Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo trích lời Thánh Công đồng Vaticanô II để nói rõ người tín hữu được “tự do sử dụng lá phiếu của mình”, miễn là “với ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân” và “để mưu cầu công ích”.
Ngày 10/5/2016, Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Giuse Đinh Đức Đạo đã ký một văn thư gửi toàn thể giáo sĩ và giáo dân Xuân Lộc, nói về việc tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Cuộc bầu cử này sẽ diễn ra ngày 22/5/2016.
Lập tức, xảy đến nhiều phản ứng trái chiều nhau liên quan đến văn thư này, chỗ riêng tư cũng như trên mạng xã hội, của giáo sỹ cũng như của giáo dân, trong Giáo phận cũng như ngoài Giáo phận.
Những phản ứng đó, thật ra, chỉ là một hiện tượng bình thường trong xã hội hôm nay.
Tùy góc nhìn, tùy quan điểm chính trị, tùy ước muốn và kỳ vọng, mà mỗi người sẽ có thể có cảm nhận và đánh giá của riêng mình sau khi đọc văn thư nói trên.
Câu văn tạo ra nhiều phản ứng trái chiều nhất của văn thư, có lẽ, là lời kêu gọi của Đức Cha: “Tôi mời gọi anh chị em tích cực tham gia việc bầu cử”.
Nhiều người coi đây là một lời kêu gọi đúng đắn, bình thường và chấp nhận được. Một số người gay gắt phê phán, coi đây là lời kêu gọi không chấp nhận được. Một số khác không phản đối hay chỉ trích, nhưng cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, Đức Cha không cần và không nên kêu gọi như vậy. Số còn lại thì… không quan tâm!
Có thể nói, tất nhiên là với sự thận trọng, rằng bên dưới các thái độ và phản ứng nói trên là các lập trường chính trị khác nhau. Và người chấp nhận hay người không chấp nhận lời kêu gọi đó cũng đều nghĩ lập trường của mình phù hợp với Phúc Âm và lương tri.
Và đó cũng là điều dễ hiểu.
Thánh Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Gaudium et Spes, ngay tại số 43 thuộc phần II chương IV (phần mà Đức Cha Giuse kêu mời mọi người học hỏi trong dịp này) đã dạy: “Thường thì chính vũ trụ quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn họ [các tín hữu giáo dân – T.T.] chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, dầu khá thực tâm, sẽ thẩm định cách khác về cùng một vấn đề, như thường thấy xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn được coi là hợp lý như thường.”
Vấn đề là, như Thánh Công đồng Vaticanô II lưu ý ngay sau đó: “Nhiều người dễ dàng gán ghép với sứ điệp Phúc Âm những giải pháp mà họ đề ra, mặc dầu nhiều khi ngoài ý muốn của họ.”
Và Thánh Công đồng ân cần khuyên dạy: “Nhưng nên nhớ trong các trường hợp trên, không ai được độc quyền giành lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng. Phải luôn luôn nỗ lực soi dẫn nhau bằng đối thoại thành thực, bảo toàn tình tương ái và trước hết mưu cầu công ích.”
Trở lại với lời kêu gọi của Đức Cha Giuse “Tôi mời gọi anh chị em tích cực tham gia việc bầu cử”, ngữ đoạn “tích cực tham gia” bị coi là “gây vấn đề”.
Thiết nghĩ, chúng ta không nên hiểu ngữ đoạn đó tách rời khỏi ngữ cảnh của nó, càng không nên đặt nó vào một ngữ cảnh khác, hoàn toàn xa lạ. Đài Truyền hình Việt Nam đã từng làm như thế với một lời phát biểu chân thành của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt vào chiều thứ Bảy 20/9/2008.
Sự “tham gia bầu cử” sẽ được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo giải thích ngay trong cũng một đoạn văn. Tham gia việc bầu cử là “xem xét chọn lựa những đại biểu có phẩm chất đạo đức, có trình độ và năng lực phục vụ lợi ích của nhân dân”. Đó là sự tham gia “với ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân”, bởi lẽ, như Thánh Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở trong Gaudium et Spes, số 75, được trích dẫn ở đoạn đầu tiên của văn thư: “Mọi công dân đều phải nhớ tới quyền lợi và bổn phận của họ trong việc tự do sử dụng lá phiếu của mình để mưu cầu công ích”.
Trong bối cảnh nhiều người phàn nàn rằng vẫn còn một số khá đông các tín hữu Công giáo thờ ơ với các vấn đề xã hội, chỉ chú tâm đến đời sống tôn giáo cá nhân và lo vun quén bản thân, hay chỉ thích thú quan tâm các thứ lễ hội rước xách…, việc một Đức Giám mục nhắc các tín hữu về nhiệm vụ tham gia đời sống chính trị “với ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân”, là một điều thích đáng. Đáng chú ý hơn nữa, là việc Đức Cha đề nghị các tín hữu “đọc lại giáo huấn của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Mục vụ Vui mừng và Hy vọng, phần I chương IV và phần II chương IV về vai trò của Giáo hội trong thế giới ngày nay và về sứ mệnh của người Kitô hữu trong hoạt động chính trị và xã hội”.
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo trích lời Thánh Công đồng Vaticanô II để nói rõ: người tín hữu được “tự do sử dụng lá phiếu của mình”, miễn là “với ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân” và “để mưu cầu công ích”.
Chính những yếu tố đó (tự do, có ý thức và để mưu cầu công ích) làm nên tính cách “tích cực” của việc tham gia vào việc bầu cử, chứ không phải việc đi đến thùng bỏ phiếu hay không. Thực tế, vẫn còn nhiều người đi bỏ phiếu mà chẳng phải là “với ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân” và “để mưu cầu công ích”. Và ngược lại. Cả hai bên đều “tự do sử dụng lá phiếu của mình”, nhưng không tích cực chút nào. Vì thế, lời nhắc nhở này của Đức Cha Giuse không phải là không có giá trị.
Người tín hữu nên bỏ phiếu cho ứng cử viên nào? Đức Cha Giuse, trong tư thế một vị Giám mục Chánh Tòa, chỉ có thể nêu tiêu chuẩn chứ không thể đề nghị danh tính. Và ngài đã khéo léo nhắc các tín hữu của ngài chọn lựa “những đại biểu có phẩm chất đạo đức, có trình độ và năng lực phục vụ lợi ích của nhân dân”. Trích Hiến chế Gaudium et Spes, Đức Cha còn nói rõ, ở đoạn trên, rằng các đại biểu đó phải là “những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm đó”. Thiết nghĩ, nếu mọi người đều cứ theo đúng các tiêu chuẩn đó mà chọn lựa trong một cuộc bầu cử công bằng và minh bạch, thì chắc chắn chúng ta sẽ có một Quốc hội có phẩm chất tốt.
Như thế, chỉ trong một văn thư ngắn, Đức Giám mục Chánh tòa Xuân Lộc đã đưa ra cho các tín hữu mà ngài có nhiệm vụ chăm sóc những hướng dẫn khá đầy đủ và chừng mực về một sinh hoạt khá “nhạy cảm” trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước và xã hội chúng ta.
Tân Thanh