Đức Phanxicô: Châu Phi là 'lục địa cần được trân trọng chứ không phải để vơ vét cướp bóc'

Tạp chí Mundo Negro phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô, do Comboni Missionaries xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha (ngày 15 tháng 12 năm 2022)

Cuộc phỏng vấn của  Đức Thánh Cha Phanxicô với tạp chí Mundo Negro được các nhà truyền giáo Comboni xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha vào ngày 15 tháng 12 năm 2022 (Ảnh: truyền thông Vatican)

Chúng tôi đăng tải một đoạn trích cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô được các nhà truyền giáo Comboni đăng trực tuyến hôm thứ Sáu bằng tiếng Tây Ban Nha trên tạp chí ‘Mundo Negro’. Cuộc phỏng vấn dài 30 phút diễn ra vào ngày 15 tháng 12 tại Vatican với Giám đốc tạp chí, Linh mục Jaume Calvera, Tổng biên tập, Linh mục Javier Fariñas Martín, và Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đối thoại Liên tôn.

Kính thưa Đức Thánh Cha, ngài đã trở thành Tu sĩ Dòng Tên, trong số những lý do khác, để đến Nhật Bản với tư cách là một nhà truyền giáo…

Vâng, đúng vậy.

Điều gì đã lưu lại trong ngài kể từ thời điểm đó?

Tôi nghĩ rằng tôi đã luôn bận tâm đến các vùng ngoại vi. Tôi quan sát các vùng ngoại vi từ bên trong, không chỉ vì chúng khiến tôi quan tâm về mặt tri thức. Và đó là những gì lưu lại trong tôi, để vượt ra ngoài các vùng biên giới.

Đức Thánh Cha đã nói rằng “Châu Phi không bao giờ hết gây kinh ngạc”. Ngài nghĩ có bao nhiêu phần trăm sự ngạc nhiên này là do các nhà truyền giáo mà ngài đã gặp?

Điều khiến tôi kinh ngạc nhất về các nhà truyền giáo là khả năng thích nghi với hoàn cảnh, tôn trọng các nền văn hóa và đóng góp vào sự phát triển của các nền văn hóa đó. Ngược lại, họ không xóa bỏ cội rễ của người dân. Khi tôi gặp các nhà truyền giáo, và luôn có một số người không thành công, tôi lưu ý rằng hoạt động truyền giáo của Công giáo không phải là chiêu dụ ai đó cải đạo, nhưng loan báo Tin Mừng tùy theo văn hóa của mỗi nơi. Đây là tính Công giáo, tôn trọng các nền văn hóa. Không có văn hóa Công giáo như vậy; vâng, có tư tưởng Công giáo, nhưng mọi nền văn hóa đều bắt nguồn từ những điều mang tính Công giáo, và điều này đã được cảm nghiệm trong chính hoạt động của Chúa Thánh Thần vào buổi sáng Lễ Ngũ Tuần. Điều này rất rõ ràng. Đạo Công giáo không phải là sự đồng nhất mà là sự hài hòa, hài hòa giữa những khác biệt. Và sự hòa hợp này được thiết lập bởi Chúa Thánh Thần. Một nhà truyền giáo ra đi, tôn trọng những gì được tìm thấy ở mỗi nơi, và giúp tạo ra sự hòa hợp, nhưng họ không chiêu dụ cải đạo về mặt ý thức hệ hoặc tôn giáo, càng không phải với tư duy của chủ nghĩa thực dân. Một số sai lệch đã xảy ra ở các châu lục khác, ví dụ như vấn đề nghiêm trọng của các trường học ở Canada mà tôi đã đến thăm và đề cập đến. Công việc truyền giáo phải tôn trọng văn hóa của người dân, sống trong bối cảnh đó và thực hiện công việc phục vụ này.

Công đồng Vatican II cách đây 60 năm đã mang lại động lực truyền giáo phi thường. Có phải sự hiểu biết về sứ mạng truyền giáo đã thay đổi nhiều kể từ đó?

Tạ ơn Chúa, vâng. Các nhà sử học nói rằng phải mất 100 năm để một Công đồng được thực hiện đầy đủ, vì vậy Công đồng chỉ mới đi được một nửa chặng đường. Nhiều điều đã thay đổi trong Giáo hội, nhiều điều tốt đẹp hơn … Có hai dấu hiệu thú vị: sự hăng hái thiếu thận trọng ban đầu của Công đồng đã biến mất, tôi đang nghĩ đến sự sôi nổi trong phụng vụ, điều gần như không tồn tại. Và sự phản kháng chống công đồng đang xuất hiện mà trước đây chưa từng thấy, một điều điển hình của bất kỳ quá trình trưởng thành nào. Nhưng quá nhiều điều đã thay đổi… Về phương diện truyền giáo, sự tôn trọng các nền văn hóa và việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng là những giá trị nở rộ như một hệ quả gián tiếp của Công đồng. Đức tin được hội nhập văn hóa và Tin Mừng tiếp nhận văn hóa của dân tộc đó, cho phép truyền giáo về văn hóa.

Việc tiếp cận truyền giáo có nhất thiết phải là một cuộc đối thoại không?

Tất nhiên là thế rồi. Ngày nay ý thức về đối thoại đã được nâng cao hơn nhiều, và những ai không biết đối thoại thì không thể trưởng thành, trưởng thành và sẽ không thể để lại ảnh hưởng gì cho xã hội. Đối thoại là điều nền tảng.

Có phải chúng ta vẫn rất chú trọng đến số lượng các tín hữu Công giáo?

Số liệu thống kê rất hữu ích, nhưng chúng ta không nên đặt hy vọng vào chúng. Tôi tự hỏi: tôi đặt niềm hy vọng vào ai? Và tôi hỏi tất cả mọi người: bạn đặt hy vọng vào ai, vào tổ chức của bạn, vào khả năng xã hội học của bạn để quy tụ mọi người lại với nhau, hay vào sức mạnh của Tin Mừng?

Từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan …

Vào tháng 7 năm ngoái, cuộc hành trình đã phải tạm dừng vì vấn đề đầu gối của tôi … Tại Nam Sudan, tôi sẽ đi cùng với, ở cùng cấp độ chính thức, Đức Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Giáo hội Scotland, và chúng tôi đang phối hợp làm việc rất tốt với nhau. Cộng hòa Dân chủ Congo… nó giống như một pháo đài, một pháo đài của nguồn cảm hứng. Bạn chỉ cần nhìn vào cộng đồng người Congo ở đây tại Rôma, được dẫn dắt bởi một Nữ tu, Sơ Rita, một phụ nữ giảng dạy tại trường đại học, nhưng người điều hành như thể Sơ là một Giám mục … Tôi đã cử hành Thánh lễ ở đây theo nghi thức Congo và đó là một cộng đồng rất gần gũi với tôi. Tôi đã rất háo hức mong chờ chuyến viếng thăm này, mong nó sớm được thực hiện. Nam Sudan là một cộng đồng đau khổ. Thậm chí Congo vào thời điểm này đang chìm trong đau khổ do xung đột vũ trang, đó là lý do tại sao tôi sẽ không đến Goma, vì điều đó là không thể do chiến sự. Không phải là tôi không đi vì tôi sợ, nhưng với bầu khí (biến động) này và chứng kiến những sự việc đang xảy ra… chúng tôi phải quan tâm đến người dân.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến các vùng ngoại vi hiện sinh của con người làm liên tưởng đến lục địa châu Phi. Phải chăng hai vùng ngoại vi này không thể tách rời?

Châu Phi là đơn nhất… nhưng có một điều chúng ta phải tố cáo: có một ý tưởng vô thức tập thể… nói rằng Châu Phi là để bị bóc lột vơ vét. Lịch sử cho chúng ta biết điều này, với sự độc lập nửa vời: họ được trao cho sự độc lập về kinh tế từ đầu đến cuối, nhưng họ giữ lại lòng đất để khai thác, chúng ta thấy việc các quốc gia khác bóc lột lấy các nguồn tài nguyên của họ.

Sự giàu có phong phú của lục địa mà chúng ta không nhìn thấy là gì?

Chúng ta chỉ nhìn thấy của cải vật chất, đó là lý do tại sao trong lịch sử, nó chỉ bị săn lùng tìm kiếm và khai thác. Ngày nay chúng ta thấy rằng nhiều cường quốc thế giới đang đến đó để cướp bóc, đó là thực tế, và họ không nhìn thấy sự khôn ngoan, sự vĩ đại, nghệ thuật của người dân.

 Trong khi nhấn mạnh cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng chúng ta không được quên những cuộc xung đột khác vẫn còn bị che giấu, một số trong số đó ở Châu Phi…

Điều này là hiển nhiên. Tôi nói rằng giờ đây chúng ta nhận ra rằng đây là một cuộc chiến tranh thế giới vì nó ở ngay bên cạnh… Một trong những vấn đề lớn nhất là việc sản xuất vũ khí. Có người từng nói với tôi rằng nếu chúng ta ngừng sản xuất vũ khí trong một năm, nạn đói trên thế giới sẽ chấm dứt. Một ngành công nghiệp tàn sát…

Khi chúng ta nói về việc khai thác lục địa châu Phi, chúng ta đang nói về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người. Chúng ta đang bỏ lỡ điều gì khi xây hàng rào và dựng chướng ngại vật để ngăn chặn hoặc cản trở sự xuất hiện của họ?

Và khi chúng ta giăng dây thép gai để ngăn cản họ thoát khỏi đó… Đó là một tội ác. Đó quả thực là một tội ác. Và những quốc gia có chỉ số nhân khẩu học ở mức thấp nhất, cần người, có những thành phố trống rỗng và không biết cách quản lý sự hội nhập của người di cư. Người di cư cần phải được chào đón, đồng hành, thúc đẩy và hội nhập. Nếu họ không được hội nhập, điều đó quả thực hết sức tồi tệ… Nhưng có một sự bất công lớn ở châu Âu, phải không? Hy Lạp, Síp, Ý, Tây Ban Nha và cả Malta là những quốc gia đang tiếp nhận nhiều người di cư nhất. Và những gì đang xảy ra ở Ý, nơi mặc dù chính sách di cư của chính phủ hiện tại, hay nói một cách dễ hiểu là hạn chế, đất nước này luôn mở rộng cửa để cứu trợ những người mà châu Âu không chào đón. Các quốc gia này phải đối phó với tất cả mọi thứ và phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc liệu có nên gửi trả họ trở lại nơi họ có nguy cơ bị giết hại, hoặc chết, hay làm những gì họ có thể… Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Liên minh châu Âu không đồng hành cùng với họ.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết