Đức Thánh Cha Phanxicô đã than phiền về sự “bất lực” của Liên hợp quốc khi đối mặt với cuộc chiến tại Ukraine trong những lời bình luận được đưa ra trong buổi tiếp kiến chung của ngài hôm thứ Tư ngày 6 tháng 4.
“Ngày nay chúng ta thường nghe nói về ‘địa chính trị’. Nhưng thật không may, logic chi phối là chiến lược của các quốc gia quyền lực nhất nhằm khẳng định lợi ích của chính họ, mở rộng khu vực ảnh hưởng kinh tế, hoặc ảnh hưởng ý thức hệ, và/hoặc ảnh hưởng quân sự. Chúng ta đang chứng kiến điều này với cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 6 tháng 4.
“Sau Thế chiến thứ hai, nỗ lực đã được thực hiện để đặt nền móng cho một kỷ nguyên hòa bình mới. Nhưng, thật không may – chúng ta chưa bao giờ học được bài học, phải thế không? – câu chuyện cũ kĩ về sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã tiếp diễn”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ tại Hội trường Phaolô VI của Vatican.
“Và, trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của các Tổ chức của Liên hợp quốc”.
Bình luận của Đức Thánh Cha được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trước LHQ qua một liên kết video và cáo buộc quân đội Nga về những tội ác chiến tranh. Tổng thống Ukraine cũng bày tỏ sự thất vọng trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà trong đó Nga là thành viên thường trực có quyền phủ quyết.
“An ninh mà Hội đồng Bảo an cần đảm bảo ở đâu? Nó không hiện diện ở đó”, Tổng thống Zelenskyy nói, thông qua một phiên dịch viên.
“Rõ ràng là thể chế quan trọng của thế giới – vốn phải đảm bảo sự cưỡng chế đối với bất kỳ kẻ xâm lược nào để đạt được hòa bình – đơn giản lại không thể hoạt động hiệu quả”, Tổng thống Ukraine cho biết hôm 5 tháng 4.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về LHQ trong một bài chia sẻ về chuyến viếng thăm gần đây của ngài đến Malta từ ngày 2-3 tháng 4 trong buổi tiếp kiến thứ Tư hàng tuần, trong đó ngài cũng gặp gỡ những trẻ em tị nạn đến từ Ukraine.
Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng ngài coi Malta là đại diện cho “quyền và sức mạnh của các quốc gia ‘nhỏ bé’”.
“Nhỏ nhưng giàu lịch sử và văn minh sẽ dẫn đến một logic khác – đó là sự tôn trọng và tự do – logic của sự tôn trọng và cũng là logic của tự do, về sự cùng tồn tại của những khác biệt, trái ngược với sự thực dân hóa của những kẻ quyền lực nhất”, Đức Thánh Cha nói .
Đức Thánh Cha giải thích rằng ngài đã chọn một câu trích từ Sách Công vụ Tông đồ làm khẩu hiệu cho chuyến Tông du tới Malta: “Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28, 2) vì cuộc khủng hoảng di cư cũng là “để thế giới có thể trở nên huynh đệ hơn, đáng sống hơn”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh vấn đề di cư trong chuyến viếng thăm đảo Địa Trung Hải bằng cách đến thăm một trung tâm tiếp nhận người nhập cư do một Linh mục Dòng Phanxicô thành lập có tên là Trung tâm Hòa bình Gioan XIII.
“Tôi đã gặp gỡ rất nhiều người di cư đổ bộ lên hòn đảo sau những chuyến đi khủng khiếp”, Đức Thánh Cha nhắc lại.
“Chúng ta không bao giờ được mệt mỏi trong việc lắng nghe những lời chứng của họ vì chỉ có cách này, chúng ta mới có thể thoát khỏi một tầm nhìn méo mó thường được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, và những khuôn mặt, những câu chuyện, những vết thương, những ước mơ và hy vọng của những người di cư này có thể xuất hiện”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi người di cư không nên được coi như là “một con số” mà là một con người.
“Mỗi người là duy nhất giống như mỗi chúng ta. Mỗi người di cư đều là một người có phẩm giá, có cội nguồn, có văn hóa. Mỗi người trong số họ là những người mang lại một khối tài sản lớn hơn vô số những vấn đề mà họ mang lại”, Đức Thánh Cha nói.
“Chắc chắn, việc chào đón họ phải được tổ chức – điều này hoàn toàn đúng đắn – và phải được giám sát; và trước hết, nó phải được lên kế hoạch cùng với nhau, ở cấp độ quốc tế”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.
Đức Thánh Cha cho biết rằng di cư là “một dấu chỉ của thời đại chúng ta” và nó “nên được hiểu và được giải thích như vậy”.
Hồi tưởng về chuyến Tông du đầu tiên của mình trong năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài thực hiện chuyến viếng thăm Malta “trước hết” như một hành động tạ ơn Thiên Chúa và củng cố người dân Malta trong đức tin.
“Malta là một địa điểm then chốt từ khía cạnh truyền giáo”, Đức Thánh Cha nói. “Từ Malta và từ Gozo, hai Giáo phận của đất nước, nhiều linh mục và tu sĩ, nhưng thậm chí cả giáo dân, đã ra đi để mang chứng tá Kitô giáo của họ ra khắp thế giới”.
“Tuy nhiên, làn gió của chủ nghĩa thế tục, của một nền văn hóa ngụy toàn cầu hóa dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tân tư bản và chủ nghĩa tương đối, cũng thổi đến đó. Do đó, đã đến thời điểm cho việc truyền bá Tân Phúc Âm hóa ở đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.
Đức Thánh Cha đã mô tả khoảnh khắc cầu nguyện của mình tại Hang động của Thánh Phaolô ở Malta giống như “việc kín múc từ mùa xuân để Tin Mừng có thể tuôn tràn trên khắp Malta với sự tươi mới từ cội nguồn của nó và đồng thời tái sinh di sản vĩ đại của lòng mộ đạo bình dân”.
Đức Thánh Cha cho biết thêm rằng khi ngài đến viếng thăm Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Ta’ Pinu của đất nước, ngài đã nghe thấy “nhịp đập trái tim của người dân Malta”.
“Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta làm sống lại ngọn lửa đức tin bằng cách nhen nhóm lên từ ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vốn cuốn hút từ thế hệ này sang thế hệ khác đến với việc hân hoan loan báo Tin Mừng, vì niềm vui của Giáo hội đó là loan báo Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo CNA)