Về Amoris Laetitia – Chương IV: Tình yêu trong hôn nhân (III)

Tình yêu luôn vui mừng với tha nhân

Thành ngữ chaírei epì te adikia liên quan tới một sự tàn độc của những người vui mừng khi thấy bất công giáng xuống trên người khác. Phản nghĩa với cụm từ ấy: sygchairei te aletheia: “vui mừng khi thấy điều chân thật”. Đây là điều không thể được đối với những ai lúc nào cũng phải so sánh và cạnh tranh, ngay cả với vợ chồng mình, đến độ họ âm thầm vui mừng trước thất bại của tha nhân[1].

Chúa đánh giá cao những ai tìm thấy niềm vui trong hạnh phúc của tha nhân, không vui mừng trong hạnh phúc của người khác, mà chỉ biết tập trung trước hết vào nhu cầu của mình, ta đang tự đẩy mình tới một cuộc sống không có niềm vui. Gia đình là nơi Chúa qui tụ ta lại để ta chia vui với các thành viên của gia đình mình[2].

Tình yêu mang lấy tất cả

Bản danh sách của thánh Phaolô kết thúc với bốn cụm từ: mang lấy tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Ở đây ta thấy rõ sức mạnh của một tình yêu phản văn hóa có khả năng đương đầu với bất cứ điều gì có thể đe dọa nó[3].

Trước hết, tình yêu “chịu đựng tất cả” (panta stegei). Điều này có liên quan tới việc sử dụng miệng lưỡi, hạn chế xét đoán, kiểm soát cơn bốc đồng trong việc kết án gay gắt và mạnh mẽ: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Lc 6, 37),  “đừng nói xấu nhau” (Gcb 4, 11). Nói hành nói xấu là chống lại Thiên Chúa vì  làm thiệt hại nặng đến danh dự người khác và gây ra những thiệt hại khó sửa chữa. Miệng lưỡi “là một thế giới của tội lỗi, làm vấy bẩn toàn bộ thân xác” (Gcb 3, 6); là một “sự dữ đầy những nọc độc chết người” (Gcb 3, 8). Tình yêu bao giờ cũng coi trọng danh thơm tiếng tốt của tha nhân, kể cả kẻ thù[4].

Vợ chồng nào được tình yêu đan kết nên một luôn nói tốt về nhau; họ thường giữ im lặng hơn là nói xấu nhau. Đây là một hành động xuất phát từ một thái độ bên trong. Họ công nhận rằng tất cả chúng ta đều là một hỗn hợp của ánh sáng và bóng tối. Tha nhân hơn hẳn một tổng số những sự vật nhỏ nhặt đang phiền đến ta. Ta không đòi tình yêu phải hoàn thiện mới quý trọng.Tình yêu cùng hiện hữu với bất toàn. Tình yêu “chịu đựng tất cả” và có thể giữ được bình an trước những giới hạn của người mình yêu[5].

Tình yêu tin tưởng tất cả

Panta pisteuei. Tình yêu tin tưởng tất cả[6]. Sự tin tưởng này có thể làm cho một mối tương quan nào đó được tự do. Sự tự do này nuôi dưỡng sự độc lập, làm phong phú và mở rộng các tương quan, hướng đến sự chân thành và trong sáng, vì những ai biết mình được tin tưởng và trân trọng đều có thể mở ra và không giấu diếm điều gì. Những ai biết rằng vợ chồng mình hay nghi ngờ, xét đoán và thiếu tình yêu vô điều kiện, sẽ có khuynh hướng giữ bí mật, giấu kín những thất bại và yếu hèn của mình, và làm ra vẻ là một người khác chứ không phải là mình. Một gia đình được đánh dấu bằng sự tin tưởng yêu thương, dù có thế nào đi nữa, vẫn giúp các thành viên của gia đình là chính mình và dẹp bỏ sự lừa phỉnh, giả dối và gian manh[7].

Tình yêu hy vọng tất cả

Panta elpixei. Đây là niềm hy vọng rằng người khác có thể thay đổi, trưởng thành và tỏa ra vẻ đẹp bất ngờ và tiềm năng còn bị che khuất, vì dù mọi sự không phải lúc nào cũng xảy ra như mình muốn, nhưng Thiên Chúa có thể uốn đường cong thành đường thẳng và vẫn có thể rút ra điều lành từ điều dữ ta phải chịu trong thế giới này[8].

Ở đây, niềm hy vọng trở nên trọn vẹn nhất, vì ấp ủ sự chắc chắn về sự sống sau khi chết. Mỗi người, với mọi thất bại của mình, đều được gọi tới sự viên mãn của sự sống trên trời. Ở đó, mọi yếu nhược, tăm tối và hèn kém sẽ qua đi, con người thật của người ta sẽ chiếu sáng trong tất cả sự tốt lành và mỹ miều của nó. Việc nhận ra này giúp ta thấy được mỗi người trong góc cạnh siêu nhiên của họ[9].

Tình yêu chịu đựng tất cả

Panta hypomenei, chịu đựng ở đây là luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức, không khi nào bỏ cuộc, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất. Tình yêu ấy chứng tỏ một sự anh hùng kiên cường chống lại mọi dòng chảy tiêu cực. Tình yêu này giúp ta thấy được hình ảnh Thiên Chúa nơi mọi người và cũng giúp ta dập tắt hận thù bằng tình yêu thương, như Martin Luther King nói: người ghét bạn nhất vẫn có một sự tốt lành nào đó nơi mình. Khi bạn đạt đến trình độ thấy được “hình ảnh Thiên Chúa” nơi họ, thì dù có thế nào đi nữa, bạn cũng bắt đầu yêu họ. Một cách khác để bạn có thể yêu thương kẻ thù là: khi có cơ hội đánh bại kẻ ấy, thì đó lại là lúc bạn không được đánh. Khi bạn đạt tới mức độ của tình yêu, thì bạn sẽ chỉ tìm cách đánh bại những hệ thống xấu xa. Những ai tình cờ vướng vào hệ thống ấy, bạn thương mến người ấy, nhưng vẫn tìm cách đánh bại hệ thống ấy. Căm thù vì căm thù chỉ gia tăng căm hờn thôi. Người mạnh mẽ là người có thể cắt đứt xiềng xích của sự hờn căm, của sự dữ… Ta phải có tôn giáo và luân lý sao cho có thể cắt đứt xiềng xích ấy và tiêm vào trong chính cấu trúc của vũ trụ này yếu tố mạnh mẽ và hùng cường của tình yêu[10]

Trong đời sống gia đình, ta cần vun xới sức mạnh ấy của tình yêu. Tình yêu không sinh ra oán hận, khinh người, không muốn làm người ta đau khổ, không vụ lợi. Có những người dù phải chia tay với vợ, chồng vẫn cố giúp vợ chồng mình trong những lúc bệnh hoạn, đau đớn và thử thách[11].

Đaminh Nguyễn Đức Thông

Chú thích

[1]Amoris Laetitia, số 109

[2]Amoris Laetitia, số 110

[3]Amoris Laetitia, số 111

[4]Amoris Laetitia, số 112

[5]Amoris Laetitia, số 113

[6]Amoris Laetitia, số 114

[7]Amoris Laetitia, số 115

[8]Amoris Laetitia, số 116

[9]Amoris Laetitia, số 117

[10] Martin Luther King Jr., Sermon delivered at Dexter Avenue Baptist Church, Montgomery, Alabama, 17.11. 1957; Amoris Laetitia, số 118

[11]Amoris Laetitia, số 119

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết