Chúa Nhật Lễ Lá 2022: "Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi"

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bức ảnh được chụp gần những cành lá cọ được xếp hình Thánh giá khi ngài chuẩn bị chào đón đám đông vào cuối Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 10 tháng 4 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bức ảnh được chụp gần những cành lá cọ được xếp hình Thánh giá khi ngài chuẩn bị chào đón đám đông vào cuối Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 10 tháng 4 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Dưới đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm Chúa Nhật Lễ Lá, được công bố vào ngày 10 tháng 4 năm 2022, tại Quảng trường Thánh Phêrô:

Trên đồi Canvê, có hai lối suy nghĩ hoàn toàn tương phản với nhau. Trong Phúc Âm, những lời của Chúa Giêsu Đấng chịu đóng đinh trái ngược hẳn với những lời của những kẻ đã đóng đinh Người. Những kẻ đã đóng đinh Người tiếp tục nói: “Hãy tự cứu lấy mình đi”. Các vị thủ lãnh dân chúng nói: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” (Lc 23,35). Lính tráng cũng nói như vậy: “Nếu ông là Vua dân Do Thái, hãy tự cứu lấy mình đi” (Lc 23, 37). Cuối cùng, một trong hai tên gian phi, lặp lại lời của họ, nói với Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình đi!” (Lc 23, 39). Hãy tự cứu lấy mình. Hãy quan tâm đến bản thân. Hãy nghĩ về bản thân, chứ đừng nghĩ đến người khác, mà chỉ nghĩ đến phúc lợi của chính bạn, sự thành công của chính bạn, lợi ích của chính bạn: tài sản của bạn, quyền lực của bạn, hình ảnh của bạn. Hãy tự cứu lấy mình. Đây là điệp khúc liên tục của thế giới đã đóng đinh Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó.

Ngược lại suy nghĩ tự cho mình là trung tâm này là lối suy nghĩ của Thiên Chúa. Câu thần chú “hãy tự cứu lấy mình” tương phản với những lời của Đấng Cứu Thế đã tự hiến mình. Giống như những kẻ thù của mình, Chúa Giêsu đã lên tiếng ba lần trong bài Tin Mừng hôm nay (xem các câu 34, 43, 46). Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình; quả thực, Ngài thậm chí không hề bênh vực hay biện minh cho mình. Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha và tỏ bày lòng thương xót với tên trộm lành. Đặc biệt, một trong những lời của Chúa Giêsu đã đánh dấu sự khác biệt đối với câu thần chú “hãy tự cứu lấy mình”. Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lc 23, 34).

Chúng ta hãy suy ngẫm về những lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói những lời đó khi nào? Vào một thời điểm rất cụ thể: trong khi Ngài chịu đóng đinh, khi Ngài cảm nhận những chiếc đinh đang đâm xuyên qua cổ tay và bàn chân của mình. Chúng ta hãy thử tưởng tượng nỗi đau tột cùng mà Chúa Giêsu đã phải chịu đựng. Vào lúc đó, giữa cơn đau đớn thể xác tột cùng nhất của Cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu xin sự tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người. Những lúc như vậy, chúng ta sẽ hét lên và trút mọi sự giận dữ và đau khổ của mình. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ”.

Không giống như các vị tử đạo khác mà Kinh Thánh nói đến (xem 2 Mcb 7: 18-19), Chúa Giêsu đã không nhân danh Thiên Chúa quở trách những kẻ hành hình mình hoặc đe dọa trừng phạt; thay vào đó, Ngài cầu nguyện cho những kẻ bất lương. Bị đóng chặt vào thập tự giá để chịu sự dè bỉu sỉ nhục, thái độ cho đi của Chúa Giêsu trở thành thái độ của sự tha thứ.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa cũng làm điều tương tự với chúng ta. Khi chúng ta gây ra đau khổ bằng hành động của mình, Thiên Chúa dung thứ lúc này chỉ có một mong muốn duy nhất: tha thứ cho chúng ta. Để hiểu rõ điều này, chúng ta hãy nhìn vào Đấng chịu đóng đinh. Chính từ những vết thương đau đớn của Ngài, từ những dòng máu gây ra bởi những chiếc đinh của tội lỗi chúng ta mà sự tha thứ tuôn trào. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và nhận ra rằng những lời lẽ tuyệt vời hơn chưa từng được nói ra: Lạy Cha, xin tha cho họ. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và nhận ra rằng chúng ta chưa bao giờ được nhìn bằng một ánh mắt dịu dàng và nhân ái hơn. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và hiểu rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một vòng tay yêu thương hơn thế. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, và nói: “Xin cảm tạ Ngài, lạy Chúa Giêsu: Chúa yêu con và luôn tha thứ cho con, thậm chí ngay cả những lúc con cảm thấy khó yêu và tha thứ cho chính bản thân mình”.

Ở đó, khi đang chịu đóng đinh trên thập giá, vào đỉnh điểm của sự đau đớn, chính Chúa Giêsu đã tuân giữ giới răn khắt khe nhất của Ngài: đó là chúng ta hãy yêu thương kẻ thù của mình. Chúng ta hãy nghĩ về một người nào đó, trong cuộc sống của chúng ta, đã làm chúng ta bị thương, bị xúc phạm hoặc khiến chúng ta thất vọng; người đã khiến chúng ta tức giận, người không hiểu chúng ta hoặc người đã nêu gương mù gương xấu. Chúng ta thường dành thời gian nhìn lại những người đã gây ra những điều sai trái cho chúng ta như thế nào! Chúng ta thường nghĩ lại và vượt qua những vết thương mà người khác, chính cuộc đời và lịch sử đã gây ra cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng dừng lại ở đó, nhưng hãy phản ứng, phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự dữ và đau khổ. Để phản ứng lại những chiếc đinh trong cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu thương, để phản ứng lại những cú tát của sự thù hận với vòng tay của sự tha thứ. Với tư cách là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta noi gương Thầy Chí Thánh hay theo ý mình để đánh trả? Đây là một câu hỏi mà chúng ta phải tự vấn bản thân mình. Chúng ta có noi gương Thầy Chí Thánh hay không?

Nếu chúng ta muốn đánh giá xem chúng ta có thực sự thuộc về Đức Kitô hay không, chúng ta hãy xem cách chúng ta cư xử với những người đã làm tổn thương chúng ta. Chúa Giêsu đề nghị chúng ta đáp trả không phải như cách chúng ta cảm nhận, hoặc như những người khác làm, nhưng theo cách Ngài hành động đối với chúng ta. Chúa Giêsu đề nghị chúng ta thoát ra khỏi suy nghĩ rằng: “Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn yêu tôi; tôi sẽ là bạn của bạn nếu bạn là bạn của tôi; tôi sẽ giúp bạn nếu bạn giúp tôi”. Đúng hơn, chúng ta phải bày tỏ lòng trắc ẩn và lòng thương xót đối với mọi người, vì Thiên Chúa xem mỗi người đều là con cái. Ngài không phân biệt chúng ta thành người tốt và kẻ xấu, bạn và thù. Chính chúng ta mới là những người làm điều này, và chúng ta khiến Thiên Chúa phiền lòng. Đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những đứa con yêu dấu của Ngài, những đứa con mà Ngài mong muốn được ôm ấp và tha thứ. Cũng giống như trong dụ ngôn về tiệc cưới, khi thân phụ của chú rể sai các gia nhân ra các ngả đường và nói: “Hãy mời tất cả mọi người vào dự tiệc cưới: da trắng hay da đen, bất luận tốt xấu, tất cả mọi người, khỏe mạnh, bệnh tật, tất cả mọi người…” (xem Mt 22: 9-10). Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người; mọi người đều có đặc quyền như nhau: đó là được yêu thương và tha thứ.

Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Theo Phúc Âm, Chúa Giêsu “tiếp tục nói” điều này (xem Lc 23, 34). Chúa Giêsu đã không nói điều này chỉ một lần mà thôi khi Ngài đang chịu đóng đinh vào thập giá; thay vào đó, Chúa Giêsu đã dành tất cả thời gian của mình trên thập giá với những lời này trên môi miệng và trong trái tim mình. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta cần hiểu điều này, không chỉ trong tâm trí, mà còn cả trong quả tim của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta là những người cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Ngài không tha thứ cho chúng ta trong một thời gian và sau đó lại đổi ý, như chúng ta bị cám dỗ để làm như vậy. Chúa Giêsu – vì thế Tin Mừng Luca dạy chúng ta – đã đến thế gian để mang lại ơn tha tội cho chúng ta (x. Lc 1,77). Cuối cùng, Người đã ban cho chúng ta một mệnh lệnh rõ ràng: nhân danh Người mà tuyên bố ơn tha tội cho tất cả mọi người (x. Lc 24, 47). Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi với việc rao truyền ơn tha tội của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi nói đến sự tha thứ của Thiên Chúa.

Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Chúng ta hãy quan sát một điều nữa. Chúa Giêsu không chỉ yêu cầu họ được tha thứ, mà còn đề cập đến lý do tại sao: vì họ không biết việc họ làm. Làm thế nào lại có thể như vậy được? Những kẻ đã đóng đinh Ngài trên thập giá đã tính toán trước việc tìm giết Ngài, tổ chức bắt giữ và xét xử Ngài, và giờ đây họ đang đứng trên đồi Canvê để chứng kiến cái chết của Ngài. Tuy nhiên, Đức Kitô biện minh cho những người đàn ông hung tợn đó bằng cách nói rằng: vì họ không biết. Đó là cách Chúa Giêsu hành động đối với chúng ta: Ngài tự biến mình thành người biện hộ cho chúng ta. Ngài không đặt mình chống lại chúng ta, nhưng bênh đỡ chúng ta và chống lại tội lỗi của chúng ta. Những lời của Chúa Giêsu khiến chúng ta nghĩ: vì họ không biết. Đó là sự không biết của quả tim, điều mà tất cả chúng ta đều vướng vào với tư cách là những tội nhân.

Khi dùng đến bạo lực, chúng ta tỏ ra rằng chúng ta không còn biết gì về Thiên Chúa, Cha của chúng ta, hoặc thậm chí về những người khác, vốn là anh chị em của chúng ta. Chúng ta không biết tại sao chúng ta lại hiện diện trên thế giới này và thậm chí kết thúc bằng những hành động tàn ác vô nghĩa. Chúng ta nhận thấy điều này nơi sự điên cuồng của chiến tranh, nơi Chúa Kitô một lần nữa phải chịu đóng đinh. Chúa Kitô một lần nữa bị đóng đinh trên thập giá nơi những người mẹ than khóc trước cái chết oan uổng của những người chồng và con trai của họ. Chúa Kitô bị đóng đinh nơi những người tị nạn chạy trốn khỏi cảnh bom đạn với những đứa trẻ trên tay. Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá nơi những người già bị bỏ lại một mình để rồi phải chết; nơi những người trẻ tuổi bị tước đoạt tương lai; nơi những người lính được gửi đến để tàn sát anh chị em của họ. Chúa Kitô đang bị đóng đinh ở đó, ngày hôm nay.

Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Nhiều người đã nghe những lời phi thường này, nhưng chỉ có một người đáp lại. Anh ta là một tên gian phi, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Lòng thương xót của Chúa Kitô đã khơi dậy nơi anh một niềm hy vọng cuối cùng và khiến anh thốt lên những lời này: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (x. Lc 23, 42). Như thể muốn nói rằng: “Tất cả những người khác đã bỏ quên tôi, nhưng ông vẫn tiếp tục nghĩ đến những kẻ đã đóng đinh ông. Như vậy trong nước của ông cũng có một chỗ dành cho tôi”. Tên trộm lành đã tin nhận Chúa Giêsu khi cuộc đời của anh ta đang chấm dứt, và theo cách này, cuộc sống của anh ta bắt đầu lại một lần nữa. Nơi địa ngục của thế giới này, tên trộm lành đã thấy thiên đàng mở ra:  “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (x. Lc 23, 43). Đây chính là điều kỳ diệu về sự tha thứ của Thiên Chúa, vốn đã biến lời thỉnh cầu cuối cùng của một người đàn ông bị kết án tử hình thành một cuộc phong thánh đầu tiên trong lịch sử.

Anh chị em thân mến, trong tuần này, chúng ta hãy xác tín rằng Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi. Thiên Chúa đã tha thứ cho tất cả mọi người. Ngài có thể kết nối mọi khoảng cách, và biến mọi khúc ai ca trở thành vũ điệu (xem Tv 30: 12). Xác tín rằng với Chúa Giêsu luôn có một chỗ dành cho tất cả mọi người. Điều đó với Chúa Giêsu không bao giờ kết thúc. Điều đó với Chúa Giêsu, không bao giờ là quá muộn. Với Chúa Giêsu, chúng ta luôn có thể tái sinh. Hãy can đảm lên! Chúng ta hãy thực hiện cuộc hành trình hướng tới Lễ Phục Sinh với sự tha thứ của Ngài. Vì Chúa Kitô không ngừng cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (xem Dt 7:25). Nhìn chằm chằm vào thế giới bạo lực và đầy đau khổ của chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ mệt mỏi khi lặp lại: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Giờ đây chúng ta cũng hãy làm như vậy, trong sự thinh lặng, trong tâm hồn của chúng ta, và lặp lại: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết