Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Đây là căn tính của chúng ta: chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương’

Một đứa trẻ ngồi trên vai một người phụ nữ khi mọi người chờ đợi bắt đầu nghi thức cử hành Thánh lễ phong thánh cho 10 vị thánh mới của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Peter tại Vatican ngày 15 tháng 5 năm 2022. Năm vị thánh mới đến từ Ý , ba từ Pháp, một từ Ấn Độ và một từ Hà Lan (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Một đứa trẻ ngồi trên vai một người phụ nữ khi mọi người chờ đợi bắt đầu nghi thức cử hành Thánh lễ tuyên thánh cho 10 vị tân Hiển Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican ngày 15 tháng 5 năm 2022. Năm vị tân Hiển Thánh đến từ Ý , ba vị đến từ Pháp, một vị đến  từ Ấn Độ và một vị đến từ Hà Lan (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Chúng ta đã nghe những điều Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ trước khi rời thế gian này và trở về với Chúa Cha. Ngài cho chúng ta biết việc trở thành một người Kitô hữu có nghĩa là gì: “Như Thầy đã yêu các con, thì các con cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13, 34). Đây là di sản mà Chúa Giêsu đã truyền lại cho chúng ta, là tiêu chuẩn nền tảng để phân biệt chúng ta có thực sự là môn đệ của Ngài hay không. Đó là giới luật yêu thương. Chúng ta hãy dừng lại để xem xét hai yếu tố thiết yếu của giới luật này: tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta – “như Thầy đã yêu thương các con” – và tình yêu thương mà Ngài đè nghị chúng ta phải bày tỏ với tha nhân – “thì các con cũng phải yêu thương nhau”.

Trước hết, những lời như Thầy đã yêu thương các con”. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta như thế nào? Cho đến cùng, cho đến khi trao chính mình hoàn toàn. Thật ấn tượng khi nghĩ rằng Chúa Giêsu đã nói những lời này vào cái đêm đầy tăm tối đó, khi bầu không khí trong phòng Tiệc ly là một niềm xúc động và lo âu khắc khoải sâu sắc: cảm xúc sâu thẳm vì Thầy sắp vĩnh biệt các môn đệ của mình; lo âu khoắc khoải vì Chúa Giêsu đã nói rằng một trong số họ sẽ phản bội Ngài. Chúng ta có thể tưởng tượng sự buồn phiền tràn ngập trong lòng Chúa Giêsu, những đám mây đen đang tụ lại trong lòng các Tông đồ, và sự cay đắng chua xót của họ khi thấy Giuđa, người sau khi nhận miếng do Thầy trao cho, đã rời căn phòng để vào đêm phản bội. Tuy nhiên, ngay vào giờ bị phản bội, Chúa Giêsu đã tái khẳng định tình yêu của Ngài dành cho ông. Vì giữa bóng tối và bão tố thử thách của cuộc đời, đó là điều quan trọng nhất trong tất cả mọi thứ: Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Anh chị em thân mến, chớ gì thông điệp này trở thành điều cốt lõi trong đức tin của chúng ta và nơi tất cả những cách thức chúng ta thể hiện điều đó: “… không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” (1 Ga 4:10). Chúng ta đừng bao giờ quên điều này. Khả năng và công trạng của chúng ta không phải là điều trọng tâm, mà là tình yêu thương vô điều kiện và nhưng không của Thiên Chúa. Đời sống Kitô hữu của chúng ta bắt đầu không phải với Giáo lý và những việc lành phúc đức, nhưng với sự kinh ngạc sinh ra khi nhận ra rằng chúng ta được yêu thương, trước bất kỳ phản ứng nào từ phía chúng ta. Trong khi thế giới thường xuyên nỗ lực thuyết phục chúng ta rằng chúng ta chỉ được đánh giá cao vì những gì chúng ta có thể tạo ra, thì Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về chân lý đích thực của cuộc sống: chúng ta được yêu thương. Một nhà văn về linh đạo đương thời đã nói như thế này: “Trước khi người ta nhìn thấy chúng ta, Thiên Chúa đã nhìn chúng ta bằng đôi mắt yêu thương của Người. Ngay cả trước khi người ta nghe thấy chúng ta khóc hay cười, thì Thiên Chúa đã nghe thấy chúng ta trước, Người luôn luôn lắng nghe chúng ta. Ngay cả trước khi ai đó trên thế giới này trò chuyện với chúng ta, thì tiếng nói của tình yêu vĩnh cửu đã ngỏ lời với chúng ta” (H. NOUWEN, Cuộc sống của Những người yêu thương). Thiên Chúa yêu chúng ta trước; Ngài chờ đợi chúng ta; Ngài tiếp tục yêu chúng ta. Đây là căn tính của chúng ta: chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là sức mạnh của chúng ta: chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

Việc thừa nhận chân lý này đòi hỏi một sự hoán cải theo cách chúng ta thường nghĩ về sự thánh thiện. Đôi khi, bằng cách quá nhấn mạnh nỗ lực làm những việc lành phúc đức, chúng ta đã tạo ra một lý tưởng về sự thánh thiện một cách thái quá dựa trên bản thân, những thái độ khoa trương cá nhân, khả năng từ bỏ, sẵn sàng hy sinh bản thân để đạt được một phần thưởng. Đó là một cách nhìn mà đôi khi còn nặng nề “học thuyết  Pelagiô” về cuộc sống và cả sự thánh thiện. Chúng ta đã biến sự thánh thiện trở thành một mục tiêu không thể đạt được. Chúng ta đã tách biệt điều đó ra khỏi cuộc sống hàng ngày, thay vì tìm kiếm và đón nhận nó trong thói quen hàng ngày của chúng ta, nơi khói bụi đường phố, nơi những thử thách bộn bề của cuộc sống thực tại và, theo lời của Thánh Têrêsa Avila với các Nữ tu của mình, “giữa những cái nồi trong bếp”. Việc trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu và thăng tiến trên con đường nên thánh có nghĩa là trước hết hãy để cho chúng ta được biến đổi bởi quyền năng của tình yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên sự tối cao của Thiên Chúa vượt trên tôi, Thần Khí vượt trên xác thịt và ân sủng vượt trên hành động. Vì đôi khi chúng ta coi trọng bản thân, coi trọng xác thịt hành động hơn. Không, sự trổi vượt của Thiên Chúa vượt trên bản thân tôi, sự trổi vượt của Chúa Thánh Thần vượt trên xác thịt, sự trổi vượt của ân sủng vượt trên hành động.

Tình yêu mà chúng ta được lãnh nhận từ Thiên Chúa là sức mạnh biến đổi cuộc sống của chúng ta. Nó mở rộng tâm hồn của chúng ta và cho phép chúng ta yêu thương. Vì lý do này, Chúa Giêsu nói – đây là yếu tố thứ hai – “Như Thầy đã yêu các con, thì các con cũng phải yêu thương nhau”. Từ “như” đó không chỉ đơn thuần là một lời mời bắt chước tình yêu thương của Chúa Giêsu; nó cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể yêu chỉ vì Người đã yêu chúng ta, bởi vì Người đổ vào trái tim chúng ta Thần Khí của Người, Thần Khí của sự thánh thiện, tình yêu chữa lành và biến đổi. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định và thực hiện những công việc yêu thương trong mọi tình huống và đối với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì bản thân chúng ta được yêu thương và chúng ta có quyền năng để yêu thương. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định và thực hiện những cử chỉ yêu thương trong mọi tình huống và với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì bản thân chúng ta đã được yêu thương và chúng ta có sức mạnh để yêu thương.  Như bản thân tôi đã được yêu, vì vậy tôi có thể yêu thương tha nhân. Tình yêu mà tôi cho đi được kết hợp với tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tôi. Thế nên, như Người đã yêu tôi, thì cũng có thể yêu thương người khác. Rất đơn giản, đời sống Kitô hữu thì đơn giản thế đấy! Chúng ta đừng làm cho nó ra phức tạp với bao nhiêu thứ. Nó chỉ đơn giản vậy thôi.

Một cách cụ thể, việc thể hiện tình yêu này có ý nghĩa gì? Trước khi ban cho chúng ta giới răn này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ; rồi, sau khi đã nói điều này, Người đã tự nộp mình để chịu treo trên thập giá. Yêu có nghĩa là: phục vụ và hiến dâng cuộc sống. Phục vụ nghĩa là không đặt lợi ích của mình lên trên hết: loại bỏ chất độc của lòng tham và tính cạnh tranh khỏi các hệ thống của chúng ta; chống lại căn bệnh ung thư của sự thờ ơ và loài sâu bọ của sự tự quy chiếu; để chia sẻ những đặc sủng và những món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Cụ thể, chúng ta nên tự vấn bản thân: “Tôi làm được gì cho người khác?”. Đó là ý nghĩa của tình yêu, tiếp tục sống mọi việc hàng ngày của chúng ta trong tinh thần phục vụ, với tình yêu thương khiêm tốn và không tìm kiếm bất kỳ sự đáp trả nào.

Kế đến, hiến dâng cuộc sống. Điều này không chỉ đơn thuần là cung cấp một cái gì đó của chúng ta cho người khác; nhưng là cho đi chính mình. Tôi thích hỏi những người tìm kiếm lời khuyên của tôi xem họ có bố thí không. Và nếu họ làm vậy, họ có chạm vào tay của người nhận, hay quăng của bố thí và làm thế để giữ mình được sạch sẽ. Những người đó thường đỏ mặt và nói không. Và tôi hỏi rằng khi bố thí, họ có nhìn vào mắt người đó không, hay nhìn đi chỗ khác. Họ nói không. Hãy chạm và nhìn, chạm và nhìn vào chính thân mình của Đức Kitô đang đau khổ nơi anh chị em của chúng ta. Đây là điều rất quan trọng; đó là ý nghĩa cuộc sống của một người.

Sự thánh thiện không được tạo nên một vài cử chỉ anh hùng, nhưng bằng nhiều hành động yêu thương nhỏ nhặt hàng ngày. “Bạn có được mời gọi sống đời thánh hiến? Rất nhiều người trong số các bạn hiện diện ở đây hôm nay! Hãy nên thánh bằng cách sống cuộc đời Dâng Hiến của mình với trọn niềm vui. Bạn đã lập gia đình? Hãy nên thách bằng cách yêu thương và chăm sóc chồng hay vợ mình như Chúa Giêsu đã thực hiện cho Giáo hội. Bạn là một công nhân? Hãy nên thánh bằng cách thực hiện công việc của mình trong sự phục vụ những người anh chị em với sự ngay thực và với kiến thức chuyên môn. Bạn là cha, là mẹ, là ông hay là bà? Hãy nên thánh, bằng cách dưỡng dục con cái mình trong sự kiên nhẫn để chúng noi gương Chúa Giêsu. Bạn đang mang một trách nhiệm? Hãy nên thánh bằng cách chiến đấu cho niềm hạnh phúc chung và khước từ những mối quan tâm riêng của bạn” (Gaudete et Exsultate, 14). Đây chính là con đường nên thánh, và nó thật đơn giản! Nhận ra Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện nơi tha nhân.

Phục vụ Tin Mừng và anh chị em của chúng ta, cống hiến cuộc sống của chúng ta mà không mong đợi được đáp trả bất cứ điều gì, không tìm kiếm vinh quang thế gian: đây là một điều thầm kín và đó là lời mời gọi của chúng ta. Đó là cách những người bạn đồng hành của chúng ta được tuyên thánh hôm nay đã sống theo sự thánh thiện của họ. Bằng cách nhiệt thành đón nhận ơn gọi của họ – với tư cách là một Linh mục, với tư cách là một Nữ tu sống đời thánh hiến, với tư cách là một giáo dân – họ đã cống hiến cuộc đời mình cho Tin Mừng. Họ đã khám phá ra một niềm vui không thể sánh bì và họ đã phản chiếu sự sáng ngời của Thiên Chúa trong lịch sử. Vì một vị thánh có nghĩa là: một sự phản chiếu sáng ngời của Thiên Chúa trong lịch sử. Chớ gì chúng ta nỗ lực cố gắng để làm được như vậy. Con đường nên thánh không được đóng lại nhưng luôn phổ quát và được khởi đi từ Bí tích Rửa tội. Chúng ta hãy cố gắng làm theo điều đó, vì mỗi người chúng ta đều được mời gọi nên thánh, hướng đến một sự thánh thiện duy nhất và không thể lặp lại. Sự thánh thiện luôn là “nguyên bản”, như Chân Phước Carlo Cutis từng nói: nó không phải là bản sao, mà là “bản gốc”, của tôi, của bạn, của tất cả của chúng ta. Đó là sự thánh thiện duy nhất và không thể lặp lại. Quả thật, Thiên Chúa có kế hoạch yêu thương dành cho tất cả mọi người. Người có một giấc mơ cho cuộc đời anh chị em, cho cuộc đời tôi và cho cuộc đời của từng người trong chúng ta. Tôi có thể nói thêm điều gì nữa? Hãy theo đuổi giấc mơ đó với niềm vui.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết