Bầu cử Quốc hội nhìn từ bản “Nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992” của Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ngày toàn dân “đi bầu” – một sự kiện chính trị quan trọng ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh trong ít là 5 năm tới,  chỉ còn tính từng giờ.

Khác với tất cả các lần bầu cử trước đây, người dân chẳng ai ý kiến gì, cứ cúc cung tận tụy làm cho xong cái việc đi bầu được nhà nước tuyên truyền như một “bổn phận” bắt buộc. Trong cuộc bầu cử lần này, những ngày vừa qua, mạng xã hội dậy sóng với những hình ảnh và lời kêu gọi tẩy chay bầu cử, với lý do bầu cử tại Việt Nam chỉ là hình thức, “đảng cử dân bầu”, ai được ai rớt đều đã biết cả.

Trước hiện tượng người dân công khai lên tiếng tẩy chay bầu cử, nhà cầm quyền tỏ ra lúng túng, bất ngờ.

Bài viết này, không có ý phê phán hay kêu gọi bất cứ ai đi bầu hay tẩy chay bầu cử, vì đó là quyền của mỗi người, nhưng chỉ muốn nhìn việc bầu cử dưới quan điểm của các Đức Giám mục thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam thể hiện tại lá thư “góp ý sửa đổi Hiến Pháp năm 1992”.

Ngày 1/3/2013, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi tới Ủy ban soạn thảo Hiến pháp quốc gia bản “Nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992” (Nhận định và góp ý). Bản nhận định và góp ý này sau đó đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của công luận.

Tại bản Nhận định và góp ý, các Đức Giám mục – đại diện cho toàn thể 8 triệu người Công giáo Việt Nam, đã nêu lên ba điểm quan trọng cần phải sửa đổi trong Hiến pháp để Hiến pháp phù hợp với công ước quốc tế, cũng như với xu thế của thời đại, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của công dân.

  1. Quyền con người

Theo các Đức Giám mục, “quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, do đó là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng” và “Quyền bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để ban phát cách tùy tiện.”

Trong khi đó, tại điều 4 bản Hiến pháp qui định: “Đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Theo các Đức Giám mục, chính điều 4 này tự nó tước đoạt các quyền của con người, vì thế “Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.”

Trong thực tế, tại kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp lần này, cũng như bao kỳ bầu cử trước đây, đảng đã làm thay tất cả, từ việc tuyển chọn ứng cử viên cho đến việc ai sẽ là người trúng cử. Người dân chỉ còn là những diễn viên làm cho xong vai trò của mình.

Đây là một điều nghịch lý, không phù hợp với quan điểm và mong muốn của các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

  1. Quyền làm chủ của nhân dân 

Tại bản Nhận định và góp ý, các Đức Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng khẳng định: “Chủ thể của quyền bính chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào.”

Vì thế, “việc tự do ứng cử của mỗi công dân là đòi hỏi tất yếu trong một xã hội dân chủ, văn minh và lành mạnh. Ðồng thời việc bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng, là đòi hỏi cần thiết để người dân có được những đại diện mà họ tín nhiệm. Chính nhân dân có quyền đánh giá năng lực của những đại diện họ đã bầu, và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện đó.”

Trong thực tế, do bầu cử là “đảng cử dân bầu”, nên tất cả các ứng viên tự do, ngay cả những ứng cử viên được dư luận xã hội đánh giá là có năng lực đều đã bị cơ chế bầu cử với các thể loại “hiệp thương” loại khỏi sàn đấu chính trị.

Những ứng cử viên được nhà nước chọn từ cơ cấu, thì trên 95% là đảng viên. Điều bi đát là người dân nếu có muốn bầu cho người nào, thì cũng chẳng biết họ là ai, đâu là kế hoạch hành động của họ.

Quyền bình chính trị là chính nhân dân, như lập trường của các Đức Giám mục, không hề có trong cơ chế chính trị hiện nay. Người dân không được tự do ứng cử, không được quyền đánh giá năng lực của các ứng cử viên, càng không được tham gia vào một kỳ bầu cử công khai, khách quan và công bằng.

Việc bầu cử trở thành một trò lố bịch, người dân không chỉ bị tước mất quyền công dân được tự do ứng cử, tự do chọn lựa người trúng cử mà còn trở thành một phương tiện phục vụ cho chế độ, cho một đảng phái.

  1. Thi hành quyền bính chính trị

Các Đức Giám mục còn khẳng định: “Quyền bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ðể những quyền bính này được thi hành cách đúng đắn và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của mỗi bên và vì công ích của toàn xã hội. Trong thực tế của Việt Nam nhiều năm qua, đã không có được sự độc lập này, dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền, gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam, cho đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển. 

Nguyên nhân sâu xa là không có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. Điều này thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp 1992, và Dự thảo vẫn tiếp tục đường lối như thế.”

Từ đó, các Đức Giám mục đề nghị: “Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phải chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào.”

Tuy nhiên, trong thực tế, cho tới tận hôm nay, mọi sự  không có gì thay đổi. Quốc hội vẫn chỉ là một trong những cơ quan nội bộ của đảng, có nhiệm vụ triển khai và thực hiện các nghị quyết của đảng, cụ thể hóa trong các bộ Luật hay Nghị quyết. Quốc hội chỉ có một nhiệm vụ như lâu nay người dân vẫn thường nói: “Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, còn Nhân dân thì trắng tay”.

Do đó, việc tham gia bầu cử thực chất chỉ là để hợp pháp hóa, trao quyền lực cho một tổ chức của đảng mà thôi.

Thay cho lời kết

Ngày bầu cử đã rất gần. Đây là một sinh hoạt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của toàn xã hội. Đây cũng là một cơ hội đòi nhà cầm quyền phải có những sự thay đổi phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nếu mỗi công dân đều ý thức về quyền của mình và sử dụng quyền bầu cử một cách tự do, công tâm theo đúng lương tâm của mình.

Vì bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ, cho nên việc thực hiện hay không thuộc ý chí tự quyết của mọi người. Quyền này cũng đã được xác định trong luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân hiện hành. Không ai có quyền ngăn cản hay bắt buộc người khác tham gia bầu cử. Bất cứ ai ngăn cản hay ép buộc thì đều là phạm pháp.

Vì thế, việc tẩy chay hay không tẩy chay cũng là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, nếu có tẩy chay thì cũng không đi ngược lại với quan điểm và ước mong của các Đức Giám mục thể hiện tại bản “Nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992” vừa qua.

20/5/2016

Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

Dưới đây là toàn văn bản “Nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của Hội đồng Giám mục Việt Nam:

ThuGopYSuaDoiHienPhap_P1 ThuGopYSuaDoiHienPhap_P2 ThuGopYSuaDoiHienPhap_P3 ThuGopYSuaDoiHienPhap_P4

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết