Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Đại dịch mời gọi một nền văn hóa của sự quan tâm chăm sóc’

Đức Thánh Cha Phanxicô và một cụ già

Đức Thánh Cha Phanxicô và một cụ già

Trong một cuộc phỏng vấn với OSA, Hợp tác xã Lao động và Xã hội của Ý cung cấp các dịch vụ về phúc lợi xã hội và y tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự khích lệ vì sự giúp đỡ mà tổ chức này mang lại cho nhiều người đang sống trong bóng tối “để họ không cảm thấy đơn độc”.

Hợp tác xã OSA có trụ sở tại Rome, vốn hoạt động tích cực trong việc duy trì sự giúp đỡ tại tư gia và thể chế cho những người có nhu cầu, phục hồi chức năng, các dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ phúc lợi xã hội, cũng cho ra đời một tạp chí cung cấp thông tin cho độc giả, tường thuật những câu chuyện của những người mà tổ chức này hỗ trợ. Chính trên những trang này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một suy tư và một lời mời gọi thúc đẩy một nền văn hóa quan tâm chăm sóc.

Sự ân cần dịu dàng

Đề cao năng lực và sự cần thiết của “sự ân cần dịu dàng”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng sự dịu dàng không chỉ biểu thị sự gần gũi, mà thông qua năng lực, nó kêu gọi sự tham gia vào đời sống cụ thể của con người. “Sự gần gũi được hiểu như là sự sẻ chia, sự kề cận, quan tâm và yêu thương. Tôi hy vọng rằng thử thách nghiêm trọng mà chúng ta đã trải qua trong đại dịch đã khiến chúng ta khao khát một sự gần gũi mới giữa chúng ta. Một sự ân cần dịu dàng mới”.

Tập trung vào trẻ em và những người lớn tuổi

Kế đến, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng sự chú ý đến trẻ em và những người lớn tuổi, “những công dân chủ yếu của các khu vực ngoại vi hiện sinh”, của một xã hội tập trung vào năng suất. “Cuộc sống của họ”, Đức Thánh Cha nói, “bị coi là vô dụng”. Thay vào đó, Đức Thánh Cha nói,” Tôi tin rằng cuộc gặp gỡ thế hệ giữa trẻ em và những người lớn tuổi phải được lấp đầy bằng một nền văn hóa biết cách gắn kết và hòa nhập những thành phần mong manh này”. Điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, “là một vấn đề của nhân loại”.

Chỉ khi nào chúng ta quay trở lại với sự quan tâm chăm sóc, trước hết, đối với những người bên lề, chúng ta mới đưa ra một dấu chỉ của sự thay đổi thực sự, Đức Thánh Cha cho biết thêm. “Khi chúng ta nỗ lực làm việc để không còn cuộc xung đột thế hệ, để chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm để kề cạnh bên nhau, những người trẻ và thế hệ cao niên, chỉ khi đó chúng ta mới trải nghiệm một chất lượng sống mới trong xã hội”.

Chú ý, lắng nghe và quan tâm

Hợp tác xã OSA hỗ trợ mọi người tại tư gia, trong sự thân mật của ngôi nhà của họ. Đối với Đức Thánh Cha, ngôi nhà “không chỉ đơn giản là một nơi chốn, mà trên hết là một mối tương quan” cung cấp nguồn sức mạnh để đối mặt với những thử thách. “Điều này không có nghĩa là”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, “các cơ sở chăm sóc sức khỏe đó là vô dụng, nhưng chúng phải trở thành phương sách cuối cùng trong kinh nghiệm về bệnh tật và sự đau khổ”. Đức Thánh Cha ca ngợi công việc được thực hiện bởi các nhà điều hành OSA “bởi vì nó làm cho trải nghiệm của sự đau đớn và bệnh tật trở nên khả thi trong một môi trường mang tính chào đón nhiều hơn, nhân văn hơn và có khả năng nhân tính hóa một thời khắc khó khăn trong cuộc sống” vốn khiến mọi người cảm thấy “cô độc hơn, bị hiểu lầm nhiều hơn và dễ bị tổn thương hơn”. Trong bối cảnh của kinh nghiệm gần đây của mình trong bệnh viện, Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý một vài quy tắc đơn giản cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe trong nỗ lực nhằm thực hiện dịch vụ của họ và làm việc theo cách thức mang tính nhân văn. “Hãy nhìn vào mắt mọi người, hãy quan tâm đến họ trong sự đau khổ mà không bao giờ tầm thường hóa hóa”, và đồng thời lắng nghe họ để “những người này có thể trao phó sự đau khổ mà họ đang trải nghiệm, những khó khăn mà họ phải đương đầu với một ai đó”. Cuối cùng, sự quan tâm chăm sóc, “vốn nên được biến thành cách thức cung cấp sự trợ giúp, hỗ trợ và các dịch vụ chuyên nghiệp vốn không bao giờ thô bạo, không bao giờ có thể dự đoán trước và không bao giờ hành động như cái máy”.

Tất cả chúng ta đều cần một người thành Kyrênê giúp vác đỡ Thập giá của chúng ta

Câu hỏi cuối cùng gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô lo ngại về sự đau khổ và chết chóc. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngay cả khi không đề cập cụ thể Chúa Kitô, không thể bỏ qua sự trải nghiệm của Ngài. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng thường thì “lời nói”, thay vì là sự giúp đỡ hoặc an ủi”, thậm chí còn gây đau khổ hơn”, điều cần thiết là “không trốn chạy, tiếp tục trở nên gần gũi” trong những khoảnh khắc của sự gian nan thử thách. Chúng ta cần phải né tránh sự cám dỗ để tự cô lập mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, bởi vì “chúng ta càng đau khổ, chúng ta càng cảm thấy chúng ta cũng cần một người thành Kyrênê giúp vác đỡ Thập giá của chúng ta”.

“Thiên Chúa luôn tìm ra cách thế để trở nên hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi chúng ta cảm thấy Ngài ở xa xăm hoặc khi chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi. Đây là nguồn sức mạnh của chúng ta. Và ngay cả khi chúng ta không nhận thức được điều đó, Đấng Phục Sinh đã hoạt động trong bóng tối đó. Chỉ với thời gian chúng ta nhận ra rằng có một ánh sáng ẩn giấu thậm chí ngay cả trong bóng tối đắm chìm nhất. Khi chúng ta chờ đợi để nhận ra điều này, cách thế duy nhất chúng ta có thể tiến lên phía trước đó là giúp đỡ lẫn nhau”.

“Cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đã thực hiện”, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, “Bởi vì anh chị em đã giúp đỡ nhiều người trải qua bóng tối để họ không cảm thấy cô đơn, để họ không nản lòng, để họ có thể sống đối mặt với những gì họ không bao giờ có thể một mình trải nghiệm và đối mặt”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết