Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu trước Phái đoàn Ngoại giao, lần đầu tiên do các biện pháp hạn chế do đại dịch, tại Sảnh Ban phước lành. Đức Thánh Cha đã phân tích năm cuộc khủng hoảng và xác định năm 2021 là “một năm không thể lãng phí”: khủng hoảng sức khỏe, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế – xã hội, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng quan hệ con người. Thuốc giải: tình anh em. Thế giới cần tình huynh đệ như cần vắc xin.
“Một thời điểm đừng để lỡ mất”. Đức Giáo hoàng đã nói như thế về năm 2021, khi kết thúc bài phát biểu của mình trước Ngoại giao Đoàn – được tổ chức tại Sảnh Ban phước lành và kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. ĐTC kêu gọi không lãng phí năm 2021, nhưng “chúng ta có thể cộng tác với nhau trong sự quảng đại và dấn thân” dưới ngọn cờ của tình huynh đệ, đó là “phương thuốc thực sự cho đại dịch và nhiều tệ nạn khác đang tấn công chúng ta”.
“Tình huynh đệ và niềm hy vọng là những liều thuốc mà thế giới ngày nay đang cần, như cần vắc xin vậy” – Đức Phanxicô nói, khi phân tích những khủng hoảng mà đại dịch đang buộc chúng ta phải đối mặt: khủng hoảng sức khỏe, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế và xã hội, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng quan hệ giữa con người với nhau. Vào cuối bài phát biểu của mình, ĐTC ngỏ lời, trước hết là với các nước Châu Âu đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch, kêu gọi họ không được thất vọng vì những khó khăn hiện tại, nhưng hãy chung sức xây dựng một xã hội không ai bị bỏ rơi, không ai bị lãng quên.”
“Tôi muốn sớm tiếp tục các cuộc hành trình tông đồ, bắt đầu với chuyến đi đến Iraq, dự kiến vào tháng Ba tới” – Đức Phanxicô nói. Ngài không ngần ngại nói rõ rằng đại dịch “đã khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng, khi cho chúng ta thấy rõ bộ mặt của một thế giới ốm yếu không chỉ vì vi rút, mà còn trong các vấn đề môi trường, trong các tiến trình kinh tế và chính trị, và thậm chí nhiều hơn nữa trong các mối quan hệ của con người với nhau.” Quyền đầu tiên phải được bảo vệ là quyền được chăm sóc, quyền này phải được bảo đảm cho mỗi con người, bởi vì sự sống phải được bảo vệ trong mọi giai đoạn “từ khi thụ thai trong bụng mẹ đến khi kết thúc tự nhiên: “Nếu quyền sống của những người yếu thế nhất bị triệt tiêu, thì làm sao có thể bảo đảm một cách hiệu quả tất cả các quyền khác được?” – Đức Giáo hoàng đặt câu hỏi.
“Không thể để logic lợi nhuận định hướng cho một lĩnh vực tế nhị như chăm sóc sức khỏe và điều trị” – lời khuyên của Đức Phanxicô, một lần nữa thúc giục tất cả các quốc gia “đảm bảo việc phân phối vắc xin công bằng, không theo các tiêu chí kinh tế thuần túy nhưng có tính đến nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt là của những nhóm dân cư thiếu thốn nhất”. Đức Thánh Cha đưa ra một cảnh báo quan trọng: “Sẽ là chết người nếu chỉ tin tưởng vào vắc xin, như thể nó là một liều thuốc chữa bách bệnh cho phép miễn trừ những cam kết không ngừng của cá nhân vì sức khỏe của chính họ và những người khác.”
Thách thức thứ hai phải đối mặt, sau thách thức sức khỏe, là môi trường: bắt đầu với COP 26, Đức Giáo hoàng bày tỏ hy vọng rằng “sự hiểu biết” về biến đổi khí hậu sẽ được sáng tỏ. Trong lĩnh vực kinh tế, “Chúng ta cần một loại ‘cách mạng Copernicus mới’ khiến nền kinh tế phục vụ con người chứ không phải ngược lại, bắt đầu nghiên cứu và thực hành một nền kinh tế khác, một nền kinh tế làm nên sự sống chứ không giết hại, bao gồm chứ không loại trừ, nhân văn hóa chứ không phi nhân hóa, chăm sóc tạo thành chứ không cướp đoạt”. Theo nghĩa này, Đức Phanxicô đã đánh giá cam kết của Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên là “đáng kể”.
Trong thời đại đại dịch, điều cốt yếu là “phải đảm bảo sự ổn định kinh tế cho tất cả mọi người để tránh nạn bóc lột và chống nạn tham nhũng, vốn đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, và biết bao bất công khác, vốn đang diễn ra hàng ngày ngay trước những đôi mắt mệt mỏi và mất tập trung của xã hội đương đại của chúng ta”.
Lao động da đen hoặc cưỡng bức, mại dâm và buôn người, là những bệnh dịch khác cần tránh, cùng với tội phạm mạng và nội dung khiêu dâm trẻ em, đặc biệt khi nạn nhân là những người dễ bị tổn thương nhất. Ở cấp độ quốc tế, Đức Giáo hoàng cho rằng cần phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt và “xóa nợ, hoặc ít nhất là giảm bớt các món nợ đang đè nặng lên các nước nghèo nhất và trên thực tế, các món nợ này đã ngăn cản sự phục hồi và phát triển đầy đủ của họ”. Về vấn đề di cư, Đức Phanxicô chú ý “quan tâm đến việc đàm phán Hiệp ước Mới của Liên minh Châu Âu về di cư và tị nạn” và yêu cầu “giải quyết một cách chặt chẽ vấn đề những người bị buộc phải di cư.”
Trong phần trung tâm của bài phát biểu, Đức Giáo hoàng đã nặng lời khi nói về các cuộc khủng hoảng chính trị, “cách này cách khác, đang là gốc rễ của những cuộc khủng hoảng khác”. “Sự phát triển của một ý thức dân chủ đòi hỏi phải vượt qua chủ nghĩa tôn sùng cá nhân và phải tôn trọng pháp quyền” – lời cảnh báo của Đức Phanxicô, theo đó “việc giữ cho các thực tế dân chủ tồn tại là một thách thức của thời điểm lịch sử này, nó ảnh hưởng chặt chẽ đến tất cả các quốc gia: dù là nhỏ hay lớn, kinh tế tiên tiến hay đang phát triển”.
“Đừng sợ cải cách, ngay cả khi chúng đòi hỏi sự hy sinh và đôi khi đòi phải thay đổi tâm lý” – lời mời gọi của Đức Giáo hoàng: “Mọi cơ thể sống đều cần liên tục cải cách chính mình và những cải cách đang ảnh hưởng đến Tòa Thánh và Giáo triều Rôma cũng phù hợp với viễn cảnh này.”
“Có quá nhiều vũ khí trên thế giới” – ĐTC kêu gọi giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. “Tôi ước rằng năm 2021 sẽ là năm mà lời cuối cùng cho cuộc xung đột Syria, bắt đầu cách đây mười năm, cuối cùng sẽ được viết ra!” – Đức Phanxicô thốt lên như vậy, cùng với mong muốn hòa bình cho Đất Thánh, cho Lebanon và cho Libya. Trong số các khu vực khác đang gây lo ngại trên thế giới, Đức Giáo hoàng đề cập đến Cộng hòa Trung Phi, Mỹ Latinh, Bán đảo Triều Tiên và tình hình ở Nam Caucasus.
Một “tai họa nghiêm trọng” khác của thời đại chúng ta là chủ nghĩa khủng bố, “một tệ nạn đã gia tăng trong hai mươi năm qua, ảnh hưởng đến các quốc gia khác nhau trên tất cả các lục địa, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, và cả ở châu Á và châu Âu”, không ít lần nhắm mục tiêu là những nơi thờ tự.
“Đại dịch đã buộc chúng ta phải sống trong nhiều tháng dài cô lập và thường là sự cô đơn đã làm nảy sinh nhu cầu mà mỗi người có đối với các mối quan hệ giữa con người với nhau”.
Và đối với Đức Giáo hoàng, đó là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong số các cuộc khủng hoảng do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Các nạn nhân đầu tiên là học sinh – sinh viên: sự gia tăng việc học tập từ xa, cùng với sự gia tăng bất bình đẳng, đã dẫn đến “sự phụ thuộc nhiều hơn của trẻ em và thanh thiếu niên vào Internet và nói chung vào các hình thức truyền thông ảo, khiến họ dễ bị tổn thương và dễ bị phơi nhiễm quá mức trước các hoạt động tội phạm trực tuyến”. Đức Thánh Cha nói đến một thảm họa giáo dục có thật mà chúng ta không thể làm ngơ, vì lợi ích của các thế hệ tương lai và toàn bộ xã hội”.
Thời gian dài bị cách ly khiến người ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhưng “không phải ai cũng có thể sống thanh thản trong chính ngôi nhà của mình và một số cuộc sống chung cód thể biến thành bạo lực gia đình”. Do đó, ĐTC đưa ra lời kêu gọi, gửi đến các cơ quan công quyền và xã hội dân sự, hãy “hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực trong gia đình: chúng ta biết rằng, thật không may, chính phụ nữ, thường cùng với con cái của họ, là những người phải trả giá cao nhất”.
M.N.