
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các tham dự viên tham gia hội nghị quốc tế ‘Dòng Phát triển của Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục’ trong một căn phòng liền kề với Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 1 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích những người “tự gọi mình là người bảo vệ những truyền thống, nhưng những truyền thống đã chết”, đồng thời cho biết rằng việc không tiến về phía trước là điều gây nguy hiểm cho Giáo hội ngày nay.
Phát biểu trước các nhà tổ chức một hội nghị về giáo dục vào ngày 1 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng điều quan trọng là phải đạt được sự tiến bộ bằng cách “rút ra từ cội nguồn”.
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng “có thói quen – ở mọi thời đại, nhưng ở thời đại này trong đời sống của Giáo hội, tôi coi đó là điều nguy hiểm – thay vì rút ra từ cội nguồn để tiến về phía trước – nghĩa là thuần phong mỹ tục – chúng ta lại ‘lùi bước’, không đi lên hoặc đi xuống, nhưng đi giật lùi”.
“Sự ‘lùi bước’ này khiến chúng ta trở thành một giáo phái; nó khiến bạn bị ‘khép kín’ và thu hẹp tầm nhìn của bạn. Những người đó tự gọi mình là người bảo vệ những truyền thống, nhưng những truyền thống đã chết”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “truyền thống Kitô giáo và nhân loại Công giáo đích thực… luôn phát triển, tiến bộ”.
“Về phần mình, giáo dục luôn bắt nguồn từ quá khứ, nhưng không dừng lại ở đó: nó hướng tới ‘những sáng kiến hướng về tương lai’, nơi cái cũ và cái mới hội tụ để tạo ra một chủ nghĩa nhân văn mới”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh truyền thống đích thực đó là “điều mà nhà thần học thế kỷ thứ năm mô tả như là một sự phát triển không ngừng: trong suốt lịch sử, truyền thống phát triển, tiến triển: ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đang đề cập đến Thánh Vincent de Lérins, người đã viết về sự phát triển của Giáo huấn của Giáo hội, rằng Giáo huấn này “được củng cố qua năm tháng, kéo dài theo thời gian và được trau chuốt theo thời đại”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viện dẫn câu trích dẫn này nhiều lần kể từ khi ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng vào năm 2013, bao gồm cả trong một bức thư về ‘Amoris Laetitia’ vào năm 2018.
Đức Thánh Cha không đề cập đến vấn đề phụng vụ hay Giáo lý Công giáo trong bài diễn văn vào ngày 1 tháng 6, nhưng tập trung bài phát biểu của mình về lĩnh vực giáo dục.
Đức Thánh Cha cho biết rằng Sử thi Aeneid của Virgil chứa đựng một hình ảnh “có thể dùng để minh họa sứ mạng của các nhà giáo dục, những người được mời gọi gìn giữ quá khứ… và hướng dẫn những bước đi của giới trẻ hướng tới tương lai”.
“Một ví dụ hùng hồn về cách đối mặt với khủng hoảng có thể được tìm thấy trong nhân vật sử thi Aeneas, người giữa ngọn lửa của thành phố đang bùng cháy, mang trên vai người cha già Anchises và dắt tay đứa con trai nhỏ Ascanius, dẫn dắt cả hai đến nơi an toàn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Aeneas tự cứu mình, nhưng không chỉ một mình. Anh ta mang theo cả cha mình, người đại diện cho quá khứ của anh, và đứa con trai của anh, người đại diện cho tương lai. Và vì vậy Aeneas tiến về phía trước”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng sự thể hiện truyền thống đang được tôn trọng và bảo tồn này nhắc nhở ngài về “những gì Gustav Mahler đã nói về truyền thống: ‘Truyền thống là sự đảm bảo cho tương lai’ chứ không phải là một tác phẩm được đặt trong bảo tàng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên tham gia một hội nghị được tổ chức để đánh giá công việc đã hoàn thành cho đến nay của Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục của ngài tại Vatican, và lập kế hoạch cho việc triển khai Hiệp ước này trong những năm tới.
“Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em thực hiện trong việc phục vụ sự nghiệp giáo dục, vốn cũng là sự đóng góp cụ thể mà anh chị em đang cống hiến cho tiến trình hiệp hành của Giáo hội. Việc tiếp tục đi theo hướng này, từ quá khứ hướng tới tương lai, liên tục được gia tăng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Và hãy chú ý đến ‘bước lùi’ đang thịnh hành ngày nay, điều khiến chúng ta nghĩ rằng bằng cách lùi lại, chúng ta có thể bảo tồn chủ nghĩa nhân văn”, Đức Thánh Cha chia sẻ thêm.
Minh Tuệ (theo CNA)