ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER
VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (VI)
Giữa vòng xoáy của tội lỗi và sự ác con người gây ra cho nhau, tiếng than ai oán giữa chốn gian trần của những thân phận nghèo hèn, bi đát đã kêu thấu lên trời cao. Và rồi đến thời đến buổi, Thiên Chúa không thể cầm lòng được nữa; Người không thể ở mãi trên trời cao để nghe tiếng than ai oán, khổ đau của nhân loại; Người không thể để cho con người mà Người thương xót có cảm giác Người ở xa họ. Người bước ra khỏi cõi thinh lặng ngàn trùng để nói ra tất cả lòng xót thương của Người nơi Ngôi Lời nhập thể, đầy tràn ân sủng và sự thật của Người (Ga 1, 1. 14). Lời của tác giả sách Khôn Ngoan giờ đây ứng nghiệm: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu.” (Kn 18, 14 – 15).
Thiên Chúa nói ra tất cả lòng thương xót của Người khi Người gửi gắm trọn vẹn cho nhân loại Lời Yêu Thương vốn hiện hữu nơi Người từ thuở đời đời. Nói cách khác, Ngôi Lời hằng hữu – hiện thân của Lòng Thương Xót Thiên Chúa – đã trở thành xương thành thịt đến ở giữa nhân loại đang đói khát tình xót thương.
Tắt một lời, bởi lòng xót thương, Thiên Chúa không thể im lặng mãi được khi Người nghe thấy tiếng than ai oán của cả một nhân loại đói khát tình thương đang kêu gào lên trên cao. Là hiện thân của Lòng Xót Thương Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng đã viếng thăm nhân trần hầu soi sáng những ai đói khát tình thương, những ai đang ngồi trong bóng tối tử thần (Lc 1, 78).
Hiện thân lòng thương xót Thiên Chúa vào trần gian đúng thời đúng buổi
Không phải bỗng dưng mà Thiên Chúa viếng thăm nhân trần. Không phải bỗng dưng trong một chốc một lát hứng khởi mà Thiên Chúa gửi gắm hiện thân lòng thương xót của Người là Ngôi Lời Hẳng Hữu cho nhân trần. Sự thật là, theo thánh sử Matthêu, đã có một sự mòn mỏi trông chờ của dân Israel, dân riêng Thiên Chúa tuyển chọn. Sự thật là qua muôn ngàn thế hệ, chính Thiên Chúa đã hứa rằng Người sẽ viếng thăm dân Người. Và bây giờ, một đàng dân Chúa như thể là không còn có thể chịu đựng thêm được nữa nếu Thiên Chúa không ghé mắt nhân từ và dủ tình xót thương mà đến an ủi; đàng khác, Thiên Chúa thấy rằng đã đến lúc Người cần thực hiện lời hứa mà Người đã hứa từ ngàn xưa, và vì vậy Người quyết định rằng giữa lúc “vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” mà đến viếng thăm nhân trần (Kn 18, 14 – 15).
Thánh sử Luca thì mở rộng hơn nữa chân trời của sự mong đợi hiện thân lòng thương xót Thiên Chúa đến giữa gian trần với tấm thân nghèo khó của nhân loại khi thánh sử viết về gia phả của Đấng ấy khởi đi từ Ađam, chứ không chỉ bắt đầu từ Abraham như trong Tin mừng Matthêu. Đối với thánh sử Luca, không chỉ dân Israel mới khao khát được Thiên Chúa đầy lòng thương xót viếng thăm, mà cả nhân loại này đang thực sự đói khát đến cùng kiệt sự an ủi của Thiên Chúa. Bởi vậy, khi được Thiên Chúa đáp lời mà gửi Lòng Thương Xót Cứu Độ trọn vẹn cho nhân trần, thì cụ già Simeon, một con người ở trong dòng lịch sử của dân Chúa cũng là ở trong dòng lịch sử của cả nhân loại đang như thể mờ mắt mỏi mòn đợi chờ sự an ủi yêu thương của Thiên Chúa, bây giờ được ôm ấp Hiện Thân tình thương xót Thiên Chúa trên đôi bàn tay mình, liền thốt lên: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Người” (Lc 3, 29 – 32).
Hiện thân lòng thương xót Thiên Chúa cư ngụ giữa người nghèo
Hiện thân lòng thương xót Thiên Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể dù đã đến giữa gian trần, nhưng không phải ai cũng có thể gặp gỡ được Ngài. Ngài đến trong trần gian vì toàn thể nhân loại, nhưng Ngài không có chỗ đứng ở những nơi mà người ta khỏa lấp nỗi khát khao lòng thương xót trên cao trong thẳm sâu lòng người ta bằng những vật chất cũng như những gì hay hư nát của trần gian này. Ngài không có chỗ nơi lầu son gác tía tráng lệ; Ngài cũng không có chỗ nơi phố thị ồn ào. Nhưng Ngài tìm được chỗ cư ngụ nơi thanh vắng, nghèo nàn, nghĩa là nơi có những người nghèo đang khát khao mòn mỏi đợi chờ niềm an ủi của lòng thương xót Chúa mà không khỏa lấp niềm khát khao ấy bằng những thứ chóng qua, chóng hết ở đời này. Những mục đồng trong đêm khuya thanh vắng đã có thể tìm gặp được Hiện Thân Lòng Thương Xót Thiên Chúa viếng thăm nhân trần là vậy.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSs.R.