miễn trừ việc trợ giúp người nghèo.
Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người nghèo năm 2022, được công bố vào ngày 14 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một cộng đồng Kitô giáo đó là “bị lóa mắt bởi thần tượng của cải, điều mà cuối cùng đưa chúng ta đến một tầm nhìn phù du chóng qua và trống rỗng về cuộc sống”.
“Ở đâu người nghèo được quan tâm, điều đó không phải là chuyện quan trọng; điều quan trọng là xắn tay áo lên và đưa đức tin của chúng ta vào thực tế thông qua sự tham gia trực tiếp, một việc không thể được ủy quyền”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Không ai được phép nói rằng họ không thể gần gũi với người nghèo vì lối sống cá nhân của họ đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực khác. Đây là một lời bào chữa thường được nghe trong giới học thuật, kinh doanh hoặc giới chuyên gia, và thậm chí cả Giáo hội. Không ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta được miễn trừ việc quan tâm đến người nghèo và sự công bằng xã hội”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vấn đề không phải là việc tiếp cận người nghèo với “tâm lý phúc lợi”, mà là đảm bảo rằng không ai thiếu thốn những thứ cần thiết.
Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo các tín hữu Công giáo chống lại những hành vi sao lãng và thiếu nhất quán đối với người nghèo.
Đức Thánh Cha nói: “Đôi khi … một sự sao lãng có thể len lỏi vào và dẫn đến những hành vi thiếu nhất quán, bao gồm cả sự thờ ơ đối với người nghèo. Nó cũng xảy ra khi một số Kitô hữu, vì quá gắn bó với tiền bạc, vẫn sa lầy vào việc sử dụng một cách kém cỏi của cải và sự giàu có của họ. Những tình huống này cho thấy một đức tin yếu ớt và niềm hy vọng mong manh, viển vông”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo vào năm 2016 vào dịp bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội. Ngày này được cử hành hàng năm vào Chúa nhật thứ XXXIII Mùa Thường Niên, một tuần trước Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.
Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 6 sẽ được cử hành vào ngày 13 tháng 11 với chủ đề “Đức Giêsu Kitô đã trở nên nghèo khó vì anh em”, được truyền cảm hứng bởi 2 Cr 8: 9.
Trong Sứ điệp được ký vào dịp Lễ Thánh Antôn Padua vào ngày 13 tháng 6, Đức Thánh Cha đã phân biệt giữa sự nghèo nàn vốn hạ thấp con người, trong đó con người sống trong cảnh nghèo khổ thiếu thốn, và tinh thần nghèo khó Kitô giáo vốn giải thoát con người và mang lại hòa bình.
“Những lời của Chúa Giêsu hết sức rõ ràng: nếu chúng ta muốn sự sống chiến thắng sự chết, và phẩm giá được cứu vãn khỏi sự bất công, chúng ta cần đi theo con đường nghèo khó của Chúa Giêsu, chia sẻ cuộc sống của chúng ta với tình yêu thương, bẻ tấm bánh cuộc sống hàng ngày của chúng ta với anh chị em của chúng ta, bắt đầu từ những người nhỏ bé thấp kém nhất trong số họ, những người thiếu những điều cần thiết nhất của cuộc sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Đây là cách để tạo ra sự bình đẳng, giải thoát người nghèo khỏi cảnh khốn cùng, giải thoát người giàu khỏi sự phù phiếm của họ, và đồng thời giải thoát cả hai khỏi sự tuyệt vọng”.
Tại cuộc họp báo vào ngày 14 tháng 6, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella đã nhấn mạnh một số sáng kiến của Vatican nhằm giúp đỡ người nghèo phối hợp với Ngày Thế giới Người nghèo.
Đức Tổng Giám mục Fisichella cho biết rằng 500 gia đình đã nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà, bảo hiểm, khí đốt, điện và nước một phần nhờ vào công ty dịch vụ tài chính UnipolSai của Ý, và hàng tấn thực phẩm cơ bản đã được phân phối nhờ sự hợp tác quảng đại của các siêu thị địa phương trong Giáo phận Rôma.
Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặt vấn đề rằng có thể làm gì hơn nữa để giúp đỡ hàng triệu người đang sống ở Ukraine bị chiến tranh tàn phá và các khu vực xung đột khác.
“Sự nghèo đói tột cùng được tạo ra bởi sự vô nghĩa của chiến tranh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Hàng triệu phụ nữ, trẻ em và người già đang bị buộc phải bất chấp nguy hiểm bom đạn chỉ để tìm kiếm sự an toàn bằng cách tìm kiếm nơi ẩn náu với tư cách là những người di tản ở các quốc gia láng giềng. Còn biết bao nhiêu người khác tiếp tục ở lại vùng chiến sự, sống từng ngày trong nỗi sợ hãi và thiếu thức ăn, nước uống, chăm sóc y tế, và trên hết là tình cảm con người?”.
“Làm thế nào chúng ta có thể ứng phó thỏa đáng với tình huống này, và mang đến sự trợ giúp và hòa bình cho tất cả những người này trong bối cảnh của sự bấp bênh và bất ổn?”, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi.
Minh Tuệ (theo CNA)