Thái độ lên án là không đủ khi nói đến các vấn đề bất công, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào cuối tuần trước.
“Phản ứng của chúng ta đối với sự bất công và sự bóc lột không chỉ đơn thuần là việc lên án. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó phải là việc tích cực cổ võ điều thiện: lên án sự dữ và cổ võ điều thiện”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 23 tháng 10.
“Điều này có nghĩa là đưa Học thuyết Xã hội của Giáo hội vào thực tiễn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các Kitô hữu “gieo nhiều hạt giống nhỏ bé vốn có thể sinh hoa kết trái trong một nền kinh tế công bằng và mang lại lợi ích, nhân đạo và lấy con người làm trung tâm”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu trong buổi tiếp kiến với hội nghị thường niên của Tổ chức ‘Centesimus Annus Pro Pontifice’, được tổ chức tại Vatican từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 10.
Tổ chức này được đặt tên theo Thông điệp thứ chín của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đề cập đến Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, đặc biệt liên quan đến người lao động và nền kinh tế, cũng như mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội.
“Ngày nay, trong mọi lĩnh vực, chúng ta hơn bao giờ hết có nghĩa vụ phải làm chứng cho việc quan tâm đến người khác, vượt ra khỏi chính mình, quảng đại cam kết cho sự phát triển của một xã hội công bằng và bình đẳng hơn, nơi sự ích kỷ và lợi ích đảng phái bị đánh bại” Đức Thánh Cha Phanxicô nói..
“Và đồng thời chúng ta cũng được mời gọi theo dõi sự tôn trọng con người, sự tự do của con người, việc bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Ở đây có sứ mạng thực hiện Học thuyết Xã hội của Giáo hội”.
“Khi mang theo trên mình những giá trị và lối sống này, chúng ta biết rằng chúng ta thường lội ngược dòng, nhưng chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng: chúng ta không hề đơn độc. Thiên Chúa đã đến gần chúng ta. Không phải bằng lời nói, nhưng với sự hiện diện của Ngài: Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã nhập thể”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Chủ đề của hội nghị của Tổ chức ‘Centesimus Annus Pro Pontifice’năm nay là “Tinh thần liên đới, hợp tác và trách nhiệm: liều thuốc giải độc chống lại những bất công, bất bình đẳng và sự loại trừ”.
“Đây là những suy tư quan trọng, vào thời điểm khi mà sự không chắc chắn và bất ổn định đánh dấu cuộc sống của rất nhiều người, và các cộng đồng đã bị làm cho trở nên trầm trọng hơn bởi một hệ thống kinh tế tiếp tục khước từ sự sống nhân danh thần tiền của, thúc đẩy những thái độ mang tính hủy hoại đối với các nguồn tài nguyên của trái đất và thúc đẩy nhiều hình thức bất công”, Đức Thánh Cha nói.
“Với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi hướng đến một tình yêu không biên giới và không giới hạn. Chúng ta được mời gọi trở thành dấu chỉ và nhân chứng để có thể vượt ra khỏi bức tường của sự ích kỷ và lợi ích cá nhân và quốc gia, thoát ra khỏi sức mạnh của đồng tiền vốn thường quyết định vận mệnh của các dân tộc, vượt ra ngoài những chia rẽ ý thức hệ nuôi dưỡng sự hận thù; vượt qua mọi rào cản lịch sử và văn hóa, và trên hết, vượt ra khỏi sự thờ ơ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Do đó, nhiệm vụ lớn lao đó là xây dựng một thế giới đoàn kết, công bằng và bình đẳng hơn. Tuy nhiên, đối với các tín hữu, đó không chỉ là một vấn đề thực tế tách rời khỏi Giáo lý. Thật vậy, đó là cách để thể hiện đức tin của chúng ta, để ngợi khen Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người bất kể nam nữ, Đấng yêu sự sống. Anh chị em thân mến, những điều tốt lành mà anh chị em làm cho mỗi người trên hành tinh này đều làm hài lòng Cha trên trời”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo CNA)