8 quyết tâm trong năm 2022 được truyền cảm hứng bởi Đức Phanxicô

Ảnh của Tim Mossholder trên Unsplash / ảnh CNS / Paul Haring

Ảnh của Tim Mossholder trên Unsplash / ảnh CNS / Paul Haring

Nếu bạn không thể tin rằng bạn đã bước qua năm 2022 (không phải là năm 2019 giống như bảy tháng trước?), bạn không đơn độc. Nhưng dù đã sẵn sàng hay chưa, năm mới đã đến và cùng với đó là cơ hội hàng năm của chúng ta để đánh giá và đặt ra các mục tiêu, với sự giúp đỡ nhỏ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kể từ những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra hai điệp khúc được lặp lại liên tục: Tất cả chúng ta đều “trên cùng một con thuyền” và “thế giới hậu đại dịch của chúng ta nhất thiết sẽ khác với những gì trước đại dịch”. Với ý nghĩ đó, chúng tôi đã khai thác các bài giảng và các bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong năm qua để có thể đưa ra lời khuyên về việc xây dựng mối tương quan bền chặt khắng khít hơn — với Thiên Chúa, với những người lân cận của chúng ta và với trái đất.

1. Trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận tại địa phương.

Vào năm 2022, có thể bạn muốn đáp trả một cách có ý nghĩa bằng cách trở thành tình nguyện viên tại một tổ chức hoạt động hiệu quả trong cộng đồng của bạn. Nhưng bạn phải bắt đầu ở đâu? Và làm thế nào để bạn lựa chọn địa điểm để cho đi những khoảng thời gian của bạn?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số ý tưởng, noi gương bắt chước một người có những điều khiến chúng ta cần học hỏi về lòng vị tha: Thánh Giuse. Trong loạt bài chia sẻ Giáo lý đầu tiên về Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Hôm nay, Thánh Giuse dạy chúng ta điều này: ‘Đừng quá chú trọng vào những điều mà thế gian ca tụng, hãy nhìn vào những góc khuất, hãy nhìn vào bóng tối, hãy nhìn vào những khu vực ngoại vi, những điều thế giới không mong muốn’. Ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta coi những gì người khác loại bỏ là quan trọng”.

Chúng ta hãy tự hỏi mình: Ai bị lãng quên hoặc bị phớt lờ? Tôi có những nguồn lực nào để chia sẻ có thể giúp ích cho người khác? Làm thế nào tôi có thể định hướng lại suy nghĩ của mình để tôi quan tâm đến những điều quan trọng với Thiên Chúa hơn những thứ quan trọng đối với xã hội trần tục? Với những câu hỏi này hướng dẫn sự phân định của chúng ta, có lẽ chúng ta có thể dành thời gian trong cuộc sống bận rộn và hỗn loạn của mình trong năm nay để không chỉ đơn giản là trở thành tình nguyện viên mà trở thành điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt cho Thánh Giuse: bậc thầy về những điều cốt yếu.

2. Ngừng phán xét người khác

Việc phán xét và ngồi lê đôi mách về những người xung quanh chúng ta, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong buổi tiếp kiến của mình vào ngày 3 tháng 11, dễ dàng thực hiện đến mức chúng ta thường rơi vào hành động đó mà không cần suy nghĩ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một giải pháp thay thế đầy thách thức, để thay vào đó là “hãy nhìn lại chính mình”. Với sự thay đổi này trong quan điểm, Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý rằng chúng ta có thể khám phá ra một điều quan trọng: “Thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta tự hỏi bản thân rằng điều gì đã thúc đẩy chúng ta khiển trách sửa chữa anh chị em của mình, và liệu chúng ta không phải là người đồng chịu trách nhiệm về sai lầm của họ theo cách nào đó”. Thay vì bới lông tìm vết nơi những người lân cận của mình, chúng ta có thể thành thật với bản thân về những thiếu sót của chính mình, dành chỗ cho lòng trắc ẩn thay vì sự chỉ trích.

3. Hãy ghi nhớ Kinh Thánh

Việc trở nên quen thuộc hơn với Kinh Thánh trong năm mới là một mục tiêu lớn, nhưng hãy cẩn thận: Nếu không có cách tiếp cận phù hợp, bạn có thể tự nhận thấy mình khiến Đức Thánh Cha Phanxicô phải phiền lòng. Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 27 tháng 1, Đức Thánh Cha thừa nhận: “Tôi hơi khó chịu khi nghe một số Kitô hữu đọc những câu trong Kinh Thánh như những con vẹt”.

Tất nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngăn cản người Công giáo đọc và hiểu biết Kinh Thánh. Hoàn toàn ngược lại! Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự thất vọng với cách tiếp cận Kinh Thánh vốn chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng thay vì là một cuộc gặp gỡ cá nhân. Những lời của Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng Kinh Thánh vẫn luôn sống động, Lời Chúa nói với chúng ta trên phương diện cá nhân. Mặc dù những câu chuyện trong Kinh Thánh đã có cách đây hàng nghìn năm nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra chính mình trong các nhân vật và các bối cảnh.

Vì vậy, xin vui lòng đọc và học hỏi Kinh Thánh trong năm nay. Nhưng hãy nhận thức rõ những điều Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Lời của Thiên Chúa, được thấm nhuần bởi Chúa Thánh Thần, khi được đón nhận với một trái tim rộng mở, không bỏ đi những điều trước đây: không bao giờ”.

4. Thực hiện một bước cụ thể để trở nên có ý thức hơn về môi trường (Và bắt đầu ngay bây giờ!)

Năm nay, các nhà lãnh đạo thế giới đã tụ họp tại Glasgow để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu tại COP26. Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô không thể hiện diện trực tiếp, ngài đã chia sẻ một thông điệp. Và chúng ta hãy nói điều này: Đức Thánh Cha đã không do dự.

Nếu bạn muốn thực hiện vai trò của mình để bảo vệ hành tinh, thì đây là điều rút ra được từ những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: Bạn nên bắt đầu ngay bây giờ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho hội nghị với một giọng điệu hết sức khẩn trương, khuyến nghị các phương thức hành động cho cả các nhà lãnh đạo lẫn dân thường. Nếu có những thay đổi về lối sống mà bạn muốn thực hiện để cố gắng có ý thức hơn về môi trường, thì giờ đây là lúc để thực hiện chúng. Nếu có những điều bạn nghĩ rằng các nhà lãnh đạo chính trị có thể thực hiện để bảo vệ tất cả chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu, hãy bày tỏ cho họ biết — thông qua tiếng nói của bạn và lá phiếu của bạn. Như Đức Thánh Cha đã nói: “chẳng còn thời gian để lãng phí”.

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đưa ra lời khuyên tinh thần cho một thế giới đang phải vật lộn với tác động của vấn đề biến đổi khí hậu. “Chúng ta cần cả hy vọng lẫn sự can đảm”, Đức Thánh Cha viết. “Nhân loại sở hữu sức mạnh cần thiết để thực hiện sự thay đổi này, vốn đòi hỏi một sự hoán cải thực sự, mang tính cá nhân cũng như cộng đồng, và một ý chí man tính quyết định để bắt đầu trên con đường này”.

5. Cầu nguyện mỗi ngày. Ngay cả khi khó khăn

“Hãy không ngừng cầu nguyện luôn mãi”, Thánh Phaolô Tông đồ khuyến khích chúng ta trong Thư gửi tín hữu Thêxalônica. Chắc chắn đó là một mục tiêu xứng đáng. Nhưng có thể trong năm nay, bạn chỉ đơn giản muốn có thể cầu nguyện với việc kiểm điểm bản thân hàng đêm mà không buồn ngủ hoặc lần hạt Mân Côi mà không cần bắt đầu xem qua danh sách việc cần làm của mình sau một thập kỷ.

Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn hiểu được sự nỗ lực tranh đấu của bạn. “Cầu nguyện không phải là điều dễ dàng, và đây là lý do tại sao chúng ta trốn tránh”, Đức Thánh Cha chia sẻ vào ngày 12 tháng 5. “Mỗi khi chúng ta muốn cầu nguyện, chúng ta ngay lập tức được nhắc nhở về nhiều hoạt động khác, mà vào lúc đó dường như quan trọng hơn và cấp bách hơn. Điều này cũng xảy ra với tôi!”.

Tuần tới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận những sức mạnh có thể cản trở việc cầu nguyện: sự sao lãng, sự khô khan về mặt tâm linh, hay sự lười biếng. Tất cả những điều này, Đức Thánh Cha nói, phải được đáp ứng bằng sự kiên trì:

Sự tiến bộ thực sự trong đời sống thiêng liêng không bao gồm việc tiến triển gấp bội, mà là ở khả năng kiên trì trong những lúc khó khăn: tản bộ, bước đi chậm rãi…. và nếu bạn mệt, hãy dừng lại một chút rồi bắt đầu tiếp tục bước đi.

Nếu bạn cảm thấy chán nản về sự tiến bộ của mình trong việc cầu nguyện, hãy biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang tranh đấu và bước ngay tới đó với bạn — và đừng bỏ cuộc!

6. Bỏ đi một hoặc hai mối hận thù

Thông thường, những người mà chúng ta yêu thương (và gặp gỡ) nhiều nhất phải gánh chịu gánh nặng của sự tức giận, thất vọng hoặc kiệt sức thuần túy của chúng ta. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy mình đang công kích người bạn đời của mình hoặc ăn nói khiếm nhã với những người bạn thân của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô có một số lời khuyên: Đừng kết thúc một ngày với sự tức giận.

“Hãy lắng nghe kỹ điều tôi nói”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 1 tháng 12. “Đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. ‘Chúng ta đã tranh đấu với nhau. Lạy Chúa tôi, tôi đã nói những điều chẳng hay ho chút nào. Tôi đã nói những điều khủng khiếp. Nhưng giờ đây, để kết thúc một ngày, tôi phải làm hòa’. Anh chị em biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh vào ngày hôm sau rất nguy hiểm”.

Vì vậy, cho dù đó là một cái vuốt ve âm yếm trên má của chồng hoặc vợ của bạn, như Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị, hay một tin nhắn làm hòa gửi cho một người bạn, đừng để những mối hận thù ngày hôm nay trở nên sự day dứt cho đến sáng hôm sau.

7. Hãy thoát khỏi Twitter

Sau khi đại dịch chuyển phần lớn cuộc sống của chúng ta sang hình thức trực tuyến — tham dự Thánh lễ trên YouTube, giờ vàng trên Zoom, hàng tiếng đồng hồ ngồi lướt Twitter trong thời gian Covid-19 — bạn có thể đã sẵn sàng cho một sự thanh lọc đối với mạng xã hội trong năm 2022.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần mời gọi mọi người gác bỏ những điện thoại thông minh và bắt đầu giao tiếp với những người hiện diện ngay trước mặt họ. Năm nay, trong một thông điệp gửi tới các nhà báo, Đức Thánh Cha một lần nữa cảnh báo về “sự chuyên chế của việc luôn trong trạng thái trực tuyến”:

Việc lắng nghe luôn đi đôi với việc gặp gỡ, với việc hiện diện ở hiện tại: những sắc thái, những cảm xúc nhất định và những miêu tả đầy đủ chỉ có thể được truyền tải đến các độc giả và các khán thính giả nếu các nhà báo đã nghe và tận mắt chứng kiến. Điều này có nghĩa là thoát khỏi — và tôi biết điều này khó khăn như thế nào trong công việc của các bạn! — thoát khỏi sự chuyên chế của việc luôn trong trạng thái trực tuyến, trên mạng xã hội, trên web.

Ngay cả khi bạn không phải là nhà báo, bạn có thể noi gương bắt chước từ một vị Giáo hoàng hoạt động ngoại tuyến độc lập của chúng ta và biến năm 2022 trở thành một năm tràn ngập các cuộc trò chuyện và tình bằng hữu trong đời thực.

8. Hãy thường xuyên gọi cho những người thân yêu của bạn (và thực sự lắng nghe họ)

“Lần cuối cùng chúng ta đến thăm hoặc gọi điện thoại cho một người cao tuổi để thể hiện sự gần gũi và hưởng lợi từ những điều họ nói với chúng ta là khi nào?”. Đó là câu hỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng của ngài nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi vào ngày 26 tháng 7 năm ngoái.

Rất ít nhóm bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch đang diễn ra hơn những người lớn tuổi của chúng ta. Giờ đây, vắc-xin và những mũi tiêm tăng cường đã khiến cho việc đến thăm họ một cách an toàn trở nên khả thi, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn dành năm tới để lắng nghe hoặc thậm chí ghi lại những câu chuyện và sự khôn ngoan của họ?

“Chúng ta đừng đánh mất ký ức được gìn giữ bởi những người cao tuổi, bởi vì chúng ta là con cái của lịch sử đó, và nếu không có cội nguồn, chúng ta sẽ khô héo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Họ đã bảo vệ chúng ta khi chúng ta lớn lên và giờ đây, điều đó phụ thuộc vào chúng ta để bảo vệ cuộc sống của họ, giảm bớt những khó khăn của họ, đáp ứng nhu cầu của họ và đảm bảo rằng họ được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày và không cảm thấy cô độc”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết