Cầu nguyện là yếu tố đầu tiên của sự phân định, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 28 tháng 9 năm 2022.
“Để phân định chúng ta cần ở trong một môi trường, trong trạng thái cầu nguyện”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 28 tháng 9 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
“Chúng ta tiếp tục các bài chia sẻ Giáo lý về chủ đề về sự phân định”, Đức Thánh Cha nói, “bởi vì chủ đề về sự phân định là vô cùng quan trọng để biết điều gì đang diễn ra bên trong chúng ta – các cảm xúc và ý tưởng – chúng ta phải phân định xem chúng nảy sinh từ đâu, chúng dẫn tôi đến đâu và đi đến quyết định nào”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng sự phân định không dẫn đến sự chắc chắn tuyệt đối, bởi vì “cuộc sống không phải lúc nào cũng theo logic” và con người không phải là những cỗ máy, nhưng “cầu nguyện là một trợ giúp không thể thiếu”.
“Chỉ được hướng dẫn để thực hiện thôi là chưa đủ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Chúng ta muốn biết chính xác những gì nên làm, tuy nhiên, ngay cả khi điều đó xảy ra, chúng ta không phải lúc nào cũng hành động phù hợp. Đã bao nhiêu lần chúng ta cũng đã có kinh nghiệm được Thánh Phaolô Tông đồ mô tả: ‘Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm’”.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong Phúc Âm Mác-cô là việc trừ quỷ. Trong hội đường ở Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu đã giải thoát một người khỏi ma quỷ, “giải thoát anh ta khỏi hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa mà ngay từ đầu Sa-tan đã gieo rắc: đó là Thiên Chúa không muốn chúng ta được hạnh phúc”.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng đây là một cái bẫy mà nhiều người, ngay cả những người Kitô hữu, có thể rơi vào: họ có thể tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, “nhưng họ nghi ngờ việc Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc”.
“Thật vậy, một số người lo sợ rằng việc xem xét đề xuất của Ngài một cách nghiêm túc đồng nghĩa với việc hủy hoại cuộc sống của chúng ta, làm mất đi những mong muốn, những khát vọng hăng hái nhất của chúng ta. Những suy nghĩ này đôi khi len lỏi trong chúng ta: rằng Thiên Chúa đòi hỏi quá nhiều nơi chúng ta, hoặc Ngài muốn lấy đi những gì chúng ta yêu quý nhất. Nói tóm lại, Ngài không thực sự yêu chúng ta”, Đức Thánh Cha nói.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha giải thích, việc gặp gỡ Thiên Chúa trong lời cầu nguyện sẽ tạo ra niềm vui chứ không phải sự sợ hãi hay buồn bã, vốn là những dấu hiệu của việc tạo khoảng cách với Ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích mọi người cầu nguyện với Thiên Chúa với tâm tình đơn sơ. Giống như việc chào hỏi một người bạn, họ có thể nói “Xin chào” với Chúa suốt cả ngày.
Cầu nguyện “là biết cách vượt ra khỏi những suy nghĩ, để đi vào sự thân mật với Thiên Chúa, với một sự tự nhiên trìu mến”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “cầu nguyện đích thực là sự mật thiết với Thiên Chúa và sự tin tưởng phó thác nơi ngài. Đó không phải là đọc kinh như một con vẹt v.v, không phải như vậy”.
“Cầu nguyện”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “không phải là nói đủ mọi thứ trên đời, không phải vậy; cầu nguyện là mở lòng mình ra với Chúa Giêsu, đến gần Chúa Giêsu hơn, để Chúa Giêsu ngự vào lòng ta và cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người”.
Đây là cách chúng ta có thể phân định khi nào thì Chúa Giêsu đang ngỏ lời với chúng ta và khi nào đó chỉ là suy nghĩ của cá nhân chúng ta, Đức Thánh Cha tiếp tục.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sự mật thiết với Thiên Chúa cũng giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi hoặc nghi ngờ rằng thánh ý của Thiên Chúa không có lợi cho chúng ta, “một sự cám dỗ đôi khi lướt qua suy nghĩ của chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta bồn chồn không yên và vô định”.
“Việc phân định quả không hề dễ dàng, vì vẻ bề ngoài dễ gây ra sự nhầm lẫn, nhưng sự mật thiết với Thiên Chúa có thể làm tan biến những nghi ngờ và sợ hãi một cách nhẹ nhàng, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ tiếp nhận ‘ánh sáng dịu dàng’ của Ngài, theo cách diễn đạt tuyệt vời của Thánh Gioan Henry Newman”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Đó là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin cho nhau: xem Chúa Giêsu là bạn hữu của chúng ta, người bạn tuyệt vời nhất của chúng ta, người bạn trung thành của chúng ta, người không đe dọa tống tiền chúng ta, Đấng trên hết, không bao giờ bỏ rơi chúng ta, thậm chí ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Ngài vẫn đứng chờ ở cửa tâm hồn chúng ta”.
Trong lời chào cuối cùng khi kết thúc buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng thứ Năm, ngày 29 tháng 9, Giáo hội mừng Lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael.
Những vị Thánh này “khơi dậy trong mỗi chúng ta một lòng trung thành tuân giữ các kế hoạch của Thiên Chúa, biết cách nhận biết và làm theo tiếng nói của Thầy Dạy Nội tâm, Đấng đang ngỏ lời nơi thâm sâu trong tâm thức của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư:
Minh Tuệ (theo CNA)