
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican ngày 1 tháng 1 năm 2018 (Ảnh: CNS / Paul Haring)
Vào Đêm Giao Thừa, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả mọi người hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng có thể mang lại ý nghĩa cho những thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày.
Chúa Giêsu Hài Đồng “không khiến ta thất vọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 31 tháng 12 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. “Chúng ta hãy bước theo Ngài trong hành trình hàng ngày của mình: Chúa Giêsu mang đến thời gian viên mãn, Ngài mang lại ý nghĩa cho những gì chúng ta thực hiện và cho những ngày tháng chúng ta đang sống. Chúng ta hãy tin tưởng phó thác trong những giây phút vui tươi và trong những giây phút buồn phiền: niềm hy vọng mà Ngài mang lại cho chúng ta là niềm hy vọng không bao giờ khiến ta thất vọng”.
Chia sẻ trong giờ Kinh Chiều I, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng hôm nay Mẹ Giáo Hội và Đức Mẹ cho chúng ta thấy Hài Nhi Giêsu, và mỉm cười với chúng ta, Đức Maria nói: “Ngài là Đường. Hãy theo Ngài, hãy tin tưởng phó thác”.
Kinh Chiều I được đọc tại Vatican trước dịp Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng Giêng. Giờ kinh này cũng bao gồm việc chầu và phép lành Thánh Thể, và hát “Te Deum”, một bài thánh ca tạ ơn bằng tiếng Latinh của Giáo hội sơ khai.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự và đọc bài giảng, nhưng phần phụng vụ do Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn chủ sự. Đức Hồng y Re cũng chủ sự Kinh Chiều I vào năm 2020, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã không thể tham dự do cơn đau thần kinh tái phát.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự huyền diệu và kinh ngạc của Lễ Giáng sinh, một mùa kéo dài cho đến Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa vào ngày 9 tháng 1 năm 2022.
Sự kinh ngạc này, Đức Thánh Cha nói, không phải là một “tình cảm hời hợt”, và cũng không liên quan đến các khía cạnh bên ngoài của ngày lễ, chẳng hạn như chủ nghĩa tiêu thụ.
“Nếu Lễ Giáng sinh chỉ còn là như vậy, chẳng có gì thay đổi: ngày mai sẽ giống như ngày hôm qua, năm sau sẽ giống như năm ngoái, v.v.”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Điều đó giống như việc tự sưởi ấm mình trong vài giây bằng ngọn lửa rơm thay vì đặt mình trước sức mạnh của Sự kiện, không nắm bắt được trọng tâm của Mầu nhiệm Giáng sinh của Đức Kitô”.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng trọng tâm của Mầu nhiệm Giáng sinh đó là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta”. Những lời này, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Kinh Chiều I Lễ Trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, nhắc nhở chúng ta rằng Đức Maria là nhân chứng đầu tiên về Mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Đức Trinh Nữ Maria là nhân chứng đầu tiên, đầu tiên và vĩ đại nhất, đồng thời, là người khiêm tốn nhất – vĩ đại nhất vì Mẹ là người khiêm tốn nhất”, Đức Thánh Cha nói. “Trái tim của Mẹ tràn ngập sự kinh ngạc mà không có bóng dáng của chủ nghĩa lãng mạn, của những lời có cánh, của sự tinh thần hóa”.
“Đức Mẹ đưa chúng ta quay trở lại với thực tại, với thực tế của Lễ Giáng sinh được chứa đựng trong cách diễn tả mà Thánh Phaolô sử dụng: ‘được sinh ra bởi một người phụ nữ’”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh rằng sự kinh ngạc của người Kitô hữu là kết quả của “mầu nhiệm của thực tại”.
“Không có gì tuyệt vời và kinh ngạc hơn thực tế. Một bông hoa, một hòn đất, một câu chuyện cuộc đời, một cuộc gặp gỡ, khuôn mặt nhăn nheo của một cụ già hay khuôn mặt rạng ngời của một em bé sơ sinh, một người mẹ đang chăm sóc một đứa trẻ trong vòng tay của mình. Điều huyền nhiệm tỏa sáng ở đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến “cảm giác lạc lõng” mà nhiều người cảm nhận trong đại dịch COVID-19, và tinh thần trách nhiệm mà mọi người được mời gọi để thể hiện đối với người khác, một ân sủng chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng suy tư về thành phố Rôma, nơi, Đức Thánh Cha lưu ý, nhiều người cảm thấy như họ là một thành viên của một gia đình.
Tân Thị trưởng của Rôma, ông Roberto Gualtieri, đã có mặt trong buổi cầu nguyện của Vatican vào thứ Sáu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào thăm ông Gualtieri, người được bầu vào tháng 10 năm 2021, trước khi bắt đầu nghi thức phụng vụ.
“Mọi người đều cảm thấy như ở nhà bởi vì thành phố này bảo tồn một sự cởi mở phổ quát bên trong nó. Tôi dám khẳng định: đó là thành phố toàn cầu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nó xuất phát từ lịch sử, từ văn hóa của nó. Nó chủ yếu xuất phát từ Tin Mừng của Đức Kitô đã bén rễ sâu ở đây, được trổ sinh hoa trái bởi máu của các vị anh hùng tử đạo, bắt đầu từ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng một thành phố huynh đệ không được hình thành bởi “những bài diễn văn xuất chúng” hay “những sự kiện khoa trương”, mà là “bởi sự quan tâm hàng ngày, mỗi ngày dành cho những người gặp khó khăn nhất, cho những gia đình cảm thấy gánh nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng, dành cho những người khuyết tật nghiêm trọng và gia đình của họ, tất cả những người cần sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm, tất cả những người sống ở các khu vực ngoại ô, những người đã bị choáng ngợp bởi một số thất bại trong cuộc sống và cần các dịch vụ xã hội, v.v”
“Đó là thành phố dõi theo từng đứa con của nó, từng cư dân của nó, thực sự là từng vị khách của nó. Rôma là một thành phố tuyệt vời, không bao giờ hết quyến rũ. Nhưng đối với những người sống ở đây, đó cũng là một thành phố khó làm quen, tiếc là không phải lúc nào cũng xứng hợp với phẩm giá của những người sống ở đây hoặc những du khách của nó, một thành phố đôi khi chối từ người khác”, Đức Thánh Cha tiếp tục.
“Vì vậy, hy vọng rằng tất cả những người sống và làm việc ở đây, hoặc là khách hành hương hay khách du lịch, hy vọng rằng mọi người có thể ngày càng đánh giá cao Rôma hơn vì sự quan tâm chào đón đối với phẩm giá của sự sống, đối với ngôi nhà chung của chúng ta, đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất”, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố. “Chớ gì mọi người sẽ kinh ngạc, khám phá ra vẻ đẹp nơi thành phố này mà tôi có thể nói là ‘nhất quán’, và điều đó gợi lên lòng biết ơn. Đây là mong muốn của tôi trong năm nay”.
Theo thói quen, Đức Thánh Cha Phanxicô thường đến viếng Hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô sau giờ Kinh chiều I vào đêm Giao thừa, nhưng năm nay chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã bị hủy bỏ nhằm tránh đám đông tụ tập trong đại dịch.
Minh Tuệ (theo CNA)