RÔMA (AP) – Hôm thứ Sáu ngày 25 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện đặc biệt cho Ukraine, gợi nhớ lại lời tiên tri khải huyền hàng thế kỷ về hòa bình và nước Nga, được khơi dậy bởi những thị kiến có mục đích của Đức Trinh Nữ Maria dành cho ba đứa trẻ con nhà nông ở Fatima, Bồ Đào Nha, vào năm 1917.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các Giám mục, Linh mục và các tín hữu bình thường trên khắp thế giới cùng hiệp ý với ngài trong buổi cầu nguyện thánh hiến, mở đầu bằng việc Đức Thánh Cha bước vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô trước khoảng 3.500 người. Trong sự kiện này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thú nhận tội lỗi của mình và giải tội cho những người khác tại một trong những Tòa giải tội bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
Buổi cử hành này là nỗ lực mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm quy tụ những lời cầu nguyện cho việc chấm dứt chiến tranh trong khi vẫn giữ các lựa chọn mở cho việc đối thoại với Giáo hội Chính thống Nga và nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng của họ, Đức Thượng phụ Kirill. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa công khai lên án Nga một cách đích danh vì cuộc xâm lược của họ, mặc dù những lời tố cáo của ngài đối với cuộc chiến ở Ukraine ngày càng gây phẫn nộ.
Nghi thức cầu nguyện có tầm quan trọng tâm linh sâu sắc đối với nhiều tín hữu Công giáo và là nguồn mạch của sự cuốn hút đối với nhiều người khác. Nó đề cập đến một số khía cạnh gây tranh cãi hơn của đức tin Công giáo: những thị kiến có chủ đích về Đức Mẹ, những tiết lộ về hỏa ngục, chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô và cái chết của một vị Giáo hoàng, và những câu hỏi về việc liệu những lời tiên tri có trong cái gọi là “Bí mật Fatima” đã được hoàn thành hay chưa.
Để xác định bản chất phổ quát của sự kiện, Vatican đã dịch bản văn của lời cầu nguyện sang ba chục ngôn ngữ. Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã hiệp ý tham dự sự kiện từ nơi ngài đang lưu trú nằm trong khu vườn Vatican. Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cử hành nghi lễ đồng thời tại Đền thờ ở Fatima.
Câu chuyện Fatima bắt nguồn từ năm 1917, theo truyền thống, hai anh em người Bồ Đào Nha Francisco và Jacinta Marto và người chị họ Lúcia nói rằng Đức Mẹ đã hiện ra với họ sáu lần và đã thổ lộ với họ ba bí mật. Hai bí mật tiên mô tả hình ảnh khải huyền của địa ngục, báo trước sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự bắt đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như báo trước sự trỗi dậy và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Lúc đó Lúcia Santos 10 tuổi, và hai người em họ Francisco Marto 9 tuổi và Jacinta Marto 7 tuổi.
Năm 2000, Vatican tiết lộ bí mật thứ ba được chờ đợi từ lâu, mô tả bí mật này như báo trước vụ ám sát xảy ra vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, nhằm vào Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Theo các bài viết sau này của Lucia, người đã trở thành một Nữ tu và qua đời vào năm 2005, nước Nga sẽ trở lại và hòa bình sẽ ngự trị nếu Đức Giáo hoàng và tất cả các Giám mục trên thế giới thánh hiến nước Nga cho “Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Trinh Nữ Maria”. Nữ tu Lucia sau đó tuyên bố rằng Đức Gioan Phaolô II đã làm ứng nghiệm lời tiên tri đó trong một Thánh lễ được cử hành vào ngày 25 tháng 3 năm 1984, chính xác là vào ngày thứ Sáu cách đây 38 năm trước, mặc dù Ngài chưa từng nêu rõ nước Nga trong lời cầu nguyện.
Bản văn lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đã sửa lại sự thiếu sót đó vào năm 1984:
“Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, chúng con long trọng phó thác và dâng hiến chính bản thân chúng con, Hội Thánh và toàn thể nhân loại, đặc biệt nước Nga và Ukraine, cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ”.
“Xin cho chiến tranh kết thúc và hòa bình lan rộng khắp thế giới”.
Trong bài giảng hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hành động thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Trinh Nữ Maria “không phải là một công thức ma thuật, mà là một hành động tâm linh” đang diễn ra “ngay cả khi bom đạn đang phá hủy nhà cửa của nhiều anh chị em Ukraine không có khả năng tự vệ của chúng ta”.
“Đó là một hành động của sự tin tưởng trọn vẹn về phía những người con, những người, trong tình cảnh khốn khó của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa đang đe dọa thế giới của chúng ta, hướng về mẹ của chúng, khi những đứa trẻ chạy đến với mẹ của chúng khi chúng sợ hãi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đại sứ Ukraine tại Tòa Thánh, Andrii Yurash, đã đăng tải một dòng tweet từ bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô về sự đánh giá cao của ông đối với hành động thánh hiến, điều mà ông cho biết là “một nỗ lực khác để bảo vệ Ukraine khỏi cuộc chiến của ma quỷ”.
Đại sứ Nga tại Ý, Sergey Razov, trước đó cùng ngày đã bảo vệ “hành động quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và đồng thời cho biết việc Moscow đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của họ trong tháng trước không phải là một mối đe dọa mà “chỉ là sự phản ánh về các kịch bản tiềm năng nếu an ninh quốc gia của Nga lâm nguy”.
Đối với một số người Công giáo theo chủ nghĩa truyền thống, lối nói của Đức Phanxicô về nước Nga trong lời cầu nguyện, cũng như lời mời gọi của ngài dành cho tất cả các Giám mục trên thế giới cùng hiệp ý với ngài, đã ứng nghiệm lời tiên tri Fatima ban đầu. Một số người có ý kiến chỉ trích về việc Đức Thánh Cha bao gồm Ukraine, trong khi những người khác cho rằng lời kêu gọi ban đầu về “sự trở lại” của nước Nga — có lẽ là trở lại với Công giáo — có thể là ưu tiên của Giáo hội Công giáo vào năm 1917 nhưng không phải là trọng tâm của kế hoạch truyền bá Phúc Âm hóa của Vatican hiện nay.
Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố kế hoạch tổ chức buổi cầu nguyện thánh hiến, Đức Thượng phụ Kirill cho biết ngài cũng đang mời gọi Giáo hội Chính thống giáo Nga dâng những lời cầu nguyện lên Mẹ Thiên Chúa. Đức Thượng phụ Kirill đã kêu gọi hòa bình, nhưng vị Thượng phụ dường như cũng biện minh cho cuộc xâm lược bằng cách gọi Nga và Ukraine là “một dân tộc” và mô tả cuộc xung đột như một trận chiến “siêu hình”.
Linh mục Stefano Caprio, từng là nhà truyền giáo Công giáo ở Nga và là giáo sư lịch sử và văn hóa Nga tại Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Rôma, cho biết Đức Thượng phụ Kirill hầu như không phải là người ủng hộ chính sách diều hâu nhất trong các vị Thượng phụ Nga và có lẽ đang chịu áp lực buộc phải tuân theo đường lối chính thức của Điện Kremlin.
Nhưng trong những lời bình luận với các phóng viên trong tuần này, Linh mục Caprio lưu ý rằng những lời cầu nguyện của Công giáo và Chính thống giáo được dâng lên hôm thứ Sáu mang một số điểm mơ hồ đáng kể.
“Vấn đề là đây là hai cách hiểu khác nhau: Đức Mẹ ủng hộ hòa bình và Đức Mẹ ủng hộ chiến tranh”, Linh mục Caprio nói.
Minh Tuệ (theo America)