Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra thông điệp chữa lành cho một Cộng hòa Síp bị chia cắt

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Sân vận động GSP ở Nicosia, Síp, ngày 3 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Elise Ann Allen / Crux)

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Sân vận động GSP ở Nicosia, Síp, ngày 3 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Elise Ann Allen / Crux)

Vào ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm đảo Síp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cho cộng đồng Công giáo trên đảo quốc và cho biết cách thức duy nhất để thực sự hồi phục sau những căng thẳng hiện vẫn còn chia cắt đất nước đó là cùng nhau tìm kiếm sự chữa lành nơi Chúa Giêsu, với tư cách là anh chị em với nhau.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào bài đọc Tin Mừng trong ngày theo Thánh Mát-thêu, trong đó có hai người mù kêu cầu Chúa Giêsu giúp đỡ, cúi xin ngài dủ lòng thương xót họ.

“Điều họ đang tìm kiếm đó là sự chữa lành”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời lưu ý rằng mặc dù họ không thể nhìn thấy Người, “họ nghe thấy giọng nói của Người và đi theo bước chân của Người”.

Họ tin tưởng phó thác vào Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Bởi vì họ nhận ra rằng, trong bóng tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng chiếu tỏa ‘bóng đêm’ nơi con tim và thế giới”.

“Chúng ta cũng có một kiểu ‘mù lòa’ trong tâm hồn mình. Giống như hai người đàn ông mù đó, chúng ta  thường giống như những người lữ khách, chìm đắm trong bóng tối của cuộc đời”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và đồng thời cũng cho biết rằng bước đầu tiên để được chữa lành đó là đến gặp Chúa Giêsu, điều mà nhiều người chống đối, thay vào đó thích khép mình trong bóng tối, cảm thấy tội nghiệp và tự chôn mình trong nỗi buồn của riêng mình.

Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói, “là vị thầy thuốc thiêng liêng: Chỉ một mình Ngài là ánh sáng đích thực soi sáng mọi người nam và nữ”, và chỉ một mình Ngài là Đấng “giải thoát tâm hồn khỏi sự dữ… Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội chữa lành quả tim chúng ta”.

Để nhận được sự chữa lành, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng cũng cần phải chia sẻ nỗi đau của một người, thay vì một mình chịu đựng nó, và đồng thời chỉ ra thực tế rằng trong Tin Mừng, cả hai người mù trên đường đều cùng được chữa lành.

Họ cùng nhau chịu đựng sự đau khổ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và họ cùng nhau cầu xin sự giúp đỡ. Đức Thánh Cha gọi đây là “một dấu chỉ hùng hồn của đời sống Kitô hữu và là đặc điểm riêng biệt của tinh thần Giáo hội: suy nghĩ, nói và hành động với tư cách là ‘chúng ta’, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân và cảm giác tự mãn vốn đã tiêm nhiễm vào tâm hồn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết câu chuyện Tin Mừng này đặc biệt có thể áp dụng cho Cộng hòa Síp, nơi gần 50 năm đã bị giằng xé bởi sự chia rẽ về sắc tộc và địa lý gây ra sự bất đồng.

Được gọi là “vấn đề Síp”, hòn đảo từ năm 1974 đã bị chia cắt bởi cái gọi là “Đường màu xanh lá” (Green Line) chia đôi phía Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và phía Nam Síp thuộc Hy Lạp. Đường phân chia, cắt qua trung tâm thủ đô Nicosia của Síp, là kết quả của một thỏa thuận ngừng bắn được thực hiện sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc đất nước sau cuộc đảo chính ngắn ngủi do những người theo chủ nghĩa dân tộc Hy Lạp lãnh đạo.

Nhiều nỗ lực nhằm thống nhất hòn đảo hoặc đạt được một số thỏa thuận thương lượng đã thất bại, với việc chính phủ của Cộng đồng Síp thuộc Hy Lạp vẫn là chính phủ duy nhất được cộng đồng quốc tế công nhận và là thành viên EU kể từ năm 2004.

Quốc đảo nhỏ bé ở Địa Trung Hải cũng đang phải vật lộn để duy trì làn sóng lớn những người di cư Trung Đông và châu Phi đổ bộ vào bờ biển của nó hoặc băng qua biên giới của nó, tìm cách nhập cảnh vào châu Âu. Trong nhiều năm, Síp đã ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng người di cư, và do có nhiều người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, điều này đã tạo thêm một lớp phẫn nộ khác cho một tình huống vốn đã gây ra sự bất đồng.

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà chức trách chính trị tại Síp, đồng thời nhắn nhủ họ rằng hãy áp dụng thái độ hoan nghênh và tình huynh đệ để thống nhất các công dân, hòa giải những chia rẽ lịch sử vốn vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một điểm giao thao thực sự giữa các nền văn hóa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ vào ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm của mình tại đảo Síp sau cuộc gặp gỡ với các thành viên của Thượng hội đồng Chính thống giáo vào sáng sớm hôm đó. Để vào sân vận động, những người tham dự sự kiện phải đeo khẩu trang và xuất trình Thẻ xanh chứng minh tình trạng đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm COVID âm tính.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra sự so sánh với những người mù trong Tin Mừng khi nói rằng mỗi người đều bị mù lòa theo một cách nào đó do hậu quả của tội lỗi, “điều này ngăn cản chúng ta ‘nhìn thấy’ Thiên Chúa là Cha của chúng ta và nhìn nhận nhau như anh chị em”.

“Vì đó là hậu quả của tội lỗi; nó bóp méo thực tế: nó khiến chúng ta coi Thiên Chúa như một bạo chúa và coi nhau như là những vấn đề”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Đó là công việc của kẻ cám dỗ, kẻ xuyên tạc mọi thứ, đặt chúng vào ánh sáng tiêu cực, để khiến chúng ta rơi vào sự tuyệt vọng và cay đắng”.

Khi con người tuyệt vọng, họ trở thành con mồi của “một nỗi buồn khủng khiếp, điều đó quả vô cùng nguy hiểm và không xuất phát từ Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh rằng chúng ta không được một mình cô độc đối mặt bóng tối này, nếu không nó sẽ bao trùm lấy chúng ta.

Thay vào đó, “Chúng ta cần sát cánh bên nhau, chia sẻ nỗi đau và cùng nhau đối mặt với con đường phía trước”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đối mặt với cả những cuộc đấu tranh cá nhân và những thách đố mà cả Giáo hội và xã hội ở Síp phải đối mặt, phương pháp khắc phục duy nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đó là “đổi mới ý thức của chúng ta về tình huynh đệ” và tình bằng hữu.

“Nếu chúng ta vẫn tiếp tục chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình hoặc nhóm của mình, nếu chúng ta không chịu gắn bó với nhau, nếu chúng ta không đối thoại và bước đi cùng nhau, chúng ta sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn khỏi sự mù quáng của mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời nhấn mạnh rằng sự chữa lành chỉ diễn ra “khi chúng ta cùng nhau mang lấy nỗi đau, khi chúng ta cùng nhau đối mặt với vấn đề, khi chúng ta lắng nghe và trò chuyện với nhau”.

Trở lại câu chuyện Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng một khi hai người mù được chữa lành, họ ra đi và loan truyền Tin Mừng trong khắp vùng lân cận của họ.

“Họ chỉ đơn giản là không thể kiềm chế sự phấn khích của họ trước sự chữa lành của họ và niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết rằng đây là một “dấu chỉ khác biệt của người Kitô hữu: Niềm vui sướng khôn tả của Tin Mừng, vốn tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu, tự nhiên dẫn đến việc làm chứng và giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ của một đức tin mang tính riêng tư, u ám và rầu rĩ”.

Việc sống Phúc Âm với niềm vui, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, không phải là khiến ai đó cải đạo, mà là làm chứng chân; không phải là việc tuân giữ theo đúng luân thường đạo lý luôn tìm cách phán xét mà là một lòng thương xót luôn luôn đón nhận; không phải là lòng mộ đạo hời hợt mà là tình yêu được thể hiện hết mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người dân đảo Síp tiếp tục tiến bước trên con đường của sự chữa lành và tình huynh đệ, và “hãy trở thành những nhân chứng không sợ hãi để làm chứng về Chúa Giêsu cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ!”.

“Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cũng đang đi qua các đường phố của đảo Síp, nghe thấy tiếng kêu cứu của những kẻ mù lòa chúng ta. Ngài muốn chạm vào đôi mắt và quả tim của chúng ta và đưa chúng ta đến ánh sáng, ban cho chúng ta sự tái sinh tâm linh và nguồn sức mạnh mới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng Thánh lễ bằng việc mời gọi các tín hữu canh tân đức tin của họ vào Chúa Giêsu, và thân thưa với Ngài: “Chúng con tin tưởng rằng ánh sáng của Chúa trổi vượt hơn bóng tối của chúng con; chúng con tin rằng Ngài có thể chữa lành chúng con, Ngài có thể tái tạo tình bằng hữu của chúng con, chúng con tin rằng Ngài có thể làm gia tăng niềm vui của chúng con. Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube