Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp đến Hội nghị Đại dương của chúng ta lần thứ VIII được tổ chức tại Panama, và đồng thời kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu bảo vệ đại dương vì lợi ích của các thế hệ tương lai.
Panama gần đây đã tổ chức Hội nghị Đại dương của chúng ta lần thứ VIII với chủ đề “Đại dương của chúng ta, Sự kết nối của chúng ta” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức như là “nền tảng của các hành động và chính sách của chúng ta nhằm đảm bảo việc bảo vệ đại dương của chúng ta”.
Sự kiện này diễn ra riêng biệt nhưng đồng thời với việc chính phủ các quốc gia tổ chức các cuộc đàm phán có tính đột phá và do Liên hợp quốc tài trợ ở New York, trong đó họ đồng ý với một “Hiệp ước Biển khơi” mới nhằm hệ thống hóa các nỗ lực bảo tồn các vùng đại dương nằm ngoài phạm vi quyền hạn của quốc gia.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp đến các tham dự viên tham gia Hội nghị Đại dương của chúng ta được tổ chức tại Panama, từ ngày 2-3 tháng 3, được công bố vào thứ Hai và được ký bởi Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin.
Món quà từ Đấng Tạo Hóa cho toàn thể nhân loại
Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự khiêm tốn, lòng biết ơn và sự kính sợ” khi chúng ta nói đại dương “của chúng ta”.
“Khởi đi từ việc chiêm ngắm và nghiên cứu, sự hiểu biết của chúng ta về các cơ chế và sự cân bằng phức tạp và tuyệt vời của đại dương cho phép chúng ta đánh giá cao vai trò của chúng đối với tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng các cộng đồng ven biển”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng tất cả mọi người đều phụ thuộc vào đại dương và lưu tâm một cách đúng đắn đến “di sản chung” của nhân loại.
Các đại dương, Đức Thánh Cha cho biết thêm, được ban cho chúng ta “như một món quà từ Đấng Tạo Hóa”, và do đó chúng ta phải nỗ lực sử dụng chúng một cách công bằng và bền vững để truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Gắn kết với nhau bởi một đại dương chung
Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị nắm lấy một “tầm nhìn toàn diện về sinh thái học” phù hợp với Thông điệp Laudato Si’ của ngài.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng các đại dương phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa, bao gồm tình trạng ô nhiễm, axit hóa và việc đánh bắt cá bất hợp pháp, cũng như ngành công nghiệp khai thác non trẻ dưới đáy biển.
Đức Thánh Cha cũng kết nối với nhiều thảm kịch di cư xảy ra trên biển cả và việc đối xử khắc nghiệt với các thuyền viên.
Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các chính phủ công nhận “sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa các cộng đồng và quốc gia” mà các đại dương là hiện thân.
“Chúng ta là một gia đình, chúng ta chia sẻ cùng phẩm giá con người bất khả nhượng, và chúng ta sống trong một ngôi nhà chung mà chúng ta được mời gọi cùng nhau chăm sóc”.
Ba đường hướng hướng đến hy vọng
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục đưa ra ba đường hướng để cải thiện mối tương quan của nhân loại với các đại dương.
Trước tiên, Đức Thánh Cha nói, chúng ta cần lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của Trái đất, và do đó “khẩn trương xem xét lại các chiến lược tăng trưởng dựa trên sự lãng phí và các mô hình tiêu dùng không bền vững”.
Thứ hai, nhân loại cần đoàn kết với nhau “để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển và sông ngòi”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, các chính phủ cần thiết lập “các hệ thống quản trị” hiệu quả để điều chỉnh và điều phối hoạt động trên các đại dương.
“Bằng cách làm việc theo những đường hướng này”, Đức Thánh Cha kết luận, “sẽ luôn có hy vọng”.
Thiên Ân (theo Vatican News)