Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Chiến tranh cướp đi nụ cười của trẻ thơ nhưng chúng ta đừng bao giờ đánh mất hy vọng’

Đức Thánh Cha Phanxico phát biểu trong chương trình "Hành trình của trái tim"

Đức Thánh Cha Phanxico phát biểu trên chương trình “Hành trình của trái tim”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời phỏng vấn chương trình “Hành trình của trái tim” của kênh truyền thông ‘Canale 5’ của Ý, và suy tư về những đau khổ do chiến tranh gây ra cũng như tầm quan trọng của niềm tin vào kế hoạch của Thiên Chúa bất chấp những thất vọng trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tận dụng 10 câu hỏi để kết nối 10 năm Triều đại Giáo hoàng của ngài từ Cha Davide Banzato, một Linh mục thuộc cộng đồng New Horizons và là người dẫn chương trình truyền hình “Hành trình của trái tim” của Ý.

Chương trình đặc biệt được phát sóng trên kênh Canale 5 của Mediaset vào sáng thứ Bảy, và đã chứng kiến cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô tại căn hộ của ngài ở Casa Santa Marta tại Vatican.

Theo giải thích của Cha Banzato, ý tưởng ban đầu được dự kiến là một thông điệp video gửi các nhà sản xuất và đoàn làm phim của chương trình nhưng đã biến thành một cuộc phỏng vấn dài.

Đừng dính mắc vào những điều xấu xa

Cuộc phỏng vấn bắt đầu với một chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô hết sức chú trọng: ký ức.

“Thật là một ân sủng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “khi nuôi dưỡng ký ức… Ân sủng của ký ức đưa chúng ta đến cội nguồn của hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, giống như tính cách của tôi, sắp kết thúc cuộc đời, từ nơi nó lớn lên”, Đức Thánh Cha cho biết thêm, nhắc lại những người thân của mình ở vùng Piedmont của Ý, nơi ngài đã đích thân đến thăm vào tháng 11 năm 2022. “Có những nơi quan trọng gắn liền với ký ức, những con người đã ghi dấu cuộc đời của chúng ta. Cuộc hành trình này quả thực tốt đẹp biết bao”.

Nhưng trong cuộc hành trình xuyên qua ký ức này, Đức Thánh Cha cảnh báo, có “một nguy cơ”.

“Tất cả chúng ta đều đã từng chịu đựng những điều tồi tệ trong cuộc sống, những điều khiến chúng ta đau khổ, và tồn tại một căn bệnh khiến chúng ta bám víu vào những thất bại của cuộc sống: không, điều này chỉ gây ra sự đau khổ. Những điều tồi tệ xảy ra, vâng; nhưng, chúng ta hãy nhớ đến những điều đó và tạ ơn Chúa đã giúp chúng ta thoát khỏi chúng. Chúng ta không nên trở lại những điều tồi tệ đó, bởi vì đó là một căn bệnh. Nó giống như một sự quyến luyến với những sự thất bại, những điều tồi tệ”.

Thời đại của sự tiêu diệt của con người

Những điều tồi tệ, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, thường xuyên xảy ra trong thời đại của chúng ta. Chúng ta vừa mới thoát khỏi một đại dịch “đã làm chúng ta suy yếu” và giờ đây chiến tranh đã nổ ra.

“Cuộc chiến này rất khốc liệt”, Đức Thánh Cha than phiền, và đã gây ra “một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính”.

“Ngày nay, đặc biệt là trên khắp châu Âu, chẳng hạn, người dân không thể trả tiền điện. Họ sẽ phải tiết kiệm hết sức”, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý. “Đó quả là một khoảnh khắc khó khăn, một khoảnh khắc của sự tiêu diệt của con người. Những người chết hoặc những người bị thương do chiến tranh… Anh chị em nhìn thấy những người bị tra tấn trước khi chết; những bức ảnh thật khủng khiếp”.

Những nụ cười bị đánh cắp từ những đứa trẻ

Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi thống khổ đặc biệt của mình đối với những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

“Chúng đã quên cách cười… Rất nhiều trẻ em đã đến đây [đến Ý], rất nhiều trẻ em đến từ Ukraine, và chúng không cười… Chúng đáng yêu, vâng, nhưng chúng không cười; chúng có đã mất đi điều đó. Tôi đã đến gặp những đứa trẻ đang ở bệnh viện Bambino Gesu. Trong số những đứa trẻ Ukraine bị tổn thương, không đứa trẻ nào nở một nụ cười”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng “lấy đi nụ cười của một đứa trẻ là… một bi kịch” đánh dấu thời đại của chúng ta: “Thời đại của chúng ta là thời đại mà thị trường lớn nhất là việc bán vũ khí từ các nhà máy sản xuất vũ khí. Hiện nay, nếu chỉ trong một năm, theo một chuyên gia, không có vũ khí nào được tạo ra, nạn đói kém trên thế giới sẽ chấm dứt. Chiến tranh cần có vũ khí. Và tại sao lại theo đuổi chiến tranh? Bởi vì thường thì một đế chế hoặc chính phủ, khi suy yếu một chút, cần một cuộc chiến để phục hồi… Đó quả là một điều khủng khiếp”.

Người dẫn chương trình tại Vườn Vatican

Người dẫn chương trình tại Vườn Vatican

Xem xét những chân trời khác nhau

Tuy nhiên, trong bối cảnh kịch tính này, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người đừng đánh mất hy vọng mà hãy hướng đến những “chân trời” khác nhau.

“Việc hướng đến những chân trời của cuộc sống đồng nghĩa với việc nhìn vào niềm hy vọng”, Đức Thánh Cha nói. “Và cũng để nhận ra rằng lịch sử không kết thúc với bạn; nó không kết thúc với ông của tôi, nó sẽ không kết thúc với thế hệ thứ tư sẽ đến sau”. ” Quan điểm này “cho chúng ta sự can đảm để tiếp tục bước đi”.

Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo, để không rơi vào “tâm lý đà điểu”, kẻ “trước khi bất cứ điều gì xảy ra đều cắm đầu xuống đất”. Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại việc nhìn chằm chằm vào lỗ rốn. “Những người chỉ nhìn vào bản thân họ đang làm ngược lại với việc tìm kiếm những chân trời. Tầm nhìn nhận thức khiến chúng ta cân nhắc mọi thứ”. Thái độ này, Đức Thánh Cha nói, là “nền tảng của đức cậy”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng các Giáo phụ đã hình dung niềm hy vọng như “một chiếc mỏ neo”.

“Cho dù bạn đang ở trên biển hay dưới sông, bạn quăng chiếc neo của mình ra để được an toàn và bạn bám chặt vào sợi dây”, Đức Thánh Cha nói. “Hy vọng là thứ chúng ta quăng vào cõi vĩnh hằng – cái mỏ neo – và chúng ta bám lấy. Nhưng nếu chúng ta không nhìn về phía chân trời, chúng ta sẽ không thể thả neo, phải không?”.

“Đây là một thời điểm khó khăn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, do đó “hy vọng của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa. Thật khó khăn và khủng khiếp, với rất nhiều đau khổ, nhưng chúng ta có sợi dây và chiếc neo của mình. Đây là mầu nhiệm của sự đau khổ và niềm hy vọng”.

Những người có đức tin và những người không có đức tin

Khi được hỏi chúng ta có thể nói gì với “những người thiếu đức tin”, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời rằng “không có đức tin không phải là tội”.

“Đức tin là một món quà từ Thiên Chúa…. Có những người tốt, những người rất tốt, nhưng lại không có món quà đức tin. Tôi chỉ muốn nói với họ: ‘Hãy mở lòng. Hãy tìm kiếm. Đừng bao giờ mệt mỏi trong việc tìm kiếm. Nhưng hãy làm như vậy mà không đau khổ, vẫn cởi mở một cách tự nhiên’”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cho biết thêm, những người có đức tin phải cẩn thận để không sống “như những kẻ ngoại đạo”. Có những tín hữu sống như “những Kitô hữu giả hiệu, hay như bà tôi thường nói, những Kitô hữu xức nước hoa hồng”.

“Đối với họ, tôi sẽ nói: ‘Hãy thay đổi đời sống của bạn! Đời sống của bạn như thế nào? Đó có phải là một cuộc sống đúng đắn? Đó có phải là một cuộc sống phục vụ tha nhân không? Đó có phải là một cuộc sống lãng phí tiền bạc không?’”.

Giàu có không phải là tội

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đã suy tư về chủ đề về sự giàu có.

“Một quý ông từng nói với tôi rằng có những nhà hàng ở Rôma, nơi mà nếu bạn mời hai người, hóa đơn sẽ lên tới 1.700 Euro. Nhưng làm sao một người lại có thể sống như vậy, ở mức đó, trong khi có những người đang chết đói?”. Cha ơi, đừng cộng sản như thế…’ Đúng hơn, tôi nói, ‘Đây là Tin Mừng'”.

“Tôi không nói xấu người giàu”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích. “Có những vị thánh giàu có nhưng biết cách tận dụng của cải của họ vì lợi ích của người khác”.

Tuy nhiên, chính “hành vi” của chúng ta mới giúp xác định đức tin của chúng ta. “Nếu lối sống của chúng ta theo kiểu ngoại giáo, người khác có thể nói rằng chúng ta không có đức tin hoặc chúng ta có một đức tin được tô vẽ, mỏng như ve-cni. Khi đó, cuộc sống của chúng ta được tô điểm bằng đức tin nhưng đức tin không có gốc rễ”.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha đã trích dẫn một bức ảnh được chụp bởi một trong những “nhiếp ảnh gia của Vatican” trên đường phố ở Rôma về một quý bà ăn mặc sang trọng bước ra khỏi một nhà hàng và phớt lờ người ăn xin đang xin bà bố thí cho.

“Nếu bạn không chú ý đến điều gì đó và ai đó khi bạn trốn đằng sau sự phù phiếm hoặc lối sống của mình, thì bạn đang tự khép mình lại…Thân mình của những người anh chị em của bạn cũng chính là thân mình giống như của bạn”, Đức Thánh Cha nói. “Có lẽ ngày mai bạn sẽ ở vị trí đó… Đừng ngại chạm vào thân mình thương tổn đó”.

‘Sự xơ cứng của con tim’

Một thái độ ý thức như vậy, Đức Thánh Cha nói, giúp chúng ta thoát khỏi “sự xơ cứng của con tim”.

“Một trái tim sắt đá rất khó trở nên mềm dịu”, Đức Thánh Cha nói. “Rất nhiều lần Thiên Chúa dùng những hoàn cảnh tồi tệ để chữa trị điều này, chẳng hạn như một căn bệnh, để nó thay đổi quả tim của chúng ta. Chúng ta phải luôn cầu xin Chúa: xin cho lòng con đừng chai đá; ước gì nó vẫn là trái tim của con người và gần gũi với mọi người”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người hôm nay khóc – ý tôi không phải là về thể xác, mà là trong trái tim của họ – cho những đứa trẻ mồ côi ở Ukraine? Có bao nhiêu người đau khổ vì điều đó? Có bao nhiêu người đau khổ cho những đứa trẻ lang thang trộm cắp vì chúng cô đơn trong cuộc đời?”.

Tại thời điểm này trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến một bức tranh ở tiền sảnh của Casa Santa Marta, được vẽ bởi một nghệ sĩ người Piedmont dựa trên bức ảnh một người đàn ông Syria chạy trốn cùng con trai của mình. Với tiêu đề “Buộc phải chạy trốn như họ”, nó mô tả cuộc chạy trốn sang Ai Cập.

“Chúng tôi nghĩ rằng cuộc chạy trốn sang Ai Cập là ‘cuộc chạy trốn trên lưng ngựa với các thiên thần’ hỗ trợ họ”, Đức Thánh Cha nói. “Cuộc chạy trốn sang Ai Cập giống như bức tranh này. Thực tế này đã được Chúa Giêsu cảm nếm và thực tế này cũng được rất nhiều người trải nghiệm”.

‘Xin hãy cầu nguyện cho tôi’

Khi cuộc phỏng vấn sắp kết thúc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến 10 năm Triều đại Giáo hoàng của ngài, vốn sẽ được cử hành vào ngày 13 tháng 3, và nhắc lại cuộc bầu cử của ngài.

“Thật tội Thánh Phêrô khi ngài có một người kế nhiệm như tôi!”, Đức Thánh Cha cười. “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng một điều như vậy đối với cuộc sống của tôi”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, việc tôi chuyển từ Buenos Aires đến Rôma diễn ra một cách “tự nhiên”.

Chắc chắn không thiếu những lo lắng, Đức Thánh Cha cho biết thêm, nhưng không phải lúc nào chúng cũng là “điều tồi tệ”.

 Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc cuộc phỏng vấn bằng cách xin mọi người cầu nguyện cho ngài. “Xin hãy cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể là một Giáo hoàng Kitô giáo, chứ không phải là một Giáo hoàng ngoại giáo, để Thiên Chúa tuôn ban ân sủng để tôi sống như một Kitô hữu và giúp đỡ Giáo hội, vốn là dân thánh trung thành của Thiên Chúa”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết