ĐTC Phanxicô: Một nền kinh tế không có nạn buôn người là một nền kinh tế của sự quan tâm

04042020_070510

Nhân Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Suy tư chống Nạn buôn người, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một nền kinh tế của sự quan tâm, can đảm và thúc đẩy công lý nhằm xây dựng một xã hội lấy con người làm trọng tâm.

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video nhân Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Suy tư chống Nạn buôn người lần thứ 7.

“Tôi gửi lời chào đến toàn thể anh chị em, những người đang nỗ lực làm việc chống nạn buôn người và những người đang đoàn kết về mặt tinh thần hôm nay nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện này, vốn cũng có một mục đích cụ thể: ‘Một nền kinh tế không có nạn buôn người’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Nhắc lại rằng ngày 8 tháng 2 là Lễ nhớ Thánh Josephine Bakhita – một thiếu nữ nô lệ đã trở thành một vị Thánh và là một biểu tượng phổ quát về cam kết của Giáo hội chống lại chế độ nô lệ – Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mở rộng thông điệp của mình đến “tất cả những người có thiện chí cầu nguyện, dấn thân, nghiên cứu và suy ngẫm về cuộc chiến chống nạn buôn người”, đặc biệt là những người, giống như Thánh Bakhita, “đã trải qua bi kịch của nạn buôn người trong cuộc sống của chính họ”.

Ngày suy tư và cầu nguyện

Đức Thánh Cha Phanxicô, nhấn mạnh ý nghĩa của Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Suy tư chống Nạn buôn người, cho biết rằng nó giúp chúng ta “ghi nhớ thảm kịch này và khuyến khích chúng ta không ngừng cầu nguyện và cùng nhau chiến đấu” vì việc suy tư và nhận thức phải luôn đi kèm với những cử chỉ cụ thể mở ra những đường hướng dẫn đến sự giải phóng xã hội.

Mục đích, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, “là để mỗi người bị nô lệ trở lại thành những con người tự do trong cuộc sống của mình và tham gia tích cực vào việc xây dựng công ích”.

Nhân Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Suy tư chống Nạn buôn người, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh hơn nữa sự cần thiết phải cầu nguyện để hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người và những người đồng hành với quá trình hòa nhập và phục hồi xã hội, đồng thời, chúng ta cũng cần cầu nguyện để “chúng ta có thể học cách tiếp cận, với tình người và lòng can đảm, những người đã phải chịu đựng quá nhiều đau đớn và tuyệt vọng, giữ cho cho niềm hy vọng luôn sống động”.

“Cầu nguyện cho phép chúng ta trở thành những ngọn hải đăng, có khả năng phân biệt và đưa ra những lựa chọn hướng tới những điều thiện hảo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Lời cầu nguyện đánh động tâm hồn và thúc đẩy chúng ta đi đến những hành động cụ thể, những hành động can đảm có tính chất đổi mới, có thể chấp nhận rủi ro, tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa”.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự vui mừng khi lưu ý rằng một số khoảnh khắc cầu nguyện được tổ chức nhân dịp này năm nay mang tính chất liên tôn, bao gồm buổi cầu nguyện được tổ chức ở châu Á.

Ủy ban Quốc tế của Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Suy tư chống Nạn buôn người, được điều phối bởi Talitha Kum (mạng lưới đời sống thánh hiến chống nạn buôn người của Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, cũng như các đối tác khác, đã tổ chức sự kiện cầu nguyện trực tuyến từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều CET như một phần của các hoạt động để đánh dấu dịp này. Họ hy vọng, thông qua Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Suy tư chống Nạn buôn người lần thứ 7 này, mời gọi tất cả mọi người “nhân rộng và thúc đẩy những kinh nghiệm về kinh tế mới chống lại mọi hình thức bóc lột”.

Thánh Bakhita

Chia sẻ thêm về Thánh Bakhita, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Lễ nhớ Thánh nhân là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về các chiều kích đức tin và cầu nguyện bởi vì “lời chứng của Thánh Bakhita luôn vang dội, sống động và thích hợp”, và đó là lời kêu gọi “đặt những người bị buôn bán, gia đình của họ, cộng đồng của họ làm trung tâm điểm”.

“Thánh Bakhita nhắc nhở chúng ta rằng họ là những nhân vật chính của thời đại ngày nay, và tất cả chúng ta đều phục vụ họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Một nền kinh tế của sự quan tâm

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục chia sẻ về một số ý tưởng để suy tư và hành động vì “Nền kinh tế không có nạn buôn người”, đồng thời cũng lưu ý rằng những hiểu biết sâu sắc khác có thể được tìm thấy trong thông điệp gửi đến các tham dự viên tham gia sự kiện “Nền kinh tế Francesco” được tổ chức vào ngày 21 tháng 11 năm 2020 .

Đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng một nền kinh tế không có nạn buôn người là một “nền kinh tế của sự quan tâm”. Sự quan tâm, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, đó là việc “quan tâm chăm sóc con người và thiên nhiên, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vì công ích”. Nền kinh tế của sự quan tâm cũng là nền kinh tế “quan tâm đến vấn đề công ăn việc làm, tạo ra các cơ hội việc làm mà không bóc lột người lao động thông qua các điều kiện làm việc xuống cấp và những giờ làm việc đầy mệt mỏi”.

Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, một nền kinh tế quan tâm có nghĩa là một nền kinh tế liên đới, làm việc vì một sự vững chắc được kết hợp với sự liên đới. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng sự liên đới, khi được thi hành một cách hữu hiệu, sẽ tạo ra một kết cấu xã hội lành mạnh và an toàn hơn.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra, vốn làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột lao động, tình trạng mất việc làm đã ảnh hưởng xấu đến nhiều nạn nhân của nạn buôn người đang trong quá trình phục hồi và tái hòa nhập xã hội.

“Vào thời điểm khi mà mọi thứ dường như tan rã và mất đi tính nhất quán, chúng ta nên kêu gọi ‘sự vững chắc’ của ý thức rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với sự mong manh của người khác khi chúng ta cố gắng xây dựng một tương lai chung”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Một nền kinh tế thúc đẩy công lý

Một đặc điểm khác của nền kinh tế không có nạn buôn người là nền kinh tế có “các quy tắc thị trường thúc đẩy công lý chứ không phải những lợi ích đặc biệt độc quyền”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Nạn buôn người, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, “tìm thấy mảnh đất màu mỡ trong cách tiếp cận của chủ nghĩa tư bản tân tự do và bãi bỏ quy định thị trường hướng tới việc tối đa hóa mà không có những giới hạn về đạo đức, không có những giới hạn về xã hội và không có những giới hạn về môi trường”.

Nếu chúng ta tuân thủ logic này, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo: “chỉ có sự tính toán giữa những thuận lợi và khó khăn”: các lựa chọn sẽ được thực hiện không dựa trên các tiêu chí đạo đức mà bằng cách cố thỏa mãn những lợi ích chi phối, thường được che đậy bởi vẻ bề ngoài của chủ nghĩa nhân đạo hoặc sinh thái. Chúng sẽ không được tạo ra bằng cách xem xét con người, vì con người sẽ chỉ là một trong những con số để bị khai thác bóc lột”.

Một nền kinh tế can đảm

Ngoài ra, trọng tâm của việc tạo ra một nền kinh tế không có nạn buôn người đó là lòng dũng cảm – không phải theo nghĩa khinh suất hoặc liều lĩnh hoạt động nhằm tìm kiếm những lợi ích may rủi, mà là “lòng dũng cảm của sự kiên nhẫn xây dựng”, của việc lập kế hoạch vốn không chỉ xem xét lợi ích ngắn hạn, mà còn là những thành quả trung và dài hạn, và trên hết là con người. Đó cũng là lòng dũng cảm “kết hợp lợi nhuận hợp pháp với việc thúc đẩy công ăn việc làm và các điều kiện làm việc xứng hợp”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh thêm sự cần thiết của lòng can đảm để củng cố một nền kinh tế một cách lâu dài và vững chắc, đặc biệt là khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, như cuộc khủng hoảng hiện nay, vốn dẫn đến sự gia tăng của nạn buôn người.

Kết thúc thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu nguyện, cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Bakhita, “cho tất cả những người đang là nạn nhân của nạn buôn người vào lúc này”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết