Đức Phanxicô: ‘Tình trạng đói nghèo khiến trẻ em phải lao động cưỡng bức cần phải được giải quyết’

Một bé trai đang vác một khúc gỗ mục đến một đường hầm khai thác mỏ ở Pamintaran, một cộng đồng khai thác vàng hẻo lánh gần Maragusan trên hòn đảo Mindanao, phía nam Philippines, vào ngày 6 tháng 6 năm 2012. Tình trạng bóc lột lao động trẻ em bắt nguồn từ nghèo đói, bất bình đẳng đáng hổ thẹn và thiếu các cơ hội bảo vệ phẩm giá con người, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong một bức thư gửi hội nghị toàn cầu về cuộc chiến chống lại vấn nạn lao động trẻ em vào ngày 17 tháng 5 năm 2022 (Ảnh: Paul Jeffrey / CNS)

Một bé trai đang vác một khúc gỗ đến một đường hầm khai thác mỏ ở Pamintaran, một cộng đồng khai thác vàng hẻo lánh gần Maragusan trên hòn đảo Mindanao, phía nam Philippines, vào ngày 6 tháng 6 năm 2012. Tình trạng bóc lột lao động trẻ em bắt nguồn từ nghèo đói, bất bình đẳng đáng hổ thẹn và thiếu các cơ hội bảo vệ phẩm giá con người, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong một bức thư gửi hội nghị toàn cầu về cuộc chiến chống lại vấn nạn lao động trẻ em vào ngày 17 tháng 5 năm 2022 (Ảnh: Paul Jeffrey / CNS)

Tình trạng bói nghèo và bất bình đẳng, vốn là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng bóc lột lao động trẻ em, phải được giải quyết, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết trong một bức thư viết tay.

“Thật đáng buồn, có rất nhiều đôi bàn tay nhỏ bé phải mải miết cày ruộng, làm việc trong các hầm mỏ, lặn lội đường xa để múc nước, và làm những công việc cản trở các em đến trường, chưa kể đến tội ác của việc mại dâm trẻ em vốn đang cướp đi khỏi hàng triệu trẻ em niềm vui tuổi thanh xuân và phẩm giá được Thiên Chúa ban tặng của chúng”, Đức Thánh Cha viết trong một bức thư gửi tới một hội nghị toàn cầu chống lại vấn đề lao động trẻ em.

“Trên thực tế, vì nghèo đói là yếu tố chính khiến trẻ em bị bóc lột sức lao động, tôi tin tưởng rằng những cân nhắc của quý vị sẽ giải quyết được những nguyên nhân mang tính cơ cấu của tình trạng nghèo đói toàn cầu và sự bất bình đẳng đáng hổ thẹn đang tiếp tục tồn tại giữa các thành viên trong gia đình nhân loại”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các tham dự viên tham gia hội nghị.

Bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được gửi tới Guy Ryder, Tổng giám đốc của Tổ chức Lao động Quốc tế, nhân dịp Hội nghị Toàn cầu lần thứ năm về Xóa bỏ Lao động Trẻ em được tổ chức từ ngày 15 đến 20 tháng 5 tại Durban, Nam Phi. Đức Tổng Giám mục Peter B. Wells, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Phi, đã đọc bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô trước hội nghị vào ngày 16 tháng 5.

Gửi “lời chào nồng nhiệt và những lời cầu chúc tốt đẹp” đến các tham dự viên tham dự hội nghị, Đức Thánh Cha cho biết ngài hy vọng hội nghị sẽ nâng cao nhận thức và thúc đẩy cam kết chống lại vấn nạn lao động trẻ em.

“Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc loại bỏ tai họa của vấn nạn lao động trẻ em khỏi xã hội, nhưng bi kịch này đã trở nên tồi tệ hơn do tác động của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và sự lan rộng của tình trạng nghèo đói cùng cực ở nhiều nơi trên thế giới của chúng ta, nơi thiếu các cơ hội việc làm xứng hợp với phẩm giá cho người lớn và thanh thiếu niên, các trường hợp khẩn cấp về di cư và nhân đạo khiến hàng triệu trẻ em gái và trẻ em trai phải chịu một cuộc sống nghèo nàn về kinh tế và văn hóa”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng ngài hy vọng hội nghị sẽ dẫn đến cam kết lớn hơn từ các nhà lãnh đạo liên quan và các tổ chức quốc tế và quốc gia trong việc “nỗ lực làm việc nhằm tìm ra những cách thức phù hợp và hiệu quả để bảo vệ phẩm giá và quyền của trẻ em, đặc biệt là thông qua việc thúc đẩy các hệ thống bảo trợ xã hội và việc tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em”.

“Cách chúng ta tương quan với trẻ em, mức độ chúng ta tôn trọng phẩm giá con người thiên phú và các quyền cơ bản của chúng, thể hiện kiểu mẫu người trưởng thành mà chúng ta muốn trở thành và hình thức xã hội mà chúng ta mong muốn xây dựng”.

Vatican cam kết nỗ lực làm việc theo những cách giúp cộng đồng quốc tế kiên trì trong nỗ lực chống lại vấn nạn bóc lột lao động trẻ em “để trẻ em có thể tận hưởng vẻ đẹp của giai đoạn này trong cuộc đời, đồng thời nuôi dưỡng những ước mơ về một tương lai tươi sáng”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Ngày Thế giới phòng chống Lao động trẻ em sẽ được tổ chức vào ngày 12 tháng 6 và có chủ đề “Bảo trợ xã hội Toàn cầu nhằm Chấm dứt Lao động trẻ em”.

Một báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế và UNICEF công bố năm 2021 ước tính khoảng 160 triệu trẻ em – gần 1/10 – trên toàn thế giới bị lao động cưỡng bức, tăng 8,4 triệu trẻ em so với cách đây 4 năm trước.

Báo cáo cho biết họ đã phát hiện thấy “sự gia tăng đáng kể về số lượng lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi, hiện chỉ chiếm hơn một nửa tổng số trẻ em toàn cầu”. Số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi làm những công việc có hại đối với sức khỏe, sự an toàn hoặc đạo đức của chúng đã “tăng 6,5 triệu lên 79 triệu kể từ năm 2016”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube