Đức Phanxicô: Việc Nga sử dụng lính đánh thuê ở Ukraine là điều 'quái dị'

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung của mình tại Hội trường Phaolô VI vào ngày 19 tháng 1 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung của mình tại Hội trường Phaolô VI vào ngày 19 tháng 1 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả việc Nga sử dụng lính đánh thuê trong cuộc chiến Ukraine là điều “quái dị” trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Ba.

Phát biểu trước các biên tập viên của các tạp chí Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gợi ý rằng cuộc chiến, bắt đầu bằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, “có lẽ bằng cách nào đó hoặc bị khiêu khích hoặc không bị ngăn chặn”.

Cuộc trò chuyện, cũng đề cập đến Công đồng Vatican II và “Con đường Công nghị” của Giáo hội Đức, được đăng trên tờ La Civiltà Cattolica vào ngày 14 tháng 6 nhưng được thực hiện vào ngày 19 tháng 5.

Nhận xét về Ukraine, Đức Thánh Cha nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự tàn bạo và vô nhân đạo mà cuộc chiến này đang được thực hiện bởi quân đội, nói chung là lính đánh thuê, được sử dụng bởi người Nga. Người Nga chuộng việc cắt cử lính đánh thuê người Chechnya và Syria”.

“Nhưng điều nguy hiểm là chúng ta chỉ nhìn thấy điều này, vốn vô cùng quái dị, và chúng ta không thấy toàn bộ bi kịch đang diễn ra đằng sau cuộc chiến này, mà có lẽ bằng cách nào đó đã bị kích động hoặc không bị ngăn chặn.  Và ghi nhận sự thích thú trong việc thử nghiệm và bán vũ khí. Điều đó quả thực hết sức đáng buồn, nhưng cuối cùng thì đó là điều đang bị đe dọa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô từ chối những gợi ý rằng ngài ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời nhấn mạnh rằng ngài “chỉ đơn giản là chống lại việc giảm bớt sự phức tạp đối với việc phân biệt giữa người tốt và kẻ xấu”.

Đức Thánh Cha nói: “Ai đó có thể nói với tôi vào thời điểm này: vậy ngài là người ủng hộ Putin! Không, hoàn toàn không phải như vậy. Thật là quá đơn giản và sai lầm nếu nói một điều như vậy. Tôi chỉ đơn giản là chống lại việc giảm thiểu sự phức tạp thành sự phân biệt giữa người tốt và kẻ xấu mà không lý luận về nhưng nguyên nhân gốc rễ và những lợi ích, vốn rất phức tạp”.

“Trong khi chúng ta nhìn thấy sự vô nhân đạo, tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không được quên những vấn đề thực sự nếu chúng ta muốn chúng được giải quyết”.

“Cũng đúng khi người Nga nghĩ rằng tất cả sẽ kết thúc trong một tuần lễ. Nhưng họ đã tính toán sai lâmd. Họ gặp phải một dân tộc hết sức can trường, một dân tộc đang đấu tranh để tồn tại và những người có lịch sử đấu tranh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng ngài hy vọng sẽ được gặp gỡ nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga, Đức Thượng phụ Kirill, tại Kazakhstan vào tháng 9.

“Tôi hy vọng có thể chào đón ngài và trò chuyện đôi chút với ngài với tư cách là một Mục tử”, Đức Thánh Cha nhận xét.

Thách thức của ‘chủ nghĩa khôi phục’

Ở những điểm khác trong cuộc trò chuyện với các biên tập viên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích cái mà ngài gọi là “chủ nghĩa khôi phục” trong Giáo hội, đề xuất rằng Hoa Kỳ là một điểm nóng của “những người phục chế”.

Đức Thánh Cha nói: “Chủ nghĩa khôi phục đã đến mức muốn chấm dứt Công đồng Vatican. Số lượng các nhóm bao gồm những ‘người phục chế’ ⁠— chẳng hạn như ở Hoa Kỳ có rất nhiều người ⁠như vậy — là một con số đáng kể”.

“Một Giám mục người Argentina nói với tôi rằng ông ấy đã được yêu cầu quản lý một Giáo phận đã rơi vào tay những ‘người phục chế’ này. Họ chưa bao giờ chấp nhận Công đồng”.

“Có những ý tưởng, hành vi nảy sinh từ chủ nghĩa khôi phục mà về cơ bản đã không được Công đồng chấp nhận”.

“Vấn đề chính xác là thế này: trong một số bối cảnh, Công đồng vẫn chưa được chấp nhận. Cũng đúng khi phải mất cả thế kỷ để một Công đồng có thể bén rễ. Vậy thì chúng ta vẫn còn 40 năm để làm cho Công đồng được bén rễ!”.

Các áp lực bên ngoài đối với ‘Con đường Công nghị’ của Đức

Khi được hỏi về “Con đường Công nghị” ở Đức, và một số người cáo buộc rằng nó là dị giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến một lá thư mà ngài đã viết cho các tín hữu Công giáo Đức vào năm 2019.

“Tôi muốn viết một bức thư về Con đường Công nghị của anh chị em. Tôi đã đích thân viết bức thư này, và tôi đã phải mất một tháng để viết nó. Tôi không muốn liên quan đến Giáo triều. Tôi tự mình viết bức thư. Bản gốc được viết bằng tiếng Tây Ban Nha và bản bằng tiếng Đức là bản dịch. Đó là nơi anh chị em sẽ tìm thấy những suy nghĩ của tôi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết ngài đã nói với Đức Giám mục Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, rằng “ở Đức, có một Giáo hội Cải cách rất tốt đẹp. Chúng ta không cần hai Giáo hội như thế”.

“Vấn đề nảy sinh”, Đức Thánh Cha nói, “khi Con đường Công nghị xuất phát từ giới tinh hoa trí thức, thần học, và bị ảnh hưởng nhiều bởi các áp lực bên ngoài. Có một số Giáo phận nơi mà Con đường Công nghị đang được triển khai với các tín hữu, với dân chúng, một cách chậm rãi”.

Thảo luận về cuộc chiến với phái đoàn Ukraine

Cuộc phỏng vấn với các biên tập viên tạp chí Dòng Tên được công bố sau khi có thông tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về lập trường của mình về cuộc chiến với một phái đoàn Ukraine vào ngày 8 tháng 6.

Một tham dự viên, Myroslav Marynovych, phó Hiệu trưởng Đại học Công giáo Ukraine ở Lviv, đã mô tả cuộc gặp gỡ này là “vô cùng quan trọng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về lập trường của mình về cuộc chiến với một phái đoàn Ukraine vào ngày 8 tháng 6 (Ảnh: RISU)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về lập trường của mình về cuộc chiến với một phái đoàn Ukraine vào ngày 8 tháng 6 (Ảnh: RISU)

ÔngMarynovych cho biết: “Tất cả chúng tôi rời cuộc họp và cảm thấy biết ơn Đức Thánh Cha vì đã có cơ hội chia sẻ những suy nghĩ của chúng tôi và thực sự được truyền cảm hứng. Cuộc trò chuyện này rất có ý nghĩa đối với tất cả chúng tôi”.

“Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là từ bây giờ, Đức Thánh Cha sẽ nhìn thế giới qua lăng kính của người dân Ukraine. Thật vậy, trong tương lai, điều quan trọng đối với người dân Ukraine là phải lắng nghe quan điểm của Vatican về một số vấn đề nhất định”.

“Tuy nhiên, ngày nay chúng ta có thể chắc chắn một điều: các cuộc khủng hoảng truyền thông phải được giải quyết thông qua giao tiếp thân thiện. Và đó là những gì chúng tôi đã cố gắng thực hiện khi có mặt tại Vatican”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết