Trong bài chia sẻ trong giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy ngẫm về những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly trong bài đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.
Phát biểu với ước tính khoảng 25.000 người hành hương tụ tập vào một ngày tươi sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Chúa Giêsu cũng có một điểm cần nói thêm: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14:27).
“Bình an mà thế giới không nhận thức được và bình an mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là gì?”, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi.
“Sự bình an này chính là Chúa Thánh Thần, cùng một Thần Khí của Chúa Giêsu. Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chúng ta, đó là ‘quyền năng của sự bình an’ của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha giải thích. “Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng làm tiêu tan mọi nghi ngờ trong tâm hồn và lấp đầy nó bằng sự thanh thản. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng nới lỏng sự cứng rắn và dập tắt những cám dỗ tấn công người khác. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc nhở chúng ta rằng có anh chị em chúng ta hiện diện bên cạnh chúng ta, chứ không phải là những chướng ngại vật hay đối thủ của chúng ta”.
“Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ, để bắt đầu lại, để một lần nữa bắt đầu lại mọi thứ bởi vì chúng ta không thể làm điều này với sức riêng của mình. Và chính với Ngài, với Chúa Thánh Thần, chúng ta trở thành những con người của hòa bình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Đây chính là nguồn mạch của sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta”, Đức Thánh Cha cho biết thêm. “Vì không ai có thể để lại sự bình an cho người khác nếu họ không có được sự bình an trong chính họ. Không ai có thể mang lại hòa bình trừ khi người đó sống trong hòa bình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy học cách nói điều này mỗi ngày: ‘Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Người, xin ban cho con Chúa Thánh Thần’. Đây là một lời cầu nguyện tuyệt đẹp. Chúng ta sẽ nói điều đó cùng nhau chứ? ‘Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Người, xin ban cho con Chúa Thánh Thần’”.
Một lần nữa khuyến khích đám đông cùng hiệp ý cầu nguyện với mình, Đức Thánh Cha nói: “Tôi không nghe rõ. Một lần nữa nào: Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Người, xin ban cho con Chúa Thánh Thần’”.
Tập trung vào bối cảnh của bài đọc Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng những lời của Chúa Giêsu nói với các Tông đồ là “một loại minh chứng”.
“Chúa Giêsu giã từ các môn đệ với những lời lẽ thể hiện tình cảm dạt dào và sự thanh thản. Nhưng ngài làm như vậy trong một khoảnh khắc không gì khác ngoài sự thanh thản”, ám chỉ sự phản bội đang bộc lộ của Giuđa và việc Phêrô sắp phủ nhận rằng ông thậm chí còn không biết Chúa Giêsu.
“Chúa Giêsu biết điều này, tuy nhiên, Ngài không quở trách, Ngài không dùng những lời lẽ nghiêm khắc, không đưa ra những tuyên bố gay gắt”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Thay vì thể hiện tâm trạng bối rối lo âu, Chúa Giêsu vẫn hết sức ôn tồn cho đến những giây phút cuối cùng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục: “Có một câu tục ngữ nói rằng bạn sẽ nhắm mắt xuôi tay theo cách bạn đã sống. Thực vậy, những giờ phút cuối cùng trong cuộc đời Chúa Giêsu giống như bản chất của toàn bộ cuộc đời của Ngài. Chúa Giêsu cảm thấy sợ hãi và đau đớn, nhưng không nhường chỗ cho sự phẫn uất hay phản kháng. Chúa Giêsu không cho phép mình trở nên chua xót cay đắng, Ngài không trút giận, không nóng nảy. Tâm hồn Chúa Giêsu tràn ngập bình an, một sự bình an phát xuất từ trái tim hiền lành và khiêm nhường của Ngài”.
Khi làm như vậy, “Chúa Giêsu chứng tỏ rằng sự hiền lành nhu mì là điều có thể thực hiện được”, Đức Thánh Cha nhận xét.
“Chúa Giêsu đã thể hiện điều đó một cách đặc biệt trong thời điểm cam go nhất, và Ngài muốn chúng tôi cũng hành xử theo cách đó, vì chúng ta cũng là những người thừa hưởng sự bình của Ngài”, Đức Thánh Cha nói. “Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên nhu mì, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, có khả năng xoa dịu sự căng thẳng và tạo nên sự hòa hợp. Đây là việc làm chứng cho Chúa Giêsu và có giá trị hơn hàng ngàn lời nói và nhiều bài giảng. Đây cũng là việc làm chứng cho hòa bình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả những môn đệ của Chúa Giêsu hãy suy ngẫm về việc họ có hành xử theo cách này hay không.
“Chúng ta có làm lắng dịu sự căng thẳng và xoa dịu xung đột không? Chúng ta có quá mâu thuẫn với ai đó, luôn sẵn sàng phản ứng, bùng nổ hay chúng ta có biết cách phản ứng bất bạo động, chúng ta có biết cách đáp trả bằng những hành động ôn hòa không? Tôi phản ứng như thế nào?”, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi.
“Chắc chắn, sự hiền lành nhu mì này quả là điều không hề dễ dàng”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Việc xoa dịu xung đột, ở mọi cấp độ, thật khó biết bao nhiêu!”.
Chúa Giêsu hiểu điều này. Ngài biết rằng “chúng ta cần sự trợ giúp, chúng ta cần ơn Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.
“Hòa bình, vốn là nghĩa vụ của chúng ta, trước hết là một món quà của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng “không có tội lỗi nào, không có sự thất bại nào, không có sự thù hận nào ngăn cản chúng ta kiên quyết cầu xin món quà này từ Chúa Thánh Thần, Đấng ban bình an cho chúng ta”.
“Chúng ta càng cảm thấy tâm hồn mình xao động, càng cảm thấy lo lắng bồn chồn, thiếu kiên nhẫn, hay tức giận bên trong chúng ta, thì chúng ta càng cần phải cầu xin Thiên Chúa ban cho Thần Khí của sự bình an”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi đám đông cùng hiệp ý cầu nguyện với ngài: “Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Người, xin ban cho con Thần Khí của Người”. Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Và chúng ta cũng hãy cầu xin điều này cho những người sống bên cạnh chúng ta, cho những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày, và cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia”.
Sau giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào buổi trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bình luận về việc tuyên phong Chân Phước ở Lyon, Pháp, sau đó là vào Chúa nhật của Tôi Tớ Chúa Pauline Marie Jericot, người đã thành lập Hiệp hội Truyền bá Đức tin để hỗ trợ các cơ quan truyền giáo vào đầu thế kỷ 19. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi vị tân Chân Phước là “một phụ nữ can trường, chú ý đến những thay đổi đang diễn ra vào thời điểm đó, và có tầm nhìn phổ quát về sứ mạng của Giáo hội”.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục: “Chớ gì mẫu gương của tân Chân Phước Pauline Marie Jericot khơi dậy nơi mọi người ước muốn được tham gia qua lời cầu nguyện và lòng bác ái vào việc truyền bá Phúc Âm trên khắp thế giới”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng Chúa nhật ngày 22 tháng 5 đánh dấu sự khởi đầu của “Tuần lễ Laudato Si'”, một sự suy tư kéo dài một tuần lễ được lấy cảm hứng từ Thông điệp năm 2015 của ngài về môi trường. Đức Thánh Cha gọi sự kiện này là một cơ hội để “chăm chú lắng nghe hơn nữa tiếng kêu của Trái đất, vốn thúc giục chúng ta cùng nhau hành động để chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập rằng ngày 24 tháng 5 đánh dấu ngày Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Đấng “được các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc đặc biệt tôn kính”.
Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng Đức Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo là Đấng bảo trợ các tín hữu Công giáo Trung Quốc và được đặt tại Đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan) ở Thượng Hải cùng với nhiều nhà thờ và tư gia trên khắp đất nước.
“Dịp lễ vui mừng này cho tôi cơ hội để một lần nữa đảm bảo với họ về sự gần gũi thiêng liêng của tôi” với các tín hữu tại Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Tôi hết sức chú tâm và tích cực theo dõi cuộc sống và các tình huống thường phức tạp của các tín hữu và các Mục tử, và tôi cầu nguyện cho họ mỗi ngày”, Đức Thánh Cha nói.
“Tôi mời gọi tất cả anh chị em cùng hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện này để Giáo hội ở Trung Quốc, trong sự tự do và bình ổn, có thể sống trong sự hiệp thông hữu hiệu với Giáo hội hoàn vũ, và có thể thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người, và do đó mang lại một sự đóng góp tích cực cho sự tiến bộ tinh thần và vật chất của xã hội”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chào mừng những người tham gia cuộc tuần hảnh ủng hộ việc bảo vệ sự sống hàng năm của Ý, với chủ đề ‘Scegliamo la vita’, hoặc trong tiếng Anh, “Let’s Choose Life” (Hãy Lựa Chọn Sự Sống).
“Tôi cảm ơn anh chị em vì sự dấn thân của anh chị em trong việc cổ võ sự sống và bảo vệ sự phản đối theo lương tâm, điều mà người ta thường cố gắng hạn chế”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Đáng buồn thay, trong những năm qua, đã có một sự thay đổi trong não trạng chung, và hiện nay chúng ta ngày càng có xu hướng nghĩ rằng sự sống là một điều tốt đẹp do chúng ta hoàn toàn tùy ý sử dụng, rằng chúng ta có thể lựa chọn thao túng, sinh ra hoặc tước đi sự sống theo ý mình, như thể đó là hệ quả duy nhất của sự lựa chọn cá nhân”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Chúng ta hãy nhớ rằng sự sống là một món quà của Thiên Chúa! Nó luôn thiêng liêng và bất khả xâm phạm, và chúng ta không thể làm câm lặng tiếng nói của lương tâm”, Đức Thánh Cha kết luận.
Minh Tuệ (theo CNA)