Khi đặt chân đến Cộng hòa Malta hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc giục chính quyền địa phương bảo vệ sự sống và đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động vì hòa bình giữa bối cảnh chiến tranh, điều mà ngài nói đã “giáng một đòn nặng nề xuống cuộc sống của nhiều người và đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.
“Malta, nơi tỏa sáng rực rỡ ở trung tâm Địa Trung Hải, có thể trở thành nguồn cảm hứng cho chúng ta, vì việc khôi phục vẻ đẹp cho diện mạo của một nhân loại bị tàn phá bởi chiến tranh là điều cấp thiết”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại Cung điện Grand Master ở Valletta vào ngày 2 tháng 4.
Thực hiện chuyến Tông du quốc tế đầu tiên của mình vào năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống đảo quốc Địa Trung Hải vào lúc 9:50 sáng để bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài hai ngày sẽ đưa ngài băng qua quần đảo của Malta đến Đền thờ Đức Mẹ trên đảo Gozo, một trung tâm tiếp nhận người di cư ở Hal Far, và nơi được cho là Thánh Phaolô đã lưu lại trong suốt ba tháng vào năm 60 sau Công nguyên.
Một đám đông sôi động khoảng 2.000 người đã chờ đợi hàng giờ đồng hồ nhảy múa và ca hát bên ngoài tòa nhà chính phủ trước cuộc gặp gỡ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô với chính quyền dân sự ở đó.
Có một khung cảnh sôi động bên ngoài Cung điện Grand Master ở Valletta, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Tổng thống và Thủ tướng Malta.
Đức Thánh Cha đã được Tổng thống George Vella chào đón và Thủ tướng tân cử Robert Abela tại Cung điện Grand Master ở thủ đô Valletta ngay sau khi ngài đến.
Trong bài phát biểu của mình trước các nhà chức trách dân sự, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ám chỉ đến cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời kêu gọi “sự tiết chế của con người trước hành động xâm lược tàn ác và ấu trĩ đang đe dọa chúng ta, trước nguy cơ của một cuộc Chiến tranh Lạnh mở rộng có thể bóp nghẹt cuộc sống của toàn thể dân tộc và nhiều thế hệ”.
“Đáng buồn thay, cách hành xử xuẩn ngốc này vẫn chưa biến mất. Nó đã trở lại mạnh mẽ trong sự quyến rũ của chế độ chuyên quyền, các hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc, sự hiếu chiến lan rộng, và việc không có khả năng xây dựng những cầu nối và bắt đầu từ những người nghèo nhất giữa chúng ta”.
“Một lần nữa, một số kẻ chuyên quyền, đáng buồn thay, bị vướng vào những tuyên bố lạc hậu về lợi ích dân tộc chủ nghĩa, đang kích động và thúc đẩy các cuộc xung đột, trong khi những người bình thường cảm thấy cần phải xây dựng một tương lai vốn sẽ được hoặc chia sẻ, hoặc không có gì cả”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Giờ đây, trong bóng đêm của cuộc chiến đang đổ xuống nhân loại, chúng ta đừng để cho giấc mơ hòa bình tàn lụi”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi người dân Malta tiếp tục “bảo vệ sự sống từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc một cách tự nhiên”. Malta là quốc gia thành viên duy nhất còn lại của Liên minh châu Âu cấm hoàn toàn việc phá thai.
“Nền tảng của tất cả mọi sự phát triển vững chắc đó là việc tôn trọng con người, tôn trọng sự sống và phẩm giá của mọi nam giới và mọi phụ nữ”, Đức Thánh Cha nói.
“Tôi nhận thức được cam kết của người dân Malta trong việc đón nhận và bảo vệ sự sống. Được ghi chép trong Sách Tông đồ Công Vụ, người dân trên hòn đảo này đã được biết đến với việc cứu sống nhiều người. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục bảo vệ sự sống kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc một cách tự nhiên, cũng như bảo vệ sự sống mọi lúc mọi nơi khỏi việc bị gạt sang một bên và bị tước đi sự quan tâm chăm sóc”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích một dòng trong Sách Công Vụ Tông đồ cho chủ đề của chuyến Tông du từ ngày 2-3 tháng Tư tới Cộng hòa Malta: “Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28: 2).
“Tôi đặc biệt nghĩ đến phẩm giá chính đáng của người lao động, những người lớn tuổi và những người đau yếu bệnh tật. Và trong số những người trẻ tuổi có nguy cơ phung phí tất cả những điều tốt đẹp hiện hữu bên trong họ bằng cách chạy theo những ảo ảnh vốn chỉ để lại sự trống rỗng khi họ thức dậy. Đây chính là thành quả của chủ nghĩa tiêu dùng triệt để, sự thờ ơ trước nhu cầu của người khác, và tai họa của ma túy, thứ kìm hãm sự tự do và tạo ra sự phụ thuộc. Chúng ta hãy bảo vệ vẻ đẹp của sự sống!”.
Hơn 85% dân số 478.000 của Malta là người Công giáo đã được rửa tội, tuy nhiên quốc gia này đã phải đối mặt với sự sụt giảm liên tục về số người tham dự Thánh lễ trong nhiều thập kỷ.
Malta cũng đã trải qua những thay đổi về mặt xã hội và chính trị đáng kể trong thập kỷ qua. Chính phủ Malta đã hợp pháp hóa ly hôn không quy lỗi vào năm 2011, hôn nhân đồng giới vào năm 2017, và đông lạnh phôi vào năm 2018.
Chính phủ Lao động mới được tái đắc cử gần đây cũng đã cam kết bắt đầu một cuộc thảo luận quốc gia về khả năng hợp pháp hóa an tử.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi các nhà chức trách Malta bảo vệ phẩm giá của những người di cư đến các bờ biển của hòn đảo này.
“Ngày nay, khi những người băng qua Địa Trung Hải để tìm kiếm sự cứu giúp gặp phải nỗi sợ hãi và câu chuyện về ‘sự xâm lấn’, và việc bảo vệ an ninh của chính mình bằng bất cứ giá nào dường như là mục tiêu chính yếu, chúng ta hãy giúp nhau đừng nhìn những người di cư như một mối đe dọa và đừng khuất phục trước cám dỗ của việc dựng lên những cây cầu kéo và xây dựng các bức tường”, Đức Thánh Cha nói.
“Tha nhân không phải là một loại vi-rút mà là những người chúng ta cần phải bảo vệ, là những người phải được đón nhận”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.
Theo Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc, trong những năm gần đây, dân số tị nạn đến Malta chủ yếu bao gồm những người tị nạn Libya, Syria và Somali. Hơn 800 người di cư đã đến Malta bằng đường biển vào năm 2021, giảm đáng kể so với năm 2019 khi 3.406 người di cư đến các bờ biển của Malta.
Trẻ em không có thân nhân đi cùng chiếm 24% số người di cư đến Malta vào năm 2020. Những trẻ em này chủ yếu có nguồn gốc từ Sudan, Somalia, Bangladesh và Eritrea.
Nhiều người di cư đến Malta đang tìm cách đến các quốc gia khác ở lục địa Châu Âu.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi các quốc gia hỗ trợ những người tị nạn Ukraine đang chạy trốn khỏi cảnh chiến tranh.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tình trạng khẩn cấp di cư ngày càng gia tăng – ở đây chúng ta có thể nghĩ đến những người tị nạn đến từ Ukraine bị chiến tranh tàn phá – kêu gọi một phản ứng chung và trên diện rộng. Một số quốc gia không thể phản ứng toàn bộ vấn đề, trong khi những quốc gia khác vẫn tỏ ra thờ ơ”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Các quốc gia văn minh không thể chấp thuận những thỏa thuận bẩn thỉu vì lợi ích của chính họ với những tên tội phạm nô dịch những người khác… Địa Trung Hải cần tinh thần đồng trách nhiệm từ phía châu Âu, để trở thành một hý viện mới của sự liên đới và không phải là điềm báo của một sự sụp đổ bi thảm của nền văn minh”.
Trước khi ra sân bay vào sáng thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào một nhóm người tị nạn Ukraine tại Vatican.
Khi một nhà báo trên chuyến bay Giáo hoàng hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô rằng liệu ngài có đang cân nhắc lời mời đến thăm Kyiv hay không, Đức Thánh Cha trả lời: “Vâng, vấn đề này hiện đang được bàn tính”, theo phóng viên của NBC News, Claudio Lavanga.
Với diện tích xấp xỉ 1/10 so với tiểu bang Rhode Island của Hoa Kỳ, Malta là quốc gia EU nhỏ nhất cả về quy mô địa lý lẫn dân số. Đây cũng là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên thế giới.
Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ làm nổi bật di sản Công giáo của Malta, mối liên hệ của nó với Thánh Phaolô Tông đồ, và vai trò của nó trong việc tiếp nhận những người di cư đến châu Âu.
Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo chính phủ, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đi di chuyển bằng tàu catamaran giữa Malta và Gozo, hai hòn đảo lớn nhất trong quần đảo.
Đây không phải là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đi trên một chiếc catamaran. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được vận chuyển bằng catamaran trong chuyến viếng thăm Malta vào năm 1990, tạo cảm hứng cho tên gọi của chiếc catamaran cao tốc lớn nhất ở Biển Địa Trung Hải.
“Nhờ vị trí địa lý của nó, Malta có thể được gọi là trái tim của Địa Trung Hải”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Không chỉ bởi vị trí địa lý: trong suốt hàng nghìn năm, sự giao thoa của các sự kiện lịch sử và sự gặp gỡ của các dân tộc khác nhau đã khiến hòn đảo này trở thành một trung tâm của sức sống và của văn hóa, tâm linh và vẻ đẹp, một ngã tư tiếp nhận và hài hòa những ảnh hưởng từ nhiều nơi trên thế giới”.
Minh Tuệ (theo CNA)