Thừa sai sứ vụ J'Rai

HT 240421 (6)

Bài chia sẻ của Cha Giuse Trần Sĩ Tín, C.Ss.R. trong Hội thảo hội thảo chuyên đề “Sứ vụ và công cuộc Phúc Âm hoá của Hội Thánh” tại Học viện Thánh Anphongsô DCCT, thứ Bảy 24/04/2021:

THỪA SAI SỨ VỤ J’RAI

Con là Giuse Trần Sĩ Tín, C.Ss.R. Chúng con đến đây để làm chứng về những ơn mà chúng con đã nhận được khi được gọi làm thừa sai trong Hội Thánh của Chúa, vì có một điều Chúa ban cho con được nhận ra là người thừa sai được nhiều ơn, được Phúc Âm hoá (evangelisari a pauperibus) nhiều lắm. Chúng con nhận ra rằng Sứ Vụ Phúc Âm hoá có tác dụng ở hai chiều: cho người được sai đi và cho người đón nhận. Và chúng con cám ơn Quý Cha, Quý Thầy đã kêu gọi con đến đây để làm chứng. Đối với con, vào tuổi 80, việc gì cũng là việc cuối trên cõi đời. Và đây cũng là cuộc phán xét cuối cùng mà quan tòa là Quý Cha. Con mong được khoan dung.

I. TÂM TÌNH THỪA SAI

1. Chúa ban cho con được hưởng thời Nazareth của Chúa Yêsu

Chúng con (Lm Tài, Tu sĩ Quân, Phó tế Mầu, Tín) được Đức Cha Paul Seitz, Giám Mục Giáo Phận Kontum, đưa tới Plei Kly ngày 10.10.1969, không nhà không cửa. Đức Cha đổ chúng con xuống làng Plei Kly (cách Pleiku gần 60km) là nơi chúng con chưa hề đặt chân tới bao giờ, và chúng con cũng không quen biết ai tại đó. Chúng con cũng chẳng có nơi trú ngụ.

Khi đến Plei Kly, Đức Cha lấy sách Tân Ước đọc cho chúng con đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca 10,1-12, Chúa sai 72 môn đệ và ngài nói: “Xin giao cho anh em tất cả vùng dân Jrai này. Bây giờ anh em có 4 người. Nhưng nếu Dòng Chúa Cứu Thế  gửi tới 72 người như trong bài Tin Mừng, chúng tôi cũng hoan hỉ đón nhận.” Sau đó Ngài cầu nguyện và chúc lành cho chúng tôi, rồi lên xe trở về Pleiku.

Mãi tới năm 2001, chúng con mới được biết tới lá thư mà chính Đức Cha Paul Seitz gửi cho Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam  từ năm 1953, kêu gọi cho các Cha, các Thầy lên lập Nhà Dòng tại Giáo Phận Kontum và lo việc đào tạo những tông đồ giáo dân Kinh Thượng để phục vụ Tin Mừng giữa bà con người Thượng trong Giáo Phận Kontum. Lời kêu gọi này còn được lập lại năm 1956. Con đường tìm kiếm của chúng con tưởng như vô định, thực ra đã được tiền định từ những năm đầu đời đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế của chúng con là như thế.

Từ 1969 mãi tới năm 1988, mới thấy người Jrai ồ ạt theo Đạo. Tại sao? Nhìn theo những biến cố thời sự, ta thấy có lý do chiến tranh. Năm 1968, có cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Vùng Plei Kly chúng con tới là vùng “xôi đậu,” ban ngày là quốc gia, ban đêm là của cộng sản. Đánh nhau luôn. Tháng ba năm 1971, quân đội cộng sản đánh quận Phú Nhơn gần làng Plei Kly chỗ chúng con ở. Trong cảnh lửa đạn chết chóc, chúng con, cha Mầu, Thầy Maccô Đàn, Thầy Sáu Tín và một nữ giáo dân bị quân đội giải phóng bắt đi cải tạo trong rừng sâu, bên kia biên giới Campuchia. Thời gian học tập cải tạo trong cùm (mà chẳng có trường lớp nào!) kéo dài có 4 tháng, nhưng cũng đủ để Thầy Maccô Đàn bỏ xác trong rừng sâu vì sốt rét ác tính. Mọi người đều bị sốt rét rừng, thân tàn ma dại, con mất 20kg. Sau đó người ta dẫn chúng con về để tuyên truyền cho thế giới biết rằng Mặt Trận Cộng Sản Giải Phóng rất tôn trọng tự do tôn giáo!

 Trong thời gian ở tù, chúng con cũng được biết người ta sắp chiếm Tây Nguyên. Vì thế con khi được thả về, con đã xin Đức Cha Paul Seitz cho con được làm linh mục, chứ dưới chế độ cộng sản, khó có thể được làm linh mục. Và con đã được ơn làm linh mục ngày 08/12/1972 tại Cheoreo giữa một số ít giáo dân Jrai thời cha cố Jacques Dournes. Vì ở Plei Kly, nhà cửa đã bị bom đạn tan nát, từ cuối tháng 08/1971 chúng con phải di tản về Cheoreo Phú Bổn, cách Plei Kly khoảng 100km. Trong quãng thời gian đó, vừa chuẩn bị cho Sứ Vụ, vừa chuẩn bị cho con làm linh mục, anh em chúng con cùng với anh chị em Jrai dịch cuốn Tân Ước ra tiếng Jrai, vừa dịch Sắc Lệnh Đời Sống Linh Mục của Công Đồng Vatican 2. Qua năm 1973, chúng con trở lại Plei Kly. Và đến tháng 03 năm 1975 thì Tây Nguyên, rồi toàn thể Miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Chúng con đã nghĩ rằng dưới chế độ cộng sản duy vật vô thần thì chắc chẳng có ai theo Đạo nữa. Bản thân con một linh mục thừa sai chỉ đi làm rẫy làm ruộng, đi chài đi lưới với anh chị em Jrai, lúc đó chưa ai vào Đạo. Từ 1969, gần 20 năm, con chỉ sống với dân, làm với dân, học với dân… Nhờ đó mà con thông thạo tiếng Jrai hơn anh em, từ tiếng nói, con biết hơn về văn hóa Jrai, cho nên qua các thời kỳ dịch Kinh Thánh, từ lần thứ nhất đến lần thứ ba xuất bản Tân Ước bằng tiếng Jrai, anh em và Giáo Phận đều giao cho con chủ trì. Và con nhận ra rằng gần 20 năm sống với dân, làm dân với dân, học với dân… không phải là thời gian vô ích, mà con thấy rằng Chúa đã cho con được sống thời Nazareth của Chúa. Con hiểu hơn tại sao Giáo Luật nói một thừa sai nơi một dân tộc khác, cần có ít nhất hai năm để học tiếng và tiếp cận với văn hóa của dân tộc ấy. Chúa Yêsu thì đã có hơn 30 năm thời Nazareth trước khi bắt đầu sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng. Và con cũng được nhận ra rằng Chúa đã có nhưng bước chuẩn trong văn hóa bản địa, Chúa đã ở đó với dân của Ngài, và người thừa sai là người đi tìm Chúa hơn là người đem Chúa đến cho người ta. Và như vậy công cuộc Phúc Âm hoá (evangelisatio) lại cho con một định nghĩa mới.

2. Chúa ban cho con nhận ra sứ mạng không thể thay thế của người giáo dân và của Kerygma

Đến năm 1988, tháng 6, Hội Thánh công bố hiển thánh 117 vị tử đạo tại Việt Nam, người Jrai và các dân tộc khắp nước Việt Nam bỗng nhiên tìm theo Đạo. “Máu các thánh tử đạo làm nẩy sinh tín hữu” (Tertulianô). Lúc đó chúng con thiếu thốn mọi sự, nhất là thiếu tự do tôn giáo. Chúng con không được hoạt động ngoài xã phường của mình. Nói chuyện Đạo ngoài nhà thờ bị kết tội là “truyền Đạo bất hợp pháp…  Nhưng con đã phải bỏ chài bỏ lưới, bỏ cuốc bỏ cày, năm 1987, để chỉ mang cuốn Kinh Thánh Tân Ước đến các buôn làng có những người kêu gọi con đến với họ để “nghe mọi điều Chúa đã truyền” (Cv 10,33). Thực ra chỗ con, từ 1985, Năm Thánh Đức Mẹ trước Năm Đại Thánh 2000, con đã bắt đầu cử hành các Bí Tích Nhập Đạo cho 7 người Jrai. Đáng kể là gia đình cha con Vina. Mẹ Vina và các con đã đi Nhà Thờ 10 năm, đã xin con dạy để nhập Đạo. Nhưng con nói phải chờ cha Vina còn đang đi cải tạo, không biết ý của ông ta như thế nào. Nhưng khi ông đi cải tạo về năm 1984, ông đã được nhập Đạo trong tù, và tiếp tục đi Nhà Thờ cùng với vợ con, mặc dù bị chính quyền địa phương đe dọa. Và cả gia đình tiếp tục xin nhập Đạo. Và con đã cử hành các Bí Tích Nhập Đạo cho 5 người trong gia đình, cùng với ông Vinsentê Kpuih Tum cũng đã kiên trì đi Nhà Thờ 10 năm, nhưng chưa được nhập Đạo vì bà vợ chưa theo. Truyền thống giáo phận Kontum là ưu tiên cử hành nhập Đạo cho cả gia đình, hơn là cho từng cá nhân. Năm 1986, có 3 người được nhập Đạo. Năm 1987 thêm 72 người được nhập Đạo. Từ đó về sau năm nào cũng có người nhập Đạo, mặc cho nhưng cản trở, đe dọa bắt bớ…

Trong những năm đầu, con trực tiếp loan báo Lời Chúa cho anh chị em dự tòng. Lúc đó (1985) chúng con không có tài liệu nào khác ngoài cuốn Tân Ước Jrai mà Chúa đã cho chúng con phiên dịch năm 1971-1972, xuất bản năm 1973 với imprimatur của Đức Cha Paul Seitz, phần lớn còn để ở Nhà Dòng Sài Gòn, nên không bị mất trong biến cố năm 1975. Thường khoảng 3 giờ sáng, con ra khỏi nhà, đạp xe đạp tới nhà một người nào đó trong những làng đã gọi và hẹn con. Chúng con đọc Lời Chúa và cầu nguyện chung với nhau theo Lời Chúa đến 5 giờ sáng là chấm dứt và con ra về. Như vậy là chúng con được thực hành LECTIO DIVINA. Sứ vụ Jrai được thực hiện nhờ cầu nguyện theo Lời Chúa, chứ không phải bằng thuyết pháp.

Việc cầu nguyện của người Jrai thường diễn tiến bằng nghe Lời Chúa – cầu nguyện theo Lời Chúa – mỗi người làm chứng về ơn của Chúa – tạ ơn. Việc LÀM CHỨNG rất quan trọng, củng cố đức tin cho người làm chứng, củng cố đức tin cho người nghe, tập cho những người Jrai làm chứng ở những nơi khác, cho những người khác ngoài nhóm cầu nguyện. Cầu nguyện theo mẫu đã nghe nơi Mẹ Maria: “Xin thể hiện cho con theo Lời của Ngài – Fiat mihi secundum verbum tuum” (Lk 1, 38). Và anh chị em Jrai đã được chứng kiến nhiều việc Chúa làm.

Anh chị em Jrai cầu nguyện với nhau trong những nhóm cầu nguyện ở trong làng, trong những khóa cầu nguyện hằng tháng, hằng quý, trong giáo xứ hay liên giáo xứ. Trong những khóa cầu nguyện đó, chúng con luôn có nghi thức nhận Chúa Yêsu làm CHÚA để xin Chúa ban Thần Khí như đã thấy trong Cv 2, 32-36: 32Chúa Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, và tất cả chúng tôi là những chứng nhân về sự kiện này. 33Được đưa lên bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã lãnh nhận từ nơi Cha lời hứa của Chúa Thánh Thần và Ngài đã ban phát như anh em đã thấy và đã nghe… 36Vậy, tất cả nhà Israel phải biết chắc rằng Thiên Chúa đã đặt Đức Giêsu, Đấng mà anh em đã đóng đinh trên thập giá, vừa là Chúa vừa là Đấng Kitô.” Việc Hội Thánh tuyên xưng và đón nhận Đức Yêsu là CHÚA là cao điểm của lòng tin của Hội Thánh sau khi Chúa Yêsu Tử Nạn và Phục Sinh. Đó là kế hoạch cứu độ (economia salutis) của Thiên Chúa, như trong Ph 2, 6-11: 6Ngài, Ngài phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. 7Song Ngài đã hủy mình ra không ( kenosis: to empty ; se dépouiller ; exinanivit), là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm. 8Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên thập giá! 9Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, và ban cho Ngài Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, 10hầu trước Danh Yêsu, mọi gối đều phải quì xuống bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, 11và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: YÊSU KITÔ LÀ CHÚA, mà tôn vinh Chúa Cha. Tuyên xưng Đức Yêsu là Chúa là được cứu: 8Lời (Thiên Chúa) ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Đó là lời đức tin chúng tôi rao giảng. 9Bởi vì nếu bạn tuyên xưng nơi miệng bạn: Yêsu là Chúa! và nếu bạn tin trong lòng bạn: Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết! bạn được cứu. 10Vì tin trong lòng thì được sự công chính, và tuyên xưng nơi miệng thì được cứu (Rm 10, 8-10). Và đó là KERYGMA (première annonce ; first announce ; primus: việc công bố số một, tiên vàn mọi sự, tiên quyết). Nhưng đối với Jrai chúng con thì không phải chỉ là công bố suông, nhưng công bố luôn kèm theo tuyên xưng và đón nhận. Trong Sứ Vụ Jrai, Lectio Divina và Kerygma là xuyên suốt và liên tục. Giáo lý của chúng con là giáo lý cầu nguyện với Lời Chúa. Đối với Jrai chúng con: Học là cầu nguyện – cầu nguyện là học. Như một người anh em Jrai đã nói: Trường học của chúng tôi là trường Yêsu, Thầy của chúng tôi là Thần Khí, sách giáo khoa của chúng tôi là Kinh Thánh.

Con trực tiếp đồng hành Lectio Divina với anh chị dự tòng Jrai từ 1985 đến 1995, khi Lời Chúa đã lan (Cv 6,7) đến hơn 20 làng ở xa tới 20km-30km, con không còn đi được nữa, phải nhờ tới anh chị em giáo dân Jrai. Có những người biết đọc, biết viết, thường theo và tham dự cầu nguyện với anh chị em dự tòng. Đó là những người đã ở với con và bây giờ con có thể “sai” họ đi (Mc 3, 14). Chính những anh chị em “phục vụ Lời” (Lc 1, 2) này lo cho anh chị em dự tòng từ lúc họ xin nhập Đạo từ trong các làng, qua các giai đoạn dự tòng (từ 2 tới 3 năm). Cũng từ những anh chị em này mà nảy sinh ra những người đồng hành với các em từ khai tâm, xưng tội rước lễ lần đầu, thêm sức, hôn phối. Cho đến bây giờ vẫn thế. Và con nhận ra vai trò hàng đầu của anh chị em giáo dân, một vai trò không thể không có, và không thể thay thế. Hiện tại, anh em linh mục trẻ đã hiểu phần nào con đường Kerygma và lectio divina, và đã bắt đầu tiếp tục đào tạo anh chị em giáo dân thừa sai theo con đường đó.

II. THÁCH ĐỐ THỪA SAI

1. Con xin bước ngay qua phần thách đố. Đang nói về vai trò giáo dân. Trong sứ vụ chung của Hội Thánh, con được thấy rằng giáo dân có một vai trò không ai thay thế được. Con theo dõi thấy vai trò của giáo dân trong Hội Thánh đổi từ “người cộng tác” (collaborateur) qua là người “đồng trách nhiệm” (corresponsable). Chính con cũng không biết ứng xử với giáo dân như thế nào cho phải: “đồng trách nhiệm” là như thế nào? Lại nghe ĐTC Phanxicô nói: “Người tín hữu giáo dân không phải là tay sai của linh mục.” Con thường nghe nói: giáo dân là cánh tay nối dài của linh mục, nhưng thường là tay sai. Ngày 18/01/2018, ĐTC Phanxicô đã nói với các giám mục Chilê: “Les laïcs ne sont pas nos ouvriers (làm công?), ni nos employés (đầy tớ?).” “Thiếu ý thức mình là tôi tớ chứ không là những ông chủ, thuộc về dân tin Chúa, có thể đưa chúng ta sa ngã một trong những cơn cám dỗ gây hại cho nhiệt tình thừa sai mà chúng ta được kêu gọi thúc đẩy: đó là óc giáo sĩ trị, biếm họa về ơn gọi của chúng ta.” Chỗ khác, ĐTC nói: Người giáo dân là chủ chốt của Hội Thánh và của thế giới, và ĐTC kêu gọi hàng giáo sĩ “de servir les laïcs, et non à se servir d’eux.” Và đó là một thách đố thừa sai.

2. Thách đố vẫn tồn tại khi người giáo dân được dạy giữ Đạo chứ không được đào tạo để làm thừa sai. Và làm thừa sai và đào tạo làm thừa sai mà không biết đến Kerygma (nhận Chúa Yêsu làm Chúa để Ngài đổ Thần Khí cho, vì vắng Thần Khí, theo Kinh Thánh, thì không có gì thành (Rm 8, 3.8) ; vì mục đích của sứ vụ của Chúa Yêsu là để ban Thần Khí ; sứ vụ của Hội Thánh là tiếp tục sứ vụ của Chúa Yêsu, tương trưng nơi sứ vụ của Đức Maria khi Thiên Thần báo tin: Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống trên bà ; Đức Maria đã đon đả lên miền núi, tới nhà bà Elisabeth, và khi Mẹ vừa cất tiếng ngợi khen thì cà nhà bà Êlisabeth đều tràn đầy Thần Khi, và trở thành gia đình phục vụ Chúa… Một thứ mục vụ nghiêng về quản trị không phải là mục vụ thừa sai như yêu cầu. ĐTC Phanxicô nói: Bây giờ không có thứ môn đệ suông, mà đã là môn đệ là môn đệ thừa sai…

3. Thách đố còn tồn tại khi chúng ta không biết đến, không làm theo con đường Lectio Divina và Kerygma mà ĐTC nói trong Evangelii Gaudium số 165: “Chúng ta không được nghĩ rằng trong huấn giáo phải bỏ kerygma để chọn một cách đào tạo có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn việc loan báo ấy. Toàn thể việc đào tạo Kitô hữu trước hết cần đào sâu kerygma, là điều mỗi ngày một nhập thể hơn và không bao giờ ngừng soi sáng việc dấn thân huấn giáo, cho phép chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của bất cứ chủ đề nào được khai triển trong huấn giáo.” Điều này ĐTC lặp lại trong Amoris Laetitia, trong Christus vivit… Và ngày 20/06/2020, Vatican đã dưa ra một Hướng Dẫn cho Huấn Giáo, Đức Cha Jordy, TGM Tours, chủ tịch uỷ ban giám mục cho Huấn Giáo và thời Dự Tòng trong lời tựa đã quả quyết: La catéchèse doit être kérygmatique: Huấn giáo phải có tính Kerygma. Điều này chưa được triển khai và phổ biến tại VN. Thế thì làm sao mà có Phúc Âm hoá?

4. Thánh đố cuối cùng đối với con là VN chúng ta vẫn dùng ngôn từ theo thói quen, không dùng ngôn từ của Hội Thánh đã thay đổi từ Công Đồng Vatican 2 (1965). Hội Thánh chi có từ Evangelisatio mà ta dịch là Phúc Âm hoá, và từ Missio mà chúng con dịch là Sứ Vụ, và người làm Sứ Vụ được gọi là Missionnaire (Thừa Sai). VN thì Evangelisatio cũng là Truyền Giáo và Missio cũng là Truyền Giáo. Tháng 10 năm 2019 được gọi là mois missionnaire thì VN cứ dịch là tháng truyền giáo. Disciple missionnaire, VN cứ dịch là môn đệ truyền giáo. Trước công đồng, Hội Thánh có Thánh Bộ “pro paganda fidei” bây giờ đổi là Thánh Bộ “pro evangelisatione populorum.” VN không thay đổi gì hết. Propaganda Fidei không phải là truyền giáo mà là thông truyền Đức Tin ; mà Đức Tin mà gọi là giáo (truyền giáo) thì hạ thấp Đức Tin quá! Evangelisatio không phải là truyền giáo, và khác với truyền giáo (khác trong ý niệm, trong phương pháp…). Và missio và missionnaire không phải là truyền giáo mà là “việc được sai đi” (sứ vụ và thừa sai). Bao lâu VN chưa thay đổi ngôn từ (phản ánh quan niệm, ý niệm) thì sẽ không có Phúc Âm hoá, và cũng không có Tân Phúc Âm hoá.

Con xin Chúa ban cho chúng ta một cuộc Hiện Xuống thường xuyên, vì Sứ Vụ là Sứ Vụ của Thần Khí, khi Thần Khí hiện xuống thì Hội Thánh tiên khởi, nhỏ bé và yếu kém, đã tung cửa ra đi “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Giuse Trần Sĩ Tín, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube