Trên khắp các châu lục, Thượng Hội đồng về Hiệp hành của ĐTC Phanxicô đang được tiến hành với tất cả sự nhiệt huyết

Khai mạc hội nghị Thượng hội đồng khu vực Trung Mỹ-Mexico tại El Salvador ngày 14 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribbean)

Khai mạc hội nghị Thượng hội đồng khu vực Trung Mỹ-Mexico tại El Salvador ngày 14 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribbean)

Trên khắp thế giới, Thượng Hội đồng về Hiệp hành của Đức Thánh Cha Phanxicô đang được tiến hành với tất cả sự nhiệt huyết khi các Giám mục quy tụ ở cấp lục địa để thảo luận về những sự bận tâm và ưu tiên của các Giáo hội địa phương của họ, trước một cuộc họp quan trọng ở Rôma vào cuối năm nay.

Được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức khai mạc vào tháng 10 năm 2021, Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành có tên chính thức là “Vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”, và là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn sẽ đạt đến đỉnh điểm trong hai cuộc họp tại Rôma vào tháng 10 nằm 2023 và tháng 10 năm 2024.

Sau cuộc tham vấn ban đầu với giáo dân ở cấp Giáo phận, các báo cáo tóm tắt các kết luận đã được gửi đến các Hội đồng Giám mục quốc gia, và các Giám mục hiện đang thảo luận về nội dung của các báo cáo đó trong giai đoạn Thượng hội đồng châu lục dự kiến kết thúc vào tháng Ba.

Từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, các Giám mục và các đại biểu được chọn, bao gồm cả giáo dân, sẽ tập trung tại Rôma để tham gia phần đầu của cuộc thảo luận gồm hai phần, vốn sẽ kết thúc bằng một cuộc tập hợp tương tự vào tháng 10 năm 2024. Theo các nhà tổ chức, mục tiêu là nhằm làm cho Giáo hội trở thành một nơi cởi mở và chào đón hơn, ít bị chi phối bởi cấu trúc quyền lực của hàng giáo sĩ và được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi sự lãnh đạo hợp tác.

Là một phần của “giai đoạn lục địa” hiện tại, 7cuộc họp đang được tổ chức để các Giám mục thảo luận về các vấn đề nổi lên trong khu vực của họ. Kết quả sẽ được gửi đến Vatican để hỗ trợ chuẩn bị cho cuộc họp vào tháng 10 tại Rôma.

Hội nghị Bắc Mỹ, quy tụ các Giám mục của Hoa Kỳ và Canada, đã diễn ra qua một loạt các cuộc họp trực tuyến vừa kết thúc. Một nhóm soạn thảo hiện đang có mặt tại Orlando, Florida để biên soạn báo cáo chung kết.

Các hội nghị ở Châu Âu và Châu Đại Dương đã được tổ chức, và các hội nghị ở Trung Đông và Mỹ Latinh hiện đang diễn ra. Cuộc họp của Châu Mỹ Latinh và Caribbean đang diễn ra trong bốn cuộc họp khu vực khác nhau từ nay đến cuối tháng Ba, với cuộc họp đầu tiên vừa kết thúc.

Hội nghị khu vực châu Á sẽ diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 2 tại Bangkok, Thái Lan, và hội nghị khu vực châu Phi và Madagascar sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3 tại Addis Ababa, Ethiopia.

Do sự khác biệt về văn hóa, truyền thống, sắc tộc và các nghi lễ và Giáo hội khác nhau, các hội nghị đang nhấn mạnh cả những ưu tiên chung với tư cách là một Giáo hội phổ quát, cũng như những ưu tiên lẫn mối bận tâm riêng của mỗi nơi.

Ví dụ, tại Châu Đại Dương, hội nghị Thượng hội đồng cấp châu lục đã diễn ra từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 2 tại Fiji, nhấn mạnh một số chủ đề có tầm quan trọng trong khu vực như môi trường và đào tạo đức tin tốt hơn, đặc biệt là cho các cộng đồng nông thôn.

Do phần lớn Châu Đại Dương bao gồm các quốc đảo, các vấn đề về khí hậu được đặc biệt quan tâm, với các mối quan tâm từ tác động của mực nước biển dâng cao và các ngành công nghiệp khai thác, cho đến tình trạng lũ lụt và hạn hán, đến việc chăm sóc thích hợp cho các đại dương, cũng như duy trì sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực và bảo vệ sự cân bằng sinh thái của nhiều hòn đảo.

Tại Châu Âu, hội nghị cấp châu lục được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 2 tại Praha, với một cuộc họp riêng dành cho các Chủ tịch Hội đồng Giám mục quốc gia từ ngày 10 đến 12 tháng 2.

Đối với người châu Âu, các điểm chính ít tập trung vào khí hậu mà tập trung nhiều hơn vào các vấn đề như cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, các vụ bê bối giáo sĩ lạm dụng tình dục và sự chia rẽ lịch sử giữa các quốc gia châu Âu.

Theo bức thư kết luận, các chủ đề chính được thảo luận là sự cần thiết cần phải đồng hành với những người bị tổn thương hoặc đang đau khổ theo một cách nào đó, đồng thời trao quyền cho những người trẻ và phụ nữ, đồng thời thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến các nhóm “bị gạt ra bên lề” trong Giáo hội.

Các ưu tiên chính dường như tập trung vào việc làm sáng tỏ chính khái niệm hiệp hành, một khái niệm, báo cáo cho biết, vẫn chưa được các tín hữu bình thường hiểu rõ.

Các Giám mục cho biết cần phải đào sâu vào các khía cạnh thần học và thực tiễn của tính hiệp hành và phát triển một bức tranh tốt hơn về cách thức thực thi “thẩm quyền hiệp hành”, cũng như các tiêu chí rõ ràng hơn để “phân định” và cấp độ các quyết định sẽ được đưa ra.

Một suy tư cũng phải được đưa ra về bản chất của các “đặc sủng và thừa tác vụ” có chức thánh và không chức thánh khác nhau trong Giáo hội, đồng thời kêu gọi “các quyết định cụ thể và can đảm” về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và cách thức nhằm thúc đẩy sự tham gia của họ ở tất cả các cấp, đặc biệt là khi nói đến việc đưa ra quyết định.

Sự rạn nứt về văn hóa giữa đức tin và xã hội thế tục cũng được đề cập như một điều cần chú ý và nhu cầu đào tạo đức tin lớn hơn cũng được nhấn mạnh trong bức thư như những ưu tiên, cũng như sự cần thiết cần phải khắc phục “những căng thẳng xung quanh vấn đề phụng vụ”. Cuối cùng, các Giám mục nhấn mạnh Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch của sự hiệp thông”, với việc nhiều Giám mục và tín hữu châu Âu vẫn còn chia rẽ về quyết định gây tranh cãi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc hạn chế việc tham dự Thánh lễ Latinh truyền thống.

Ở Trung Đông, các vấn đề về phụng vụ có một quy mô và ý nghĩa hoàn toàn khác.

Trong vài ngày qua, đại diện của 7 nghi lễ và Giáo hội khác nhau, với sự chia rẽ lịch sử và truyền thống nội bộ của họ, đã cùng nhau gặp gỡ để thảo luận về các ưu tiên chung như một phần của hội đồng lục địa Trung Đông, diễn ra từ ngày 13 đến 18 tháng Hai tại Lebanon.

Các tham dự viên tham gia cuộc hội nghị, tọa lạc trong một khu vực có truyền thống công nghị và hiệp hành lâu đời hơn nhiều, bao gồm Đức Hồng y Bechara Al-Rahi, Thượng phụ nghi lễ Maronite, Chủ tịch Hội đồng Thượng Phụ và Giám mục Công giáo và Chủ tịch Hội đồng Thượng phụ Công giáo Đông phương; Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ nghi lễ Chaldean; Đức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem; Đức Thượng phụ Công giáo Syriac Ignatius III Yonan; Đức Thượng phụ  Raphael Bedros XXI Minassian thuộc Giáo hội Công giáo Armenia; và Thượng phụ Ibrahim Isaac thuộc Giáo hội Công giáo Coptic.

Những người khác bao gồm Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Hồng y Mario Grech; Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục tiếp theo, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich Địa phận Luxembourg; Đức Tổng Giám mục Paolo Borgia, Đặc phái viên của Vatican tại Lebanon, cũng như nhiều vị khác.

Các đại biểu đại diện cho các Giáo hội nghi lễ Coptic, Syriac, Maronite, Melkite, Chaldean, Armenian và Latinh, và đến từ Thánh địa, Jordan, Lebanon, Syria, Ai Cập, Iraq và Armenia.

Trong bài phát biểu khai mạc, điều phối viên của hội nghị, Cha Khalil Alwan, đã nhấn mạnh những ưu tiên của khu vực, trong đó ưu tiên đầu tiên là công nhận và duy trì sự hiện diện của Kitô giáo lâu đời tại Trung Đông, nơi mà ngài cho biết được đặc trưng bởi sự chung sống hòa bình với các truyền thống tín ngưỡng khác, bao gồm cả các tín đồ Hồi giáo lẫn Do Thái.

“Hội nghị lục địa của chúng ta khác với phần còn lại của hội nghị lục địa, vì nó không mang tính lục địa theo nghĩa riêng của từ này”, Cha Alwan nói, đồng thời cũng cho biết rằng các tham dự viên tham gia hội nghị bao gồm 7 Giáo hội Công giáo khác nhau không chịu sự chi phối của luật Nghi thức Latinh, nhưng đúng hơn là các quy định của Giáo luật đối với các Giáo hội Đông phương.

Mỗi Giáo hội riêng lẻ này có phong tục, truyền thống, luật lệ và nghi thức phụng vụ riêng, và mỗi Giáo hội đều có một cộng đồng người hải ngoại đáng kể, Cha Alwan nói, đồng thời cho biết sự đa dạng này là một thách thức, nhưng các Giáo hội phải đối mặt với những vấn đề tương tự.

“Chúng ta đoàn kết với nhau bởi các điều kiện của đất nước chúng ta, nơi mà tất cả chúng ta thường thiếu tự do để thực hành đức tin của mình, tự do ngôn luận, tự do của phụ nữ và tự do của trẻ em. Tất cả chúng ta đều tìm cách, theo năng lực của mình, chống lại vấn nạn tham nhũng trong chính trị và kinh tế”, Cha Alwan nói.

Cha Alwan cũng nhấn mạnh mong muốn chung là “thực hành sự minh bạch trong các tổ chức tôn giáo và xã hội của chúng ta, và chúng ta khao khát thực hành trách nhiệm công dân, cũng như chống lại sự nghèo đói và ngu dốt”.

Cha Alwan đã trích dẫn cuộc di cư hàng loạt của các Kitô hữu từ Trung Đông trong những năm gần đây như nguồn gốc của sự đau khổ và sự lo lắng ngày càng tăng, đồng thời cũng cho biết rằng “chân trời của một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá đã bị thu hẹp lại, do đó làm giảm sự tồn tại và chứng ngôn của chúng ta nơi vùng đất mà Thiên Chúa đã chọn làm quê hương của Người”.

“Chúng ta, con cái của Giáo hội, không chỉ đoàn kết với nhau bởi những mối bận tâm và khó khăn trong cuộc sống, mà còn bởi phép rửa, đức tin, tình yêu và hy vọng”, Cha Alwan nói, đồng thời cho biết rằng dưới góc độ này, hội nghị lục địa có ý nghĩa đặc biệt.

Tại El Salvador, cuộc họp đầu tiên trong số 4 hội nghị khu vực tạo thành hội nghị lục địa cho Châu Mỹ Latinh và Caribbean đã diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17 tháng Hai. Cuộc họp được mở đầu bằng Thánh lễ đặc biệt tại nhà nguyện nơi Thánh Oscar Romero, vị thánh nổi tiếng nhất của đất nước, qua đời.

Bị bắn vào lưng khi đang cử hành Thánh lễ năm 1980 do thẳng thắn lên án sự bất công của thể chế, Đức Cha Romero đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố là một anh hùng tử đạo và được tuyên thánh vào năm 2018.

Đức Cha Romero đã được ca ngợi là nguồn cảm hứng hướng dẫn cho hội nghị hiện tại, tập trung vào Trung Mỹ và Mexico – những khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng nghèo đói, ma túy, bạo lực băng đảng, và vấn đề di cư hàng loạt, khi người dân địa phương dũng cảm vượt qua những con đường nguy hiểm tiến về phía bắc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và an toàn hơn.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Đức Tổng Giám mục Miguel Cabrejos Vidarte người Peru thuộc Địa phậnTrujillo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM), đã nhấn mạnh sự bình đẳng giữa những người đã được rửa tội, đồng thời cho biết rằng đây là một tiêu chí “để định hình tất cả các chủ đề, dự án và mục tiêu của Giáo hội”.

“Việc thực hành sự phân định trong cộng đoàn là điều điều cần thiết để phát triển tính hiệp hành và thực sự đồng hành cùng nhau trong Giáo hội của chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Cabrejos nói, đồng thời cho biết rằng hiệp hành “không phải là một khái niệm để nghiên cứu, mà là một cuộc sống để sống”.

Nữ tu Genoveva Henríquez, Chủ tịch Hội đồng Tu sĩ ở El Salvador, cho biết hội nghị là một cơ hội “để góp phần mở ra những chân trời hy vọng cho việc hoàn thành sứ mạng của Giáo hội”, dựa trên mẫu gương của Đức Cha Romero về việc ưu tiên những người ở các khu vực ngoại vi.

“Chúng ta phải nhìn với đôi mắt mở rộng và đôi chân đứng vững, nhưng với một trái tim tràn đầy Tin Mừng và Thiên Chúa (tính hiệp hành)”, Nữ tu Henríquez nói, đồng thời cho biết điều này bao gồm việc thiết lập “một phong cách điều hành theo hình vòng tròn, có sự tham gia, ít mang tính phẩm trật hơn và theo hình kim tự tháp” cho Giáo hội.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube