Phát triển đích thực: loại bỏ bất công

ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khai mạc hội nghị về thông điệp của Đức Phaolô VI do Bộ Thúc đẩy sự Phát triển con người toàn diện tổ chức. Đức Hồng y Turkson, Đức Hồng y Müller và Đức Cha Tomasi phát biểu tại hội nghị.

20170404 Phat trienCác ‘ý định tốt’ chưa đủ. Để đảm bảo hòa bình và sự phát triển, được hiểu là “cải thiện điều kiện sống” của những người bị tổn thương vì đói khát, chiến tranh và nghèo đói, thì điều cần thiết và cấp bách là những “hành động cụ thể” được thực hiện trong tình liên đới “với tất cả những người khốn khổ”. Theo Đức Hồng y Pietro Parolin, có rất ít lựa chọn: “Chúng ta phải thay thế các luật lệ của quyền lực bằng sức mạnh của tình yêu,” ngài nói trong bài giảng tại Vương Cung Thánh Đường Vatican, dành cho những người tham gia hội nghị quốc tế về “Triển vọng cho việc phục vụ sự phát triển con người toàn diện 50 năm sau Populorum Progressio”. Populorum Progressio là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, ban hành vào năm 1967, lần đầu tiên mở rộng ở cấp độ toàn thế giới các giáo huấn xã hội của Giáo hội.

Giáo huấn về phát triển đó bây giờ được áp dụng tại Bộ Thúc đẩy sự Phát triển con người toàn diện, được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng hồi tháng Tám năm 2016, hiệp nhất bốn cơ quan của Tòa Thánh: Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Cor Unum, Di dân, Chăm sóc sức khỏe. Đây là “sự quan phòng”, ĐHY Parolin lưu ý, khi kỷ niệm 50 năm Populorum Progressio trùng với sự bắt đầu của Bộ mới do Đức Phanxicô thiết lập để chấm dứt các “hình thức gạt ra bên lề” những người đang trong tình trạng thiếu thốn và cần được trợ giúp: dân di cư, các tù nhân, những người thất nghiệp, cũng như các bệnh nhân, nạn nhân của chiến tranh và thiên tai.

Đối mặt với những tình huống khẩn cấp, Bộ phải hành động “như một cơ thể duy nhất, với các chức năng khác nhau,” ĐHY Quốc Vụ Khanh nói, lưu ý rằng không có ai là “quá nhỏ bé” đến nỗi bị bỏ sót khỏi các cam kết “làm việc cùng nhau, đoàn kết trong mối quan tâm đến nhau, để công bố ơn cứu độ ở trung tâm cũng như tại các vùng ngoại vi, hòa bình và hòa giải giữa các cá nhân và các dân tộc.” “Chúng ta không nên sợ các bàn tay của mình bị vấy bẩn khi làm việc cho hòa bình và công lý trên thế giới,” Đức Hồng y nói thêm.

Sau đó, nhắc lại những lời tiên tri do Đức Giáo hoàng Phaolo VI viết nửa thế kỷ trước, ĐHY Parolin giải thích rằng “sự phát triển không chỉ nhằm nguyên việc mở mang kinh tế. Sự phát triển đích thực là sự phát triển toàn diện, nghĩa là thăng tiến tất cả mọi người và toàn thể con người”. “Sự phát triển – ĐHY tiếp tục – là thoát ra khỏi điều kiện của một cuộc sống tồi tệ để đạt tới điều kiện sống tốt hơn. Và đâu là những điều kiện thực của cuộc sống? Thoát khỏi đói nghèo và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; loại bỏ các tệ nạn xã hội; mở rộng những chân trời tri thức; được giáo dục và sống có văn hóa.”

Nền tảng của sự phát triển, do đó, là “việc loại bỏ những bất công chống lại phẩm giá con người”, thay vì “gia tăng quyền lực chính trị và kinh tế cho những người yếu thế”, ĐHY Parolin nói. Đây là một sự thật: “Có rất nhiều cuộc tranh luận về các chiến lược để loại bỏ các điều kiện sống xúc phạm phẩm giá con người” và “đề nghị một tương lai hạnh phúc chung”, tuy nhiên, “các giải pháp được đề xuất thường mâu thuẫn với những ý định tốt, khi ngược lại, chúng ưu tiên gia tăng sức mạnh kinh tế và chính trị trên người khác.”

“Yêu thương bằng việc làm và trong sự thật – ĐHY Quốc Vụ Khanh nói – có nghĩa là thay thế tình yêu của quyền lực bằng quyền lực của tình yêu”. Một khái niệm được Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển con người toàn diện, nêu bật trong bài phát biểu của ngài: ĐHY đã nói về “sự toàn cầu hóa tình huynh đệ”, cần thiết để “thiết định sự chung sống hoà bình”. Vị Hồng y người Ghana đã kêu gọi “đức ái” và “trách nhiệm” tập thể, giúp cho tất cả mọi người đều được “sống trong những điều kiện nhân đạo hơn”. Chính trong ý nghĩa này mà ngài tiến hành công việc của mình và của những người cộng sự, được hiểu như là “một cầu nối giữa Tin Mừng và con người đương đại” với “một sự quan tâm đặc biệt đến những sáng kiến của đức ái và sự hiệp thông trên toàn thế giới”.

Bên cạnh đó, Giáo hội “không phải là một tổ chức vận động hành lang hoặc một tổ chức phi chính phủ”, như Đức Hồng y Ludwig Müller, Tổng Trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin, nhấn mạnh. “Giáo hội không tồn tại cho bản thân mình, Giáo hội là Giáo hội trong mức độ là Giáo hội sống vì người khác”, ngài giải thích, ‘đó là để cứu nhân loại, để xây dựng xã hội loài người.’ Một vai trò mà các cộng đoàn Kitô hữu phải đảm nhận, là “làm việc với tất cả mọi người thiện chí, ngay cả với những người vô thần, trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta: phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, công bằng xã hội, tình liên đới và hòa bình trong gia đình các dân tộc, cuộc chiến chống lại các lực lượng và sức mạnh hủy diệt, những kẻ thù của nhân loại”. “Chúng ta không thể hiểu Kitô giáo như một sự thích nghi theo kiểu trưởng giả sứ điệp của Chúa Kitô, giảm thiểu tình yêu đối với người thân cận thành một sự bố thí cá nhân và Giáo hội thành một NGO nhân đạo và xã hội”, ĐHY Müller cảnh báo. Và ngài kêu gọi “sự hợp tác mang tính xây dựng và không phá hủy, để hiện thực những điều kiện sống xứng hợp với con người.”

Đức Cha Silvano Tomasi, thư ký của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển con người toàn diện, đưa ra nhận xét: “Công việc của Nước Trời là tiếp cận với những người nghèo, với những người bị áp bức, để mưu cầu hòa bình, công lý và bảo vệ môi trường”. Theo nghĩa này, những lời mời gọi của Đức Giáo hoàng là vô tận, bởi vì điều Đức Giáo hoàng muốn nhắc nhở chúng ta – Đức Cha Tomasi kết luận – là “phát triển không thể chỉ bị giới hạn vào sự tăng trưởng kinh tế: nó phải thúc đẩy sự phát triển của tất cả mọi người, chung với nhau”. Không ai bị loại trừ.

Minh Tâm (theo Vatican Insider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube