Đức Phanxicô với các nhà lãnh đạo chính trị: 'Hãy biến sự chết chóc thành sự sống, biến vũ khí thành lương thực'

8657304105_ca6be17729_b

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp video tới các tham dự viên tham gia Diễn đàn GLOBSEC Bratislava lần thứ 16, nơi các nhà lãnh đạo chính trị và các bộ trưởng đang tập trung vào việc tái xây dựng thế giới hậu đại dịch Covid-19.

Chủ đề của Diễn đàn GLOBSEC Bratislava năm 2021 là “Tái xây dựng thế giới quay trở lại tốt đẹp hơn”. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý khi bắt đầu thông điệp video của mình gửi tới hội nghị, nó cung cấp một nền tảng cho “cuộc tranh luận quan trọng về việc tái xây dựng thế giới của chúng ta sau khi trải qua đại dịch, vốn buộc chúng ta phải đương đầu với một số vấn đề kinh tế – xã hội, sinh thái và chính trị nghiêm trọng và có mối liên hệ với nhau”.

GLOBSEC, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 6, nhằm mục đích cung cấp không gian và khả năng thiết lập nền tảng cho việc đổi mới và tái xây dựng sự tin tưởng vào nền dân chủ và các thể chế, sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế, quản trị công nghệ và an ninh cho thế kỷ 21 và khả năng phục hồi trong lĩnh vực y tế.

Trong phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một số ý tưởng sâu sắc, “lấy cảm hứng từ phương pháp tam thức: xem – xét – làm“.

Xem

Nhằm mang lại sức sống cho một sự phân tích nghiêm túc và trung thực về quá khứ, bao gồm việc thừa nhận “những thất bại mang tính hệ thống, những sai lầm mắc phải, và việc thiếu trách nhiệm đối với Đấng Tạo hóa, những người lân cận và công trình sáng tạo”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các nhà hoạch định chính sách triển khai ý tưởng phục hồi nhằm mục đích “tái xây dựng”, cũng như nhằm mục đích “sửa đổi những gì không hoạt động ngay cả trước sự xuất hiện của Coronavirus và điều đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng”.

Kêu gọi trách nhiệm giải trình, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại điều mà ngài gọi là “cảm giác về sự an toàn ảo tưởng dựa trên sự khao khát lợi nhuận” và tiết lộ những điều ngài “chứng kiến”:

“Tôi chứng kiến một mô hình đời sống kinh tế và xã hội, được đặc trưng bởi quá nhiều sự bất bình đẳng và ích kỷ, trong đó một bộ phận thiểu số dân số thế giới sở hữu phần lớn của cải, thường không ngần ngại khai bóc lột người khác cũng như các nguồn tài nguyên”.

“Tôi chứng kiến một lối sống không quan tâm đầy đủ đến môi trường. Chúng ta đã quen với việc tiêu thụ và hủy hoại một cách không kiềm chế những gì thuộc về mọi người và cần được quan tâm chăm sóc một cách tôn trọng, tạo ra “món nợ sinh thái” mà người nghèo và các thế hệ tương lai phải gánh chịu trước hết”.

Xét

Bước thứ hai, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, là xét những gì chúng ta đã chứng kiến và thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng đã mở ra những khả năng mới và đặt ra thách thức “biến thời gian thử thách thành thời điểm lựa chọn”.

Một người, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng giống nhau: “hoặc trở nên tốt hơn hoặc trở nên tồi tệ hơn. Nhưng không bao giờ giống nhau”.

Vì vậy, khi mời gọi các khán giả của mình cải thiện những gì chúng ta đã nhìn thấy và trải nghiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi khán giả tiến về phía trước và ghi nhớ rằng “không ai tự cứu mình” và “cuộc khủng hoảng mở ra con đường hướng tới một tương lai công nhận sự bình đẳng thực sự của mỗi con người : không phải là sự bình đẳng trừu tượng, mà là sự bình đẳng cụ thể mang lại cho mọi người và mọi dân tộc những cơ hội phát triển thực sự và công bằng”.

Làm

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “Những người không hành động sẽ lãng phí những cơ hội do cuộc khủng hoảng mang lại”. Trích dẫn thông điệp của mình với giám đốc UNESCO vào đầu năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một mô hình phát triển vốn đặt “mọi người và toàn thể con người” làm trung tâm điểm “như là trụ cột cơ bản cần được tôn trọng và bảo vệ, áp dụng một phương pháp luận bao gồm các nguyên tắc luân lý của sự liên đới và tinh thần ‘bác ái chính trị'”.

Và nhấn mạnh thực tế rằng mọi hành động đều cần có tầm nhìn và để hành động vì một sự phát triển công bằng thì cần phải thực hiện sự thay đổi, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng “phải đưa ra quyết định biến sự chết chóc thành sự sống, biến vũ khí thành lương thực”.

Tất cả chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, cần thực hiện cuộc hoán cải môi sinh vì “tầm nhìn tổng thể bao gồm quan điểm về công trình sáng tạo như một ‘ngôi nhà chung’ và đồng thời kêu gọi hành động cấp bách để bảo vệ nó”.

Tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến tại Diễn đàn Bratislava đó là các Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng và Thứ trưởng đến từ khoảng 100 quốc gia khác nhau.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube