Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ trích việc chính trị hóa đại dịch COVID và vắc xin

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành buổi cầu nguyện buổi trưa của Angelus tại Quảng trường Thánh Peter, tại Vatican, Chủ nhật, ngày 9 tháng 1 năm 2022 (Ảnh: Gregorio Borgia / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ nguyện Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô, tại Vatican, Chúa nhật, ngày 9 tháng 1 năm 2022 (Ảnh: Gregorio Borgia / AP)

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ với các đại sứ được công nhận tại Tòa Thánh rằng cần có cam kết chính trị lớn hơn để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đối với vắc xin COVID-19 và đồng thời chỉ trích sự chia rẽ về vấn đề mà ngài cho là bắt nguồn từ việc chính trị hóa đại dịch và lan truyền những thông tin sai lệch.

Trong bài diễn văn ngày 10 tháng 1, Đức Thánh Cha lưu ý rằng sau hai năm, “Cuộc chiến chống lại đại dịch vẫn đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể của tất cả mọi người”.

“Chúng ta nhận thấy rằng ở những nơi mà chiến dịch tiêm chủng hiệu quả đã diễn ra, nguy cơ của những ảnh hưởng nghiêm trọng của căn bệnh này đã giảm xuống”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị “chủng ngừa cho công chúng càng nhiều càng tốt”.

Gọi việc chăm sóc sức khỏe là “một nghĩa vụ luân lý”, Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền thực tế rằng “chúng ta đang sống trong một thế giới có sự chia rẽ mạnh mẽ về ý thức hệ”, bao gồm cả khi nói đến đại dịch coronavirus và các loại vắc xin.

“Mọi người thường để bản thân bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ của thời điểm này, thường được củng cố bởi những thông tin vô căn cứ hoặc những sự kiện thiếu sự rõ ràng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Mọi phát biểu mang tính ý thức hệ đều cắt đứt mối liên kết giữa lý trí con người với thực tế khách quan của sự vật”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết đại dịch là một lời mời gọi để thế giới áp dụng một “liệu pháp thực tế” có khả năng đối mặt với vấn đề một cách “trực diện” bằng cách tìm ra những cách thức hiệu quả và phù hợp để giải quyết vấn đề.

Mặc dù bản thân vắc xin “không phải là một phương tiện chữa trị h thần kỳ”, nhưng chúng là “giải pháp hợp lý nhất để phòng chống dịch bệnh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Do đó, cần có một cam kết chính trị để theo đuổi thiện ích chung của cộng đồng dân cư thông qua các biện pháp phòng ngừa và tiêm chủng vốn nhằm thu hút người dân để họ cảm thấy được tham gia và có trách nhiệm, nhờ vào sự thảo luận rõ ràng về các vấn đề và các phương pháp chúng thích hợp để giải quyết vấn đề”, Đức Thánh Cha nói.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha cho biết việc thiếu thông tin liên lạc và đưa ra quyết định rõ ràng đã gây ra sự ngờ vực và nhầm lẫn, điều này “làm suy yếu sự gắn kết xã hội, thúc đẩy những căng thẳng mới”.

Kết quả của điều này đó là “thuyết tương đối xã hội” vốn gây tổn hại cho cả sự hài hòa và thống nhất của cộng đồng dân cư.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “cam kết toàn diện” từ cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo rằng toàn bộ dân số toàn cầu được tiếp cận bình đẳng với vắc xin và chăm sóc y tế cơ bản, đồng thời lưu ý rằng ở nhiều khu vực trên thế giới, “khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn cầu vẫn là một ảo tưởng”.

“Vào thời điểm quan trọng này trong cuộc sống của nhân loại, tôi nhắc lại lời kêu gọi của tôi rằng các chính phủ và các tổ chức tư nhân có liên quan hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm, triển khai phản ứng phối hợp ở mọi cấp độ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia thiết lập một công cụ quốc tế để kiểm soát đại dịch với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chính sách “chia sẻ hào phóng” phải là nguyên tắc chính của việc ứng phó với đại dịch, đặc biệt là khi nói đến vắc xin, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời kêu gọi các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới điều chỉnh các công cụ pháp lý của họ “kẻo các quy tắc độc quyền gây ra những những trở ngại thêm nữa cho việc sản xuất và việc tiếp cận có tổ chức và nhất quán đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cấp độ toàn cầu”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại những chuyến Tông du khác nhau mà ngài đã thực hiện trong suốt năm qua, chuyến đi cùng là chuyến viếng thăm từ ngày 2-6 tháng 12 tới đảo Síp và Hy Lạp, trong đó Đức Thánh Cha đã gặp gỡ những người di cư và tị nạn sống trong một trại tiếp nhận quy mô lớn trên Đảo Lesbos của Hy Lạp.

“Đôi mắt của họ nói lên nỗ lực của cuộc hành trình, nỗi sợ hãi về một tương lai không chắc chắn, nỗi đau buồn của họ đối với những người thân yêu mà họ đã bỏ lại phía sau và nỗi nhớ quê hương mà họ buộc phải lên đường”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cũng nhấn mạnh rằng “Trước những khuôn mặt đó, chúng ta không thể thờ ơ hoặc núp sau những bức tường và những hàng rào thép gai với lý do bảo vệ an ninh hoặc bảo vệ một phong cách sống”.

Suy ngẫm về cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn các chính phủ đã chào đón những người mới đến, đồng thời cho biết rằng ngài nhận thức được những khó khăn mà một số quốc gia đang phải đối mặt do dòng người xin tị nạn khổng lồ.

“Không ai có thể bị yêu cầu làm những điều không thể đối với họ, nhưng có sự khác biệt rõ ràng giữa việc đón nhận, mặc dù một cách hạn chế, và từ chối hoàn toàn”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cho biết rằng nhu cầu cấp thiết “phải vượt qua sự thờ ơ và từ chối ý tưởng rằng người di cư là một vấn đề đối với những người khác”.

Não trạng này, Đức Thánh Cha nói, dẫn đến “việc hạ thấp phẩm giá của những người di cư tập trung ở những điểm nóng, nơi họ cuối cùng trở thành con mồi dễ dàng cho tội phạm có tổ chức và những kẻ buôn người, hoặc tham gia vào những nỗ lực tuyệt vọng để trốn thoát mà đôi khi kết thúc bằng cái chết”.

“Đáng buồn thay, chúng ta cũng phải lưu ý rằng những người di cư thường bị biến thành vũ khí tống tiền chính trị, trở thành một loại ‘hàng hóa mặc cả’ làm mất đi phẩm giá của họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và đồng thời kêu gọi các thành viên của Liên minh châu Âu triển khai một chiến lược chung và gắn kết để giải quyết vấn đề di cư.

Một chính sách phối hợp về di cư và tị nạn của EU, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, phải được hình thành “với mục tiêu chia sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận người di cư, xem xét các yêu cầu xin tị nạn, tái phân bổ và hội nhập những người có thể được tiếp nhận”.

Các giải pháp cho các vấn đề như di cư, đại dịch và biến đổi khí hậu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói,  thường rời rạc và sự không sẵn lòng đối thoại ngày càng tăng ở tất cả các cấp “thúc đẩy thêm sự căng thẳng và chia rẽ, cũng như cảm giác về sự không chắc chắn và không ổn định nói chung”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi việc tăng cường nền dân chủ đa phương, vốn được cho là đang trải qua “cuộc khủng hoảng lòng tin” do sự tín nhiệm bị suy yếu đối với các hệ thống xã hội, chính phủ và liên chính phủ.

“Các nghị quyết, tuyên bố và quyết định quan trọng thường được đưa ra mà không có quá trình đàm phán thực sự mà ở đó tất cả các quốc gia đều có tiếng nói”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này đã gây ra sự nghi ngờ của các cơ quan quốc tế và làm tổn hại đến chủ nghĩa đa phương, khiến việc giải quyết các thách thức toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Trong nhiều tổ chức quốc tế, “các thành viên nuôi dưỡng những tầm nhìn khác nhau về những mục tiêu mà họ muốn theo đuổi”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhận xét rằng “Không phải thường xuyên, trọng tâm của mối quan tâm đã chuyển sang những vấn đề mà bản chất gây chia rẽ của họ không hoàn toàn thuộc về mục tiêu của tổ chức”.

“Kết quả là, các chương trình nghị sự ngày càng bị điều khiển bởi một tư duy phủ nhận nền tảng tự nhiên của con người và cội nguồn văn hóa vốn tạo nên bản sắc của nhiều dân tộc”, Đức Thánh Cha nói.

Đây là “một hình thức của sự thực dân hóa ý thức hệ” vốn không dành chỗ cho tự do ngôn luận, Đức Thánh Cha nói, đồng thời chỉ trích “văn hóa bãi bỏ” hiện đang “xâm chiếm nhiều giới và các cơ quan công quyền”.

“Tư duy một chiều” đã được phát triển và “bị hạn chế nhằm phủ nhận lịch sử hoặc tệ hơn là viết lại lịch sử theo các thể loại thời nay”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời lập luận rằng lịch sử phải được “giải thích phù hợp với thông diễn học của thời điểm cụ thể đó”.

Do đó, ngoại giao đa phương phải “thực sự toàn diện, không hủy bỏ nhưng trân trọng những khác biệt và sự bén nhạy vốn đã ghi dấu ấn trong lịch sử của các dân tộc khác nhau”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha kêu gọi các quốc gia và các nhà lãnh đạo không bỏ qua “sự tồn tại của một số giá trị lâu dài nhất định”, đặc biệt đề cập đến “quyền được sống, kể từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên, và quyền tự do tôn giáo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đi sâu vào các vấn đề biến đổi khí hậu và nhiều cuộc xung đột rải rác trên toàn cầu.

Ngày càng có sự gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường trong những năm gần đây, và tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng 11, “một số bước đã được thực hiện đúng hướng, mặc dù chúng khá yếu ớt trước mức độ nghiêm trọng của vấn đề phải đối mặt”.

“Vẫn còn nhiều việc phải làm, và vì vậy năm 2022 sẽ là một năm nền tảng khác để xác minh mức độ và cách thức mà các quyết định được đưa ra ở Glasgow có thể và cần được củng cố hơn nữa theo quan điểm của COP27, được lên kế hoạch tại Ai Cập vào tháng 11 tới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra các cuộc xung đột toàn cầu đang hoành hành ở Syria, Yemen, Israel và Palestine, Libya, Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Ukraine, các quốc gia nam Caucasus, Bosnia và Herzegovina, và Myanmar.

Nhấn mạnh sự cần thiết cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm thúc đẩy đối thoại và tình huynh đệ, Đức Thánh Cha nói: “Toàn bộ cộng đồng quốc tế phải giải quyết nhu cầu cấp thiết nhằm tìm ra giải pháp cho những cuộc xung đột bất tận mà đôi khi dường như là những cuộc chiến tranh ủy nhiệm thực sự”.

Như đã làm trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi chấm dứt việc buôn bán vũ khí toàn cầu, đồng thời cho biết rằng “sự phong phú của các loại vũ khí có sẵn và sự vô lương tâm của những người nỗ lực cung cấp vũ khí” chỉ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột.

Đức Thánh Cha kêu gọi thế giới tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời cho biết rằng việc sản xuất vũ khí hạt nhân làm tiêu hao các nguồn lực có thể đầu tư vào việc phát triển con người trong khi việc sử dụng những vũ khí này “không chỉ gây ra những hậu quả thảm khốc về mặt nhân đạo và môi trường, mà còn đe dọa sự tồn tại của nhân loại”.

Để đạt được điều này, Đức Thánh Cha kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán ở Vienna liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và lao động như là những yếu tố then chốt cho cả việc điều hướng đại dịch và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn sau hậu quả của nó.

Đức Thánh Cha cho biết rằng giáo dục là “phương tiện chính của sự phát triển toàn diện của con người”, ngài than phiền rằng rất nhiều trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục đã diễn ra trong các cơ sở giáo dục, “dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và tinh thần cho những người bị lạm dụng”.

“Đây là những tội ác, và họ kêu gọi một quyết tâm kiên quyết nhằm điều tra đầy đủ, xem xét từng trường hợp để xác định rõ trách nhiệm, đảm bảo công lý cho các nạn nhân và ngăn chặn những hành động tàn bạo tương tự xảy ra trong tương lai”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cũng chỉ ra những rủi ro của việc đào tạo từ xa trong thời kỳ đại dịch, đồng thời lưu ý rằng mặc dù công nghệ giúp sinh viên có thể tự học ở nhà là quý báu, nhưng nhân loại phải “cẩn thận kẻo những công cụ này thay thế các mối quan hệ thực sự giữa con người với nhau”.

“Nếu chúng ta học cách tự cô lập bản thân ngay từ khi còn nhỏ, thì việc xây dựng những nhịp cầu của tình huynh đệ và hòa bình sau này sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong một thế giới chỉ có ‘tôi’, thật khó để nhường chỗ cho ‘chúng ta’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục và các cơ hội làm việc, đồng thời cho biết rằng cuộc khủng hoảng thất nghiệp do đại dịch đã “làm nổi bật sự bất bình đẳng dai dẳng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau”.

“Số người thuộc loại nghèo cùng cực đã gia tăng một cách rõ rệt”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời nhấn mạnh rằng“ cần có sự hợp tác nhiều hơn giữa tất cả các bên ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong ngắn hạn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách nhắn nhủ với các đại sứ được công nhận tại Tòa Thánh rằng họ không nên sợ hãi “nhằm tạo không gian cho hòa bình trong cuộc sống của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng tinh thần đối thoại và tình huynh đệ”.

“Món quà hòa bình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “có tính lan truyền; nó tỏa ra từ trái tim của những người khao khát hòa bình và khao khát được chia sẻ nó, và đồng thời lan tỏa ra toàn thế giới”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết