Thượng Hội đồng về Hiệp hành: Hội đồng Lục địa của Châu Âu tại Praha thảo luận về những căng thẳng trong Giáo hội

 

Logo của Thượng Hội đồng về Hiệp hành (Ảnh: USCCB)

Logo của Thượng Hội đồng về Hiệp hành (Ảnh: USCCB)

200 đại biểu — trong đó có 65 phụ nữ và 46 Giám mục — sẽ nhóm nhóm họp vào tuần này tại thủ đô của Cộng hòa Séc cho giai đoạn cuối cùng của các cuộc thảo luận khu vực trong Thượng Hội đồng về Hiệp hành.

Vào thứ Ba, ngày thứ hai của cuộc thảo luận, các tham dự viên tham gia cuộc hợp được yêu cầu xác định “những căng thẳng đáng kể”, những câu hỏi và vấn đề cần được giải quyết bởi Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican vào tháng Mười.

Các đại biểu chia thành các nhóm thảo luận nhỏ dựa trên ngôn ngữ, quốc gia và nghề nghiệp và sau đó trình bày kết luận của họ trước toàn thể hội nghị.

Một trong những nhóm nói tiếng Pháp đã trình bày sự căng thẳng về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội do vai trò đang thay đổi của phụ nữ trong xã hội nói chung và “liên quan đến các thông điệp về công lý mà chúng ta muốn công bố bên ngoài Giáo hội”.

Một phụ nữ trẻ cho biết rằng nhóm nói tiếng Đức của chị đã thảo luận về tầm quan trọng của sự tham gia của giới trẻ và “việc bao gồm tất cả những người ở bên lề của Giáo hội”, đưa ra ví dụ về việc một nhóm thanh niên mang cờ cầu vồng tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Panama bị xúc phạm trên đường phố.

Các đại biểu Thượng hội đồng lắng nghe các bài thuyết trình tại Hội đồng Lục địa Châu Âu ở Praha, Cộng hòa Séc. CCEE

Các đại biểu Thượng Hội đồng lắng nghe các bài thuyết trình tại Hội đồng Lục địa Châu Âu ở Praha, Cộng hòa Séc (Ảnh: CCEE)

Điều hành viên kêu gọi những người thuyết trình càng minh bạch càng tốt về những căng thẳng nảy sinh trong các cuộc thảo luận nhóm. Thời gian cũng được cho phép để các cá nhân đến và phát biểu tại hội nghị vào phút cuối.

Đức Tổng Giám mục Eamon Martin, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ireland, đã nói về sự căng thẳng có tính sáng tạo giữa tính hiệp hành và hàng Giáo phẩm trong sự hiệp thông của Giáo hội.

“Một trong những thách thức mà một Giáo hội hiệp hành phải đối mặt là học cách thúc đẩy sự hiệp thông sâu sắc hơn trong Chúa Kitô giữa dân Chúa, các Giám mục và Đức Giáo hoàng”, Đức Tổng Giám mục Martin nói. “Tính hiệp hành cần phải tìm cách khẳng định và đề cao thẩm quyền giảng dạy của Đức Giáo hoàng và các Giám mục, chứ không phải giảm bớt nó”.

“Đây là Giáo hội của Chúa Kitô chứ không phải của chúng ta để tạo ra theo ý muốn của chúng ta theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Martin cho biết thêm.

Các nhóm nói tiếng Ý lưu ý rằng họ nhận thấy sự căng thẳng giữa Giáo lý và việc chăm sóc mục vụ, và “sự căng thẳng giữa chân lý và lòng thương xót”.

Trong khi các nhóm khác lặp lại rằng họ cũng nhận thấy sự căng thẳng giữa “chân lý và lòng thương xót”, một đại diện của nhóm nói tiếng Anh đã nhấn mạnh việc chân lý được tìm thấy trong Chúa Giêsu Kitô tạo ra sự hiệp thông và liên kết các tín hữu trong Giáo Hội.

Trích dẫn Thông điệp của Đức Bênêđictô XVI về đức bác ái trong chân lý, Caritas in Veritate, bà nói rằng chân lý “là lógos tạo ra diá-logos, và từ đó truyền thông và hiệp thông”.

Bà chia sẻ thêm: “Chân lý nền tảng về Chúa Giêsu Kitô có vẻ như mâu thuẫn với lòng thương xót và sự bận tâm mục vụ, nhưng chân lý nền tảng về Chúa Giêsu Kitô là một khoảnh khắc của ân sủng và lòng thương xót bởi vì lòng thương xót dẫn đến chân lý, chân lý rằng Tin Mừng là tình yêu. Và Tin Mừng là điều nhân loại cần để cảm nghiệm được niềm vui và sự bình an”.

Chuyện gì đang xảy ra ở Praha tuần này?

Praha được mệnh danh là “thành phố vàng của 100 ngọn tháp”. Thủ đô là một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất của châu Âu, phần lớn đã thoát khỏi bom đạn của Thế chiến II. Kiến trúc hàng trăm năm tuổi của nó cho thấy vị thế trung tâm của Kitô giáo trong lịch sử của thành phố châu Âu, từ đường chân trời đầy những ngọn tháp và những ngọn tháp chuông nhà thờ cho đến nhiều bức tượng các vị thánh tô điểm cho cây cầu Charles mang tính biểu tượng của thành phố.

Bức tượng Thánh Gioan Nepomuk, được coi là vị tử đạo đầu tiên của Dấu ấn Tòa giải tội, trên Cầu Charles của Praha (Ảnh: Mares)

Bức tượng Thánh Gioan Nepomuk, được coi là vị tử đạo đầu tiên của Dấu ấn Tòa giải tội, trên Cầu Charles của Praha (Ảnh: Mares)

Nhưng giống như nhiều quốc gia châu Âu, việc thực hành đức tin Công giáo ngày nay đã giảm sút khi chỉ có 20% người Công giáo ở Cộng hòa Séc nói rằng họ tham dự Thánh lễ hàng tuần, theo dữ liệu được công bố gần đây.

Trong bài diễn văn khai mạc hôm thứ Hai, Đức Tổng Giám mục Jan Graubner Địa phận Praha đã suy tư về tiêu đề của tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng đang đóng vai trò là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận trong tuần: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở”.

“Nếu chúng ta đang nói về một chiếc lều nhắc nhở chúng ta về cuộc hành trình của dân Israel băng qua sa mạc, thì chúng ta hãy nhớ lại rằng chính Thiên Chúa là Đấng dẫn đường an toàn cho dân Israel. Ngài khiến họ cảm thấy an toàn. Ngài là người cha nhân lành, chăm sóc con cái đồng thời giáo dục chúng bằng những hình phạt nghiêm khắc”, Đức Tổng Giám mục Graubner nói.

“Từ những cuộc tham vấn mà tôi đã có, tôi có ấn tượng rằng nhiều người chỉ đơn thuần phát biểu ý kiến của họ nhưng hiếm khi lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, cụ thể là tiếng nói của Đấng đã kêu gọi chúng ta cộng tác với công việc của Ngài, Đấng đã tiết lộ cho chúng ta kế hoạch của Ngài về vương quốc của Thiên Chúa —kế hoạch được đề cập trong Kinh Thánh. Lời của Ngài không chỉ để nghiên cứu hay suy gẫm. Lời đó phải được đem ra thực hành cách hữu hiệu”, Đức Tổng Giám mục Graubner nói với các tham dự viên.

Hội nghị lục địa châu Âu là một trong bảy hội nghị lục địa của Thượng Hội đồng diễn ra trên toàn cầu vào tháng Hai và tháng Ba.

Hội nghị lục địa châu Âu được chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 2, giáo dân và giáo sĩ cùng nhau đại diện cho các quốc gia của họ trong các cuộc thảo luận được phát trực tiếp về những ưu tiên và chủ đề nào nên được đưa ra trong cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào mùa thu này.

Trong số các tham dự viên tham gia hội nghị có ba người tổ chức “Con đường Công nghị” của Đức: Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức; Thomas Söding, phó Chủ tịch của ủy ban này; và Đức Giám mục Georg Bätzing, người đã từng giữ vai trò là Chủ tịch của Con đường Công nghị Đức kể từ năm 2020.

Các đại biểu Thượng Hội đồng lắng nghe các bài thuyết trình tại Hội đồng Lục địa Châu Âu ở Praha vào ngày 7 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: CCEE)

Các đại biểu Thượng Hội đồng lắng nghe các bài thuyết trình tại Hội đồng Lục địa Châu Âu ở Praha vào ngày 7 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: CCEE)

Một tài liệu chung kết sẽ được tranh luận và thông qua vào ngày 9 tháng 2 dựa trên các bài thuyết trình của 39 quốc gia và các cuộc thảo luận nhóm làm việc trong nửa đầu tuần.

Sau các cuộc thảo luận này, một cuộc họp riêng thứ hai giữa 35 Giám mục, Chủ tịch của mỗi Hội đồng Giám mục Châu Âu, sẽ cùng nhau xem xét tài liệu, lắng nghe các bài phát biểu của từng Giám mục và đưa ra tài liệu chung kểt thứ hai.

Mỗi ngày của Thượng Hội đồng bao gồm Thánh lễ và những khoảnh khắc cầu nguyện giữa các bài phát biểu, thường đi kèm với các bản ghi âm các bài thánh ca hoặc nhạc thờ phượng do các quốc gia khác nhau gửi đến.

Đức Hồng Y Marc Ouellet đã dâng Thánh lễ vào ngày 7 tháng 2 và chia sẻ về Bí tích Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Các tín hữu Ukraine Công giáo Hy Lạp đã chủ sự buổi cầu nguyện buổi tối vào tối thứ Ba khi các đại biểu từ khắp châu Âu cầu nguyện cho hòa bình tại lục địa của họ.

5F71B78D-BFEA-4796-A751-442176D675A1

Các phái đoàn đại diện cho các cộng đồng Công giáo ở Ukraine và Nga đều tham gia Hội nghị Thượng Hội đồng Châu Âu.

Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi và Cha Stephan Lipke, SJ, đã di chuyển từ Moscow đến để tham gia hội nghị. Hai phái đoàn đại diện cho Ukraine — Đức Tổng Giám mục Martin Kmetec là một trong số các đại diện của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine và ba Giám mục cũng được liệt kê là đại diện cho người Công giáo nghi lễ Latinh ở Ukraine.

Các đại biểu châu Âu cũng hiệp nhất cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria.

Cha Antonio Ammirati, phát ngôn viên của Hội đồng các Hội đồng Giám mục Châu Âu tổ chức hội nghị, đã đọc to tuyên bố về trận động đất bởi các tham dự viên tham gia cuộc họp vào chiều thứ Ba.

“Số người chết vẫn đang gia tăng và sự tàn phá cũng như sự đau khổ của người dân đã ảnh hưởng sâu sắc và chạm đến tâm hồn chúng ta”, Cha Ammirati nói.

“Với sự đồng cảm sâu sắc, các Giáo hội ở Châu Âu gần gũi với những người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất, lập lại những lời cầu nguyện của chúng tôi, và hỗ trợ bằng mọi cách có thể để đối phó với tình trạng khẩn cấp”.

  Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube