Đức Phanxicô: ‘Vũ khí của Tin Mừng là cầu nguyện, tha thứ và yêu thương’

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung của ngài tại hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 13 tháng 4 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung của ngài tại hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 13 tháng 4 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Dưới đây là nội dung bài chia sẻ trong buổi tiếp chung kiến thứ Tư hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô, được chuyển tải vào ngày 13 tháng 4 năm 2022.

Anh chị em thân mến, mến chào toàn thể anh chị em!

Chúng ta đang ở giữa Tuần Thánh, kéo dài từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật Phục Sinh. Cả hai ngày Chúa nhật này đều được đặc trưng bởi những sự kiện diễn ra xung quanh Chúa Giêsu. Nhưng đây là hai ngày lễ khác nhau.

Chúa nhật tuần trước, chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô long trọng tiến vào Giêrusalem, như thể để tham dự một dịp lễ hội, được chào đón như Đấng Mêsia: những chiếc áo choàng (x. Lc 19, 36) và cành cây (x. Mt 21, 8) được rải trên lối đi trước mặt Người. Đám đông vui mừng hò reo và lớn tiếng chúc tụng: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (x. Lc 19: 38). Dâng chúng trong thành vui mừng tán dương vì họ xem cuộc vào thành của Chúa Giêsu như là sự xuất hiện của một vị vua mới, người sẽ mang lại hòa bình và vinh quang.

Đó là nền hòa bình mà dân chúng đang háo hức chờ đợi: một nền hòa bình huy hoàng, thành quả của sự can thiệp của một vị vua, của một Đấng Mêsia đầy quyền năng, Đấng sẽ giải phóng Giêrusalem khỏi sự chiếm đóng của La Mã. Những người khác có lẽ mơ ước về việc tái lập một nền hòa bình xã hội và coi Chúa Giêsu như là vị vua lý tưởng, Đấng sẽ cho đám đông được ăn no nê như ngài đã làm, và sẽ thi thố những phép lạ vĩ đại, nhờ đó mang lại công lý hơn nữa cho thế giới.

Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói về điều này. Chúa Giêsu có một Lễ Vượt Qua khác đang chờ đợi Ngài phía trước, không phải là một Lễ Vượt Qua khải hoàn vinh quang. Điều duy nhất mà Chúa Giêsu quan tâm trong quá trình chuẩn bị tiến vào thành Giêrusalem đó là cưỡi trên lưng “một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó” (x. Lc 19: 30).

Đây là cách Chúa Giêsu mang lại hòa bình cho thế giới: qua sự hiền lành và dịu dàng, được tượng trưng bởi con lừa con được buộc dây chưa ai cỡi bao giờ. Chưa ai cả, bởi vì đường lối của Thiên Chúa khác với cách thức của thế gian. Thật vậy, ngay trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (x. Ga 14, 27). Đó là hai cách tiếp cận khác nhau: cách thế giới mang lại hòa bình cho chúng ta, và cách Thiên Chúa ban cho chúng ta hòa bình. Hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.

Nền hòa bình mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta vào dịp Lễ Phục sinh không phải là nền hòa bình tuân theo các chiến lược của thế giới, vốn tin rằng nó có thể có được bằng vũ lực, bằng cách chinh phục và bằng nhiều hình thức áp đặt. Nền hòa bình này, trên thực tế, chỉ là một khoảng thời gian tạm ngừng giữa các cuộc chiến tranh: Chúng ta nhận thức rõ điều này. Nền hòa bình của Thiên Chúa đi theo đường lối của sự hiền lành và thập giá: Đó là gánh vác trách nhiệm vì người khác.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã tự gánh lấy sự đau đớn, tội lỗi và sự chết của chúng ta. Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy tất cả những điều này. Bằng cách này, Ngài đã giải thoát chúng ta. Ngài đã phải trả giá vì chúng ta. Sự bình an của Chúa Giêsu không phải là kết quả của một sự thỏa hiệp nào đó, mà được sinh ra từ sự tự hiến. Tuy nhiên, sự bình an nhu mì và can đảm này, thật khó chấp nhận. Trên thực tế, đám đông tôn vinh Chúa Giêsu cũng chính là đám đông mà một vài ngày sau đó lại hét lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!”, và, sợ hãi và thất vọng, chẳng mảy may kêu gọi tha cho Ngài.

Về mặt này, một câu chuyện tuyệt vời của nhà văn Dostoevsky, cái gọi là Truyền thuyết về Đại pháp quan (Legend of The Grand Inquisitor), luôn có liên quan. Nó kể về Chúa Giêsu, người, sau vài thế kỷ, quay trở lại Trái đất. Chúa Giêsu ngay lập tức được đám đông vui mừng chào đón, họ nhận ra và tung hô Ngài. “Chao ôi, Ngài đã quang lâm! Xin hãy đến với chúng con!”. Nhưng sau đó Chúa Giêsu bị bắt bởi Đại phán quan, người đại diện cho logic của thế gian. Viên Đại phán quan tra hỏi Chúa Giêsu và chỉ trích Ngài  dữ dội.

Lý do cuối cùng cho sự khiển trách này đó là Chúa Giêsu, mặc dù có thể, nhưng không bao giờ muốn trở thành Caesar, vị vua vĩ đại nhất của thế giới này, muốn để cho nhân loại tự do hơn thay vì khuất phục nó và giải quyết các vấn đề của nó bằng vũ lực. Chúa Giêsu có thể thiết lập nền hòa bình trên thế giới, thuần phục trái tim tự do nhưng không chừng của con người bằng sức mạnh của một quyền lực cao hơn, nhưng Ngài đã chọn không làm thế: Chúa Giêsu tôn trọng tự do của chúng ta. “Nếu như ông đã chiếm lấy thế giới và sự vương giả của Hoàng đế Caesar, thì hẳn ông đã thiết lập một quốc gia toàn cầu và mang lại nền hòa bình toàn cầu” (The Brothers Karamazov, Milan 2012, 345); và với một câu đả kích, viên Đại phán quan kết luận: “Vì kẻ đáng bị chúng tôi phẫn nộ chính là ông” (348). Đây chính là sự lừa dối lặp đi lặp lại trong suốt dòng lịch sử, sự cám dỗ của một nền hòa bình giả tạo, dựa trên quyền lực, vốn sau đó dẫn đến sự hận thù và phản bội Thiên Chúa, và nhiều sự cay đắng thù oán trong tâm hồn.

Cuối cùng, theo câu chuyện, viên Đại phán quan “khao khát Chúa Giêsu nói điều gì đó, dù chua xót cay đắng và khủng khiếp thậm tệ”. Nhưng Chúa Giêsu đã phản ứng với những cử chỉ nhẹ nhàng và cụ thể: “Ngài bất ngờ lặng lẽ tiến lại gần viên Đại phán quan và khẽ hôn lên đôi môi già nua vô cảm giác của ông ấy” (352).

Hòa bình của Chúa Giêsu không chế ngự người khác; đó không phải là một nền hòa bình có vũ trang, không bao giờ! Vũ khí của Tin Mừng đó là cầu nguyện, sự dịu dàng, sự tha thứ và tình yêu trao ban một cách tự do dành cho những người lân cận của mình, tình yêu dành cho mọi người lân cận. Đây là cách mà nền hòa bình của Thiên Chúa Trời được mang đến trên thế giới. Đây là lý do tại sao cuộc xâm lược vũ trang ngày nay, giống như mọi cuộc chiến tranh, thể hiện một sự xúc phạm đối với Thiên Chúa, một sự phản bội có ý báng bổ, một sự ưa thích khuôn mặt của vị thần giả tạo của thế giới này hơn là một Thiên Chúa hiền từ và nhân hậu. Chiến tranh luôn là một hành động của con người, nhằm tạo ra sự sùng bái quyền lực.

Trước Lễ Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lòng các con đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (Ga 14: 27). Đúng vậy, bởi vì trong khi quyền lực thế gian chỉ để lại sự hủy diệt và chết chóc – chúng ta đã chứng kiến điều này trong những ngày gần đây – hòa bình của Thiên Chúa tạo dựng nên lịch sử, bắt đầu từ trái tim của mỗi người chào đón chúng ta. Do đó, lễ Phục Sinh là dịp lễ đích thực của Thiên Chúa và nhân loại, bởi vì sự bình an mà Chúa Kitô đã đạt được trên thập giá khi hiến mình được phân phát cho chúng ta. Vì vậy, Chúa Kitô Phục Sinh, trong Ngày Lễ Phục Sinh, hiện ra với các môn đệ, và Người chào họ như thế nào? “Bình yên cho anh em!” (Ga 20: 19-21). Đây là lời chào của Chúa Kitô chiến thắng khải hoàn, Chúa Kitô Phục sinh.

Anh chị em thân mến, Lễ Phục sinh có nghĩa là “sự vượt qua”. Năm nay, trước hết, Lễ Phục sinh là một dịp hồng phúc để chuyển từ vị thần của thế gian sang Thiên Chúa của Kitô giáo, từ lòng tham mà chúng ta mang trong mình đến lòng bác ái giải thoát chúng ta, khỏi sự kỳ vọng về một nền hòa bình do vũ lực mang lại đến cam kết làm chứng cho sự bình an của Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đặt mình trước Đấng chịu đóng đinh, nguồn mạch của sự bình an của chúng ta, và cầu xin Ngài ban cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn và hòa bình trên thế giới.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết